Trung Quốc: Giá sản xuất và tiêu dùng cùng tăng là rất nguy hiểm

Phụng Minh

Ảnh: Youtube/CCTV.

Dưới tác động cùng lúc của giá hàng hóa tăng và tình trạng thiếu điện, giá sản xuất của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng chóng mặt, các nhà sản xuất bắt đầu chuyển áp lực giá thành cao hơn cho các nhà bán lẻ, và lạm phát giá tiêu dùng bắt đầu tăng. Số liệu cho thấy giá rau củ trong tháng 10 tăng 16,6% so với tháng 9, trong khi giá thịt lợn co lại, và đang có dấu hiệu phục hồi. Các nhà phân tích dự đoán rằng, trong thời gian tới, giá hàng tiêu dùng có thể tăng vượt qua dự kiến.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 11/10 cho thấy, trong tháng 10, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2,8 điểm phần trăm so với tháng 9, vượt xa chỉ số mà các nhà kinh tế dự đoán trước đó là 12,3%. Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 9. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, và cao hơn mức dự kiến 1,4%.

Theo số liệu của Cục Thống kê cho thấy, trong số các mức tăng so với cùng kỳ năm trước của PPI trong tháng 10, giá vật liệu sản xuất đã tăng 17,9%. Trong số 40 ngành công nghiệp được khảo sát, có 36 ngành tăng giá, giống như tháng trước. Trong các ngành sản xuất chủ yếu, giá than khai thác và công nghiệp tẩy rửa tăng 103,7%.

Bruce Pang, trưởng phòng nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại công ty China Renaissance Securities (Hồng Kông) cho rằng, dữ liệu PPI và CPI mới nhất “ngụ ý” rằng, có áp lực lạm phát lan rộng đối với hai phương diện sản xuất và tiêu dùng. Áp lực lạm phát và lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn ở các nền kinh tế lớn khác, có thể hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc”.

Trương Trí Uy, nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý vốn Bảo Ngân cho rằng, biểu đồ tỷ giá giữa PPI và CPI tiếp tục mở rộng, cho thấy nguy cơ kinh tế đình trệ do lạm phát tiếp tục gia tăng, và sự truyền từ PPI sang CPI là rất đáng lo ngại. Trước đây, hiệu ứng dẫn truyền này không cao, bởi vì các công ty sử dụng hàng tồn kho để tránh truyền chi phí tăng lên cho người tiêu dùng, nhưng hiện nay hàng tồn kho tiếp tục giảm.

Trong những tháng gần đây, nhiều công ty đã tăng giá, tác động truyền dẫn này sẽ trở nên rõ nét hơn trong những tháng tới và tiếp tục đẩy chỉ số CPI lên cao. Điều này sẽ hạn chế không gian nới lỏng chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong năm tới.

Giá rau tăng lên hai con số

Trong tháng 10, giá thịt lợn tiếp tục giảm, nhưng mức giảm nhỏ hơn so với tháng trước, có dấu hiệu ngừng giảm và phục hồi lại. Giá rau đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 10. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê ĐCSTQ, giá rau tăng 15,9% theo năm và 16,6% theo tháng.

Chu Hạo, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Commerzbank Asia, tin rằng theo xu hướng CPI hiện tại, có thể “vượt ngưỡng 3” vào năm tới. “Điều này là không thể chấp nhận được, và áp lực tăng giá lương thực có thể kéo dài bao lâu thì cần phải theo dõi thêm”.

Chuyên gia: Chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể tăng hơn dự kiến

Trình Cường, nhà phân tích vĩ mô cấp cao nhất tại tập đoàn CITIC đã viết một bài viết vào ngày 10 tháng 11 chỉ ra rằng, chỉ số CPI đã đi vào biên độ tăng trong quý 4 như dự kiến. Trình Cường dự đoán rằng, chỉ số CPI tiếp theo có thể tăng ngoài dự đoán:

Trước hết, giá thịt lợn, tác nhân gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến xu hướng tăng của CPI, đã bắt đầu chạm đáy, giá thịt lợn đã tăng nhẹ trở lại kể từ tháng 10. Mặc dù giá thịt lợn đã giảm 44,0% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, nhưng tốc độ giảm đã thu hẹp 2,9 điểm phần trăm so với giá trị trước đó. Đánh giá từ báo cáo quý 3 của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn niêm yết, hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ván cờ cung ứng này rõ ràng là không bền vững. Do đó, dự kiến ​​từ quý 4 tới năm sau, giá thịt lợn sẽ không duy trì lâu dài, và trở thành nhân tố ảnh hưởng đến CPI.

Thứ hai, việc truyền giá dầu thô sang giá hàng tiêu dùng đã diễn ra qua hai kênh là giá nông sản công nghiệp và giá giao thông vận tải. Hiện tại, trên thế giới, tồn kho dầu thô của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Bắc Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Quý 4 năm sau, người ta kỳ vọng rằng, phía cầu sẽ khôi phục trở lại vào khoảng giữa năm 2022 như trước khi xảy ra dịch virus Vũ Hán.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại ván cờ ở các bộ phận khác nhau về phía nguồn cung và có sự không chắc chắn trong việc tăng sản lượng. Điều này hỗ trợ cho giá dầu thô hoạt động trong biên độ cao hơn. Vào ngày 25/10, giá dầu thô Brent đã từng chạm mức 86 USD/thùng, trên thực tế, chỉ cần giá dầu thô từ quý 4 sang năm sau cao hơn 65 USD/thùng, thì nó sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung tâm của giá dầu thô trước khi dịch bệnh, và nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong giá cả của hàng hóa và dịch vụ liên quan.

Giá điện tăng ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân và làm bẽ mặt Lý Khắc Cường

Trong tháng 10, giá các sản phẩm công nghiệp nhìn chung đã tăng. Giá dầu thô Brent tăng khoảng 12,1% so với tháng trước. Chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung trong nước thắt chặt, giá than cũng tăng theo. Từ giá trung bình hàng tháng tại các cảng lớn cho thấy, giá than nhiệt điện đã tăng 52,3%.

Vào ngày 11/10, nhà kinh tế độc lập của Trung Quốc Củng Thắng Lợi nói với RFA rằng, nguyên liệu thô như than đá và dầu mỏ, là những nhu cầu thiết yếu chi phối sinh kế của người dân, và giá cả tăng cao sẽ là một vấn đề không thể giải quyết trong ngắn hạn.

Điều quan trọng là giá than tăng sẽ tác động lên giá điện. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước đây đã tuyên bố rằng, giá điện tăng sẽ không tạo thành lạm phát, nhưng ông Củng Thắng Lợi tin rằng, giá điện tăng sẽ làm tăng tất cả các chi phí khác, bao gồm cả thực phẩm, đồ uống và nhu yếu phẩm hàng ngày. Việc thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, và gây ra phản ứng dây chuyền.

Related posts