Chuyên gia: Toan tính thật sự của Bắc Kinh đối với cam kết chống biến đổi khí hậu

Phụng Minh

Các quan chức cho biết lượng khí thải carbon monoxide của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030. (Ảnh minh họa: Youtube/Journeyman Pictures)

Một số chuyên gia cho biết Trung Quốc đang cố gắng lợi dụng những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ và các nước phương Tây. 

Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện một loạt động thái khiến các quốc gia hy vọng rằng sự tham gia của Trung Quốc vào Hiệp định Paris sẽ cải thiện được vấn đề khí hậu. 

“Trung Quốc sẽ tăng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định và phấn đấu đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào năm 2030 và đạt được trung hòa carbon vào năm 2060”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức vào tháng 4/2021 với sự tham gia của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới.

Trung Quốc đã tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo lên 120 triệu kilowatt vào năm 2020 và có kế hoạch tăng gấp 10 lần vào năm 2030, theo một báo cáo công khai của chính phủ Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiều chi tiết, chẳng hạn như cam kết 80% điện từ các nguồn phi carbon vào năm 2060 cũng như cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than ở các nước khác. Các quan chức cho biết lượng khí thải carbon monoxide của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030. 

Đất nước với hơn 1,4 tỷ dân này chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải carbon của thế giới.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo phương Tây hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tăng cường các cam kết của mình hơn nữa. Nhiều người cho rằng nếu không có Trung Quốc, toàn bộ nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ không có hiệu quả.

Hãy đi sâu hơn để thấy được những toan tính của Bắc Kinh sau lời hứa chống biến đổi khí hậu và mức độ thực hiện cam kết của họ như thế nào.

Trung Quốc có khả năng lợi dụng những nỗ lực về giảm phát thải cacbon của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu để đạt được lợi ích khác, Katie Tubb, nhà phân tích chính sách kinh tế tại Quỹ Di sản bảo thủ cho biết. 

Ông Sen Nieh, giáo sư và cựu trưởng khoa Kỹ thuật Cơ khí của Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA), nói với The Epoch Times ấn bản Hồng Kông rằng ĐCSTQ sẽ giành được lợi thế trên bốn mặt trận thông qua Hiệp định Paris.

Theo thỏa thuận Paris, các nước phát triển sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển khoảng 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm để giúp các nước này phát triển và cải thiện cấu trúc năng lượng của mình cũng như phát triển và chuyển đổi công nghệ trước năm 2025. Trung Quốc cam kết sẽ tăng lượng khí thải carbon và đạt đỉnh vào năm 2030.

Ông Nieh tin rằng đối với Trung Quốc, việc ký kết Hiệp định Paris giống như “một mũi tên bắn trúng bốn con nhạn”. Thỏa thuận này cho phép ĐCSTQ nhận được sự hỗ trợ tài chính; tạm thời vẫn tăng lượng khí thải carbon trong khoảng thời gian 10 năm; tạo dựng hình ảnh “quốc gia hàng đầu” thân thiện với môi trường trên thế giới; và cuối cùng là đánh bại Hoa Kỳ.

Ông tin rằng ĐCSTQ có thể đạt được bốn mục tiêu này vì thỏa thuận khí hậu được xây dựng dựa trên [các mức độ] trách nhiệm khác nhau của các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Một số phương tiện truyền thông chính thống đăng các câu chuyện đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên nhượng bộ ĐCSTQ để đổi lấy hợp tác khí hậu hay không.

Ngay từ đầu, các nhà quan sát Trung Quốc đã thấy rõ rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng sử dụng sự tham gia của mình vào các sáng kiến khí hậu để làm đòn bẩy chính trị — thu được nhiều lợi ích và khiến phương Tây phải im lặng trước những vi phạm nhân quyền, sự bành trướng địa chính trị, và các hành vi sai trái trong thương mại của chính quyền này. 

Vào đầu năm nay khi đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Joe Biden, ông John Kerry, gạt câu hỏi về lao động nô lệ ở Trung Quốc sang một bên, cho thấy chính quyền Biden xem các cam kết về khí hậu của ĐCSTQ là trên hết. 

ĐCSTQ đã thực hiện các cam kết về khí hậu đến mức nào ?

Nhìn vào thực trạng ở Trung Quốc hiện nay chúng ta sẽ thấy được rằng các cam kết và hành động của ĐCSTQ là không đi đôi với nhau.

Trong vấn đề giảm bớt sử dụng than, một trong những nguồn thải ra khí Cacbon nhiều nhất, thì ngày 2/11, hãng tin Pháp AFP cho biết Bắc Kinh đã quyết định tăng mức sản xuất than thêm hơn 1 triệu tấn mỗi ngày để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng. 

Theo The New York Times: “Trung Quốc đang mở rộng các mỏ để sản xuất thêm 220 triệu tấn than mỗi năm, tăng gần 6% so với năm ngoái”. Các hoạt động khai thác than lớn và nhỏ đang được hồi sinh trên khắp vùng Nội Mông và Thiểm Tây, nơi có khoảng 170 mỏ được lệnh tăng công suất. 

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, mới đây cho biết, một số khu vực đã “mù quáng” mở rộng các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao, thậm chí một số dự án được xây dựng trước khi được phê duyệt.

Giới hạn các dự án thép, than, xi măng và nhôm được coi là một cách hiệu quả để giảm cường độ carbon .

Tuy nhiên, Bộ Môi trường nước này tháng trước phát hiện ra rằng có 8 tỉnh phụ thuộc nhiều vào các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao, và một số tỉnh đang chạy đua để xây dựng thêm.

Bộ này cũng cho biết thêm, tại tỉnh Sơn Tây, miền trung nước này có kế hoạch khởi động 178 dự án với mức tiêu thụ năng lượng tương đương khoảng 60 triệu tấn than tiêu chuẩn, vượt xa hạn ngạch đặt ra trong kế hoạch 5 năm mới nhất của đất nước – kế hoạch chi tiết đặt ra định hướng cho giai đoạn 2021-2025.

Đầu tháng 5/2021, tờ Washington Post đưa tin, lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc hiện lớn hơn mức phát thải của các nước phát triển cộng lại. Trung Quốc hiện chiếm 27% lượng khí thải toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 11%.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc, mới đây cho biết, một số khu vực đã “mù quáng” mở rộng các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao, thậm chí một số dự án được xây dựng trước khi được phê duyệt.

Ông Gordon Chang, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Gatestone và là tác giả của “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đã chỉ trích chính quyền Biden kích hoạt trò chơi đòn bẩy của ĐCSTQ. 

Ông nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ sẽ không thể hợp tác với Trung Quốc với các điều kiện mà Bắc Kinh áp đặt.

“Bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc về biến đổi khí hậu cũng sẽ chỉ lãng phí thời gian”, theo ông Clyde Prestowitz, người từng là nhà đàm phán thương mại cho chính quyền Tổng thống Reagan. 

Ông nói thêm: “Chúng ta không thể tin Trung Quốc sẽ giữ lời”.

Cựu quan chức an ninh của Tổng thống Trump, Matthew Pottinger, cũng cảnh báo tương tự về việc mắc kẹt trong “cái bẫy đàm phán” do Bắc Kinh giăng ra. Ông nói các chính quyền của Hoa Kỳ đã lãng phí nhiều năm trong các cuộc đàm phán chính thức với Trung Quốc mà không mang lại kết quả cụ thể nào. Điều này càng cho phép ĐCCSTQ tiếp tục các hành động có hại chống lại Hoa Kỳ.

Related posts