Khủng hoảng di dân: Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ châm “mồi lửa”?

Minh Anh

Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc châm mồi lửa cho khủng hoảng di dân Liên Âu. © GettyImages/ SimpleImages

Tình hình khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan và Belarus chưa thấy có dấu hiệu thoát khỏi bế tắc. Minsk và Moscow bị phương Tây tố cáo dùng di dân như là một « vũ khí chính trị » để gây bất ổn đường biên giới phía đông của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, trong trò chơi địa chính trị này, dường như còn có một kẻ thứ ba, đang lặng lẽ châm ngòi mà không lo sợ bị trừng phạt : đó là Thổ Nhĩ Kỳ.  

Thứ Ba, 09/11/2021, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cáo buộc Ankara “phối hợp với Minsk và Moscow” để châm mồi cuộc khủng hoảng di dân chống lại Liên Hiệp Châu Âu. Nguyên nhân là, theo tường thuật của tờ Middle East Eye, nhiều chuyến máy bay đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Minsk do hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác dường như đã được sử dụng để chở di dân đến Belarus.    

Trang mạng kênh phát thanh France Culture còn dẫn lại một cuộc điều tra của New York Times, dường như cũng khẳng định vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, nhiều người Kurdistan ở Irak và Syria, trả những khoản tiền lớn 3.000 euro cho những hãng lữ hành, tổ chức những chuyến đi trọn gói đến châu Âu thông qua ngả Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.    

Cũng France Culture dẫn thông tin từ một nhật báo cánh tả Thổ Nhĩ Kỳ BirGün khẳng định, phần đông số di dân, vốn đang gây ra những căng thẳng ở biên giới Belarus và Ba Lan đều trung chuyển qua ngả Istanbul và bắt các chuyến bay của hãng Turkish Airlines, hãng hàng không duy nhất cùng với hãng Belavia của Belarus và Aeroflot của Nga còn duy trì các chuyến bay đến Minks.    

Trước những lời cáo buộc này, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/11/2021 đã lên tiếng phủ nhận. Đáp trả cáo buộc của Vacxava, chính quyền Ankara lên tiếng mời các chuyên viên kỹ thuật Ba Lan đến xem xét các dữ liệu hàng không của Turkish Airlines. Tuy nhiên, những cử chỉ này của Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể xóa tan được mối hoài nghi từ nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy có « bàn tay » của Ankara.    

Thứ nhất, ông Jean-Thomas Lesueur, chuyên gia Viện Thomas More, khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo Đức khẳng định Aeroflot (Nhà nước Nga chiếm đến 51% cổ phần) và Turkish Airlines (Nhà nước Thổ giữ 49%) “đã có những đóng góp quyết định cho việc chuyên chở di dân sang Belarus.”

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cho là “rất dày dạn kinh nghiệm” trong việc sử dụng “vũ khí di dân”. Trang mạng Greek City Times nhắc lại năm 1990, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thời bấy giờ là ông Turgut Özal từng có một tuyên bố đầy khiêu khích: “Thổ Nhĩ Kỳ không cần gây chiến với Hy Lạp. Chúng tôi chỉ cần gởi đến nước này vài triệu dân nhập cư và thế là xong”.

Bài học này đã được nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, Recep Tayyip Erdogan – một con người rất thực dụng, áp dụng một cách hoàn hảo trong các cuộc khủng hoảng di dân 2015 và 2020, hòng gây áp lực với Liên Hiệp Châu Âu để rồi cuối cùng có được khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro giúp trang trải các chi phí ngăn chặn dòng chảy di dân như cam kết với Liên Hiệp Châu Âu. Một cam kết mà Ankara không bao giờ thực hiện đầy đủ.  

Cuối cùng, trong cuộc khủng hoảng này, người ta còn quên rằng giữa Ankara và Minsk có một mối quan hệ rất mật thiết, cả trên bình diện cá nhân lẫn chính trị giữa hai nước, ngay từ những năm cuối thập niên 2000.  

Nhà báo Ariane Bonzon, trong một bài viết trên Le Monde Diplomatique (tháng 12/2020) từng viết rằng với Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Trung Quốc là một điểm tựa để đa dạng hóa chính sách đối ngoại, tháo gỡ bớt vòng kềm tỏa của người “anh Cả” Nga, mà không cần phải ngả theo châu Âu, vốn không bao giờ chấp nhận một kẻ độc tài.    

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus là một mối lợi kinh tế và ngoại giao, nhằm thoát khỏi sự cô lập và tìm kiếm một sự tiếp sức thế mạnh trong không gian hậu Xô Viết, một lá bài quan trọng để đối phó với Nga. Thế thì tại sao Ankara không giang tay cứu giúp người “anh em kết nghĩa” hiện cũng đang trong cơn khốn đốn ?    

Liệu lần này Liên Hiệp Châu Âu có trừng phạt Turkish Airlines như tuyên bố hay không ? Ông Karol Wasilewski, chuyên gia về quan hệ quốc tế, khi trả lời Wyborcza Gazeta, cảnh báo : Trong vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước tầm thường nào đó, đây là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Với danh nghĩa này, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu. Trừng phạt hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ là một “đòn ngoại giao lớn mà Bruxelles chỉ dùng vào phút chót”.  

Trong một động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay thông báo cấm các công dân Irak, Syria và Yemen đáp các chuyến bay của Turkish Airlines đi Belarus. Áp lực của châu Âu hay trò chơi này chỉ là tạm hạ màn? Đây phải chăng còn là một lời nhắc nhở từ Ankara gởi đến Bruxelles: Châu Âu đã thiếu bổn phận và trách nhiệm trong việc xử lý hậu chiến tranh tại Syria và Irak! 

Khủng hoảng di dân: Tại LHQ, phương Tây lên án “chiến thuật” của Belarus, Nga kêu gọi đối thoại

Minh Anh

Hơn 2000 di dân Trung Đông bị kẹt tại vùng biên giới chung với Ba Lan, gần Grodno, trên lãnh thổ Belarus, từ nhiều ngày qua. Ảnh chụp ngày 10/11/2021. AP – Ramil Nasibulin

Ngày 11/11/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn về khủng hoảng di dân đang gây căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus, và rộng hơn nữa là giữa Belarus với Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của Pháp, Estonia, và Ireland.  

AFP nhắc lại, từ vài tháng nay, hàng ngàn di dân, đa số đến từ vùng Cận Đông, đã bị mắc kẹt, sống trong điều kiện khắc nghiệt ở vùng biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc Minks châm ngòi khủng hoảng khi cấp thị thực nhập cảnh và chuyên chở di dân để trả thù các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành năm 2020 nhắm vào chế độ Loukachenko sau các cuộc trấn áp phe đối lập thô bạo.

Cuộc họp hôm qua đã diễn ra trong bầu không khí gay gắt. Nga – đồng minh chính của chế độ Loukachenko – và các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đã đối đầu nhau mạnh mẽ trong chủ đề này. Phương Tây kêu gọi « phản ứng mạnh mẽ » hơn từ quốc tế bất chấp lời kêu gọi đối thoại trước đó của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten tường thuật:

Nếu như trên thực địa, Liên Hiệp Châu Âu có thể thông qua những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Belarus, và nước này dọa ngắt nguồn cung khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ Belarus, thì bài toán hóc búa về cuộc khủng hoảng di dân hôm qua đã lan rộng sang cả New York. Bởi vì, Nga và phương Tây đối đầu với nhau về chủ đề này tại Hội Đồng Bảo An. Phó đại sứ Nga Dimitri Polyansky, đã cao giọng ngay trước khi bước vào cuộc họp. Theo ông, các đồng nhiệm châu Âu chắc là có thiên hướng hành xác khổ dâm nên mới muốn đề cập đến vấn đề này tại Hội Đồng, một chủ đề mà theo ông,  “hoàn toàn là sự hổ thẹn” cho Liên Hiệp Châu Âu. Khẩu chiến đã bùng nổ trong cuộc họp kín.  

Trong một thông cáo, phương Tây tuyên bố “lên án việc dàn dựng và biến con người thành một công cụ mà mạng sống và an toàn đã bị đặt vào vòng nguy hiểm vì những mục đích chính trị của Belarus”. Phương Tây tố cáo thái độ “không thể chấp nhận” của Minks, và kêu gọi quốc tế có phản ứng mạnh mẽ để Belarus phải trả giá. Nhưng Minsk được Moscow bảo vệ, nên chẳng có gì phải lo ngại Liên Hiệp Quốc.”

Khủng hoảng di dân: Ukraina tăng cường binh sĩ ở biên giới với Belarus

Minh Anh

Kiev tăng cường an ninh tại biên giới đề phòng người nhập cư trái phép từ Belarus tràn vào Ukraina. Ảnh tổng thống Volodymyr Zelensky chụp ngày 01/11/2021. AP – Andy Buchanan

Tình hình căng thẳng ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan tiếp tục gia tăng, bất chấp cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Sau khi Ba Lan cho triển khai 15.000 binh sĩ ở biên giới, đến lượt Ukraina, hôm 11/11/2021, cho biết ý định triển khai hàng ngàn lính biên phòng và cảnh sát ở vùng biên giới chung phía nam Belarus.  

Nếu như Minks bị Liên Hiệp Châu Âu, cáo buộc dùng di dân gây bất ổn biên giới phía đông của khối, liệu cuộc khủng hoảng này có đe dọa gây bất ổn thật sự Ukraina hay không ? Hay đây chỉ là một trò chơi chính trị của Kiev ?

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan, giải thích:  

Thứ Năm, bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Denis Monastyrsky thông báo Kiev sẽ điều khoảng 8.500 quân nhân, binh sĩ, hiến binh và cảnh sát đến vùng biên giới với Belarus, nhằm bảo đảm an ninh hàng trăm km đường biên giới ngăn cách Ukraina với nước láng giềng Belarus.  

Thế nhưng, cơ quan biên phòng Ukraina khẳng định hiện chưa có một mối đe dọa nào đến từ lãnh thổ Belarus. Trên thực tế, kể từ đầu cuộc khủng hoảng di dân, chưa một dấu hiệu nào cho thấy di dân có ý định vượt biên giới từ Belarus sang Ukraina.  

Nhưng dường như đây là cách để tổng thống Volodymyr Zelensky gởi đi một thông điệp bày tỏ tình liên đới chính trị với các đối tác Ba Lan và Litva.  

Ngược lại, việc triển khai này xảy ra trong bối cảnh bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo đều đặn trong những ngày gần đây các hoạt động dịch chuyển quân gần biên giới với Ukraina.  

Chính quyền Ukraina tỏ ra rất cẩn trọng, nhưng ở Kiev, kể từ lúc ông Loukachenko tái đắc cử gây nhiều phản đối, điều làm giới ngoại giao và chính trị Ukraina lo sợ hơn cả là Nga sẽ gởi quân đến Belarus, gây bất ổn Ukraina ở mặt trận mới phía bắc.  

Trong khi chờ đợi, Ukraina đương nhiên tìm cách cho biết là trong cuộc khủng hoảng này, Kiev đã đứng về phía Ba Lan.”  

Related posts