Vấn đề người kế nhiệm – người nắm quyền lực tối cao là vấn đề lớn nhất ở bất kỳ chế độ độc tài nào. Đại hội 20 diễn ra vào năm sau 2022 đang đến gần, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu ông Tập chỉ định người kế nhiệm.
Nếu bây ông Tập chỉ định cũng không kịp, bởi vì không đủ thời gian giúp người kế nhiệm phát triển đội ngũ. Ông Tập cũng không thể giống như Bắc Hàn theo chế độ ‘cha truyền con nối’ vì ông không có con trai. Vậy thì cuộc khủng hoảng người kế nhiệm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ĐCSTQ?
Dưới nhãn quang là một nhà sử học, đồng thời cũng là chuyên gia có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 24/10 đã nhìn nhận việc ông Tập không chỉ định người kế nhiệm gieo mầm ‘nguy cơ vong đảng’.
Từ những câu chuyện chọn người kế vị trong lịch sử, đối chiếu với hoàn cảnh hiện tại, Giáo sư Chương đã làm rõ luận điểm ở trên như sau.
Không chỉ định người kế nhiệm: người có dã tâm sẽ bồi dưỡng đội ngũ riêng
Trong lịch sử Trung Quốc, sau khi Hoàng đế băng hà, những cuộc chính biến cung đình xảy ra không ngớt. Thời Ngũ đại thập quốc bắt đầu vào cuối triều Đường, rất nhiều cuộc chính biến cung đình đã khiến triều đại sụp đổ. Từ đó Giáo sư Chương nhìn nhận, nếu Tập Cận Bình tái đắc cử ở Đại hội 20, giữ chức lãnh đạo suốt đời, ông Tập chính là đang gióng lên tiếng sấm lớn báo hiệu ĐCSTQ diệt vong.
Giáo sư Chương giải thích, nếu không chỉ định minh xác người kế nhiệm, điều này sẽ khiến một số người có dã tâm cho rằng họ đủ tư cách bắt đầu bồi dưỡng vây cánh của mình nhằm tranh đoạt quyền lực tối cao. Ngay cả khi chỉ định người kế nhiệm, thì cũng có một số người cũng muốn tranh đoạt quyền lực.
Năm xưa, một quân chủ Thánh nhân như vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã chỉ định Thái tử Lý Thừa Càn làm người kế vị, nhưng còn có Nguỵ vương Lý Thái cũng muốn tranh hoàng vị với Lý Thừa Càn. Ngay cả khi đã chỉ định người kế vị mà còn tranh giành như thế, huống chi là việc không chỉ định còn khiến cho một số người có dã tâm muốn tranh giành quyền lực. Ví như Hoàng đế Khang Hy không chỉ định người kế vị, khiến một số người như Tứ a ca, Thập tứ a ca tranh giành hoàng vị.
Do đó nếu không chỉ định người kế nhiệm, nhất định sẽ có một nhóm người bồi dưỡng vây cánh của họ, cuối cùng chờ đến thời khắc nào đó sẽ tiến hành chính biến (đảo chính).
Hoàng đế chỉ định thái tử (người thân) làm người kế vị
Theo lý thông thường, nếu lãnh đạo muốn chỉ định người kế nhiệm, thì người ấy phải làm giúp người kế nhiệm bồi dưỡng đội ngũ nòng cốt cho riêng mình. Đây là biện pháp tốt để chuyển giao quyền một cách êm thuận.
Nhưng vấn đề ở đây là chỉ định ai làm người kế vị. Hoàng đế không yên tâm đối với người ngoài, nhỡ khi người được bồi dưỡng đủ lông đủ cánh, họ đột nhiên phát động chính biến thì sao. Do đó Hoàng đế không thể chỉ định người ngoài.
Thời Hán Vũ Đế, ông thực hành chế độ khảo sát khoa cử, gồm cả bồi dưỡng nhân tài ở Thái học sau đó làm quan ở chính phủ, chế độ chiêu nạp nhân tài v.v. Khi đó, Hán Vũ Đế đem tất cả các chức quan trong triều đình, trừ chức vị Hoàng đế, mở rộng đến toàn xã hội. Ví như Thừa tướng Công Tôn Hoằng là phường áo vải bình dân, được phong làm Bình Tân Hầu, chính là một người phổ thông cũng có thể lên làm Thừa tướng – dưới một người trên vạn người. Nhưng Hán Vũ Đế không đưa hoàng vị ra để mọi người cạnh tranh.
Nếu Hoàng đế chỉ định người kế vị đương nhiên tin tưởng con trai mình nhất, ông sẽ chỉ định thái tử làm người kế vị. Thông thường sự ước thúc đối với thái tử là đạo hiếu, thêm vào đó là sự giám sát của Hoàng đế.
Trong lịch sử, ngay cả trong tình huống chỉ định thái tử làm người kế vị, nhưng xuất hiện việc thái tử tạo phản cũng rất nhiều, chính là con sát hại cha để đoạt vị. Giống như thời ‘An Sử chi loạn’, An Khánh Tự giết cha mình là An Lộc Sơn, Sử Triêu Nghĩa giết cha là Sử Tư Minh (nhà Đại Yên), Tuỳ Văn Đế Dương Kiên cũng chết dưới tay con trai mình là Dương Quảng v.v.
Do đó trên thực tế, thái tử cũng không thể chắc chắn hoàn toàn để dựa vào, nhưng nhìn một cách tương đối thì thái tử vẫn đáng tin hơn người ngoài. Đây là trong hoàng triều truyền thống, Hoàng đế chỉ định người kế vị là có quan hệ thân thích.
Vấn đề lớn nhất nếu ông Tập làm lãnh đạo suốt đời: vấn đề người kế nhiệm
Giáo sư Chương nhận định, nếu Tập Cận Bình muốn làm lãnh đạo suốt đời, ông phải đối mặt với vấn đề lớn nhất chính là vấn đề người kế nhiệm. Ông Tập không có con trai, ông không thể giống mô hình kế thừa như ở Bắc Hàn, Kim Nhật Thành giao quyền cho Kim Chính Nhật, Kim Chính Nhật giao quyền cho Kim Chính Ân (Kim Jong Un).
Bởi vì mô hình kế thừa như vậy cần thời gian dài để bồi dưỡng người kế nhiệm, bồi dưỡng năng lực chấp chính; làm quen với mô hình quốc gia, phương thức vận hành của cơ cấu chính phủ; trau dồi cách làm thế nào khống chế quyền lực; nhận ra ai trung thành, ai nịnh hót, ai có dã tâm thầm kín v.v. Loại bồi dưỡng người kế nhiệm này tương đối khó khăn.
Ngoài việc bồi dưỡng ra, còn phải rất nhiều công tác tuyên truyền và tổ chức như giới thiệu đây là người kế nhiệm, mọi người có thể tiếp cận và dựa dẫm người ấy. Nhưng Tập Cận Bình không có con trai, ông ấy lại không để con gái của mình tiếp quản. Nếu ông muốn để con gái làm người kế nhiệm, ông phải bồi dưỡng cô ấy, sau đó làm những công tác tuyên truyền hay tổ chức v.v. Từ những điều trên thấy được rằng ông Tập đã không chỉ định người kế nhiệm.
Giáo sư Chương đánh giá, nếu ông Tập làm lãnh đạo suốt đời và không chỉ định người kế nhiệm, thì quyền lực tối cao sẽ thành ‘chân không’ sau khi ông không còn, cho nên điều này nhất định sẽ kích động chính biến cung đình. Những phái trong đảng như Đoàn phái, Giang phái, Chi Giang tân quân, người trong quân đội, người trong hệ thống chính trị pháp luật… rất nhiều người trong chính phủ có thể sẽ xông vào để tranh đoạt quyền lực tối cao đó.
3 khả năng nếu ông Tập chỉ định người kế nhiệm
Nếu ông Tập không chỉ định người kế nhiệm sẽ đối mặt nguy cơ chính biến cung đình. Nếu ông Tập chỉ định người kế nhiệm thì sẽ xảy ra 3 khả năng nữa, Giáo sư Chương nhìn nhận.
Khả năng thứ nhất là chỉ định người kế nhiệm sau đó phế trừ. Sau khi chỉ định người kế nhiệm, sẽ có một nhóm tiếp cận dựa dẫm người kế nhiệm này, bởi vì họ biết đây là người có quyền lực tối cao trong tương lai. Mà những người tập hợp lại khẳng định sẽ là uy hiếp đối với lãnh đạo đương nhiệm. Do đó sau khi Tập Cận Bình chỉ định người kế nhiệm, khả năng cao là sau khi chỉ định ông sẽ nhanh chóng phế trừ.
Khả năng thứ hai là nếu người được chỉ định là người rất lợi hại, rất mạnh mẽ, Tập Cận Bình nhất định sẽ không yên tâm bởi điều ấy sẽ là uy hiếp đối với ông Tập.
Khả năng thứ ba, nếu Tập Cận Bình chỉ định người kế nhiệm không mạnh mẽ, ông ấy sẽ yên tâm nhưng người kế nhiệm sẽ không khống chế được cục diện. Giống như Hoa Quốc Phong không khống chế được tình hình, sau đó bị Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình xông vào tranh đoạt quyền lực khiến Hoa Quốc Phong phải hạ đài.
Từ những khả năng đã phân tích ở trên, Giáo sư Chương nhận định, vấn đề người kế nhiệm là một vấn đề vô cùng quan trọng ở những quốc gia như Trung Quốc. Vốn dĩ Đặng Tiểu Bình đã nghĩ xong vấn đề người kế nhiệm với tên gọi ‘cách đại tiếp ban’ – chỉ định người kế nhiệm qua các thời kỳ.
Ví như khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ông ta không dám làm bừa, bởi vì người kế nhiệm tiếp theo tức Hồ Cẩm Đào đã được chọn rồi. Dù Giang Trạch Dân không thích Hồ Cẩm Đào cũng không thể đổi người. Hồ Cẩm Đào có 10 năm được bồi dưỡng để làm người kế nhiệm, còn ông Tập có 5 năm.
Đặng Tiểu Bình nghĩ rằng mình đã giải quyết được vấn đề người kế nhiệm, nhưng trên thực tế nếu người kế nhiệm mạnh mẽ thì sẽ uy hiếp đến người lãnh đạo tiền nhiệm, còn nếu là người mềm yếu thì không khống chế được cục diện.
Tựu trung lại, Giáo sư Chương cho rằng nếu ông Tập làm lãnh đạo suốt đời sau Đại hội 20 chính là phá vỡ chế độ kế thừa quyền lực, từ đó kích động một cuộc chính biến cung đình vô cùng kịch liệt có thể khiến ĐCSTQ diệt vong.