Tin thế giới chiều thứ Ba

Khảo sát: 55% người Đức nhìn nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là tiêu cực

Hải Lam

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: Shutterstock).

Cuộc thăm dò do Kantar Public thực hiện vào tháng 9 và tháng 10/2021 cho thấy, đa phần người Đức coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới là tiêu cực.

Reuters đưa tin, hơn 1100 người đã tham gia khảo sát. Theo kết quả được công bố hôm thứ Hai (22/11), đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, 55% người Đức được hỏi coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là tiêu cực.

Dưới thời Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel, Đức thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức ngày càng tỏ ra lo lắng về sự phụ thuộc ngày càng tăng của Đức vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

So với Nga, Trung Quốc bị coi là mối đe dọa lớn hơn đối với các giá trị dân chủ, nền kinh tế thị trường và xã hội của Đức.

Cuộc khảo sát cũng cho biết, quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể sau cuộc bầu cử năm 2020. Người Đức tiếp tục coi Washington là đồng minh quan trọng nhất của họ, tiếp theo là Pháp.

Người Đức mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trên trường thế giới, đặc biệt là về an ninh và quốc phòng, thương mại tự do và nhân quyền.

Thủ tướng Anh không muốn tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022

Hải Lam

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson (ảnh: LeStudio1.com/Flickr).

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Hai (22/11) cho biết vẫn chưa có quyết định về việc ai sẽ đại diện cho chính phủ Anh tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào đầu năm tới, theo Reuters.

Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội sẽ diễn ra vào tháng 2/2022 vì hồ sơ nhân quyền bị lên án của chính quyền Trung Quốc. Hoa Kỳ cho biết họ cũng đang cân nhắc một cuộc tẩy chay ngoại giao.

Người phát ngôn của ông Johnson cho biết: “Vào thời điểm này, chưa có quyết định nào được đưa ra về đại diện của chính phủ [Anh] tham dự thế vận hội. Thủ tướng không ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên án các hành vi vi phạm nhân quyền khi chúng tôi nhìn thấy và bao gồm cả ở Trung Quốc”.

Trước đó, tờ The Times vào ngày 20/11 đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào năm tới để phản đối cách hành xử của Trung Quốc đối với vấn đề nhân quyền.

Một “cuộc thảo luận tích cực” trong chính phủ Anh về vấn đề này đã được tổ chức, trong đó Ngoại trưởng Liz Truss được cho là ủng hộ việc tẩy chay.

Hoa Kỳ ủng hộ Philippines trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Aldgra Fredly

BRP Sierra Madre, một con tàu vận tải bị mắc cạn mà lực lượng Thủy quân Lục chiến của Philippines cư trú trên đó như một tiền đồn quân sự, được chụp ở Bãi cạn Thomas thứ Hai đang bị tranh chấp, một phần của quần đảo Trường Sa (the Spratly Islands) ở Biển Đông, vào ngày 30/03/2014. (Ảnh: Erik De Castro/Reuters) Mỹ – Trung

Hoa Kỳ tái khẳng định các cam kết quốc phòng với Philippines sau khi các tàu tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông (South China Sea) đang bị tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Hoa Kỳ đã cam kết sát cánh với đồng minh hiệp ước của mình, Quần đảo Philippines, và cảnh báo Trung Quốc rằng [nếu có] bất kỳ “cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các tàu công vụ của Philippines” tại vùng biển tranh chấp này, thì nước này sẽ sử dụng các cam kết [trong hiệp ước] quốc phòng chung với Hoa Kỳ.

Ông Price cho biết trong một tuyên bố hôm 19/11 rằng các hành động của Trung Quốc “làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ông kêu gọi Trung Quốc không can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Trước đó, Philippines đã lên án hành động của ba tàu tuần duyên Trung Quốc, mà họ cho rằng vào ngày 16/11 đã chặn và phun vòi rồng vào hai tàu tiếp tế vận chuyển lương thực cho các quân nhân đóng tại Bãi cạn Cỏ Mây (Bãi cạn Thomas thứ Hai) của họ.

Hôm 18/11, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã soạn một bản kháng nghị đanh thép gửi tới Đại sứ Trung Quốc và coi hành động của các tàu tuần duyên Trung Quốc là “phi pháp”.

“Họ phải cẩn trọng và rút lui”, ông Locsin viết trong một tuyên bố được chia sẻ trên kênh mạng xã hội của Bộ Ngoại giao nước này.

Tuy nhiên, vào ngày 16/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói với các phóng viên rằng “hai tàu tiếp tế của Philippines đã xâm phạm vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây [Bãi cạn Thomas thứ Hai] thuộc Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc mà không có sự đồng ý của Trung Quốc”.

Bãi cạn Thomas thứ Hai nằm ngoài khơi phía Tây tỉnh Palawan trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Philippines. Philippines đã chiếm được bãi cạn này từ năm 1999 sau khi một tàu hải quân mắc cạn có chủ đích trên bãi đá ngầm này.

Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông vào năm 2016, ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực. Tòa phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, phán quyết này có rất ít tác động đến hành vi của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết. Kết quả là các tranh chấp lãnh thổ vẫn đang tiếp diễn, khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi các yêu sách của mình đối với các vùng biển rộng lớn dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, bao gồm cả bãi đá ngầm này.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có những yêu sách đang trong vòng tranh cãi với Trung Quốc.

An Nhiên biên dịch

Related posts