Minh Hạnh
Đằng sau những cảnh phim rùng rợn trong “Trò chơi con mực” không phải là phim ảnh, cũng không phải là hư cấu, mà là một phiên bản thực đã diễn ra suốt 20 năm qua…
Dưới đây là lời kể của tác giả Tăng Tranh, một nạn nhân trong “trò chơi con mực” phiên bản thực tại Trung Quốc:
Gần đây, bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Trò chơi con mực” đã trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu, rất nhiều người đều sôi nổi bình luận về tác phẩm này. Khi tôi còn chưa xem, có người bạn gửi tôi một bài báo dài đăng trên trang Mirror của Anh với tiêu đề: “Phiên bản thực kinh hoàng của ‘Trò chơi con mực’: Hàng ngàn tù nhân bị thu hoạch nội tạng SỐNG” [1]. Bài báo viết rằng, các tù nhân trong trại cưỡng bức lao động bị đưa đi chụp X-quang để chuẩn bị cho ngân hàng nội tạng sống. Sự thật kinh hoàng ấy cũng chính là trải nghiệm của cá nhân tôi.
Cũng chính vì bài báo này mà tôi đã phải làm thêm giờ suốt hai ngày qua để có thời gian xem trọn vẹn cả chín tập của bộ phim này. Sau đó tôi có rất nhiều suy nghĩ, nhưng suy nghĩ của tôi khác với mọi người, tôi không đứng ở vị trí “kẻ ngoài cuộc” để mà bình luận. Bởi vì, tôi cũng là một nạn nhân trong phiên bản thực của “Trò chơi con mực”, hơn nữa trò chơi này còn tàn khốc hơn, đáng sợ hơn, quy mô lớn hơn, và đáng nói là trò chơi khủng khiếp này chưa hề dừng lại mà vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
Dưới đây, tôi muốn từ góc độ của một người tham gia “trò chơi” chứ không phải khán giả mà so sánh bộ phim “Trò chơi con mực” với phiên bản thực mà tôi đã kinh qua.
Về thu hoạch sống nội tạng
Các cảnh quay vô cùng chân thực và sống động trong “Trò chơi con mực” đã thể hiện nỗi kinh hoàng khi vị bác sĩ nổi tiếng câu kết với một số nhân viên nhằm mổ lấy nội tạng của người tham dự trò chơi để đem bán kiếm lời.
Ngay lập tức cảnh phim đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Không chỉ bài báo trên trang Mirror, mà trang Daily Mail của Anh cũng đăng tải một bài báo công phu với tiêu đề cũng rất dài: “Họ lấy cắp lá gan của bạn mà bạn hoàn toàn không hay biết – Trò chơi câu mực phiên bản thực của Trung Quốc: Trong thị trường ‘giết người theo nhu cầu’, mỗi tuần có hàng ngàn người bị mổ cướp nội tạng, vì sao thế giới vẫn bó tay bất lực?” [2].
Vì sao lại bất lực? Bài báo kết luận: Bởi vì WHO quá dễ dãi khi tiếp nhận số liệu giả do ĐCSTQ cung cấp, điều này cũng giống như cách họ xử lý về vấn đề coronavirus vậy.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, tình tiết giết người bán nội tạng trong “Trò chơi con mực” rất có thể lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu “Giết người để sống” (Kill to Live) do trang nhật báo lớn nhất Hàn Quốc là “Triều Tiên Nhật Báo” (Chosun Ilbo) thực hiện vài năm về trước. Để thực hiện bộ phim tài liệu với thời lượng gần 50 phút này, ký giả Hàn Quốc đã phải mạo hiểm đến Trung Quốc điều tra thực địa và quay những thước phim chân thực, từ đó đưa ra những chứng cứ vô cùng thuyết phục chứng minh: ĐCSTQ giết người bán nội tạng! Sau khi công chiếu, bộ phim tài liệu ấy đã gây chấn động toàn xã hội.
Người ta vẫn nói: Nghệ thuật đến từ cuộc sống. Tôi cho rằng việc biên kịch “Trò chơi con mực” đã khởi phát từ đó, đưa vào trong kịch bản tình tiết mổ cướp nội tạng sống người chơi. Tuy nhiên, phiên bản thực của hoạt động thu hoạch nội tạng sống tại Trung Quốc còn tàn khốc hơn, đáng sợ hơn, hơn nữa vẫn còn đang tiến hành cho đến tận ngày nay.
Hãy thử tưởng tượng một chút, nếu như nạn mổ cướp nội tạng trong “Trò chơi con mực” không phải do một vị bác sĩ lén lút câu kết với vài nhân viên công tác, mà là do ban tổ chức đứng ra chủ trì, diễn ra trên quy mô lớn và thực hiện một cách “quang minh chính đại”, thì tình huống sẽ ra sao?
Nếu vậy thì hơn 400 người tham gia trò chơi có thể không phải là để giải trí hay thưởng thức, mà là trực tiếp sát nhân kiếm tiền. Và sự thực đáng buồn là, hệ thống mổ sống nội tạng của ĐCSTQ cũng hoạt động theo cách này.
Ba lần kiểm tra sức khỏe
Tháng 4/2000, tôi bị bắt giam lần thứ tư vì tu luyện Pháp Luân Công. Đến ngày 1/6, khi bị áp giải từ trại giam Sùng Văn đến trại cưỡng bức lao động Bắc Kinh, tôi cùng với vài bạn tù trên xe bị đưa đến một phòng khám để kiểm tra thân thể.
Bác sĩ cẩn thận kiểm tra ngũ quan của chúng tôi. Ông vạch mí mắt xem nhãn cầu và bảo chúng tôi nằm trên giường, rồi cẩn thận kiểm tra nội tạng của từng người. Khi dùng ống nghe để nghe tim, ông lại lần lượt hỏi bệnh sử của từng người một.
Lúc ấy tôi tưởng là kiểm tra sức khỏe định kỳ nên cũng không nghĩ nhiều, mà chỉ thành thật kể rằng trước khi tu luyện Pháp Luân Công tôi đã từng bị viêm gan, hơn nữa không chỉ một lần. Thời Trung học, vì bị viêm gan vàng da cấp tính mà tôi đã phải nghỉ học, đến khi sinh con phải tiếp máu tôi lại bị nhiễm viêm gan C. Nhưng đến khi tu luyện Pháp Luân Công, các chứng bệnh ấy đều đã khỏi. Tôi kể lại chuyện này là muốn ông biết rằng Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe như thế nào.
Hơn 1 tháng sau khi vào trại lao động, đột nhiên ở cổng trại xuất hiện chiếc xe buýt lớn, tất cả cửa sổ trên xe đều có rèm che chắn. Chúng tôi phải tập hợp khẩn cấp, cứ hai người bị còng tay với nhau và nhét vào trong khiến chiếc xe chật cứng. Những người không có ghế ngồi đều phải chen chúc giữa lối đi, hoặc ngồi ở khe hở giữa hai hàng ghế. Cảnh tượng ấy giống như một bộ phim kinh dị. Cảnh sát lên nòng súng áp tống, cửa khóa chặt, rèm che kín mít không thể nhìn được ra ngoài, còn chúng tôi thì không biết sẽ bị đưa đi đâu và làm gì.
Chúng tôi bị yêu cầu phải cúi thấp đầu, úp đầu vào đùi trong tư thế đang ngồi, tay không bị còng vẫn phải ôm sau đầu. Đây gọi là “đê đầu bão thủ” (tay ôm đầu cúi). Chúng tôi ngồi xổm trong tư thế “tay ôm đầu cúi” như thế ở khe hở giữa hai hàng ghế, trong chốc lát mồ hôi túa ra ướt đẫm cả quần áo.
Còn chiếc xe buýt thì giống như cái hộp đen di động đang tiến về phía trước, trong xe chật ních đến mức ngay cả gió cũng không thể lọt qua.
Mãi tới khi đến nơi chúng tôi mới biết, thì ra mình bị đưa đi kiểm tra thể chất. Đây là một bệnh viện chính quy có quy mô lớn hơn rất nhiều so với phòng khám lần trước. Trong bệnh viện có máy chụp X-quang, tất cả chúng tôi đều phải chụp X-quang.
Lại qua hơn 1 tháng, chúng tôi theo từng tốp, từng tốp bị gọi đến phòng khám nhỏ trong trại lao động để lấy máu.
Tất cả các cuộc kiểm tra sức khỏe kể trên đều là để biết nhóm máu và tình trạng thân thể của chúng tôi. Dữ liệu lưu trong máy tính, bất cứ khi nào có bệnh nhân cần nội tạng, người ta sẽ tìm từ trong cơ sở dữ liệu, hễ tìm được ai thích hợp liền đem giết người đó, mổ bán nội tạng để kiếm tiền.
Nhưng đó không phải phim kinh dị mà là sự thực đã xảy ra với tôi. Chỉ có điều, khi ấy là năm 2000, tôi không biết nạn mổ sống nội tạng, cũng hoàn toàn không biết mục đích của những lần xét nghiệm lặp đi lặp lại này, nên tôi không thấy sợ, cũng không cảm thấy sự việc này nghiêm trọng đến mức nào. Do vậy khi viết cuốn sách “Tĩnh thủy lưu thâm” (nước tĩnh chảy sâu) kể về trại lao động cưỡng bức, tôi đã không nhắc đến những lần kiểm tra thể chất này. Nếu như lúc ấy biết được sự thật, không biết tôi sẽ cảm thấy thế nào khi bị lôi đi lôi lại trong chiếc hộp đen ấy…
Sau này khi biết về bí mật mổ sống nội tạng, hồi tưởng lại trải nghiệm lúc đó, tôi lại cảm thấy mình quá may mắn. Rất có thể vì tôi kể về hai lần bị viêm gan nên đã vô ý cứu bản thân một mạng. Từ góc độ cấy ghép nội tạng, những bệnh nhân viêm gan đều bị coi là “phế phẩm”. Mệnh của tôi liệu có phải nhờ đó mà giữ được hay không, thực là không thể biết được.
“Bệnh thần kinh” không ai tin
Trong “Trò chơi con mực” còn có một tình tiết khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là ngay trong màn đầu tiên, các thí sinh đều sợ hãi nhận ra đây chính là trường đấu sát nhân, bất cứ thí sinh nào không đạt liền bị bắn ngay tại chỗ. Nhưng sau một cuộc bỏ phiếu dân chủ, ban tổ chức đã quyết định kết thúc trò chơi.
Sau khi trò chơi kết thúc, nhân vật nam chính Seong Gi-hun liền đến cục cảnh sát tố cáo. Anh nói rằng trò chơi đã cướp đi hơn 200 nhân mạng và kêu gọi cảnh sát nhanh chóng điều tra, ngăn chặn việc sát nhân. Nhưng cảnh sát không những không tin mà còn coi anh là bệnh tâm thần và thẳng thừng đuổi ra ngoài.
Không lâu sau khi tội ác mổ sống nội tạng của ĐCSTQ bị phơi bày, tôi đã nói với mọi người. Nhưng vẫn có người ngờ vực, hỏi tôi chứng cứ. Lúc ấy tâm tình của tôi cũng giống như Seong Gi-hun. Tôi thương tâm đáp: Nhà tôi có người bị giết hại, có người bị bắt đi, có người mất tích, tôi đến cảnh sát báo án, các anh lại hỏi tôi chứng cứ đâu? Tôi lấy đâu ra chứng cứ? Cảnh sát các anh không lập án, không tìm người mất tích, ngược lại còn giễu cợt tôi, hoặc nói là tôi bịa đặt, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, bôi nhọ Trung Quốc…
Tôi nói tiếp: Là một quần thể người bị hại, chúng tôi nào có khả năng đưa ra bằng chứng? Người bị giết rồi, ở đâu có chứng cứ? Có người biết sự tình đến báo cáo, các anh lại nói là không phải chứng cứ. Chúng tôi không có trinh thám, không có lệnh tra khám, cũng không có vũ khí, lại không thể xông vào nhà người ta… Muốn chúng tôi đưa ra chứng cứ, đưa ra thế nào đây?
Nhưng những chuyện hoang đường như thế vẫn luôn diễn ra và vẫn còn tiếp tục phát sinh đến ngày nay. Vài người hỏi chúng tôi “chứng cứ”, đến nay họ vẫn không thử nghĩ một chút cái loại logic nực cười này.
Kỳ thực, trải qua hơn 10 năm nỗ lực đã có không ít chứng cứ. Có bằng chứng đã được tòa án công nhận, thậm chí Tòa án Nhân dân ở Anh đã tuyên phán tội ác của ĐCSTQ. Vậy mà rất nhiều người ngay cả khi đã có sẵn chứng cứ và quá trình thẩm phán mà vẫn chẳng muốn xem. Họ cho rằng: Chỉ cần nhà tôi không có ai bị giết, vậy thì việc này không can hệ gì với tôi. Đây chính là tâm lý chung của rất nhiều người.
Trò chơi bắn bi và chế độ chấm điểm trong trại lao động
Trong “Trò chơi con mực” còn có một tiết mục để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó là, sau khi mỗi tổ 10 người vừa mới kết thúc trò kéo co, các thí sinh tham gia cứ hai người lại hợp thành một tổ. Theo thói quen, mọi người tìm cho mình bạn chơi thích hợp nhất, tạo thành đội hình mạnh nhất. Bất ngờ là, trò chơi này lại biến bạn chơi thành đối thủ, cả hai phải tàn sát lẫn nhau, chỉ để lại một người sống sót.
Điều này khiến tôi nghĩ đến chế độ tính điểm trong trại lao động của ĐCSTQ. Chế độ này đảm bảo mọi người sẽ “tàn sát” lẫn nhau, ai ai cũng đều nỗ lực, tự giác tự nguyện, thậm chí liều cả tính mạng mà làm việc.
Vì sao? Chính là nói, mỗi người đều bị chấm điểm hàng ngày. Ai làm việc nhiều, nghe lời cảnh sát, mật báo cho cảnh sát… thì sẽ được tăng điểm. Ai không hoàn thành nhiệm vụ, không nghe lời cảnh sát, vi phạm kỷ luật… thì sẽ bị trừ điểm.
Do đó khi ở trong trại lao động, người ta chỉ quan tâm làm sao để tích điểm cho bản thân. Quản trại định kỳ so sánh điểm số của tất cả tù nhân, ai đạt điểm cao nhất có thể được giảm án, còn người điểm số thấp nhất thì sẽ bị tăng án. Giảm án hay tăng án đều căn cứ vào điểm số, nếu bạn muốn giảm án tối đa, điểm của bạn phải đứng đầu.
Theo cách này, cảnh sát không cần phải dùng lực, không cần dùi cui ở bên giám sát, mà tất cả mọi người đều chủ động làm việc, liều sống liều chết mà làm, sẵn sàng mật báo cho cảnh sát, v.v. Nói cách khác, mọi người đều tìm cách đè bẹp, giẫm đạp lên nhau, cạnh tranh nhau mà sống. Thông qua “chế độ tính điểm”, ĐCSTQ đã điều động hết mức cái ác trong nhân tính mỗi người, khiến người ta hành ác lẫn nhau, từ đó trở thành nô lệ của “đại ác ma” ĐCSTQ.
Nhưng riêng với học viên Pháp Luân Công, yêu cầu lại là khiến họ vứt bỏ tín ngưỡng. Ai không chịu vứt bỏ tín ngưỡng, thì ngay cả tư cách tham gia tính điểm cũng không có. Họ sẽ bị giám sát nghiêm ngặt, chịu đựng các loại nhục hình tàn khốc và thường xuyên như cơm bữa.
Sự khác biệt giữa “bình đẳng” và “quản giáo”
Trong “Trò chơi con mực” có một tình tiết hoang đường nhưng cũng đầy châm biếm: Ban tổ chức tuyên bố rằng mọi người đều bình đẳng, bất cứ ai phá hoại tính bình đẳng của cuộc chơi đều sẽ bị xử tử.
Nhưng trại lao động của ĐCSTQ thì hoàn toàn ngược lại. Các tù nhân bị phân hạng thành 3,6,9, mỗi cấp bậc đều phải đeo thẻ ngực với màu sắc khác nhau.
Đây là chiếc thẻ đeo ngực của tôi khi còn ở trại lao động nữ Bắc Kinh. Dòng cuối cùng trên thẻ viết: “Cấp biệt: Phổ quản” (cấp bậc: quản giáo toàn bộ). Thẻ của tôi màu cam, còn thẻ đeo ngực của những tù nhân bị quản giáo nghiêm ngặt là màu trắng. Suốt một thời gian dài sau khi vào trại lao động tôi đều mang thẻ màu trắng, chịu giám sát chặt chẽ.
Vì để có được chiếc thẻ cấp độ “phổ quản” màu cam này, cái giá mà tôi phải trả là không thể tưởng tượng được. Trong giới hạn bài viết này tôi không thể kể chi tiết tường tận, nhưng nếu bạn quan tâm thì vui lòng đọc cuốn sách “Tĩnh thủy lưu thâm”, hoặc xem các video “Tĩnh thủy lưu thâm” của tôi trên Youtube. Sách “Tĩnh thủy lưu thâm” trên Amazon
Mọi sự điên rồ đều bắt nguồn từ ý định ban đầu: Hủy diệt nhân loại
Hai ngày trước, tôi nhận lời tham gia một cuộc phỏng vấn. Khi nhắc đến việc ĐCSTQ không cho các học viên Pháp Luân Công ngủ, ép người ta đến phát điên, người phỏng vấn không thể lý giải được đã hỏi tôi: “Vì sao ĐCSTQ lại làm như vậy? Bức người ta phát điên rồi, khi quay lại xã hội, họ sẽ không thể làm gì cống hiến cho cộng đồng được nữa, người này thế là bỏ đi rồi”.
Tôi bèn đề nghị cô ấy thử đọc các cuốn sách như “Cửu bình” và “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”. Tôi nói, các cảnh sát trong trại lao động chỉ quan tâm “chuyển hóa” sự kiên định của học viên Pháp Luân Công. Liệu họ có thể đạt chỉ tiêu “tỷ lệ chuyển hóa” hay không, có thể giữ được công tác, giữ được tiền thưởng hay không, v.v. mới là quan trọng. Còn việc liệu sau này về nhà người ta có trở thành kẻ bỏ đi hay không, có thể cống hiến cho xã hội hay không… lại không nằm trong mối quan tâm của họ.
Có người nói, ĐCSTQ giống như tà linh thao túng những người mang tư tưởng xấu giúp nó hành ác. ĐCSTQ chỉ muốn hủy diệt nhân loại, chứ không hề muốn xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Do đó, nếu dùng tư duy bình thường để lý giải ĐCSTQ, căn bản không thể lý giải được.
Ẩn dụ, hiện thực và hy vọng
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng “Trò chơi con mực” là một bộ phim xuất sắc. Phần biên kịch cô đọng, súc tích, thu hút người xem, mỗi tập phim đều kết thúc ở tình tiết gay cấn ly kỳ nhất, khiến người ta muốn xem ngay tập kế tiếp.
Điều đó cho thấy, khi con người ở trong môi trường khắc nghiệt, trong các hoàn cảnh “thân bất do kỷ”, họ sẽ vì sống còn mà bộc lộ ra các loại xấu ác trong nhân tính. Những thú tính này lại dùng phương thức trắng trợn, không hề che đậy mà phơi bày ra ngay trước mắt khán giả. Tôi nghĩ, biên kịch và đạo diễn quả thực có suy nghĩ rất sâu sắc.
Có người nói, bộ phim đã châm biếm hiện thực xã hội của ĐCSTQ. Ở trò chơi cuối cùng, khi chỉ còn lại duy nhất hai người trong cuộc đấu sinh tử, trời đột nhiên đổ mưa xuống. Lúc này, trong các vị khách VIP đang âm thầm theo dõi trò chơi đột nhiên có người ngâm câu thơ Đỗ Phủ bằng tiếng Trung: “Hảo vũ tri thì tiết” (Mưa lành biết được tiết trời). Ý nói rằng, cơn mưa này thật đúng lúc, khiến cuộc đấu càng thêm gian nan, khiến khán giả càng thấy thêm thú vị. Vị khách VIP nói tiếng Trung này, đương nhiên là người Trung Quốc.
Cũng có người nói, “Trò chơi con mực” phản ánh nhân loại thời mạt thế, có triết lý giàu nội hàm thâm sâu. Theo tôi thấy, trại lao động của ĐCSTQ còn hắc ám hơn thế rất nhiều lần.
Khi những kẻ ác ôn dàn dựng cuộc chơi lấy việc sát nhân làm vui, lấy việc khiến người ta tàn sát lẫn nhau làm trò tiêu khiển, thì những người sống dưới đáy xã hội chỉ có thể đánh đổi mạng sống để chơi. Họ gần như không còn lựa chọn, chỉ có thể giết kẻ khác để mình được sống, thậm chí giết người rồi mà bản thân vẫn không được sống, chỉ có thể cùng nhau diệt vong.
Sự xung kích thị giác của những cảnh phim đẫm máu cũng đại biểu cho nhận thức và quan điểm đối với thế giới hiện thực. Hiện thực như thế, đừng trách biên kịch và đạo diễn vô tình. Nếu nói vậy, thì thế giới đến gần thời mạt thế, chẳng lẽ không còn hy vọng nữa sao?
Điều khiến tôi chấn động nhất trong bộ phim là:
Thứ nhất, trong trận quyết đấu cuối cùng, nhân vật chính chỉ cần hạ sát đối thủ đang bất lực nằm trên mặt đất là có thể lấy đi toàn bộ số tiền thưởng 45,6 tỷ Won. Nhưng anh lại lựa chọn dừng cuộc chơi, sẵn sàng bỏ lại tiền thưởng, mở cho đối phương một con đường sống.
Thứ hai, trong cảnh cuối phim, nhân vật chính có thể lấy tiền thưởng và cao chạy xa bay, bước lên máy bay sang Mỹ đoàn tụ với con gái. Nhưng anh lại quay người và tiến về phía khán giả, sau đó toàn bộ bộ phim dừng lại tại đây. Tất cả khán giả đều minh bạch rằng: Nhân vật chính sẽ còn quay lại ngăn chặn những kẻ đang tiến hành loại trò chơi giết người này.
Cũng chính là nói, không phải trò chơi tàn khốc kia không thể dừng lại hay không thể đảo ngược tình thế. Mà ngay từ đầu, bất kỳ lúc nào chỉ cần có trên một nửa số người nguyện ý dừng lại, họ đều có thể dừng cuộc chơi. Nhưng vì con người không làm chủ được chính mình, không khắc chế được lòng tham, nên càng đi càng lầm lỡ, càng tiến bước lại càng sai lầm, cứ như đến cho khi mất đi tính mệnh.
Có lúc tôi bất giác nghĩ: Nếu là mình, mình sẽ làm gì trong tình huống ấy?
Sau này cuối cùng tôi cũng minh bạch ra, chính là: Vì sao phải tham gia trò chơi tà ác này? Vì sao lại giao cả sinh mạng vào tay họ, để họ toàn quyền đặt ra quy tắc cuộc chơi? Nếu chúng ta giữ vững cái tâm của mình, ước thúc dục vọng của bản thân, ngay từ đầu rời xa loại trò chơi tà ác này thì kết quả sẽ khác. Lúc ấy, những vị khách VIP kia cũng không có cách nào thao túng những người thấp cổ bé họng này.
Nói đi nói lại, chẳng phải rất nhiều điều đều bắt nguồn từ một chữ “Tiền” hay sao? Nếu như có thể minh bạch rằng: Đời người kiếm được bao nhiêu tiền đều tùy thuộc vào số “đức” mà bạn đã tích được trong đời đời kiếp kiếp. Vậy các loại “trò chơi” xú ác trên thế gian này, bạn có thể hoàn toàn siêu xuất ra ngoài.
Kỳ thực, làm ông lớn bà lớn cũng vậy, làm dân đen con đỏ cũng vậy, đều có thể bắt đầu từ cái tâm của bản thân, cứu giúp chính mình, cứu giúp người khác, cứu giúp thế gian này…
(Bài gốc đăng trên Blog của tác giả Tăng Thanh)
Minh Hạnh
Theo Tăng Tranh – Epoch Times
[1]: “Horrific real-life Squid Game sees ‘thousands of prisoners harvested for organs ALIVE