Giọng đọc người xưa

Nguyễn Thơ Sinh

Với những ai sang đây đầu thập niên 80, 90 hẳn còn nhớ những cuốn video phim bộ Hong Kong huyền thoại một thời. Chúng là món ăn tinh thần của người Việt xa xứ ngày đó. Khổ. Bơ vơ và lạc lõng (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), không radio phát sóng, không TV tiếng Việt. Chao ôi, nhớ lại còn thấy buồn, tiếng Việt lúc đó sao mà quý, mà đáng yêu, đáng trân trọng đến thế!

Những bước đường chập chững buổi đầu sau một cuộc mạo hiểm đổi đời tìm đến xứ xở tự do cho một cuộc mưu sinh mới. Chẳng thể kể hết những lý do cùng với bao uẩn khúc. Cực chẳng đã, phải cay nghiệt cùng kiệt lắm người ta mới phải lìa xa nơi mình trân quý ưu ái gọi là quê cha đất tổ đến với một miền đất lạ. Những Việt Kiều ngày đó xa quê, vắng thưa những buồng cau, những chùm khế ngọt, bỏ lại sau lưng khóm chuối ba hương và vạt mía lau hiền hòa mát rượi. Dắt díu bồng bế đến xứ người, họ đem theo những tiếc nuối, gồng gánh những hạt giống rau muống, rau đay, lủ khủ với bao trăn trở với tia hy vọng tràn trề sẽ có một ngày cóc chết ba năm quay đầu về núi.

Thế đấy. Hành trang của họ. Lần dở. Thấy gì? Phải chăng đó chút vốn liếng tiếng Việt phải cố gắng gìn giữ bằng mọi giá. Vừa phải đối diện với áp lực học tiếng Anh với động từ “to quơ” xứ người miệng nói mà mỏi tay chứ không mỏi lưỡi. Khôi hài chút cho vui. Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Đến xứ người thì phải tập nói được tiếng nước người mới mong sống trọn câu an cư lạc nghiệp. Để rồi tiếng Việt có lúc đã ngẩn ngơ vì thấy mình không còn đắc dụng. Mà thôi. Còn được như vậy là còn tốt, như lời ai đó đã an ủi đồng hương (cũng như để an ủi chính mình): Tiếng Việt còn, người Việt còn, mọi cái cứ thế mà tùy duyên, rừng còn xanh lo gì không có củi đốt.

California trở thành thủ phủ của người Việt tha hương trên đất Mỹ. Rồi những thành phố lớn khác thu hút di dân nòi Giao Chỉ đến đó lập nghiệp. Houston và Dallas, New Orleans và Boston, Washington DC và khu thương xá Eden của Virginia, Atlanta và New York, Philadelphia rồi Chicago… cứ thế, nơi đâu có đất, có bầu trời là sức bật của giống nòi Giao Chỉ bùng lên như luôn tiềm ẩn thứ DNA của giống nòi thừa mứa những hào khí kiên cường bất khuất. Theo đó, khao khát được quây quần, được góp nhặp, vực lại những giá trị nhân sinh của tổ tiên qua những nỗ lực kiên gan đồng hội, đồng thuyền cuối cùng đã bén rễ, nảy vỡ những lá mầm sơ khai mạnh mẽ nhất.

Rồi những tiệm sang băng video của người Việt ra đời. Không sầm uất lắm nhưng đủ tấp nập để chủ tiệm bận rộn lăng xăng không ngơi tay với đơn đặt hàng ơi ới như con thoi quăng đi quăng lại. Ngày đó Internet còn ngủ đông chưa cựa mình vươn vai như một quái vật khổng lồ, mấy tiệm sang băng kiếm ăn được, một phần vì nó là nhu cầu giải trí quan trọng của đồng hương, bên cạnh những chương trình thâu băng ca nhạc của Thúy Nga Paris, của những trung tâm phát hành âm nhạc chủ yếu đóng đô tại California.

Nhớ hồi đó, báo Việt ngữ chưa có, nhất là tại những vùng còn thưa thớt người Việt định cư phim Hong Kong bá chủ. Chả trách được, đến máy vi tính còn chưa phổ thông, chỉ có máy cassette (còn CD vẫn là điều không tưởng), TV là và cái đầu máy video 8-tracking bỗng trở thành bè bạn thân thương trong mỗi hộ gia đình. Những bộ phim Hong Kong và của Đài Loan trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, phim Hàn Quốc lúc đó còn chưa thịnh, người ta thực sự bị cuốn hút vào những cốt truyện Trung Hoa cổ, phim tình cảm xã hội vốn càng lúc càng trở thành cần thiết như dưa cà, mắm muối.

Tất nhiên phim Mỹ và những chương trình phát sóng Anh ngữ đã giúp người Việt mình giải trí. Gì chứ, phim hành động Mỹ ai có thể sánh kịp. Một số đặc biệt cần đến những chương trình kịch hài Mỹ (nhất là khi màn hình TV có thêm chức năng phụ đề – close caption) giúp họ học tiếng Anh. Cơ khổ. Với nhiều người tiếng Anh chỉ ở cấp lõm bõm do không được học hành tử tế thời gian còn ở bên nhà, sang đây người hiếu học tận dụng mọi phương tiện. Cuốn từ điển song ngữ trở nên nhàu nát. Cuốn tập theo học các lớp ESL (English as Second Language) chi chít những lằn kẻ, những dấu hoa thị, chú thích chỗ này, bôi đậm chỗ kia, mực xanh, mực đỏ…

Nói gì thì nói, tuy háo hức học Anh ngữ nhưng người ta đâu thể xem nhẹ tiếng Việt, đặc biệt khi văn hóa giải trí tinh thần tiếng Việt bỗng biến thành món ăn cần thiết giúp người ta nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Quả nhiên vậy, cô quạnh xứ người với nỗi nhớ nhà canh cánh còn phải gồng thêm những vất vả mưu sinh, vào hãng bấm thẻ mỗi ngày hai buổi, tăng ca không sót bữa nào. Chiều về. Háo hức. Bỏ cuốn băng video vào đầu máy. Màn hình hiện lên những thước phim nối tiếp của tập trước. Không gì thú vị thoải mái hơn khi được nằm trên giường xem phim bộ (bất luận là xem một mình hay xem với người khác), hoặc vừa ngồi bệt xúc một tô cơm đầy, vừa ăn vừa coi phim, vừa thả mình vào câu chuyện trong phim với bao tình tiết lôi cuốn li kỳ…

Vâng. Những câu chuyện trong phim ấy, những chi tiết sự kiện, những bối cảnh đẩy đưa, hoàn cảnh sống éo le, lòng người hiểm độc, tâm địa xấu xa cùng bao khắc khoải thê lương; bất luận là phim kiếm hiệp, phim cổ trang, phim hài, hay phim xã hội đen đều cần đến sự góp mặt của những diễn viên lồng tiếng. Quả thế, những thước phim ấy không thể chuyển tải bất cứ thông điệp nào nếu vắng sự hiện diện của tiếng Việt, trong đó vai trò của những diễn viên lồng tiếng và các giọng nói thuyết minh gãy gọn, khúc triết trở thành quan trọng sống còn.

Vâng. Họ. Những diễn viên lồng tiếng âm thầm làm việc phía sau sân khấu, nói rõ hơn đó là những phòng thâu. Có thể lời thoại kịch bản được in ra trên giấy trắng, hay những dòng đối thoại được chạy trên một màn ảnh hiển thị nhỏ, rồi một màn hình lớn với bộ phim gốc chưa lồng tiếng được chiếu lên. Họ vừa xem phim, vừa diễn đọc theo kịch bản, rồi bằng khả năng thiên phú cộng với những kỹ năng do khổ công mới có được (họ) thổi vào những bộ phim dòng cảm xúc chân thực nhất, giúp người xem cảm nhận rõ những diễn biến đang xảy ra trong phim.

Hẳn bạn còn nhớ đôi lần hiếm họa xem một bộ phim nước ngoài không phụ đề, không thuyết minh, 100% hoàn toàn tiếng bản xứ. Bạn sẽ cố gắng vận dụng mọi giác quan, kể cả trực giác và khả năng suy diễn phân tích, đoán già đoán non để có thể theo dõi bộ phim; tuy nhiên bạn sẽ tốn không ít năng lượng. Rồi cũng bộ phim ấy, nếu có phụ đề bạn sẽ đỡ mệt hơn, còn nếu có thuyết minh bộ phim càng hay hơn. Rồi vẫn với bộ phim ấy, được nghe lồng tiếng bạn mới thực sự cảm thấy phê. Tất nhiên các diễn viên lồng tiếng làm việc chung với nhau trong một ê kíp, có nhóm giọng miền nam, có nhóm giọng Quảng nên một số ê kíp lồng tiếng sẽ gần gũi với bạn tùy theo giọng lồng phim của nhóm. Điều này khẳng định giọng truyền cảm của một nhóm ê kíp lồng tiếng chuyên nghiệp sẽ lột tả rõ hơn thần thái và nội dung thông điệp của một tác phẩm điện ảnh.

Vâng. Những Cô Gái Đồ Long. Những Vua Bếp. Những Bến Thượng Hải. Những Thần Điêu Đại Hiệp. Những Bao Thanh Thiên. Những Lộc Đỉnh Ký. Những Thiên Long Bát Bộ. Những Hoàng Phi Hùng. Những Hoa Mộc Lan… Tất cả những bộ phim của hãng phim TVB đã đi vào lòng người nhờ giọng đọc truyền cảm của những diễn viên lồng tiếng. Để rồi từ lúc nào không rõ, tiếng nói của họ từ đời thực đã bước vào từng vai diễn khiến cho tình tiết câu chuyện trở nên lôi cuốn, dứt không ra.

Chị ơi, đã có tập 14-15-16 của bộ Bạch Phát Ma Nữ chưa? Có rồi. Mai em ghé nha. Để chị dặn mấy đứa chừa lại cho em. Có lấy ba tập cuối của cuốn Thế Giới Điên Đảo luôn không? Dạ cho em lấy luôn, nôn cái kết cuộc quá trời. Cứ thế, người ta bảo nhau tập này đã có, tập kia chưa về. Hoặc người ta sẽ giới thiệu phim này hay, phim kia cảm động, còn phim kia thì càng coi càng tức anh ách với bà mẹ chồng lựu đạn và cô con dâu khờ khạo hết thuốc chữa…

Những tiệm sang băng video thời đó sống được. Thậm chí những chiếc TV combo có gắn luôn cả đầu máy video bày bán khắp nơi. Hẳn bạn còn nhớ những cái máy tape rewinder hình chiếc xe hơi với những cuộn băng VHS (Video Home System) bỏ vào đầu máy VCR (videocassete recorder). Có lúc rối băng. Có lúc máy bị hóc. Nhiều cuốn băng bị nhàu, màn hình eo éo, âm thanh cà giựt. Đủ trò cả. Gần như cái thú xem phim Hong Kong lồng tiếng Việt ngày đó, một món ăn tinh thần thiết thực giúp người Việt những ngày đầu trên đất Mỹ bớt đi cái thèm được xem TV có tiếng nói Việt Nam.

Diễn viên lồng tiếng thực ra chính là cầu nối đem diễn viên trong phim đến với khán giả. Người có chất giọng tốt sẽ được các ông bầu, bà bầu ưu ái. Thậm chí một bộ phim Hong Kong ăn khách không thể thiếu vắng công lao của các diễn viên lồng tiếng. Tất nhiên cát-xê cũng được trả cao hơn cho một vài giọng lồng tiếng ăn khách. Ít người biết danh hài Vân Sơn từng là giọng nói của diễn viên điện ảnh Hong Kong nổi tiếng Châu Tinh Trì với những bộ phim hài hành động nổi tiếng như Thánh Bài. Tấm lòng và tài năng của Vân Sơn đã khiến Châu Tinh Trì cảm động. Thậm chí Châu Tinh Trì đã viết thư cảm ơn Vân Sơn khi chia sẻ mình rất cảm kích trước giọng lồng tiếng của Vân Sơn. Châu Tinh Trì có cảm giác mình đang nói tiếng Việt với khán thính giả Việt khi anh xem phim của mình do Vân Sơn lồng tiếng.

Mới đó mà đã đó. Thời gian trôi đi lẹ thiệt. Những bộ phim Hong Kong ngày đó đã đồng hành cùng người Việt mình những ngày đầu tha phương giúp họ vượt qua những mệt nhọc vất vả lúc đầu. Rồi những kỹ nghệ mới trong lĩnh vực tin học dần dần bức tử kỹ nghệ phim ảnh giải trí video. Thương hiệu Blockbuster với bao quày kệ trưng bày những đầu phim, game đã bị trúng độc không có thuốc giải. Hàng loạt những tiệm Blockbuster phải đóng cửa. Các tiệm thuê sang băng của người Việt cũng vậy, không thể trụ lại khi youtube.com ra đời. Đến âm nhạc còn chết đứng huống gì phim ảnh. Thế là các nhóm ê kíp lồng tiếng phim Hong Kong bị đẩy vào con đường dẫn đến một tương lai ảm đạm.

Đâu rồi những giọng đọc xa xưa ấy. Những Ngọc Lan, Ngọc Nga, Huỳnh Long Giang (chuyên những vai anh chị xã hội đen), Minh Huyền, Thế Thanh, Bích Ngọc, Nguyễn Vinh, Hy Hồ, Quang Minh, Việt Thảo, Bảo Liêm, Huy Cường… Những diễn viên có giọng nói trời phú đã đem lại những phút giây thư giãn cho chúng ta.

Nay lần dở những trang ký ức cũ nhân đại dịch Covid-19, nhớ lại những giọng nói truyền cảm ấy của họ rồi chợt liên tưởng đến những thước phim ấn tượng. Ngày đó, điều ngồ ngộ dễ thương rõ ràng giọng nói của họ là tiếng Việt nhưng luôn đặc sệt âm hưởng Hong Kong, có vẻ phải như thế mới giữ nguyên cái hồn của những cốt truyện rất đỗi Hong Kong song vẫn chạm vào thế giới cảm xúc của người hâm mộ. Rồi lạc vào youtube.com. Gõ hàng chữ phim VTB mới. Những bộ phim Hong Kong của VTB mới xuất hiện. Dàn diễn viên cũ còn vài người nhưng ê kíp lồng tiếng ngày xưa không thấy nữa. Thay vào đó là những giọng nói mới. Có phần hụt hẫng. Chợt chạnh lòng. Không biết những giọng nói, giọng đọc hồi xưa ấy đang ở nơi đâu?

Cảm ơn những người diễn viên lồng tiếng cống hiến tài năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Đó là tâm trạng của những người bị kẹt trong nhà mùa đại dịch Covid-19. Người ta được xem những bộ phim hoặc nghe những video clip đọc truyện, đọc sách để giải khuây. Hóa ra cuộc sống và ngữ cảnh có những đổi thay, nhưng tâm tình và đam mê đem tiếng nói của mình phục vụ xã hội, làm đẹp cho đời của các diễn viên lồng tiếng vẫn không thay đổi.

Gẫm lại, càng thấm thía hơn giá trị của những cái nghề đã giúp người khác vượt qua được những khó khăn, cô đơn như nghề diễn viên lồng tiếng. Một dạo họ giúp bao Việt Kiều bớt nhớ nhà, giờ những giọng lồng tiếng mới đang giúp đồng bào bên nhà vượt qua những tháng ngày đóng cửa khi họ giết thời gian bằng những bộ phim dài nhiều tập trên mạng Internet.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts