Tin thế giới sáng thứ Sáu

COP26 : Trung Quốc và Hoa Kỳ bất ngờ đạt thỏa thuận về khí hậu

Minh Anh

Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc bên lề COP 26, tại Glasgow, Scotland, ngày 10/11/2021. AP – Alastair Grant

Chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc hội nghị vì khí hậu COP26, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hôm 10/11/2021, thông báo đạt được thỏa thuận ra thông cáo chung « tăng cường hành động vì khí hậu ».

AFP cho biết, trong khuôn khổ hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia đứng đầu thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, lần lượt cho biết đã đạt được đồng thuận về những đường hướng chính đối phó với biến đổi khí hậu, mà hệ quả của chúng ngày một hiện rõ : khô hạn, lũ lụt, cháy rừng, gây ra những thiệt hại nhân mạng và tài sản to lớn.

Thông cáo chung của hai nước cam kết hành động nhiều hơn để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhưng không nêu rõ chi tiết về những “biện pháp được tăng cường để vực dậy những tham vọng trong thập niên 2020 này”. Tuy nhiên, đôi bên cũng tái khẳng định theo sát các mục tiêu của thỏa thuận Paris, giảm tăng nhiệt độ dưới mức 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và nếu có thể là ở mức 1,5°C.

Cả hai nước hiện đang tranh giành thế bá quyền, còn cam kết hành động ở Glasgow vì “một giải pháp đầy tham vọng, hài hòa và bào trùm về việc giảm khí phát thải, thích ứng và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo” để đạt được những mục tiêu trên.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, trên mạng xã hội Twitter hoan nghênh thỏa thuận đạt được là một « bước đi quan trọng theo đúng hướng ».

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, nếu chỉ hợp tác hay hỗ trợ các nước đang phát triển thì vẫn chưa đủ. Thế giới còn phải đấu tranh chống nạn phá rừng bất hợp pháp, giảm sử dụng than đá, giảm phát thải không chỉ khí CO2 mà cả khí methane và cuối cùng là phải cách tân công nghệ.

Hãng tin Pháp lưu ý, cho đến hiện tại, việc tìm kiếm một thỏa thuận chung trong khuôn khổ COP dường như rất khó. Các mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai siêu cường hàng đầu khiến thế giới lo ngại cho các cuộc đàm phán về khí hậu, vốn dĩ được cho là lĩnh vực duy nhất còn lại hai nước có thể tìm được tiếng nói chung. Tuyên bố chung của hai nước đang làm dấy lên nhiều hy vọng, hé mở một giải pháp hữu ích hơn cho thế giới ! 


Tập Cận Bình cảnh báo bầu không khí “chiến tranh lạnh” tại châu Á – Thái Bình Dương

Minh Anh

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, tại Bắc Kinh, ngày 09/10/2021. 2021. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Những căng thẳng giống như thời Chiến Tranh Lạnh đang trở lại vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 11/11/2021 đưa ra lời cảnh báo như trên khi tham dự trực tuyến một hội nghị, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, được tổ chức tại Wellington, New Zealand.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: « Mọi mưu toan vạch ra những đường biên ý thức hệ hay hình thành những nhóm nước nhỏ dựa trên địa chính trị đều sẽ đi đến thất bại ».  

Lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương « không thể và cũng không nên một lần nữa rơi vào những cuộc đối đầu và những chia rẽ của thời Chiến Tranh Lạnh ».  

Như tỏ một cử chỉ hòa dịu về phía Mỹ, chiều tối thứ Ba, 09/11, ông Tập Cận Bình, trong một thông cáo được đại sứ quán Trung Quốc công bố trên mạng xã hội Twitter, cho rằng « mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay đang trong thời điểm quyết định lịch sử. Cả hai nước sẽ được lợi trong hợp tác và chỉ có thiệt trong đối đầu ». Trong bối cảnh này, « Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác trong mọi chủ đề. »  

Cuối cùng, nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước trong khu vực phải cùng hành động trước những thách thức chung, từ đại dịch Covid-19, thương mại cho đến cả hành động vì khí hậu.  

AFP lưu ý những tuyên bố này được đưa ra khi chỉ còn có vài ngày nữa là diễn ra thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình với nguyên thủ Mỹ Joe Biden.  

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng do các hoạt động quân sự dồn dập của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan và vùng Biển Đông trong thời gian gần đây.  

Việc Bắc Kinh hồi đầu tháng 10/2021, ồ ạt điều chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan buộc Washington có phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hôm qua, 10/11, khẳng định Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ sao cho Đài Loan có thể tự bảo vệ nhằm tránh bất kỳ ai « tìm cách đảo lộn nguyên trạng bằng vũ lực ».    

Còn tại Biển Đông, trước những yêu sách chủ quyền ngày một quá đáng của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Úc hồi tháng Chín thông báo thành lập một liên minh quốc phòng cho phép Úc sở hữu tầu ngầm hạt nhân theo công nghệ Mỹ. Quyết định này đã khiến Bắc Kinh nổi dóa và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ và Úc. 

ĐCS Trung Quốc thông qua nghị quyết về lịch sử

Thùy Dương

Ảnh chủ tịch Tập Cận Bình tại Viện Bảo tàng lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/11/2021. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 11/11/2021 chính thức thông qua nghị quyết về lịch sử, tiếp tục củng cố ảnh hưởng của chủ tịch Tập Cận Bình.

Nghị quyết về lịch sử được gần 400 thành viên Ủy ban Trung ương đảng thông qua vào hôm nay 11/11, khẳng định : “Đảng và nhân dân đã đấu tranh trong một thế kỷ, viết nên bản hùng ca tuyệt vời nhất trong lịch sử nhiều thiên niên kỷ của dân tộc Trung Hoa”.

Theo AFP, nghị quyết mà hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã mới công bố có đoạn viết là kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, “chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa đã bước sang một kỷ nguyên mới …”“tư tưởng” của nhân vật quyền lực số 1 Trung Quốc chính là “hình ảnh thu nhỏ của văn hóa và tâm hồn Trung Hoa”. Sự hiện diện của Tập Cận Bình ở “tâm điểm” của đảng Cộng Sản được xem là “có tầm quan trọng quyết định (…) thúc đẩy tiến trình lịch sử của công cuộc đổi mới vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”.

Cách nay 2 ngày, báo Pháp Libération nhận định Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần này là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc nâng “văn hóa sùng bái Tập Cận Bình” lên mức chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông.

Đây là lần thứ 3 nghị quyết về lịch sử được đảng Cộng Sản Trung Quốc thông qua. Lần đầu là vào năm 1945, dưới thời Mao Trạch Đông, giúp ông tiếp tục nắm quyền lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Lần thứ hai là khi Đặng Tiểu Bình lật qua trang sử đẫm máu của chủ nghĩa Mao và Cách mạng Văn hóa, khởi động kỷ nguyên cải cách, mở cửa để kinh tế Trung Quốc cất cánh. Đó đều là những bước ngoặt lớn trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Mỹ trừng phạt hai quan chức Cam Bốt về tham nhũng liên quan đến dự án căn cứ hải quân

Thùy Dương

Căn cứ hải quân Ream tại Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 26/07/2019. AP – Heng Sinith

Hôm 10/11/2021, bộ Ngoại Giao, bộ Tài Chính và bộ Thương Mại Hoa Kỳ ra văn bản tư vấn cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Cam Bốt và thông báo trừng phạt hai quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Cam Bốt với cáo buộc những người này có các hành vi tham nhũng liên quan đến Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Cam Bốt và có vị trí chiến lược quan trọng.  

AFP cho biết, theo văn bản tư vấn do bộ Ngoại Giao, bộ Tài Chính và bộ Thương Mại Hoa Kỳ cùng soạn thảo, các công ty Mỹ cần tránh những hành vi tham nhũng, phạm tội ác và vi phạm nhân quyền khi kinh doanh, đầu tư và giao dịch với các thực thể Cam Bốt.  

Trước đó, cũng trong ngày hôm qua 10/11/2021, bộ Tài Chính Mỹ đã áp dụng các trừng phạt nhắm vào Tư lệnh hải quân Cam Bốt, Tea Vinh và Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục vật tư của bộ Quốc Phòng Cam Bốt. Cả hai quan chức cấp cao này đều bi cáo buộc biển thủ công quỹ từ dự án phát triển căn cứ Hải quân Ream, gần thành phố Sihanoukville.

Tài sản của hai nhân vật này tại Mỹ sẽ bị phong tỏa, bản thân họ và thân nhân bị cấm sang Mỹ du lịch. Bộ Ngoại giao và Quốc Phòng Cam Bốt chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Các tuyên bố của bộ Tài Chính và bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua không đề cập đến sự can dự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân lớn nhất nước này, nhưng căn cứ hải quân Ream mà Mỹ tài trợ cho Cam Bốt xây dựng từ lâu nay đã trở thành tâm điểm các mối căng thẳng giữa đôi bên. Washington phản đối sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây, cho rằng điều này ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh quốc gia của Cam Bốt và quan hệ Washington – Phnom Penh.

Hồi tháng 10/2021, Washington cáo buộc Phnom Penh thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ Ream và kêu gọi chính phủ nước này công bố toàn bộ phạm vi can dự quân sự của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Phnom Penh đã xích lại gần Bắc Kinh và trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. 

Related posts