Andrew Thornebrooke
Theo một báo cáo mới của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown, các công ty lớn của Hoa Kỳ, bao gồm Intel và Sequoia Capital, đã đang duy trì các liên hệ tài chính và nghiên cứu với một công ty Trung Quốc được biết là cung cấp trí tuệ nhân tạo cho quân đội của Bắc Kinh.
4Paradigm, một công ty Trí tuệ Nhân tạo lớn có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã được trao một hợp đồng cung cấp năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) cho quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Theo báo cáo trên, hợp đồng này là dành cho “mô hình ra quyết định chỉ huy ở cấp tiểu đoàn và đại đội, và phần mềm phối hợp giữa người-máy.” Báo cáo không chỉ rõ ngày tháng của hợp đồng.
Trong khi đó, 4Paradigm cũng đang làm việc với các đối tác phương Tây về các dự án nghiên cứu, mà có thể được sử dụng cho công việc liên quan đến AI của họ cho quân đội Trung Quốc.
Đề cập đến nghiên cứu về cơ sở dữ liệu chứa bộ dữ liệu lớn, báo cáo này cho biết, “Tính đến tháng 01/2021, công ty đang hợp tác nghiên cứu Cơ sở dữ liệu Rất Lớn với Intel và Đại học Quốc gia Singapore.”
Theo báo cáo, 4Paradigm cũng khoe khoang về việc có một số nhà đầu tư Hoa Kỳ, bao gồm cả nhà đầu tư tài chính, Sequoia Capital, là cổ đông bên ngoài lớn nhất của công ty này.
Những liên hệ mập mờ
Intel xác nhận với The Epoch Times rằng họ đã tiến hành nghiên cứu với 4Paradigm và Đại học Quốc gia Singapore, nhưng mô tả mối liên hệ này là mang tính học thuật về bản chất.
Trong một email [gửi đến The Epoch Times], một nhân viên truyền thông của Inter cho biết, “Liên quan đến ngành của chúng tôi, Intel Labs hợp tác nghiên cứu với các đối tác trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã tham gia vào một tài liệu nghiên cứu học thuật về tối ưu hóa công cụ cơ sở dữ liệu trên bộ nhớ, cùng với các nhà nghiên cứu từ 4Paradigm và Đại học Quốc gia Singapore. Tài liệu này đã được xuất bản và trình bày công khai hồi tháng 08/2021 tại hội nghị VLDB [Cơ sở Dữ liệu Rất lớn].”
Tài liệu được đề cập đã cung cấp các kết quả thử nghiệm, trong đó cho thấy một hệ thống cơ sở dữ liệu mới có thể cung cấp tốc độ tăng tốc nhằm nâng cao hiệu quả của các mô hình ra quyết định AI.
Intel đã không bình luận về việc họ có biết về hợp đồng của 4Paradigm với PLA hay không.
Một đại diện của Sequoia Capital cho biết các khoản đầu tư vào 4Paradigm được thực hiện bởi chi nhánh của Sequoia ở Trung Quốc. Chi nhánh này từ chối bình luận về số cổ phần tại 4Paradigm mà họ hiện nắm giữ, hay về việc họ có biết về hợp đồng với PLA hay không.
Các công ty khác của Hoa Kỳ bao gồm Cisco, Genesis Capital, và Goldman Sachs cũng đầu tư vào 4Paradigm trong các đợt gọi vốn sau này.
Đây không phải là lần đầu tiên Intel và Sequoia gây chú ý vì hành vi không rõ ràng về mặt đạo đức ở Trung Quốc.
Vào đầu năm nay, Sequoia đã gây chú ý trên các mặt báo do các khoản đầu tư trước đó của họ vào các công ty nhận dạng khuôn mặt Trung Quốc DeepGlint và Yitu Technology. Cả hai công ty này đều bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen do có liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn ra đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, mà chính phủ Hoa Kỳ đã mô tả là một tội ác diệt chủng.
Theo bản tin của The New York Times, Trung Cộng cũng mua và sử dụng các vi mạch bán dẫn của Intel và NVIDIA, để điều khiển một trung tâm siêu máy điện toán ở Tân Cương, thực hiện các hoạt động giám sát mở rộng nhắm vào các nhóm thiểu số Hồi giáo trong khu vực này.
Các chuyên gia tin rằng việc dòng tài sản và nguồn lực khác của các công ty lớn có trụ sở chính tại Hoa Kỳ đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc, đang góp phần vào những bước tiến quân sự vững chắc của PLA, cũng như hỗ trợ cho việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.
Ông John Mills, cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Ngũ Giác Đài, cho biết, “Đây là các tổ chức gần như xuyên biên giới, có khối tài sản rất lớn để khai triển những gì mà họ cho rằng sẽ thành công trong tương lai.”
Ông Mills nói thêm, “Chúng ta phải phá vỡ sự liên kết ngấm ngầm này. Chúng ta không thể cho phép các nhóm này khai triển vốn để tài trợ cho sự phát triển AI của Trung Quốc.”
Mặc dù Thung lũng Silicon thường giảm bớt tính nghiêm trọng cho việc họ có dính líu đến sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ quân sự của Trung Cộng, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng những mối liên hệ như vậy đang phá hoại an ninh quốc gia.
Ví dụ, vào tháng 10, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) đã bắt đầu một chiến dịch, thông báo cho các công ty Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, bao gồm cả AI, về những nguy hiểm do các hoạt động phản gián của Trung Cộng nhằm sử dụng các công nghệ Hoa Kỳ cho những mục đích riêng của Bắc Kinh.
NCSC đã cảnh báo rằng Trung Cộng đang sử dụng một loạt các biện pháp hợp pháp, gần như hợp pháp và bất hợp pháp, để có được công nghệ quan trọng từ phương Tây, thông qua các liên kết đối tác nghiên cứu, liên doanh và các công ty bình phong.
Đồng thời, báo cáo của CSET nhấn mạnh rằng đối với phần lớn các năng lực AI của mình, PLA không thu được từ các tổ chức quốc phòng chính thức, mà là từ các tập đoàn tư nhân Trung Quốc.
“Trái ngược với những hiểu biết thông thường về sự thổi phồng trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, chúng tôi phát hiện rằng PLA đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hút được khu vực công nghệ tư nhân của Trung Quốc, để có được các hệ thống AI và thiết bị thông minh,” báo cáo nêu rõ.
Với mục tiêu đó, hầu hết các nhà cung cấp thiết bị AI của PLA hoàn toàn không phải là các doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, mà là các công ty công nghệ tư nhân được thành lập sau năm 2010. Một số công ty này sản xuất hoặc nghiên cứu ở Trung Quốc đại lục, nhưng những công ty khác tồn tại cho mục đích duy nhất là tìm nguồn cung ứng và nhập cảng các công nghệ quan trọng từ Hoa Kỳ.
Các vấn đề tiếp cận
Các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI ở Trung Quốc của Hoa Kỳ đã bị một số người trong cộng đồng an ninh quốc gia lên án, và gần đây các chuyên gia đã kêu gọi một lệnh cấm đối với cái gọi là “chuyển giao công nghệ” các kỹ thuật AI cho Trung Quốc.
Điều này là do luật tình báo và an ninh quốc gia của Trung Quốc cho phép Trung Cộng quyền tùy ý yêu cầu tiếp cận vào bất kỳ tài sản trí tuệ hoặc dữ liệu nào thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc hoặc các công ty kinh doanh tại Trung Quốc.
Hơn nữa, các quy tắc mới về chuyển dữ liệu do Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc soạn thảo nhằm bảo đảm rằng Trung Cộng có tiếng nói cuối cùng về việc liệu một công ty có thể trích xuất dữ liệu của mình từ Trung Quốc sang nơi khác hay không, ngay cả khi công ty này có trụ sở chính ở một quốc gia ngoại quốc.
Những luật như vậy cho phép Trung Cộng và PLA khả năng tiếp cận bất kỳ và tất cả công nghệ được phát triển ở Trung Quốc, trong đó có các công ty Hoa Kỳ như Intel.
Mặc dù vậy, trong vài thập kỷ qua, các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon và các công ty đầu tư đa quốc gia vẫn tiếp tục đổ tiền vào các công ty Trung Quốc đang phát triển các công nghệ quan trọng và mới nổi.
Intel là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên thành lập một viện nghiên cứu ở Trung Quốc hồi năm 1998. Trung tâm Nghiên cứu Intel Trung Quốc của họ ở Bắc Kinh tiếp tục tiến hành nghiên cứu về AI, 5G, các hệ thống tự trị (AS) và robot ở Trung Quốc đại lục cho đến ngày nay.
Ở Trung Quốc đại lục, Intel cũng duy trì các phòng thí nghiệm AI chung với Baidu, một công cụ tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc, và ByteDance, công ty mẹ của TikTok.
Vào đầu năm nay, theo thông tấn nhà nước Trung Quốc, cả Baidu và Bytedance đã ký thư cam kết, khẳng định rằng họ sẽ tuân thủ các quy tắc và quy định mới của Trung Cộng liên quan đến internet, bao gồm cả quyền của Trung Cộng sở hữu dữ liệu cá nhân.
NCSC nói rằng một số công ty Hoa Kỳ chỉ đơn giản là không hiểu những rủi ro do luật an ninh quốc gia của Trung Quốc gây ra, trong khi những công ty khác hoàn toàn nhận thức được rằng các công nghệ mà họ phát triển ở Trung Quốc, có thể bị Trung Cộng và PLA tận dụng.
Hầu hết các công ty lớn của Hoa Kỳ như Intel, Microsoft và Google dường như thuộc loại thứ hai này.
Chẳng hạn, vào năm 2019, đã có thông tin tiết lộ rằng Microsoft đã làm việc về AI, bao gồm cả phần mềm phân tích khuôn mặt, với Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, do quân đội Trung Quốc quản lý.
Hồi cuối tháng 06/2018, Google và Đại học Thanh Hoa có uy tín của Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác về AI và công nghệ đám mây. Giám đốc AI của Google cũng có mặt trong ủy ban cố vấn khoa học máy điện toán của Đại học Thanh Hoa. Đầu tháng đó, có thông tin cho rằng trường đại học này đã nhận được gần 15 triệu USD tài trợ từ quân đội Trung Quốc để thực hiện một dự án, nhằm nâng cao năng lực AI của PLA.
Theo một báo cáo khác của CSET, tổng cộng hơn 10% tổng số phòng thí nghiệm nghiên cứu AI thuộc sở hữu của Facebook, Google, IBM và Microsoft, được đặt tại Trung Quốc.
Hiện tại có rất ít cơ chế trong luật pháp Hoa Kỳ có khả năng ngăn chặn hiệu quả các công ty Hoa Kỳ tự do đầu tư và nghiên cứu AI với các công ty được biết là có liên hệ với Trung Cộng và PLA.
Một sắc lệnh hành pháp được cựu Tổng thống Donald Trump ký hồi năm 2020 và được Tổng thống Joe Biden mở rộng vào tháng 06/2021, cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào một danh sách các công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được CSET nêu trong báo cáo của mình, là việc phần lớn các công ty cung cấp công nghệ cho quân đội Trung Quốc thực tế không phải là các công ty quốc phòng, mà là các công ty công nghệ khởi nghiệp thuộc khu vực tư nhân, và do đó họ thường bị bỏ qua khi các hạn chế có thể bị áp đặt.
Hiệu quả không đáng kể
Trong những trường hợp nổi bật, khi một công ty Trung Quốc bị cáo buộc phá hoại nghiêm trọng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, công ty đó có thể bị đưa vào “danh sách thực thể”, là một danh sách đen thương mại được Cục Công nghiệp và An ninh [BIS] thuộc Bộ Thương mại sử dụng, để hạn chế xuất cảng một số mặt hàng nhất định cho một số bên nào đó.
Tuy nhiên, có một vấn đề với danh sách đen này: Phần lớn các nhà cung cấp thiết bị AI cho quân đội Trung Cộng, không có trong danh sách đó.
Theo báo cáo mới của CSET, trên thực tế có khoảng 91% nhà cung cấp thiết bị AI cho quân đội Trung Cộng, không có trong danh sách đen.
Một lý do cho điều này là danh sách đen không có khả năng ứng phó hiệu quả trước mối đe dọa do các công ty nhỏ gây ra [bởi vì] các công ty này có thể dễ dàng tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường bằng cách tái cấu trúc dưới một cái tên mới. Điều này có nghĩa là các công ty đó được thành lập để lấy các công nghệ của Hoa Kỳ cho quân đội Trung Cộng, có thể chỉ cần giải thể, cải tổ và tiếp tục kinh doanh như bình thường.
“Họ đang sử dụng hoạt động do thám của ‘các công ty bình phong’ như cách chúng ta đã sử dụng một cách xuất sắc trong những năm 50, 60 và 70, để tránh việc bị đưa vào danh sách đen, và AI là ưu tiên số một của họ,” ông Mills nhận định.
“Họ đang tạo ra hết công ty ma này đến công ty ma khác, và việc áp dụng danh sách đen này không thể ứng phó đủ nhanh.”
Để đạt được mục tiêu này, ông Mills đề nghị Hoa Kỳ tạo ra một cơ chế mới, có chức năng tương tự như Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS).
Trong khi CFIUS xem xét các khoản đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ dựa trên lợi ích an ninh quốc gia, thì cơ chế mới được đề nghị này sẽ sàng lọc các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty ngoại quốc vì rủi ro an ninh.
“Chúng ta không có một phương thức tương tự [như CFIUS] để giải quyết các thực thể Hoa Kỳ tài trợ cho các nhóm ngoại quốc, ngoại trừ danh sách đen này,” ông Mills nêu rõ.
Do đó, ông Mills bày tỏ lo ngại rằng việc tiếp tục các liên kết giữa Intel, Sequoia và 4Paradigm có thể thúc đẩy PLA mở rộng năng lực trong các lĩnh vực mới nổi như AI và máy học (machine learning).
“Chúng ta đã cho phép một liên hệ mà 99% dân số không hiểu, không nhìn thấy và không nhận thức được. Chúng ta cần phải làm rõ việc này,” ông Mills đề xuất.
4Paradigm đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Yến Nhi biên dịch.