Việt Hương
5-11-2021
“Ô hô ai tai! Phục duy thượng hưởng!” (Than ôi thương thay! Cúi lạy mời thụ hưởng!) là hai câu cuối trong bài văn tế của Gia Cát Lượng đọc trên sông Lư Thuỷ. Đời sau trở thành hai câu cố định trong văn tế khi liên hệ tới chuyện chết chóc. Và ngày nay chỉ với bốn chữ “Ô hô ai tai” thôi cũng đủ thay cho nội hàm tang tóc hay mất mạng.
Ngày 3/11 báo mạng “An ninh Thủ đô” có bài bình luận chắc như đinh đóng cột: “Thế lực thù địch, phản động” đang ngoan cố chống phá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để phá hoại quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc. Trong khi đó, ngày 4/11, báo “Thanh Niên” lại chạy một cái tít rõ to: “Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Có quá nhiều bài học cần rút ra từ Cát Linh – Hà Đông”.
Thật hiếm khi báo nhà nước (ta) lại “vỗ mặt” đánh phá báo quốc doanh giữa thanh thiên bạch nhật như thế này. Đã thế ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, lại còn tuyên bố trong buổi họp báo: Theo luật định, hành khách đi đường sắt trên được mua bảo hiểm. Từ ngày 6/11, hành khách bước lên chuyến tàu chạy thử ấy thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách lập tức sẽ được chi trả bảo hiểm…
“Ô hô ai tai! Phục duy thượng hưởng!” Quảng bá kiểu gì mà toàn nghe mùi chết chóc và mất mạng. Đọc hai tờ báo, thấy rõ ràng là hai phe đang đánh nhau. Phe thứ nhất tố cáo các thế lực phản động, thù địch cũng như những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị đang luôn tìm mọi cách lợi dụng dự án này để chống phá một công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, phá hoại quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta với Trung Quốc và sâu xa là chống phá Đảng và chế độ ta. Những ai bài xích việc tham gia giao thông trong 15 ngày đầu trên chuyến tàu 13 cây số làm trong 10 năm chưa xong thì đích thị là “thế lực thù địch” rồi, đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm bắt bỏ tù ngay!
Phe thứ hai yêu cầu Tổng thanh tra Chính phủ phải vào cuộc đối với dự án này. Bởi vì, chắc chắn là không làm gì được với phía cung cấp ODA, nên nội bộ Việt Nam phải làm rõ là tại sao lại có những cái thất thoát đối với Việt Nam. Tại sao lại có những cái điều khoản vô lý đối với Việt Nam, kể cả từ giá cả, giá trị ODA, việc dùng ODA, cái giá trị đó được dùng vào những việc gì, thì mới có thể nhìn thấy được những cái khuất tất… Theo phe thứ hai, tuyến đường sắt nói trên có rất nhiều bài học phải rút ra. Đồng bào nên cẩn thận! Thậm chí có đề xuất: Trong 15 ngày đầu kiến nghị để các đồng chí trong Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương đi thử. Nếu vạn nhất xẩy ra sự cố, người dân sẽ được hưởng lợi!
Mà đâu riêng chỉ có chuyến đường sắt ấy. Tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 15 đang là chủ đề nóng thu hút sự chú ý của dư luận và giới quan sát. Báo cáo cho biết “năm dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đội vốn hơn 80 ngàn tỷ (hơn ba tỷ USD)”. Hơn thế, tính chất phức tạp, “nhiều tai tiếng” kéo dài vẫn là căn bệnh nan y và đang để lại những hậu quả lớn về vật chất và tinh thần cho đất nước.
Đặc biệt là Dự án Cát Linh – Hà Đông, liên quan đến Tổng thầu EPC, doanh nghiệp Trung Quốc, thiết kế năm 2008, bắt đầu khởi công năm 2011, mười lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, bốn lần dời ngày hoạt động thương mại, nhưng vẫn chưa thể nghiệm thu và, giữa tháng 10/2021 Bộ Tài chính Việt Nam đã phải ứng tiền từ quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay theo cam kết của Chính phủ trong Hiệp định đã ký.
PGS.TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng, nếu là “nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì việc xây dựng và thực thi chính sách công phải xuất phát từ nhu cầu và hướng tới người dân, gọi là chính sách “từ dưới lên”. Nhưng đấy là lý thuyết của một thể chế dân chủ. Đối với chế độ toàn trị, điều kiện tiên quyết của chính sách công là duy trì chế độ, quyền lực tuyệt đối của Đảng, vì vậy chính sách công được xây dựng “từ trên xuống.” Sự khác biệt cơ bản giữa hai kiểu chính sách này là “từ dưới lên” thể hiện tính chất pháp quyền, dân chủ và ngược lại, “từ trên xuống” bộc lộ tính chất pháp trị, độc đoán.
Còn một đặc điểm quan trọng thường được giới chuyên gia phê phán, đó là sự thiếu minh bạch và chế độ trách nhiệm giải trình. Theo “ý chỉ” từ các sếp lớn, Hà Nội sẽ có 11 tuyến đường sắt và tầu điện ngầm với tổng chiều dài gần một trăm năm mươi cây số và tp. Hồ Chí Minh với hệ thống bao gồm 13 tuyến với tổng chiều dài hơn hai trăm cây số. Tuy nhiên, đến nay chưa một tuyến nào được “cắt băng khánh thành” đưa vào sử dụng để có thể ca ngợi thành tích hay ít ra để đúc rút kinh nghiệm.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, hậu quả lớn nhất của dự án Cát Linh – Hà Đông là mất niềm tin của dân. Vị Giáo sư này khẳng định, dự án kéo dài chục năm và đội vốn 205% này gây mất niềm tin trong nhân dân và có thể trở thành “tượng đài” để người dân nhớ mãi về một dự án thua lỗ với Trung Quốc. Lập tức trên mạng xã hội có ý kiến đáp trả: “Niềm tin của dân trong nước đối với Đảng Cộng sản là vô tận, không bao giờ hết được”. Chưa rõ, đây là một “dư luận viên” đứng ra bảo vệ Đảng hay một lời bình diễu cợt?
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ là một ví dụ trong cách vận hành nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Quốc hội chỉ mới dám nói dự án này là sai lầm mang lại hậu quả xấu lâu dài, trong khi đó lại không dám chỉ ra sai lầm mang tính hệ thống của các chủ trương lớn, như lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo để đầu tư toàn bộ ngân sách cho các tổng công ty nhà nước liên tục làm ăn thua lỗ, lớn hơn nữa là chính sách quản lý nhà nước, đường lối chính trị lỗi thời, lạc điệu so với thế giới. Chắc chắn với nhiều và nhiều dự án như thế này thì Việt Nam sẽ nhanh chóng “đi lên” XHCN (xuống hố cả nút).
So với tuyến đường sắt cao tốc dài 414 cây số nối từ Vientiane (Lào) tới biên giới Trung Quốc vừa hoàn thành sau 5 năm xây dựng với số vốn đội lên gấp khoảng 5 lần so với ban đầu. Trong khi đó, Cát Linh – Hà Đông chỉ 13 cây số và xây dựng đã 10 năm nhưng vẫn chưa xong. Tại sao nước Lào làm thế mà Việt Nam không theo được? Đó chính là “nỗi thất vọng mang tên Việt Nam”. Ấy vậy mà Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba lại nói với Bí thư Thành uỷ Hà Nội “Đường sắt Cát Linh là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt – Trung”.