Ba Lan cũng vụ lợi từ khủng hoảng di dân biên giới với Belarus

Anh Vũ

Những di dân chờ đợi tuyệt vọng bên hàng rào biên giới phía Belarus để vào Ba Lan tị nạn, ngày 15/11/2021. AP – Leonid Shcheglov

Ngày 15/11, Liên Hiệp Châu Âu (EU) ra các trừng phạt mới nhằm vào Belarus vì bị tố cáo đã dàn dựng cuộc khủng hoảng di dân hiện nay ở biên giới với Ba Lan, cùng lúc Vacxava thông báo chuẩn bị xây tường chống nhập cư vào tháng 12 này. Bằng chính sách cứng rắn và mạnh tay với di dân, Ba Lan đang dùng cách chia rẽ nội bộ Liên Hiệp để phục vụ lợi ích riêng của quốc gia, theo giới phân tích.

Lãnh đạo ngoại giao của các nước Liên Hiệp Châu Âu vừa quyết định hôm 15/11, loạt trừng phạt mới đối với Belarus. Liên Âu tố cáo Minsk từ tháng 8 vừa rồi đã tổ chức cho hàng nghìn người tị nạn đến biên giới của mình, chủ yếu với Ba Lan. Nhằm ngăn chặn những di dân đó vào nước mình, Ba Lan, trong ngày thứ Hai thông báo đầu tháng 12 tới sẽ cho xây dựng một bức tường biên giới với Belarus. Hiện tại Ba Lan đã dựng hàng rào dây tháp gai ở đường biên hai nước. Chính quyền Vacxava cũng đã huy động lực lượng đông đảo cảnh sát, biên phòng và quân đội đến để chăn dòng người nhập cư. Chính phủ Ba Lan từ chối sự giúp đỡ lực lượng kiểm soát biên giới chung của Liên Âu Frontex hiện đóng trụ sở tại Vacxava.

Những người nhập cư đã vượt qua được biên giới đều bị đẩy trả về Belarus, để rồi nước này sẽ phải trả lại họ về nơi xuất phát. Ngày 22/10 vừa qua, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UHCR) đã tỏ thất vọng về cách hành động trả lại người tị nạn, khẳng định cách làm làm như vậy là “vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi Ba Lan và Belarus “cho phép những người nhập cư đang ở biên giới được vào tị nạn”. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi hôm 14/10, Nghị Viện Ba Lan thông qua luật sửa đổi về người nước ngoài. Luật mới cho phép chính quyền đẩy trả người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi biên giới. Đây là cách làm gây nhiều tranh cãi liên quan đến nhân quyền và luật pháp châu Âu.

Luật sửa đổi của Ba Lan buộc những người nước ngoài bị bắt ở biên giới n khi vượt biên giới bất hợp pháp phải rời khỏi lãnh thổ Ba Lan ngay lập tức, họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Ba Lan cũng như các nước trong khu vực Schengen trong một thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Vacxava cũng tự cho mình có quyền bỏ qua không cần xem xét tất cả các đòi hỏi bảo hộ quốc tế của bất kỳ người nước ngoài nào bị chặn bắt ngay sau khi vượt qua biên giới bất hợp pháp, trừ khi đối tượng trực tiếp đến từ vùng lãnh thổ mà ở đó “tính mạng và tự do của họ bị đe dọa”.

Những người tị nạn hiện nay đến Belarus một cách hợp pháp, bằng máy bay có visa nhập cảnh, nên chính quyền Ba Lan có thể không coi họ có quyền được hưởng sự bảo hộ như trên. Ngày 02/11, Ba Lan cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp dọc biên giới. Quyết định này đã bị nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ trích vì nó ngăn cản các tổ chức nhân đạo trợ giúp người tị nạn và cấm tất cả những người không phải dân địa phương được vào hiện trường, kể cả các nhà báo.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình France 24, Jean-Yves Potel, nhà sử học, nghiên cứu chính trị, chuyên gia về Trung Âu, phân tích xung quanh lập trường về cuộc khủng hoảng di dân này của chính phủ Ba Lan dưới quyền lãnh đạo của đảng dân tộc chủ nghĩa Luật Pháp và Công Lý (PiS).

Tại sao Ba Lan từ chối sự cạn thiệp của lực lượng biên phòng Liên Âu Frontex?

Chính phủ Ba Lan đang trong hoàn cảnh tế nhị với Liên Hiệp Châu Âu nhất là từ khi tiến hành cuộc cải cách tư pháp. Cuộc cải cách này đã bị Tòa Án Công Lý của EU đánh giá là không tương thích với hệ thống pháp luật chung Châu Âu. Về vấn đề đối nội, chính phủ đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối sau khi thông qua luật chống phá thai (Tòa Bảo Hiến Ba Lan đã cấm mọi hình thức nạo thai trừ trường hợp bị cưỡng hiệp hay loạn luân hoặc việc mang thai gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ).

Vì thế khi chơi bài khủng hoảng di dân lần này, chính phủ Ba Lan hy vọng có thể kiếm được vài điểm tín nhiệm trong các thăm dò dư luận, bởi công luận Ba Lan đang lo sợ những cải cách của chính phủ.

Chính quyền Ba Lan đã hành động « theo kiểu Trump », bằng cách đổ đến biên giới hàng nghìn người để đối phó với vài trăm người nhập cư, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Trong bộ đồ quân nhân, thủ tướng Ba Lan đã phát biểu ở biên giới rằng ông đang cứu Ba Lan và châu Âu. Các nhà tư tưởng thân cận với chính phủ cũng tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng này gợi lại cuộc chiến tranh Nga-Ba Lan năm 1920. Chính phủ sử dụng cuộc khủng hoàng di dân lần này như một cơ hội trời cho để thử chơi lá bài đoàn kết quốc gia, bằng các phát ngôn khẳng định Ba Lan đang gặp nguy hiểm trước người Nga và Liên Âu.

Sự xuất hiện của lực lượng Frontex có thể sẽ gây hậu quả không hay cho chính phủ Ba Lan. Điều này có nghĩa là chính quyền sẽ buộc phải mở biên giới để người nhập cư vào. Bởi vì trên lý thuyết, Frontex có nhiệm vụ xác định các đơn tị nạn hợp pháp và trả lại những di dân không đủ tiêu chuẩn tị nạn. Sau đó họ còn phải phối hợp với các quốc gia thành viên khác để phân bổ đón nhận người tị nạn vào EU. Nhưng Ba Lan từ chối kịch bản này vì họ không hề muốn có sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu hay phải lùi bước vì như thế là phủ nhận các diễn giải mang tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan của họ.

Ba Lan liệu có thể sẽ buộc phải xem lại những điều sửa đổi luật nhập cư?

Ba Lan có thể bị áp lực từ Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu vì quyết định cho phép đẩy người nhập cư trở lại, vì điều này trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Genève 1951 về quy chế tị nạn mà cả Ba lan và Belarus đều đã ký. Chính phủ Ba Lan bị rơi vào cái bẫy : Họ sẽ buộc phải lùi bước và để lực lượng Frontex can thiệp, nhưng có lẽ chỉ là trước mắt thôi.

Liên Âu liệu đã có đủ áp lực với Ba Lan để nước này tôn trọng Công ước Genève?

Liên Hiệp Châu Âu có hành động nhưng vẫn còn hơi nhẹ nhàng với chính quyền Ba Lan về vấn đề người nhập cư, đặc biệt vì trên vấn đề này, các nước thành viên đã bị chia rẽ. Về việc chi phí xây tường bằng ngân sách châu Âu chẳng hạn, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, và ông chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel không nhất trí với nhau. Có nhiều nước đồng tình về lập trường của Ba Lan.

Tại sao tình hình lại đặc biệt căng thẳng ở biên giới với Ba Lan mà không phải với Litva hay Latvia, những nước cũng đang đối mặt với làn sóng di dân ?

Khác với Ba Lan, sự can thiệp của lực lượng Frontex đã làm thay đổi tình hình ở Litva và Latvia. Có giả thuyết cho rằng ông Alexandre Loukachenko lợi dụng vấn đề di dân ở Đông Âu nhằm chống lại Ba Lan và Litva vì đó là những nước chứa chấp ban lãnh đạo lưu vong của đối lập ở Belarus. Các lãnh đạo phe chống đối nhà độc tài Belarus đang tị nạn tại hai nước này rất có tổ chức. Họ hoạt động tích cực qua mạng xã hội, có phát ngôn viên chính thức, gặp gỡ các nguyên thủ nhiều nước. Đây là điều khiến chế độ Minsk khó chịu.

(Theo France24.com)

Related posts