Harvard chuyển khóa học tiếng Trung từ Bắc Kinh sang Đài Bắc, văn hóa Đài Loan sẽ được truyền rộng ra thế giới

Vũ Dương

Ảnh: Youtube/僑務電子報.

Đại học Harvard của Hoa Kỳ quyết định chuyển các khóa học tiếng Trung từ Bắc Kinh sang Đài Loan. Các nhà phân tích nhìn nhận rằng với một nơi có lợi thế về tự do học thuật như Đài Loan, “những câu chuyện về Đài Loan” sẽ có cơ hội truyền bá ra thế giới thông qua các sinh viên nước ngoài.

Giám đốc chương trình tiếng Trung của Đại học Harvard, Hoa Kỳ cho biết, từ năm 2022, các khóa học tiếng Trung chuyên sâu được giảng dạy trong mùa hè tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU) sẽ được đổi thành hợp tác với Đại học Đài Loan, đồng thời tên của khóa học cũng sẽ được đổi từ “Học viện Harvard Bắc Kinh” thành “Học viện Harvard Đài Bắc”.

Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh cố tình gây khó dễ và cấm tổ chức Lễ Quốc khánh Hoa Kỳ

Theo một báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, cô Jennifer Lưu, giám đốc Chương trình Đào tạo Hoa ngữ của Đại học Harvard, nói với tạp chí Harvard Crimson của Đại học Harvard rằng lý do học viện này phải chuyển đổi từ Bắc Kinh đến Đài Bắc là vì những người đồng tổ chức của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh gần đây đã cố tình gây khó khăn cho việc cung cấp phòng học và ký túc xá.

Cô cho biết, ví dụ, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh không có ý định cung cấp cho sinh viên nước ngoài ký túc xá riêng mà phân bổ họ đến hai ký túc xá với các điều kiện khác nhau, hoặc để sinh viên cùng sống trong khách sạn.

Cô Jennifer Lưu cho biết, những sinh viên tham gia “Học viện Harvard Bắc Kinh” thường sẽ tổ chức những bữa tiệc nhỏ vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7, mọi người sẽ cùng nhau ăn pizza và hát quốc ca Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh đã cấm giáo viên và sinh viên của Đại học Harvard tổ chức tụ họp với chủ đề liên quan đến ngày Quốc khánh Hoa Kỳ, và cấm họ không được phép ca hát hay ăn mừng trong ngày này.

Theo cô Jennifer Lưu, lý do khiến Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh trở nên thiếu thân thiện như vậy, nó có liên quan đến sự thay đổi thái độ của chính quyền ĐCSTQ đối với các thể chế của Mỹ. Tuy nhiên, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh đã ngay lập tức phản pháo lại thông qua tài khoản chính thức của WeChat, nhà trường cho rằng nhận xét của cô Lưu hoàn toàn không phù hợp với sự thật và nhấn mạnh rằng họ đang xác minh và thương lượng với phía Hoa Kỳ.

Liên quan đến sự kiện học thuật này, ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ cho biết, đây là một dự án trao đổi bình thường giữa các trường với nhau, và chỉ có một dự án hợp tác không thể thực hiện được, nó không phải điều gì quá to tát khiến chúng ta phải kinh ngạc và thổi phồng lên như vậy.

Bà Thái Nhã Huân, Giám đốc Khoa tiếng Trung của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nói rằng mối quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ đã ảnh hưởng đến việc giảng dạy tiếng Trung và trao đổi học thuật giữa hai nước, từ việc Hoa Kỳ liên tục đóng cửa các Viện Khổng Tử thì chúng ta có thể nhìn ra được đầu mối. Bà tin rằng việc chuyển chương trình đào tạo tiếng Trung mùa hè của Đại học Harvard từ Bắc Kinh đến Đài Bắc không phải là một trường hợp khẩn cấp đơn thuần, mà nó có thể được coi là sự kiện tiếp theo sau khi các Viện Khổng Tử bị đóng cửa.

Vào tháng 8/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt “Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ” chuyên quản lý hoạt động kinh doanh của các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ là “Văn phòng gián điệp Nước ngoài”. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo thậm chí còn gọi Viện Khổng Tử khoác vỏ là một tổ chức văn hóa và ngôn ngữ, nhưng về bản chất nó là “một công cụ được ĐCSTQ tài trợ để thiết lập ảnh hưởng toàn cầu và công việc tuyên truyền”.

Theo thống kê từ Hiệp hội Học giả Toàn nước Mỹ, vào tháng 4/2017 thì có 103 Viện Khổng Tử trên khắp Hoa Kỳ, nhưng tính đến tháng 7/2021, chỉ còn lại 41 Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ và 9 trong số đó đã được lên kế hoạch đóng cửa.

Bà Thái Nhã Huân chỉ ra rằng Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký “Sáng kiến ​​Giáo dục Đài Loan-Hoa Kỳ” vào cuối năm ngoái, nêu bật vai trò quan trọng của Đài Loan trong việc giảng dạy tiếng Hoa và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Đài Loan trong lĩnh vực này.

Bà nói rằng với sự hỗ trợ của tầng diện chiến lược quốc gia, Bộ Giáo dục Đài Loan càng sẵn sàng trợ cấp kinh phí để tạo điều kiện hợp tác giữa 10 trường đại học ở Đài Loan và 21 trường đại học ở Hoa Kỳ. Bộ Giáo dục Đài Loan cũng sẽ cung cấp cho sinh viên nước ngoài đến Đài Loan học tiếng Trung và tuyển chọn giáo viên tiếng Trung từ Đài Loan đến giảng dạy ở nước ngoài. Sự ra đời của “Học viện Harvard-Đài Bắc” là sản phẩm của kế hoạch này, trong tương lai các chương trình trao đổi đại học giữa Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ lần lượt được bổ sung thêm.

Bà Thái cho biết: “Việc thay đổi từ Học viện Harvard Bắc Kinh thành Học viện Harvard Đài Bắc chính là giống như một điểm mấu chốt vậy, chính là nói nếu các trường đại học Đài Loan hợp tác với các trường đại học Mỹ, thì dần dần chúng ta ở Đài Loan sẽ thấy nhiều sinh viên từ các trường nổi tiếng của Mỹ đến Đài Loan. Không phải chỉ với Hoa Kỳ, các trường đại học của Đài Loan cũng sẽ hợp tác với Canada và Vương quốc Anh”.

Ông Châu Tương Hoa, đồng chủ trì Văn phòng Dự án Tiếng Trung Toàn cầu của Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc và là Giám đốc Trung tâm Tiếng Trung của Đại học Đạm Giang, tiết lộ rằng khoảng 5 hoặc 6 năm trước, các lớp học tiếng Trung của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thử chuyển dời đến Đài Loan học tập, xét về tỷ lệ thì tuy không quá nhiều, nhưng điều này có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu hiểu cách phân tán rủi ro thông qua việc thay đổi địa điểm cho các khóa học.

Ông Châu nói với VOA rằng “cơn sốt Trung Quốc” bắt đầu từ mười mấy năm trước. Nhiều trường đại học ở Mỹ bắt đầu thành lập khoa Hán học hoặc xây dựng các khóa học tiếng Trung, thời điểm đó có rất nhiều sinh viên tranh nhau học, tuy nhiên kể từ khi mối quan hệ Mỹ-Trung có chiều hướng xấu đi, kéo theo tình hình tuyển sinh cũng đã không mấy khả quan nữa.

Ông chỉ ra rằng sinh viên Mỹ nói chung học tiếng Trung là bởi cân nhắc vấn đề thị trường, nhưng khi Mỹ có dấu hiệu tách khỏi Trung Quốc, hoặc thậm chí tìm cách chặn đứng  chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều đó đương nhiên sẽ làm giảm mức độ sẵn sàng học tiếng Trung của người dân.

Tuy nhiên, ông Châu chỉ ra rằng từ góc độ an ninh quốc gia, chính phủ Mỹ cần phải học tiếng Trung để hiểu rõ đối thủ của ĐCSTQ, do đó, nhu cầu về nhân tài tiếng Trung ngược lại càng lớn hơn và cấp thiết hơn. Tuy nhiên, nếu việc giao lưu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp trở ngại, thì nếu người Mỹ muốn học tiếng Trung, thì Đài Loan sẽ trở thành nơi thay thế tốt nhất.

Ông Châu Tương Hoa cho rằng, dù là ký kết “Sáng kiến ​​giáo dục Đài Loan – Hoa Kỳ” hay sự thay đổi của Học viện Harvard Bắc Kinh, thì cả hai đều là một loạt kết quả của cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chừng nào xu hướng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn không thay đổi, thì sẽ càng nhiều trường học của Mỹ phỏng theo cách làm của Harvard mà tìm kiếm sự hợp tác từ Đài Loan.

Ưu thế về tự do học thuật, Đài Loan nhiệt liệt chào đón Harvard

So với nỗ lực hạn chế của Bắc Kinh trong việc cắt đứt mối liên hệ giữa giáo dục và chính trị, Đài Loan lại mở rộng vòng tay nồng nhiệt chào đón đối với Harvard và giơ cao ngọn cờ “tự do học thuật”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan, bà  Âu Giang An nói rằng hệ thống dân chủ và tự do của Đài Loan và sự phát triển mạnh mẽ của xã hội đa nguyên sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên trẻ người Mỹ có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về Đài Loan cũng như cộng đồng người Hoa trên thế giới. Bà Âu nói rằng, chỉ trong môi trường tự do, không có sự kiểm duyệt, các sinh viên mới có thể thu được thành quả học tập tốt nhất.

Các quan chức của Đại học Quốc gia Đài Loan bày tỏ hy vọng rằng trong bầu không khí học thuật tự do của Đại học Quốc gia Đài Loan, họ sẽ đặt nền tảng tiếng Trung vững chắc cho các sinh viên của Harvard vốn là những người xuất sắc, đồng thời, thông qua các hoạt động tương tác ngoại khóa với sinh viên Đài Loan, cũng sẽ nâng cao tầm nhìn quốc tế cho sinh viên Đài Loan.

Bà Margaret Lewis, giáo sư Trường Luật thuộc Đại học Seton Hall, Hoa Kỳ, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng trong khi việc duy trì “tự do học thuật” ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, nó đã làm nổi bật những lợi thế lớn của Đài Loan. Bà dự đoán rằng nếu thái độ chính thức của ĐCSTQ không thay đổi, xu hướng chuyển các khóa học tiếng Trung sang Đài Bắc vẫn sẽ tiếp tục, và Đại học Harvard sẽ không phải là ngôi trường cuối cùng đưa ra quyết định này.

Bà Lewis từng sống ở Trung Quốc 4 năm trong những năm 1990, hiện bà là một học giả thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan. Bà nói: “Chính vì tôi đã sống ở cả hai nơi nên tôi nhận ra Đài Loan và Trung Quốc khác nhau như thế nào. Là một người theo dõi nhân quyền, tôi biết ơn vì Đài Loan có các quyền công dân và chính trị mạnh mẽ, ở Đài Loan chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cuộc biểu tình. Tự do là một giá trị mà tôi rất trân trọng. Thật không may, người dân Trung Quốc ngày này lại không thể tận hưởng được nó”.

Bà Thái Nhã Huân, Giám đốc Khoa tiếng Trung của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho biết, Đài Loan là một xã hội tự do và rất dễ dàng có được tất cả các loại thông tin, tuy chỉ là khóa học ngoại ngữ trong thời gian ngắn, nhưng một khi các sinh viên nước ngoài đến Đài Loan, họ sẽ dần cảm nhận được lối tư duy của người dân Đài Loan, và bà tin rằng với tư cách là một nhà giáo dục, chỉ cần có thể bảo vệ mảnh đất tự do màu mỡ này, những gốc rễ đã bị đốn hạ hôm nay sẽ phát triển mạnh mẽ vào một ngày không xa, mang lại những thành quả không ngờ cho Đài Loan .

Bà Thái nói: “Nếu có nhiều trường đại học hơn ở Đài Loan thực hiện loại hình kết nối này, có thể là chỉ trong 5 năm hoặc 10 năm tới, nó sẽ có sự đổi khác, bởi vì những người Mỹ từng đến Đài Loan học tập này mai sau có thể trở thành một thành viên của Nghị viện hoặc lãnh đạo của doanh nghiệp”.

Ông Châu Tương Hoa, giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Hoa ngữ của Đại học Đạm Giang, tin rằng lợi thế của Đài Loan nằm ở quyền tự do tư tưởng, dân chủ và các giá trị đa nguyên khác, chính điều này đã tạo nên những chương nhạc cuộc sống của nơi đây. Đây chính là “Những câu chuyện về Đài Loan”. Ông cho rằng phía nhà chức trách không cần thiết phải nghĩ đủ cách đặt ra mục tiêu, cũng không cần phải quá gắng sức tô vẽ cho bộ mặt của mình, chỉ cần sinh viên nước ngoài nguyện ý đến Đài Loan sinh sống, họ sẽ tự nhiên có ấn tượng tốt về Đài Loan.

Related posts