Emel Akan
Các công ty đầu tư lớn đang ngày càng tập trung vào đầu tư bền vững có tính đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Nhưng theo một nhà phân tích, trong khi họ tìm cách sở hữu cổ phần của các công ty thân thiện với môi trường, nhiều người vẫn tiếp tục coi thường rủi ro nhân quyền đã che đậy trong danh mục đầu tư của họ.
Bà Allison Gill, giám đốc về lao động cưỡng bức tại Diễn đàn Quyền lao động Quốc tế Công lý Lao động, một tổ chức nhân quyền ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết “rủi ro nghiêm trọng” là các công ty Hoa Kỳ trong các lĩnh vực đang hưởng lợi từ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc, một hội nghị thường niên do Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tổ chức hôm 27/10, ông Gill chỉ ra ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và ngành dệt may là ngành có nguy cơ có người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trong các chuỗi cung ứng của họ.
Bà cho biết, có một “sự căng thẳng khôn lường” trong thế giới đầu tư, giữa tính bền vững về môi trường và tính bền vững về xã hội, bao gồm cả quyền con người và quyền lao động.
Bà nói rằng, “Điều đó có lẽ là rõ ràng nhất thông qua những vấn đề mà chúng tôi thấy trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, nơi quý vị đầu tư rất nhiều, bao gồm cả khoản đầu tư của ngân hàng phát triển đa quốc gia của Hoa Kỳ, chảy vào các giải pháp năng lượng xanh, như tấm pin mặt trời, nhưng quý vị có chuỗi cung ứng này với những dấu vết nặng nề của các hàng hóa do lao động cưỡng bức tạo ra.”
Một cuộc điều tra của Đại học Sheffield Hallam cho thấy khoảng 45% nguồn cung cấp polysilicon, một thành phần quan trọng của các tấm pin mặt trời trên thế giới, đến từ Tân Cương, một khu vực mà chế độ Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, trong một chiến dịch đàn áp rộng lớn bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Bà Gill cho biết thêm, 30% nguồn cung toàn cầu cũng đến từ các khu vực khác của Trung Quốc, nơi cũng có nguy cơ diễn ra lao động cưỡng bức nghiêm trọng.
Bà nói: “Vì vậy, điều đó khiến toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời gặp rủi ro.”
Bà nói rằng, để giảm mức độ tiếp xúc với lao động cưỡng bức của Trung Quốc, các nhà đầu tư và ngân hàng phát triển đa quốc gia phải “hài hòa các yêu cầu ESG của họ.”
Chuỗi cung ứng sản xuất trong lĩnh vực dệt may đã là trung tâm của sự chú ý trong một thời gian do những lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, và buôn bán người. Trung Quốc là quốc gia sản xuất bông lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Hoa Kỳ. Khu vực Tân Cương của Trung Quốc sản xuất gần 85% nguồn cung bông của Trung Quốc và 20% của thế giới.
Một báo cáo được công bố vào tháng 12/2020 bởi Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản cho thấy ít nhất 570,000 người Duy Ngô Nhĩ năm 2018 đã bị buộc phải hái bông bằng tay thông qua chương trình đào tạo và chuyển giao lao động cưỡng bức của chế độ Trung Quốc.
Trước những bằng chứng về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Hoa Thịnh Đốn năm ngoái đã chặn nhập cảng tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực này và các sản phẩm làm từ silica của một công ty có trụ sở tại Tân Cương vào đầu năm nay.
Theo ông Michael Sobolik, thành viên Nghiên cứu Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn: Lao động nô lệ ở Tân Cương là một phần của “dự án thuộc địa” của Trung Cộng.
Phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc, ông cho biết việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương là trọng tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Cộng, đồng thời nói thêm rằng đó là lý do lớn nhất khiến nhiều chính phủ sẵn sàng im lặng về vấn đề nhân quyền này.
Kể từ năm 2013, Trung Cộng đã biến BRI trở thành trung tâm trong kế hoạch tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình bằng cách rót hàng tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới.
BRI bao gồm gần 140 quốc gia, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu và 63% dân số thế giới, theo Hội đồng Quan hệ Ngoại giao có trụ sở tại New York.
Quản trị toàn cầu
Các diễn giả tại diễn đàn này cho biết Trung Quốc cũng đang tiến hành một chiến dịch giành ảnh hưởng toàn cầu bằng cách giành quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng.
Ví dụ, năm ngoái, Bắc Kinh đã tìm cách giữ vị trí lãnh đạo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, một cơ quan của Liên hợp quốc thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thông qua các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ, các nước thành viên đã chấp thuận ứng cử viên được Hoa Kỳ ủng hộ, ông Daren Tang của Singapore, đã vượt trên ứng cử viên được đề cử của Trung Quốc, bà Wang Binying.
Ông Andrew Bremberg, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản, cho rằng cần phải có một “áp lực và nỗ lực ngoại giao quốc tế được phối hợp, phối hợp chặt chẽ” hơn để thúc đẩy Trung Quốc thay đổi hành vi của mình trên trường thế giới.
Ông nói tại Diễn đàn Trung Quốc rằng, đó là “điều rất tích cực” khi chính phủ của Tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia với các tổ chức quốc tế và có cách tiếp cận đa phương đối với các vấn đề toàn cầu.
Nhưng Hoa Thịnh Đốn cần phải làm nhiều hơn nữa, ông lưu ý, để đoàn kết các đồng minh chống lại Trung Quốc.
Ông nhận định: “Họ cần phải có sự mạnh mẽ về chính trị của mình, để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “vi phạm nhân quyền, cho dù đó là ở Hồng Kông hay Tân Cương, hay với Pháp Luân Công, hay mổ cướp tạng.”
Ông Miles Yu, một học giả gốc Hoa, người đã giúp định hình chính sách Trung Quốc của chính phủ của ông Trump, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tham vọng toàn cầu của Trung Cộng, bao gồm xuất cảng “mô hình quản trị” của mình sang các quốc gia và tổ chức quốc tế khác.
Phát biểu tại hội nghị, ông ca ngợi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của chính phủ của Tổng thống Trump, gọi đó là “một thành tựu đáng kể.”
Ông nói: “Chúng tôi đã thay đổi cuộc đối thoại toàn cầu về Trung Quốc và đặt mối đe dọa từ Trung Quốc trên một nền tảng thực tế. Đó là một vấn đề rất lớn.”
Chính phủ của Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng trong khi Hoa Kỳ đang ở trong một “cuộc cạnh tranh gay gắt” với Trung Quốc, họ tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo ông Yu, “rất khó” để hợp tác với Trung Quốc.
Ông Yu nói với The Epoch Times rằng, “Thực sự sâu bên trong, Trung Quốc không quan tâm nhiều đến các vấn đề như biến đổi khí hậu như chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ.”
Ông cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng biến đổi khí hậu làm “đòn bẩy” để đạt được những nhượng bộ của Hoa Kỳ về nhân quyền, lao động cưỡng bức, thuế quan, gián điệp, và các vấn đề quan trọng khác.
Ông nói: “Vì vậy, tôi không nghĩ biến đổi khí hậu là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Họ tập trung vào sự thúc cấp tiến này nhằm đạt được sức mạnh kinh tế bằng bất cứ giá nào, ngay cả với cái giá phải trả của hệ sinh thái toàn cầu.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Lưu Đức biên dịch