Trong tất cả các mối đe dọa mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt, Trung Quốc và Facebook là hai trong số những mối đe dọa lớn nhất.
Hoa Kỳ, ở một mức độ nào đó, bị hạn chế về khả năng giải quyết các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Mặt khác, Facebook là một công ty của Mỹ có một người sáng lập là người Mỹ—[có nghĩa là] Hoa Kỳ có thể đưa ra các hành động thích đáng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là [Hoa Kỳ] nên thực hiện loại hành động nào? Trong bài viết ngắn này, tôi đề nghị một giải pháp khá mới cho “Vấn đề Facebook.”
Trước tiên, Facebook và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nếu có đi chăng nữa thì dường như có rất ít điểm chung. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, đôi bên lại có những điểm tương đồng rất đáng chú ý. ĐCSTQ đã bị gán cho là thù địch và chuyên quyền; trong khi đó Facebook được mô tả là “tổ chức chuyên quyền lớn nhất hành tinh,” một “thế lực thù địch ngoại quốc” có khả năng hủy diệt Hoa Kỳ. Cả ĐCSTQ và Tập đoàn Facebook đều được xem là một mối đe dọa đối với nền dân chủ; cả hai đều phải chịu trách nhiệm cho việc phát tán các tin tức sai lệch gây nguy hiểm; và cả hai đều có một lịch sử đàn áp tự do ngôn luận. Cuối cùng, cả ĐCSTQ và Facebook đều được điều hành bởi những con người mà họ dường như không phải chịu trách nhiệm giải trình trước bất kỳ luật lệ cụ thể nào. Dĩ nhiên, Mark Zuckerberg không phải Tập Cận Bình. Ví dụ như, một người thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho cuộc bức hại diễn ra ở Tân Cương; còn người kia thì không. Tuy nhiên, thông qua Facebook, Zuckerberg đã tạo ra một con quái vật Frankenstein, dẫu chỉ là vô tình. Về việc này, anh ta phải chịu trách nhiệm. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là bằng cách nào?
Khi bàn về Big Tech, chúng ta đang nói tới Apple, Amazon, Google, Microsoft và Facebook. Năm tên tuổi khét tiếng này, trái với quan niệm phổ biến, không phải được tạo ra đồng dạng như nhau. Những người như bà Elizabeth Warren và bà Alexandria Ocasio-Cortez đã sai lầm khi coi Big Tech là một nhóm vô trật tự nào đó. Rốt cuộc, Apple và Facebook cung cấp các dịch vụ hoàn toàn khác nhau.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây với chương trình “60 minutes,” một người tố giác tên là Frances Haugen đã chia sẻ về rất nhiều cách thức mà Facebook gây hại cho xã hội. Cô Haugen, một nhà khoa học dữ liệu ở Iowa, đã gọi Facebook “về bản chất là tệ hại hơn” so với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác. Trước khi gia nhập Facebook, cô Haugen đã làm việc cho cả Pinterest và Google. Như nhiều độc giả đã biết, Facebook có một lịch sử tai tiếng. Kể từ khi ra mắt vào năm 2004, công ty này đã bị cáo buộc với một loạt tội danh, từ việc theo dõi các khách hàng đến việc cung cấp dữ liệu của người dùng [cho bên khác] mà không xin phép. Trong buổi phỏng vấn này, cô Haugen cáo buộc những người ra quyết định của Facebook đã phớt lờ nghiên cứu trong đó nêu chi tiết về những cách thức mà Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) kích thích chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm ở phụ nữ trẻ tuổi.
Thành thực mà nói, những thông tin tiết lộ của cô Haugen chỉ đơn giản làm sáng tỏ thêm một sự thật vốn dĩ đã quá quen thuộc — Facebook, với tình trạng hiện tại, đang có vấn đề nghiêm trọng. Cùng với chính quyền Trung Quốc, công ty này là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ.
Có thể làm gì?
Một số người, tương tự như bà Warren được đề cập ở trên, bị ám ảnh bởi ý tưởng phá vỡ nhóm Big Tech. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng ngốc nghếch. Năm ông lớn này đều là những đại tập đoàn — họ đã mua lại nhiều doanh nghiệp khác, từ các cơ sở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo – AI, đến các công ty khởi nghiệp về sức khỏe kỹ thuật số. Tập đoàn Facebook hiện đang sở hữu 78 công ty con khác nhau. Trên bề mặt, đây là một công ty truyền thông xã hội. Tuy nhiên, kỳ thực, nó là một con quái vật nhiều đầu (Hydra) trị giá lên đến 1 ngàn tỷ USD. Quan trọng hơn, việc phá vỡ Tập đoàn Facebook sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi, cụ thể đó là việc họ thao túng các thuật toán.
Thay vào đó, chính phủ Hoa Kỳ nên tập trung vào việc ra quy định cho các thuật toán. Như cô Haugen đã giải thích trong buổi phỏng vấn nói trên, Facebook cố ý “đặt bẫy” hệ thống để người dùng được tiếp cận với những nội dung cực đoan nhất. Sự thao túng này gây ra sự phẫn nộ; càng phẫn nộ thì lại càng bị cuốn vào; mà càng bị cuốn vào, thì lại càng sinh ra nhiều lợi nhuận hơn [cho Facebook].
Các tác giả của tạp chí công nghệ TechCrunch đã đưa ra một đề nghị táo bạo: FDA “phải khẳng định quyền được hệ thống hóa của mình để kiểm soát thuật toán vốn đem lại quyền lực cho loại dược phẩm Instagram.” Bằng cách coi các thuật toán là “một loại dược phẩm tác động đến sức khỏe tinh thần của quốc gia,” FDA sẽ có một vị thế vững chắc để kiềm chế Big Tech.
Tuy nhiên, các tác giả này chưa bàn về tính phổ biến của các thuật toán. Hơn nữa, phần lớn các thuật toán là hữu ích chứ không phải gây hại. Nếu không có thuật toán, công cụ tìm kiếm của Google sẽ hoàn toàn vô dụng. [Quý vị cần] đặt một chiếc taxi ư? Đặt bánh pizza? Đặt một chuyến bay? Để làm điều đó, chúng ta cần có các thuật toán — rất nhiều thuật toán. Xét từ nhiều khía cạnh, nếu không có các hướng dẫn do máy điện toán thao tác này, thì xã hội hiện đại sẽ đột ngột ngưng trệ. Thuật toán là khả năng tính toán, [với tầm quan trọng] tương đương với nước hoặc không khí — nói cách khác, chúng hiện diện ở khắp mọi nơi.
Thay vào đó, tôi đề nghị hãy coi các thuật toán như các phương tiện giao thông. Cũng giống như Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) kiểm soát về mặt an toàn của các phương tiện cơ giới và các thiết bị liên quan, Hoa Kỳ có thể sẽ được hưởng lợi từ một Cơ quan Quản lý An toàn Thuật toán Quốc gia. Có lẽ một cơ quan độc lập dành riêng cho việc kiểm tra các thuật toán “đang vận hành” giống như cách thức mà các cơ quan độc lập kiểm tra các xe hơi đang chạy. Hoặc, nếu như điều này có vẻ vô lý, thế thì một Ban An toàn Thuật toán Quốc gia thì sao, tương tự như Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia (NTSB) ấy? Theo trang web của NTSB, cơ quan liên bang độc lập này “được Quốc hội giao trách nhiệm điều tra mọi vụ tai nạn hàng không dân dụng ở Hoa Kỳ và các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với các phương thức vận tải khác như —đường cao tốc, hàng hải, đường ống dẫn dầu và đường sắt.” Một Ban An toàn Thuật toán Quốc gia có thể đảm nhiệm một vai trò tương tự như các cuộc điều tra kỹ lưỡng, do các chuyên gia dẫn đầu, về những trường hợp mà các thuật toán gây ra tổn thương về tâm lý. Tất cả các cuộc điều tra sẽ do một nhóm các nhà phân tích độc lập được bầu chọn lên thực hiện.
Về phần này, tôi đã liên hệ với Facebook để yêu cầu bình luận về vấn đề này; nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí New York, ông Scott Galloway, giáo sư chuyên ngành marketing tại Học viện Kinh doanh Stern trực thuộc Đại học New York, đã thảo luận về rất nhiều phương thức mà những đại công ty công nghệ như Facebook và Amazon đã rút ra được để hoàn toàn bỏ qua các quy định và luật cụ thể. Theo ông Galloway, các công ty công nghệ sẵn sàng làm “bất cứ điều gì cần thiết để mở rộng quy mô,” bao gồm cả việc lạm dụng nhân viên và nói dối trước Quốc hội. Như ông Galloway đã cảnh báo, cho đến khi nào một “biện pháp cứng rắn để răn đe” được thực thi, [nếu không] thì các công ty Big Tech sẽ tiếp tục hoạt động theo những phương thức vô đạo đức – thậm chí là phạm tội. Đối với Facebook, hoàn toàn có thể đưa ra một biện pháp cứng rắn để răn đe – bắt đầu bằng một Ban An toàn Thuật toán Quốc gia.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Doanh Doanh biên dịch