Luật biên giới mới của Trung Quốc sẽ khiến mối bang giao Ấn-Trung trở nên ‘gay gắt’

Venus Upadhayaya

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) bắt tay lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tại Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 04/09/2016. (Ảnh: Wang Zhou/Pool/Getty Images)Đông Dương

NEW DELHI—Luật mới của Trung Quốc về “bảo vệ và khai thác các khu vực biên giới đất liền” có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã gây ra một cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Hôm 27/10, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố như sau, “Quyết định đơn phương của Trung Quốc khi đưa ra luật có thể có tác động đến các thỏa thuận song phương hiện có của chúng tôi về quản lý biên giới cũng như về đường biên cụ thể đang là mối quan tâm của chúng tôi”. 

Tuy nhiên, Trung Quốc gọi những lo ngại của Ấn Độ là một “suy đoán không đáng có” về “luật pháp thông thường” và cho biết luật mới này sẽ không ảnh hưởng đến các hiệp ước hiện có giữa hai nước.

Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng những lo ngại của Ấn Độ là có cơ sở vì chính trị trong nước của Trung Quốc luôn được gắn liền với các nghị trình toàn cầu lớn hơn của nước này. Họ nói rằng Ấn Độ cần phải cảnh giác và không tin vào những gì Trung Quốc nói. Luật này sẽ bị Ấn Độ coi là một sự phản bội và có khả năng khiến các cuộc đàm phán tiếp sau cũng như các mối liên hệ song phương trở nên gay gắt.

Bà Aparna Pande, Giám đốc Sáng kiến về tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times trong một email, “Chủ tịch Tập đang cần thể hiện sức mạnh ở ngoại quốc, cần chứng minh rằng ông ấy đã giành lại các lãnh thổ đã mất trước đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022, và vì vậy các hành động chống lại Đài Loan, Ấn Độ, ở SCS [Biển Đông], đều là một phần của điều này”.

Theo bà Pande, luật này nhắm vào Ấn Độ, Bhutan, và Nepal. Bà cho biết nó sẽ gây ra những hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng đối với các mối bang giao song phương của Ấn Độ và Trung Quốc.

“Luật này sẽ khiến bất kỳ vòng đàm phán biên giới nào trong tương lai trở nên gay gắt. Hãy chờ xem liệu Ấn Độ có quyết định đáp trả bằng bất kỳ hành động mạnh mẽ hơn nào trên mặt trận kinh tế hay không”, bà Pande nói. Bà cho biết còn cần phải xem cuộc chiến này sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào, vì Ấn Độ đã nộp đơn cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) cho một khoản vay để sản xuất vaccine, và Trung Quốc lại đang kiểm soát AIIB.

Tiến sĩ Soturu Nagao, hiện đang sinh sống tại Tokyo và là thành viên (không thường trực) của Viện Hudson, đã gọi hành động của Trung Quốc là một “sự phản bội” đối với Ấn Độ.

Ông Nagao cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu các biện pháp xây dựng lòng tin vào năm 1993 để quản lý biên giới của họ. Năm 1996, họ đã quyết định hạn chế các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn có liên quan tới quân số nhiều hơn một sư đoàn và hạn chế khai triển vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, đại bác cỡ nòng lớn, và động cơ hạng nặng trong vòng 1.2 dặm tính từ biên giới tranh chấp của họ.

Ông Nagao cũng nói rằng, “Cả hai bên đều thiết lập các cơ chế để quản lý bất kỳ cuộc giao tranh nhỏ nào thông qua đối thoại. Nhưng gần đây, quân đội Trung Quốc đã tiến vào lãnh thổ Ấn Độ và tuyên bố những khu vực đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Và giờ thì Trung Quốc đã thông qua luật biên giới đất liền này để củng cố cho vùng biên giới. Những hành động trên là sự chính thức hóa việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Luật biên giới của Trung Quốc
Một bản đồ của tiểu bang Jammu và Kashmir (không theo tỷ lệ) cho thấy cách mà tiểu bang này đã gia nhập Ấn Độ vào năm 1947, và hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ, Pakistan, và Trung Quốc. Năm 2019, chính quyền Ấn Độ chia tiểu bang này thành hai vùng lãnh thổ do liên bang quản lý là khu vực Jammu và Kashmir, và khu vực Ladakh. (Ảnh: Bản đồ được điều chỉnh bởi Venus Upadhayaya/The Epoch Times)

Nhân danh quản lý biên giới

Hôm 23/10, luật biên giới mới của Trung Quốc đã được lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình ký với tên gọi Chỉ thị số 99 về Luật Biên giới đất liền của CHND Trung Hoa. Luật bao gồm bảy chương và sáu mươi hai điều. Các chuyên gia cho biết, dưới danh nghĩa quản lý biên giới, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng luật này để thúc đẩy các nghị trình của mình.

Tiến sĩ Abhishek Darbey, Trợ lý Nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi đã đọc luật này. Ông nói với The Epoch Times rằng luật này trước tiên làm rõ các bộ phận cơ bản của hệ thống lãnh đạo, trách nhiệm từng bộ phận, nhiệm vụ quân sự, và trách nhiệm của chính quyền người dân địa phương đối với công tác biên giới đất liền.

“Thứ hai là việc phân định và khảo sát biên giới đất liền. Các thủ tục phân định và cắm mốc biên giới quốc gia, kiểm tra chung vùng biên giới quốc gia, và việc thiết lập các mốc biên giới đã được tiêu chuẩn hóa. Thứ ba là bảo vệ biên giới đất liền và các vùng biên giới”, ông nói.

Việc “thiết lập các mốc biên giới” đặc biệt gây tranh cãi với các nước láng giềng như Ấn Độ và Bhutan, nơi mà nhận thức về các mốc biên giới đúng luôn khác với Trung Quốc.

Ông Darbey cho biết Trung Quốc sẽ cố gắng thực thi luật này với các nước láng giềng trên đất liền và qua đó củng cố các tuyên bố của họ về “hiệu lực của luật này”. Do đó, điều quan trọng đối với Ấn Độ là phải hiểu được ý định của Trung Quốc đằng sau luật đó trong bối cảnh hai nước có chung hơn 2,167 dặm biên giới đất liền.

Ông Darbey nói rằng có nhiều vấn đề liên quan đến việc thông qua luật này. Đầu tiên là sự thay đổi chế độ ở Afghanistan, khiến Trung Quốc lo ngại quân nổi dậy chuyển đến vùng Tân Cương. Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, những nội dung quan trọng nhất của luật này là những nội dung liên quan đến sự phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và các hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở biên giới với Ấn Độ trong khu tự trị Tây Tạng.

Trong bối cảnh đó, chương nào nói về việc quản lý biên giới trên đất liền của luật này thì đều có ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ.

Việc quản lý biên giới trên đất liền “bao gồm việc bảo vệ các cột mốc ranh giới và cơ sở hạ tầng phòng thủ biên giới theo các hiệp định về hệ thống quản lý biên giới đã ký kết với các nước láng giềng hữu quan trên đất liền, quản lý các đường tham quan, biên giới sông, cảng biên giới, cửa khẩu, việc xuất nhập cảnh, và chống vượt biên bất hợp pháp”.

Ông nói rằng: “Công tác quản lý bao gồm việc phân định các khu vực quản lý biên giới, hỗ trợ xây dựng các thị trấn biên giới, các khu (điểm) thương mại biên giới giữa các cư dân, và bảo vệ hệ sinh thái biên giới”.

Ông Abhishek Ranjan, người sáng lập tổ chức tư vấn Red Lantern Analyticas có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times trong một email rằng luật này là một tín hiệu rõ ràng cho cả Ấn Độ và Bhutan vì biên giới đất liền của Trung Quốc với hai quốc gia này hiện vẫn chưa được giải quyết.

Ông Ranjan nói rằng, “Đây là một nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi tình hình ở khu vực biên giới này, đặc biệt là với Ấn Độ. Ấn Độ và Bhutan vẫn chưa ký hiệp ước biên giới nào với Trung Quốc. Do đó, luật này sẽ làm vấn đề leo thang hơn nữa và các cuộc thảo luận có thể không mang lại kết quả vì Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng luật này sẽ trở thành điểm thương lượng”.

Người biểu tình hô khẩu hiệu khi họ phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với sáu quận của tiểu bang Arunachal Pradesh, ở New Delhi vào ngày 25/04/2017. (Ảnh: Chandan Khanna/AFP/Getty Images)

Nó cũng gây lo lắng cho Ấn Độ vì gần đây Trung Quốc đã tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực biên giới của họ và cũng đã cố gắng tạo ra các khu định cư dọc theo biên giới này, ông Ranjan cho biết. Luật sẽ khẳng định hơn nữa các hoạt động của Trung Quốc.

Đầu năm nay, nhiều hãng thông tấn Ấn Độ đã đưa tin về hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã thiết lập cả một ngôi làng cách lãnh thổ Ấn Độ khoảng 3 dặm ở tiểu bang Arunachal Pradesh vào tháng 11/2020. Cũng có những thông tin tương tự về việc người Trung Quốc đang thiết lập một ngôi làng ở Bhutan vào năm ngoái.

Ông Darbey cho biết Trung Quốc phần lớn đang tập trung vào việc phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt chính dọc theo vùng biên giới của Ấn Độ trong khu tự trị Tây Tạng.

Ông Darbey cũng nói rằng, “Lý do xây dựng cơ sở hạ tầng là để thay đổi bố cục kinh tế của khu vực này và các công ty Trung Quốc được mời đến xây dựng các trung tâm kinh tế hoặc các công viên để kích thích các hoạt động kinh tế trong khu vực này. Trung Quốc cần phát triển cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng để hỗ trợ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vì hai hành lang kinh tế chính của BRI sẽ được kết nối với khu vực này, đó là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar”.  

CPEC gây tranh cãi về các vùng biên giới giữa Ấn Độ, Pakistan, và Trung Quốc vì nó đi qua khu vực Gilgit-Baltistan mà Ấn Độ đang tuyên bố chủ quyền và Pakistan đang kiểm soát.

Ông Darbey cho biết luật biên giới mới này sẽ là một kế hoạch chi tiết để Trung Quốc tìm ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với các vấn đề chủ quyền của nước này hoặc các vấn đề liên quan đến thương mại biên giới.

“Trung Quốc sẽ nhắc lại luật này trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Ấn Độ, và dĩ nhiên Ấn Độ sẽ không công nhận nó trừ khi và cho đến khi biên giới này được xác định và phân định. Thế nhưng luật này có thể sẽ được các nước láng giềng khác như Pakistan, Nepal, và Bhutan tuân theo”, ông Darbey nói.

Ông cho rằng luật này vừa mới được ban hành nhưng trên thực tế nó đã được tiến hành rồi và ngay cả những trách nhiệm giao cho cấp có thẩm quyền cũng không thay đổi.

“Luật này là một phương pháp khẳng định các hoạt động hiện hữu một cách công khai”, ông Darbey nói.

Còn ông Ranjan thì cho biết tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ đã đề cập rằng luật biên giới mới này của Trung Quốc không hề mang lại bất kỳ tính hợp pháp nào cho Thỏa thuận Trung Quốc-Pakistan năm 1963. Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định rằng đây là một thỏa thuận bất hợp pháp và không hợp lệ.

Ông Ranjan cho rằng: “Các tuyên bố trên đã gửi một thông điệp to và rõ đến Trung Quốc về lập trường của Ấn Độ đối với luật mới này”.

Thỏa thuận Trung Quốc-Pakistan năm 1963 công nhận các tuyên bố chủ quyền của Pakistan đối với các khu vực ở phía bắc Kashmir và Ladakh, và bị Ấn Độ coi là bất hợp pháp.

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các hãng thông tin in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và sự lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts