Tin thế giới sáng thứ Tư

Tổng thống Joe Biden ký dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD

Tâm Di

Tổng thống Joe Biden ký dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham gia lễ ký H.R. 3684, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng ở Washington, D.C., vào ngày 15 tháng 11 năm 2021. (Mandel Ngan / AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Hai, ngày 15/11 theo giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, đây là một quyết định được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận và thương lượng trong nội bộ đảng.

Hãng tin CNBC đưa tin: “Dự luật sẽ bơm 550 tỷ USD tiền mới vào giao thông, băng thông rộng và các tiện ích trong vòng 5 năm tới. Nó cũng đại diện cho một nửa chương trình nghị sự trong nước của Biden và mở đầu cho việc thông qua nửa sau, một dự luật chi tiêu xã hội và biến đổi khí hậu trị giá 1,75 nghìn tỷ USD”.

Mặc dù đây là biện pháp được đa số Đảng Dân chủ ủng hộ, nhưng một số thành viên Đảng Cộng hòa cũng đã tham dự buổi ký kết, bao gồm Thượng nghị sĩ Mitt Romney, Thượng nghị sĩ Rob Portman và Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito.

Tổng thống Biden đã gọi dự luật này là một cải cách lịch sử và thường xuyên tuyên bố rằng, nó sẽ giúp ích cho tầng lớp trung lưu. Tổng thống cho biết, dự luật cơ sở hạ tầng này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm, trong bối cảnh một số lượng lớn người Mỹ vẫn đang tiếp tục bỏ việc.

Tổng thống Biden nói tại buổi lễ ký kết rằng: “Trên hết, nó đã làm nên điều lịch sử. Tôi tranh cử Tổng thống vì tin rằng, đã đến lúc phải xây dựng lại xương sống của quốc gia này, đó là những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu. Họ là những người có công xây dựng đất nước. Và để xây dựng lại nền kinh tế từ dưới lên trung bình, theo quan điểm của tôi, luật này sẽ thực hiện lời hứa đã quá hạn lâu dài đó. Nó tạo ra công ăn việc làm tốt hơn cho hàng triệu người Mỹ”.

Có mặt trong buổi lễ, Phó Tổng thống – bà Kamala Harris – đã ví việc ký dự luật của Tổng thống Biden giống như những dấu mốc to lớn trong lịch sử Hoa Kỳ, chẳng hạn như việc cho phép xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa, Đập Hoover, và hệ thống liên bang Eisenhower.

Bà Harris nói: “Vào giữa cuộc Nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln đã khởi công xây dựng Đường sắt xuyên lục địa. Vào giữa cuộc Đại suy thoái, Tổng thống Franklin Roosevelt đã hoàn thành việc xây dựng Đập Hoover. Tổng thống Dwight Eisenhower đã ký Đạo luật Quốc phòng và Đường cao tốc Quốc gia vào giữa Chiến tranh Lạnh. Và hôm nay – ngày hôm nay, Tổng thống Joe Biden sẽ ký thành luật Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm”.

Dự luật trên được ông Biden coi là dự luật lưỡng đảng, với 19 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho dự luật tại Thượng viện, và 13 Dân biểu Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho dự luật tại Hạ viện. Ông Biden nói tại buổi lễ ký kết rằng:

“Dự luật mà tôi sắp ký thành luật là bằng chứng cho thấy, bất chấp những người hoài nghi, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn có thể hợp tác và mang lại kết quả. Chúng ta có thể làm được việc này. Chúng ta có thể mang lại kết quả thật cho người thật”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiểu bang Texas – ông Ted Cruz, người bỏ phiếu phản đối – đã chỉ trích các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ dự luật này. Ông nói vào hôm Chủ Nhật rằng:

“Tôi muốn nói với các bạn tại Hạ viện, đối với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật, Joe Biden và các thành viên Đảng Dân chủ, chương trình nghị sự của họ đang đi đúng hướng. Nó đang đi đến thất bại. Nó đang trên đường xuống dốc. Và những gì mà các thành viên Đảng Cộng hòa đó đã làm, là thổi sức sống vào đó; họ đã mang lại cho Joe Biden một chiến thắng chính trị. Bây giờ, ông ta sẽ đi rêu rao khắp đất nước [rằng], hãy nhìn xem chiến thắng to lớn của lưỡng đảng này”.

Cuba đàn áp các nhà hoạt động trước cuộc biểu tình

Ngọc Mai

Người dân Cuba trong một cuộc biểu tình (ảnh: chụp màn hình video của CBS News)

Theo VOA, trong nhiều tháng, các nhà hoạt động Cuba đã lên kế hoạch cho cuộc “Tuần hành Dân sự vì Sự thay đổi” để ủng hộ quyền dân sự và nhân quyền, tuy nhiên kế hoạch lần này của họ không thể thực hiện được.

Chính phủ Cuba đã ra lệnh cấm đối với cuộc “Tuần hành Dân sự vì sự thay đổi” và cảnh báo phe đối lập rằng, họ sẽ không dung thứ cho những hành động mà họ gọi là “phản cách mạng” và “khủng bố”.

Chính phủ Cuba cũng cáo buộc, cuộc biểu tình là một phần trong kế hoạch can thiệp của Hoa Kỳ. Các quan chức Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này.

Trước cuộc tuần hành được lên lịch vào hôm thứ Hai (15/11 giờ địa phương), hàng loạt cảnh sát mặc thường phục đã bao vây nơi ở của các nhà hoạt động và nhà báo độc lập, không cho phép họ rời nhà.

Các nhà báo nói rằng, chính phủ đang cố gắng ngăn chặn cuộc biểu tình bằng cách ngăn cản những người lãnh đạo cuộc tuần hành và các nhà báo xuống đường.

AFP đưa tin, vài giờ trước cuộc biểu tình, cảnh sát đã bắt giữ những người bất đồng chính kiến chủ chốt. Cảnh sát vũ trang mặc đồng phục xuất hiện ở mọi ngóc ngách, trong khi cảnh sát mặc thường phục tuần tra các công viên và quảng trường của thành phố.

Hôm Chủ nhật, các quan chức Cuba đã bao vây nhà của Yunior Garcia Aguilera, một trong những người tham gia tổ chức cuộc tuần hành hôm thứ Hai.

Garcia dự định sẽ đi bộ một mình vào chiều Chủ nhật, và mang theo một bông hồng trắng để bày tỏ sự ủng hộ với những người không thể tham gia diễu hành vào thứ Hai. Tuy nhiên, anh không thể thực hiện kế hoạch của mình vì nơi ở của anh đã bị các đặc vụ chính phủ bao vây.

Vào Chủ Nhật và Thứ Hai, những người ủng hộ phe đối lập ở Cuba đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Miami, Florida, các tiểu bang của Mỹ có đông người gốc Cuba.

Trong một cuộc họp báo ở Miami hôm thứ Hai, Thống đốc Florida Ron DeSantis nói “Với tư cách là những người tự do. Tất cả chúng ta muốn thấy ngày Cuba có tự do.”

Các cuộc biểu tình khác ủng hộ người dân Cuba cũng đã diễn ra ở Colombia, Chile, Canada và Tây Ban Nha.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm Chủ nhật nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cuba tôn trọng các quyền của người dân Cuba bằng cách cho phép họ tập hợp và nói lên tiếng nói của mình một cách ôn hòa mà không sợ chính phủ trả thù hoặc bạo lực, và [kêu gọi chính phủ Cuba hãy] duy trì đường truyền Internet và viễn thông mở để [có thể] trao đổi thông tin tự do”.

Vào tháng 7, các đơn vị cảnh sát và quân đội Cuba đã được điều động để trấn áp một cuộc biểu tình phản đối chính phủ nhưng diễn ra ôn hòa. Hàng ngàn người trong cuộc biểu tình này đã bị bắt.

Tòa cho phép ông Steve Bannon được tại ngoại mà không cần bảo lãnh

Ông Steve Bannon, đồng minh lâu năm của cựu Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Hai (15/11, giờ Mỹ) đã được cho tại ngoại mà không cần nộp tiền bảo lãnh. Ông sẽ quay lại tòa vào ngày thứ Năm (18/11).

Ông Bannon, 67 tuổi, hôm thứ Sáu tuần trước đã bị một bồi thẩm đoàn buộc hai tội hình sự khinh thường Quốc hội: một tội từ chối điều trần tại Hạ viện và một tội khác là từ chối giao nộp tài liệu theo yêu cầu từ trát đòi của Ủy ban 6/1 của Hạ viện.

Trong phiên tòa hôm 15/11, ông Bannon đã không đưa ra lời biện hộ. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Robin Meriweather sau đó đã quyết định cho ông được tại ngoại mà không cần nộp tiền bảo lãnh, nhưng yêu cầu cựu cố vấn của ông Trump phải trình diện trước các quan chức tòa án hàng tuần và phải nộp hộ chiếu.

Theo Fox News, ông Bannon sẽ phải trở lại tòa vào ngày thứ Năm (18/11) và chủ tọa khi đó là thẩm phán Carl Nichols.

Nếu bị kết án, ông Bannon sẽ phải chịu án phạt tù giam tối thiểu 30 ngày và tối đa 12 tháng, và phạt hành chính tối đa 1.000 USD cho mỗi tội danh.

Cũng theo Fox News, trả lời báo giới sau khi rời khỏi tòa hôm 15/11, ông Bannon cho hay: “Tôi sẽ nói với quý vị ngay bây giờ. Đây sẽ là khinh tội từ địa ngục cho Merrick Garland, Nancy Pelosi và Joe Biden”.

Trước đó, vào sáng thứ Hai (15/11), ông Bannon đã chấp nhận với FBI về hai tội danh bị cáo buộc, nhưng cũng tuyên bố cứng rắn: “Chúng tôi sẽ lật đổ chế độ Biden. Tôi muốn quý vị hãy giữ tập trung. Tất cả điều này chỉ là ồn ào”. Trang mạng xã hội GETTR đã phát sóng trực tiếp tuyên bố này của ông Bannon.

Ông Bannon là một trong hơn 30 người gần gũi với cựu Tổng thống Donald Trump đã đang bị Ủy ban 6/1 yêu cầu ra khai chứng tại tòa về vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Các nhà điều tra của Đảng Dân chủ trong Ủy ban 6/1 hy vọng sự vụ của ông Bannon sẽ thúc đẩy những nhân chứng khác như cựu Chánh văn phòng Mark Meadows sẽ phải chấp nhận ra điều trần tại Hạ viện.

Ông Bannon, ông Meadows và một số đồng minh khác của ông Trump, cùng với cựu tổng thống đều cho rằng họ có quyền không tiết lộ thông tin và tài liệu của Nhà Trắng thời Trump căn cứ theo đặc quyền hành pháp.

Toà Bạch Ốc bác bỏ rạn nứt giữa bà Harris và ông Biden

Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai (ngày 15/11) đã nỗ lực để bảo vệ Phó Tổng thống Kamala Harris khỏi những lời chỉ trích của giới truyền thông, nói rằng bà là một phần quan trọng trong chính quyền.

Sự phản đối này xuất hiện sau khi một báo cáo của Đài CNN bày tỏ nghi ngờ về vị trí của phó tổng thống trong chính quyền Biden, và nói rằng, đã có những rạn nứt trong hoạt động của giữa Tổng thống và Phó Tổng thống.

CNN cho biết, các trợ lý của cánh tả đang ngày càng thất vọng với “tình trạng rối loạn và thiếu tập trung” từ Phó Tổng thống Mỹ Harris và các nhân viên của bà ấy. Cơ quan này đã phỏng vấn gần ba chục nhân viên hiện tại và trước đây của bà Harris, các quan chức chính quyền, các nhà tài trợ, cố vấn và các thành viên Đảng Dân chủ, và họ được cho là đã vẽ nên một bức tranh đáng nản lòng.

Tuần trước, tiêu đề của một tờ Los Angeles Times có nội dung: “Kamala Harris, phó tổng thống biến mất một cách đáng kinh ngạc ”.

Toà Bạch Ốc hiện thông báo rằng, bà Harris sẽ đến Columbus, tiểu bang Ohio vào thứ Sáu tới, để thúc đẩy dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Trong khi Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki, mô tả bà Harris là một thành viên không thể thiếu trong chính quyền.

Bà Psaki nói: “Tổng thống tin tưởng vào những lời khuyên của Phó Tổng thống”.

Hôm thứ Hai, các báo cáo cho biết bà Harris và ông Biden dường như tỏ ra thân thiết hơn.

Họ cùng nhau bước tới lễ ký kết dự luật cơ sở hạ tầng ở Toà Bạch Ốc. Bà Harris đã khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông Biden, trong khi ông Biden cảm ơn phó tổng thống, và lưu ý bà Harris sẽ nằm trong số những người quảng bá của dự luật.

Covid lại “đánh” châu Âu, mỗi nơi một kiểu

Viirus corona lại lây lan mạnh lên trên toàn châu Âu, với những hệ quả không giống nhau giữa các nước. Hiện tại, nước Pháp và một số nước Nam Âu, vùng Địa Trung Hải tạm thời không bị tác động nặng. “Vì sao dịch bệnh lại bùng phát ở châu Âu?”

Đây chính là thắc mắc trên trang nhất của tờ báo lớn của Pháp – Le Figaro. Tờ báo cũng tự hỏi: Liệu đây cũng là một tín hiệu báo động ? Bởi vì theo quan sát, dịch Covid-19 lan mạnh trở lại chủ yếu ở các nước Trung, Đông và Bắc Âu. Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Châu Âu nhận thấy tình hình dịch bệnh lần này là « đáng lo », thậm chí là « rất đáng lo », do đặc tính « lây lan nhanh và số ca nhiễm mới là lớn ».

Giới chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân để giải thích. Thứ nhất, tại các nước Đông – Trung Âu, tỷ lệ được tiêm đầy đủ là rất thấp chỉ ở mức 20-30% dân số. Cách biệt về tỷ lệ tiêm ngừa giữa Đông Âu với các nước Nam – Tây Âu có khi lên đến 10 điểm. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự giữa Đông và Tây Đức, cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng khác nhau giữa hai nửa đất nước.

Thứ hai là do khí hậu. Thời tiết ở châu Âu đang đổi mùa, chuẩn bị bước vào mùa đông, điều này đang tạo thuận lợi cho việc « duy trì hạt bụi lơ lửng trong không khí có thể mang mầm virus ». Và như vậy Covid đi theo làn gió lạnh thổi từ đông sang tây và đến tận nước Pháp.

Lý giải thứ ba là do mức độ nghiêm khắc của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khi quan sát chỉ số nghiêm khắc (stringency index), được thiết lập dựa trên 9 chỉ dẫn (đóng cửa trường học, nơi làm việc, hạn chế đi lại…), và bảng xếp hạng các nước dựa trên bậc thang từ 0-100, giáo sư Pierre Parneix nhận thấy, trong giai đoạn trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11/2021, chỉ số nghiêm khắc chẳng hạn tại Pháp và Ý cao hơn tại Đức, Ba Lan, và nhiều nước Đông – Bắc Âu khác. Những nước kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn dường như ít bị tác động hơn lần này.

Cuối cùng, Le Figaro cho rằng, việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội cũng góp phần ngăn chặn đà lây lan của virus corona. Một nghiên cứu của Ifof hồi tháng 10/2021 cho thấy mức độ tuân thủ quy định về việc rửa tay là rất thấp tại các nước Bắc Âu (Đức, Anh). Ông Alix Roumagnac, giám đốc Predict Service lưu ý, trong những tuần sắp tới “việc phủ vac-xin, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang hơn bao giờ hết là những biện pháp thiết yếu để hạn chế tác động của khí hậu đối với việc truyền bệnh”.

Belarus sắp hứng thêm đòn phạt thứ năm

Liên quan đến cuộc khủng hoảng di dân, Liên Hiệp Châu Âu sắp ra loạt trừng phạt thứ năm nhắm vào Belarus. Cụ thể, đó là những đòn phạt gì ?

Trong tầm ngắm là những vật và các thực thể Belarus cũng như là các thực thể nước ngoài đồng lõa đưa di dân sang Belarus như các hãng lữ hành, hãng hàng không hay sân bay, thậm chí cả các hãng bảo trì, tu dưỡng máy bay… Danh sách dài ít nhất 30 tên sẽ được công bố trong những ngày sắp tới. Một biện pháp trừng phạt chưa từng có của EU.

Cho đến lúc này, các biện pháp trừng phạt của EU đã nhằm vào 166 nhân vật và 15 thực thể Belarus, trong đó có ông Alexandre Loukachenko, con trai ông và cũng là cố vấn an ninh quốc gia, Viktor Loukachenko, cũng như là nhiều nhân vật chủ chốt khác của chế độ, các thành viên của hệ thống tư pháp và các tác nhân kinh tế.

Tháng 8/2020, EU mới đưa ra những biện pháp trừng phạt thật sự (phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU), do những cuộc trấn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống. Đến tháng 5/2021, EU gia tăng trừng phạt sau vụ cưỡng ép hạ cánh một chuyến bay Ryanair xuống Minsk để bắt nhà đối lập chính trị Roman Protasevich và vợ sắp cưới của anh, Sofia Sapega.

Trong cuộc khủng hoảng di dân lần này, EU tố cáo chính quyền Belarus cố tình lôi kéo di dân bằng cách cấp visa du lịch qua trung gian của hãng lữ hành nhà nước Belarus là Tsentrkurort. Hãng hàng không quốc gia Belavia tăng số chuyến nối các tuyến giữa Trung Đông và Minsk. Trong vụ việc này còn có sự đồng lõa của nhiều hãng hàng không khác, đưa di dân đi từ Istanbul, Beyrouth, Damas, Teheran, Cairo, Dubai, Doha đến Minsk.

Do vậy, chuỗi trừng phạt thứ năm này còn là một lời cảnh cáo của khối 27 nước dành cho những nước nào đang “mơ nghĩ” đến việc dùng dòng di dân như là một công cụ chính trị để gây bất ổn biên giới EU, như Maroc chẳng hạn sau vụ mở cửa cho di dân ùa sang Ceuta hồi tháng 5/2021, sau việc Madrid đón nhận lãnh đạo phong trào đối lập Front Polisario.

Cuối cùng, một số nước thành viên nghi ngờ rằng đòn tấn công này của Belarus, được Nga che chở, còn nhằm mục tiêu đánh lạc hướng những gì đang diễn ra hiện nay ở biên giới Ukraina : Cả một đạo quân hùng hậu ấn tượng đã được Nga điều đến nơi này. Paris và Luân Đôn hôm qua kêu gọi Moscow nên “kềm chế”.

Related posts