COP26: Hậu trường không mấy “xanh” và thân thiện của hội nghị Glasgow

Trọng Nghĩa

Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP26 tại Glasgow (Anh) khai mạc ngày 01/11/2021. © REUTERS/Yves Herman

Trong hai tuần lễ từ 31/10 đến 12/11/2021, hơn một trăm lãnh đạo quốc gia cùng với hàng ngàn đại diện các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo tập trung về thành phố Glasgow, xứ Scotland thuộc Vương Quốc Anh trong khuôn khổ hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP26. Mục tiêu đề ra của hội nghị: Làm thế nào để đối phó được với sự biến đổi khí hậu và bảo vệ được môi trường sống của con người.

Thế nhưng, để sự kiện tối quan trọng với mục tiêu rất cao cả đó có thể diễn ra được, các phương tiện hậu cần khổng lồ và phức tạp đã được huy động, với hệ quả rất nhiều khi trái ngược hẳn với những gì mà hội nghị muốn đạt được

Theo tờ báo mạng Mỹ The Huffpost ngày 30/10/2021 vừa qua, bên lề hội nghị COP26, nhiều tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường đã không ngần ngại tố cáo điều mà họ coi là thái độ “đạo đức giả” của một số người tham gia hội nghị và nêu bật những hoạt động gây tổn hại đến khí hậu, môi trường phát sinh từ công việc chuẩn bị hội nghị.

Lạm dụng phi cơ, phương tiên vận chuyển gây ô nhiễm nặng nề nhất

Yếu tố đầu tiên bị nêu bật là việc lạm dụng đường hàng không để di chuyển vì lẽ máy bay được cho là phương tiện vận chuyển con người gây ô nhiễm nhiều nhất hiện nay. Dĩ nhiên, để đưa hàng chục nghìn người từ gần 200 quốc gia trên thế giới đến Scotland, không thể không dùng đến máy bay, nhưng phương tiện này sẽ thải ra không biết bao khí gây tổn hại cho khí hậu.

Trước ngày hội nghị COP26 mở ra, một số hiệp hội như tổ chức Liên Đoàn Thanh Niên Xanh Châu Âu (Young European Greens) đã kêu gọi những người tham gia hội nghị sử dụng xe lửa, nhất là đối với những ai ở gần Scotland, chẳng hạn như thủ tướng Anh Boris Johnson vốn chỉ mất vài tiếng đồng hồ xe lửa để đi từ Luân Đôn đến Glasgow.

Vào năm 2019, cô bé Greta Thunberg đã nêu gương khi vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm để đi từ Thụy Điển qua New York, chứ không dùng đường hàng không.

Dùng chuyên cơ thay vì đường hàng không dân dụng

Điều bị giới bảo vệ môi trường tố cáo nhiều nhất là việc rất nhiều lãnh đạo thế giới thay vì dùng các tuyến hàng không dân dụng để đến Anh Quốc, lại sử dụng phi cơ riêng được cho là gây ô nhiễm nhiều hơn gấp 10 lần.

Phong trào bảo vệ môi trường Extinction Rebellion, trụ sở tại Anh Quốc đã dọa là sẽ huy động thành viên phong tỏa một số sân bay được các lãnh đạo này sử dụng. Trong một thông cáo, tổ chức phi chính phủ này tố cáo: “Những chuyến bay tư nhân này, dù chỉ phục vụ 1% dân số thế giới, đã thải ra một nửa lượng khí gây ô nhiễm của toàn ngành hàng không”.

Tệ hại hơn nữa, báo chí trong những ngày qua đã cho biết là vì dịch bệnh Covid-19, những người đến dự COP26 từ các nước nằm trong “danh sách đỏ” của chính quyền Anh, sẽ phải đến bằng máy bay, và đáp xuống một số sân bay nhất định để được cách ly trong 10 ngày.

Biện pháp này đã khiến các tổ chức phi chính phủ hết sức phẫn nộ. Daniel Willis thuộc hiệp hội Global Justice Now tố cáo: “Những người bảo vệ khí hậu và các nhà hoạt động đến từ những khu vực chịu tác hại của biến đổi khí hậu đã phải đối mặt với các thủ tục vô tận liên quan đến visa và tiêm chủng, một số thậm chí phải hủy bỏ chuyến đi, trong khi mà những người có đủ khả năng dùng phi cơ tư nhân thì được chính phủ Anh ưu đãi”.

Giá khách sạn tại Glasgow tăng vọt

Điểm thứ hai bị tố cáo liên quan đến vấn đề chỗ ở cho khoảng 30.000 khách đến dự hội nghị COP26. Tình trạng khan hiếm khách sạn tại Glasgow nặng nề đến mức chính quyền phải đưa du thuyền khổng lồ đến nơi để làm chỗ tạm trú, mà du thuyền cũng thuộc loại gây ô nhiễm bậc nhất.

Trên vấn đề chỗ ở cho khách đến dự COP26, nhật báo Anh Financial Times ngày 17/10 vừa qua đã ghi nhận hiện tượng giới cho thuê nhà ở Glasgow cho giá tiền thuê tăng vọt nhân hai tuần hội nghị: Giá thông thường của một phòng khách sạn khoảng một nghìn euro trong hai tuần đã bị tăng lên gấp 17 lần! Theo hãng truyền thông Anh Quốc BBC, có những căn hộ được chào giá 42.000 euro trong hai tuần, còn có phòng khách sạn, bình thường giá 42 bảng Anh một đêm, đã tăng lên thành 1.400 bảng mỗi đêm trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.

Phải dùng đến các phương tiện chạy bằng diesel

Để bù đắp cho việc thiếu chỗ ở, các nhà tổ chức đã nghĩ đến giải pháp đưa hai tàu du lịch có sức chứa tổng cộng 6.000 người đển nơi. Vấn đề là tàu du lịch cũng là một trong những phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Sử dụng động cơ diesel, những con tàu này được cho là gây ô nhiễm hơn hàng trăm nghìn chiếc xe

Một điều vô lý khác được Andrew Montford, thuộc mạng lưới phi chính phủ Net Zero Watch, ghi nhận: Một chủ khách sạn đã quyết định cung cấp cho khách của mình loại xe chạy bằng điện Tesla để đi từ chỗ ở của họ đến trung tâm hội nghị. Có điều là vì không có sẵn điện để nạp cho các chiếc xe, chủ khách sạn này đã dùng đến máy phát điện chạy bằng động cơ diesel.

Theo nhiều nhà quan sát và bảo vệ môi trường, tình trạng trên đây đã mặc nhiên tác động đến những quốc gia nghèo, không đủ khả năng để đến dự một hội nghị tối quan trọng cho số phận của họ.

Các nước nghèo mặc nhiên bị “loại” khỏi COP26

Trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 11/10, Tanguy Gahouma-Bekale, đại diện của Gabon và thành viên nhóm đàm phán của lục địa Phi đã lo ngại rằng có thể có ít ra là một nửa số đại biểu châu Phi không thể đi dự COP26.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên của xã hội dân sự từ châu Phi đã phải từ bỏ ý định tham gia COP26 họ không thể tiêm chủng đúng hạn, hoặc thậm chí không xin được thị thực.

Ngoài việc không cử được người đến Glasgow, các nước nghèo còn phải đối phó với nguy cơ không thể nói lên tiêng nói của mình tại Hội Nghị.

Viện cớ đại dịch và Brexit, các nhà tổ chức đã tăng giá thuê gian hàng tại COP26 lên mức 30% so với COP25 ở Madrid, những không gian nơi mà các quốc gia có thể tổ chức các cuộc thảo luận, thuyết trình và hội thảo.

Theo nhật báo Anh The Guardian, ngay cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng lên án chi phí “quá mức” của những gian hàng, đã khiến cho ngân sách của họ dành cho sự kiện tại Glasgow tăng gấp đôi.

Nạn nhân của tình trạng này, một lần nữa, lại là các quốc gia đang phát triển và các hiệp hội hoặc tổ chức phi chính phủ.

COP26: Các lãnh đạo thế giới cam kết chống phá rừng

Thanh Phương

Cảnh rừng tại vùng Melgaço au Brazil bị phá hủy. Ảnh chụp ngày 30/07/2020. AFP Photo/Tarso Sarraf

Hôm 02/11/2021, ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, các lãnh đạo thế giới cam kết chặn đứng nạn phá rừng từ đây đến năm 2030, nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường đánh giá thời điểm cam kết là “quá xa”.

Theo chính phủ của Anh Quốc, nước chủ nhà của hội nghị COP26, tuyên bố chung này sẽ được hơn 100 quốc gia chiếm 85% diện tích rừng của thế giới thông qua. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, sáng kiến này, sẽ huy động 19,2 tỷ đôla đầu tư công và đầu tư tư nhân, là một hành động mang tính « thiết yếu » để thế giới đạt được mục tiêu kềm chế mức tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu ở 1,5°C.

Ông Johnson nhắc lại những khu rừng giống như là các lá phổi của hành tinh chúng ta, hấp thụ một phần quan trọng lượng khí carbon thải ra khí quyển, thậm chí rất thiết yếu cho sự tồn tại của nhân loại, thế mà diện tích rừng trên thế giới đang bị giảm đi với “nhịp độ đáng báo động”, tức là cứ mỗi phút lại mất đi một diện tích tương đương với 27 sân bóng đá.

Theo hãng tin AFP, trong số các quốc gia ký kết, có Brazil và Nga, hai nước vẫn bị chỉ trích đang đẩy nhanh việc phá rừng trên lãnh thổ của họ, cũng như có các nước lớn khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc và Pháp. Tuy nhiên, đối với nhiều tổ chức phi chính phủ như Greenpeace, mục tiêu 2030 là “quá xa”, và như vậy chẳng khác gì cho phép phá rừng thêm một thập niên nữa.

Cam kết về chống phá rừng được đưa ra sau khi hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy “cứu lấy nhân loại”, và theo ông, chúng ta « đang tự đào mồ chôn mình ».

Hôm qua, tại hội nghị COP26, ngoài việc chống phá rừng, chính phủ Brazil đã thông báo cam kết đạt trung hòa carbon từ đây đến năm 2050. Còn thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì loan báo nước ông sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2070. Thông báo này rất được chờ đợi, vì Ấn Độ là quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Còn theo hãng tin Reuters, gần 90 quốc gia đã tham gia một sáng kiến do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu khởi xướng nhằm giảm 30% lượng khí phát thải methane từ đây đến năm 2030.

Nghiên cứu Mỹ: Cháy rừng ở miền tây Hoa Kỳ chủ yếu do biến đổi khí hậu

Thanh Phương

Cảnh hoang tàn gần Refugio Road is seen sau trận hỏa hoạn Alisal Fire tại hạt Santa Barbara (California, Hoa Kỳ) ngày 13/10/2021. via REUTERS – MIKE ELIASON/SBCo FD

Biến đổi khí hậu đã trở thành nguyên nhân hàng đầu của các vụ cháy rừng vẫn thường xuyên tàn phá miền tây Hoa Kỳ và nguyên nhân đa phần là do các hoạt động của con người. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu được công bố hôm qua, 01/11/2021, trên tạp chí của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ, đúng vào lúc thượng đỉnh khí hậu COP26 mở ra tại Glasgow, Scotland.

Tại miền tây Hoa Kỳ, diện tích rừng bị cháy trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2018 là trung bình 13.500 km2/năm, nhiều gấp đôi so với thời kỳ 1984-2000.

Theo hãng tin AFP, để tìm hiểu vì sao nạn cháy rừng tăng nhanh như vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu của Mỹ, dưới sự chỉ đạo của nhà khí hậu học Rong Fu, đại học California UCLA, đã phân tích những yếu tố gây nên tình trạng thiếu hụt áp suất hóa hơi (viết tắt theo tiếng Anh là VPD), khiến cho không khí khô hạn.

VPD là sự cách biệt giữa áp suất hơi nước thực tế và áp suất hơi nước bão hòa ở một nhiệt độ cụ thể. Sự cách biệt này càng lớn thì không khí càng hút hơi nước từ đất và từ cây cối, tạo điều kiện càng dễ dàng cho các vụ cháy rừng.  

Theo tính toán của nhà khí hậu học Rong Fu và các đồng nghiệp của bà, những yếu tố “tự nhiên” chỉ đóng góp trung bình 32% cho tình trạng thiếu hụt suất hóa hơi trong không khí, 68% còn lại là do tác động của biến đổi khí hậu, mà phần lớn là do các hoạt động của con người gây ra.  

Công trình nghiên cứu kết luận, trong tháng 8/2020, khi bang California gặp nạn cháy rừng trầm trọng nhất từ trước đến nay, thiêu rụi đến gần 4.200 km2 rừng, biến đổi khí hậu là tác nhân của gần phân nửa tình trạng thiếu hụt áp suất hóa hơi nước một cách bất thường.

COP26: Dự án “ Vạn lý trường thành xanh” ở châu Phi

Thanh Phương

Khu rừng được bảo vệ Arboretum Raponda Walker tại Gabon, châu Phi, ngày 11/10/2021. REUTERS – CHRISTOPHE VAN DER PERRE

Hôm 01/11/2021, nhân hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, một cuộc họp do tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, có sự tham dự của hoàng tử Anh Quốc Charles và nhiều lãnh đạo châu Phi, cũng như lãnh đạo tập đoàn Amazon, đã bàn về sáng kiến mang tên “Vạn lý trường thành xanh”, tức là dự án trồng lại rừng trên một dải đất mênh mông băng ngang qua 11 nước châu Phi từ đông sang tây, nhằm ngăn chận đà tiến của sa mạc ở vùng Sahel và vùng Sahara.

Từ Glasgow, đặc phái viên Anthony Lattier tường trình:

Đối với nhiều người, “Vạn lý trường thành xanh” là chuyện không tưởng, nhưng thái tử Charles không nghĩ như thế. Ông khẳng định, dự án này là một phương tiện mang tính chất quyết định để khôi phục các vùng đất, các khu rừng, và tính đa dạng sinh thái, đồng thời chống lại những tác động về mặt xã hội, kinh tế và môi trường của tình trạng suy thoái đất và sa mạc hóa.”

Trưởng nam của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã thuyết phục được người giàu nhất thế giới tham gia cuộc chiến này. Nhà sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos đã đích thân đến Glasgow. Ông tuyên bố: “ Tổ chức Bezos vì Trái đất dự trù sẽ tham gia lâu dài vào việc khôi phục các vùng đất ở châu Phi. Người dân châu Phi có thể dựa vào chúng tôi trong cuộc chiến này.” Ông Bezos thông báo sẽ tháo khoán 1 tỷ đôla cho dự án.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh cam kết đó và lấy làm vui mừng là sáng kiến được khởi động lại vào tháng Giêng năm nay cuối cùng đã mang lại kết quả. Ông Macron nói: “Trong 10 tháng chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể: 48% số tiền 19 tỷ đôla cho dự án đã được tháo khoán. Chúng ta phải làm sao duy trì sự năng động này”.

Nhưng hiện giờ, các nguồn tài chính đến chưa được nhanh và vẫn chưa đủ, theo đánh giá của tổng thống Mauritania Mohamed Ould Ghazouani. Ông cho rằng cần phải có thêm tiền để tương xứng với tham vọng của dự án.

COP26: Ấn Độ cam kết cắt giảm 45% khí thải trước năm 2030

Trọng Thành

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại COP26, Glasgow, Scotland, Anh quốc, ngày 01/11/2021. REUTERS – POOL

Cam kết khí hậu của Ấn Độ, quốc gia phát thải thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ, rất được trông đợi. Hôm qua, 01/11/2021, trong ngày thứ hai của thượng đỉnh Khí hậu COP26 ở Glasgow, thủ tướng Ấn Độ công bố mục tiêu « trung hòa về khí thải » trước 2070, và cam kết sẽ nỗ lực gấp bội để cắt giảm 45% khí thải từ đây đến 2030, thay cho cam kết 30% trước đó.

AFP dẫn lời thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo đó Ấn Độ sẽ tăng công suất điện tái tạo lên 10 lần so với hiện nay, từ 50 Gigawatt (GW) lên 500 GW, và bảo đảm là đến năm 2030, 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ do năng lượng tái tạo. Để đạt được các mục tiêu này, thủ tướng Ấn Độ cho biết một số biện pháp cụ thể. Mạng lưới đường sắt khổng lồ của Ấn Độ dự kiến sẽ trung hòa về khí thải vào năm 2030, cho phép giảm 60 triệu tấn khí thải/năm, chương trình bóng đèn tiết kiệm cho phép giảm 40 triệu tấn/năm.

Theo nhiều nhà quan sát, để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, các nước phát triển phải tôn trọng các cam kết. Từ 10 năm nay, các nước giàu cam kết đóng góp hàng năm 100 tỉ đô la (từ 2020), hỗ trợ các nước đang phát triển thành công tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh, nhưng cam kết nói trên còn xa mới trở thành hiện thực. Việc thất hứa của nhóm các nước giàu gây bất bình lớn, và được coi là một trong những nguyên nhân có thể làm thất bại thượng đỉnh COP26.

Sáng kiến mạng lưới truyền tải năng lượng mặt trời toàn cầu

Thủ tướng Ấn Độ công bố hôm nay kế hoạch khởi động một mạng lưới truyền tải năng lượng mặt trời toàn cầu … Dự án này có thể giúp năng lượng mặt trời ở một quốc gia truyền sang nhiều quốc gia khác. Mạng lưới này sẽ được giám sát bởi Liên minh quốc tế International Solar Alliance, một tổ chức có trụ sở tại Ấn Độ.

Thông tín viên Sébastien Farcis tường trình từ New Delhi:

Việc thu được năng lượng mặt trời có được tại một quốc gia vào ban ngày, để chuyển đến một nước khác đang là ban đêm : Đó là ý tưởng về mạng lượng điện mặt trời toàn cầu. Lợi thế đầu tiên của dự án này là cho phép nhiều quốc gia hơn được hưởng lợi từ loại năng lượng tái tạo rẻ tiền này, mà không cần phải tích trữ. Ông Ajay Mathur, giám đốc của Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế, chịu trách nhiệm khởi động dự án này, cho biết :

‘‘Chúng tôi đang nghiên cứu 4 tuyến đường truyền, giữa vùng Bắc Phi và Châu Âu, giữa Singapore và Úc, giữa khu vực Đông Á và Ấn Độ, và giữa Ấn Độ và các nước Vùng Vịnh. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã yêu cầu công ty điện Pháp (Electricité de France / EDF), nghiên cứu tính khả thi về mặt kỹ thuật và cho chúng tôi biết cần có những định chế điều hành nào’’.

Những câu hỏi này thực sự sẽ rất nhạy cảm: bởi vì việc truyền tải điện trên hàng nghìn cây số có thể rất tốn kém, đặc biệt nếu nó đi qua cáp ngầm – và điều này sẽ làm cho năng lượng mặt trời trở nên kém cạnh tranh hơn. Và trên hết, các đối thủ trong khu vực có thể tạo ra những rào cản không thể vượt qua. Để kết nối Ấn Độ với Vùng Vịnh chẳng hạn, nếu chúng ta muốn tránh đi dưới biển, một đường dây truyền cáp sẽ phải vượt qua Pakistan, quốc gia vốn được coi là kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ”.

Related posts