Văn Thiện
Lòng biết ơn là một điều kỳ lạ. Đối với một số người, nếu họ nhận được một cốc nước sạch, một ít thức ăn hoặc một đôi giày cũ thì họ có thể vô cùng biết ơn. Nhưng đối với một số người khác, cho dù họ có thể tất cả các nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, người ta có thể vẫn thấy họ đang phàn nàn về điều gì đó.
Hiện tại rất nhiều người vẫn tin rằng có được của cải vật chất là chìa khóa của hạnh phúc. Điều này có thể đúng ở một mức độ nào đó, nhưng hạnh phúc đó chỉ là tạm thời theo triết gia người Đức Immanuel Kant. Nhiều người khác lại cho rằng, hạnh phúc thực sự chỉ đến từ hoạt động nội tâm của con người.
Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức Chánh niệm của UCLA cho thấy: “Có thái độ biết ơn sẽ thay đổi cấu trúc phân tử của não, giữ cho chất xám hoạt động, giúp chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Bạn ôn hòa hơn, ít phản ứng và phản kháng hơn. Đó hiện là một cách thực sự tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe của bạn” .
Có nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có lòng biết ơn có xu hướng hạnh phúc hơn và ít bị trầm cảm hơn. Trong một nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley, các nhà khoa học đã chọn ra gần 300 người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả những người bị lo lắng và trầm cảm. Sau đó, họ chia một cách ngẫu nhiên những người được chọn thành ba nhóm.
Tất cả các nhóm đều nhận được dịch vụ tư vấn, nhưng nhóm đầu tiên được hướng dẫn viết một lá thư cảm ơn người khác mỗi tuần trong ba tuần, trong khi nhóm thứ hai được yêu cầu viết về những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của họ về những trải nghiệm tiêu cực. Nhóm thứ ba không phải viết bất kỳ điều gì.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với những người tham gia viết về trải nghiệm tiêu cực hoặc chỉ được tư vấn, những người viết thư cảm ơn báo cáo sức khỏe tâm thần tốt hơn đáng kể trong tối đa 12 tuần sau khi bài tập về viết kết thúc.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này cho thấy rằng việc viết thư cảm ơn có thể có lợi không chỉ cho những người khỏe mạnh, mà còn cho những người đang phải vật lộn với những lo lắng về sức khỏe tâm thần. Trên thực tế, có vẻ như việc thực hành lòng biết ơn bên cạnh việc tiếp nhận tư vấn tâm lý mang lại nhiều lợi ích hơn việc tư vấn đơn thuần, ngay cả khi việc thực hành lòng biết ơn đó ngắn ngủi”.
Trước đó, một nghiên cứu về lòng biết ơn do Tiến sĩ Robert A. Emmons thực hiện tại Đại học California, Davis và đồng nghiệp của ông Mike McCullough tại Đại học Miami, đã chỉ định ngẫu nhiên những người tham gia để được giao một trong ba nhiệm vụ.
Mỗi tuần, những người tham gia viết nhật ký ngắn. Một nhóm mô tả năm điều họ cảm thấy biết ơn vì đã xảy ra trong tuần trước, một nhóm khác ghi lại những rắc rối hàng ngày từ tuần trước khiến họ không hài lòng và nhóm trung lập được yêu cầu liệt kê năm sự kiện hoặc hoàn cảnh ảnh hưởng đến họ, bất kể là tích cực hay tiêu cực.
Mười tuần sau, những người tham gia nhóm biết ơn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của họ nói chung và hạnh phúc hơn 25% so với nhóm gặp khó khăn. Họ ít phàn nàn về sức khỏe hơn và tập thể dục trung bình nhiều hơn 1,5 giờ.
Những lợi ích của lòng biết ơn
Các nhà nghiên cứu từ Berkeley đã tìm cách xác định cách lòng biết ơn có thể thực sự ảnh hưởng đối với tâm trí và cơ thể của chúng ta. Họ đưa ra bốn hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu của họ về lòng biết ơn.
- Lòng biết ơn giúp chúng ta thoát khỏi những cảm xúc độc hại
- Lòng biết ơn sẽ giúp ích ngay cả khi bạn không chia sẻ nó
- Những lợi ích của lòng biết ơn cần có thời gian và thực hành. Bạn có thể không cảm thấy nó ngay lập tức
- Lòng biết ơn có ảnh hưởng lâu dài đến não bộ
Phần về não bộ cũng rất đáng chú ý. Các nhà nghiên cứu tại Berkeley đã sử dụng máy quét cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đo hoạt động của não trong khi mọi người từ mỗi nhóm thực hiện nhiệm vụ “pay it forward” – những người tham gia sẽ được một “người tử tế” cho tiền với yêu cầu duy nhất là họ chuyển số tiền cho ai đó khác nếu họ cảm thấy biết ơn.
Nhiệm vụ này sẽ khiến những người tham gia phân biệt được những hành động được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và những hành động được thúc đẩy bởi những động cơ khác như nghĩa vụ, cảm giác tội lỗi hoặc những gì người khác nghĩ. Điều này rất quan trọng vì bạn không thể giả tạo lòng biết ơn, bạn phải thực sự cảm nhận được điều đó.
Trong một thế giới mà cảm xúc không thực sự được dạy trong trường học, không có gì là lạ khi việc cảm thấy biết ơn rất khó khăn. Điều này đặc biệt dễ hiểu nếu bạn được lớn lên trong thế giới phương Tây, nơi đầy rẫy chủ nghĩa tiêu dùng và cạnh tranh.
Sau nghiên cứu Pay It Forward, những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ biết ơn của họ đối với người đưa tiền cho họ và số tiền họ muốn trả cho một hoạt động từ thiện cũng như họ nghĩ họ sẽ cảm thấy tội lỗi như thế nào nếu không làm vậy. Họ cũng được phát bảng câu hỏi để đo lường mức độ cảm thấy biết ơn của họ nói chung.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng ở những người tham gia, khi mọi người cảm thấy biết ơn hơn, hoạt động não của họ khác với hoạt động não liên quan đến cảm giác tội lỗi và mong muốn giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó. Cụ thể hơn, chúng tôi phát hiện ra rằng khi những người biết ơn hơn cho nhiều tiền hơn cho một hoàn cảnh nào đó, họ cho thấy sự nhạy cảm thần kinh cao hơn ở vỏ não trung gian trước trán, một khu vực não liên quan đến học tập và ra quyết định. Điều này cho thấy rằng những người biết ơn nhiều hơn cũng chú ý hơn đến cách họ bày tỏ lòng biết ơn”.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Điều thú vị nhất, khi chúng tôi so sánh những người viết thư cảm ơn với những người không viết thư cảm ơn, những người viết thư cảm ơn cho thấy sự kích hoạt mạnh hơn ở vỏ não trung gian trước trán khi họ trải nghiệm lòng biết ơn trong máy quét fMRI. Điều này thật đáng chú ý vì hiệu ứng này được tìm thấy ba tháng sau khi việc viết thư bắt đầu. Điều này cho thấy rằng chỉ cần bày tỏ lòng biết ơn là có thể có tác dụng lâu dài đối với não bộ”.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục: “Mặc dù chưa có kết luận chính xác, nhưng phát hiện này cho thấy rằng thực hành lòng biết ơn có thể giúp rèn luyện não bộ nhạy cảm hơn với trải nghiệm về lòng biết ơn trong tương lai và điều này có thể góp phần cải thiện sức khỏe tâm thần theo thời gian”.
Văn Thiện