Mỹ khuyên công dân không nên đến châu Âu do dịch Covid-19 bùng trở lại
Phan Minh
Chính phủ Hoa Kỳ hôm 22/11/2021, đã khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Đức và Đan Mạch vào thời điểm này, do đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.
Theo AFP, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp tình hình dịch tại hai nước này ở cấp độ 4, cấp độ cảnh báo cao nhất.
Áo là nước châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc kể từ hôm qua, 22/11. Việc áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế sinh hoạt, phòng ngừa dịch bệnh lây lan đã gây ra bạo loạn vào cuối tuần qua ở một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là tại Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tố cáo “bạo lực thuần túy” của “những kẻ ngu ngốc”.
Đức cũng tỏ ra hết sức lo lắng về sự bùng phát của Covid-19 khi tiến hành những biện pháp hạn chế mới.
Từ Berlin, Đức, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình:
“Các biện pháp hạn chế chống Covid hiện tại là không đủ. Tình hình đang rất đáng lo ngại và vượt xa tất cả những gì chúng tôi đã từng phải đối mặt kể từ khi đại dịch bắt đầu”. Đó là những lời cảnh báo của thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp với lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo vào sáng thứ Hai và được báo chí Đức đăng tải. Thứ Năm tuần trước, sau cuộc họp giữa thủ tướng Merkel và các đại diện vùng, một luật mới nghiêm ngặt hơn đã được thông qua liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là những người chưa tiêm chủng bị cấm lui tới những nơi không thiết yếu. Tuy nhiên, trong cùng ngày, bà Merkel cho rằng làm như thế vẫn chưa đủ. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã sử dụng một cụm từ gây sốc để tóm tắt tình hình hiện tại và những lo ngại của ông trong những tuần tới.
Ông nói: “Có khả năng là vào cuối mùa đông này hầu như tất cả mọi người hoặc sẽ được tiêm phòng, hoặc sẽ được chữa khỏi, hoặc sẽ chết. Điều này rất có thể xảy ra với biến thể Delta và đó là lý do tại sao chúng tôi đang vận động mọi người đi tiêm chủng.”
Tình hình đang trở nên rất căng thẳng tại các bệnh viện, với những ca chuyển bệnh nhân đầu tiên. Lệnh phong tỏa bán phần đối với những người chưa tiêm chủng đã được thông qua ở hai bang Sachsen và Bayern. Phạm vi áp dụng các biện pháp này có sẽ được mở rộng ra hơn ? Luật bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm chủng, vấn đề mà từ xưa nay được cho là nhạy cảm, bắt đầu có hiệu lực. Ở Đức cũng đang có một cuộc tranh luận về việc bắt buộc toàn dân tiêm chủng. Theo một cuộc thăm dò dư luận, 70% dân Đức ủng hộ việc này.
Covid-19: Trung Quốc cam kết hỗ trợ ASEAN 1.5 tỷ đô la
Thu Hằng
Tại thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN ngày 22/11/2021, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc “đã, đang và mãi là người bạn tốt” của các nước Đông Nam Á. Để chứng minh điều đó, Bắc Kinh hứa tài trợ 1,5 tỉ đô la cho ASEAN, khối mà ông Tập nhấn mạnh là đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Cụ thể, theo trang South China Morning Post, khoản hỗ trợ 1,5 tỉ đô la sẽ được trải đều cho ba năm tới để giúp ASEAN chống đại dịch và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cung cấp 150 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 và thêm 5 triệu đô la cho Quỹ phòng chống dịch của ASEAN.
Cam kết được ông Tập Cận Bình đưa ra nhằm xoa dịu và gây tác động đến các nước Đông Nam Á, nơi đang trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Và để khẳng định vị thế quan trọng của ASEAN, ông Tập Cận Bình tuyên bố mối quan hệ giữa Trung Quốc và khối các nước Đông Nam Á được nâng từ “đối tác chiến lược” lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Ngoài việc tăng cường hợp tác về an ninh, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đầu tư cho phát triển và thương mại, cụ thể là hiện đại hóa Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất cho các nước ASEAN.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN hiện vẫn gặp căng thẳng trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi họp thượng đỉnh với lãnh đạo các nước ASEAN, ông Tập Cận Bình trấn an là Trung Quốc không “ức hiếp” các nước nhỏ láng giềng Đông Nam Á, không tìm cách “làm bá chủ” khu vực, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nên cùng nhau chống lại “các yếu tố tiêu cực đe dọa đến hòa bình”. Lãnh đạo họ Tập muốn ám chỉ đến Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây và trong khu vực, vì những nước này thường xuyên tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền đến hơn 80% diện tích.
Nga phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraina
Chi Phương
Trong bối cảnh Nga điều động binh sĩ lên vùng biên giới chung với Ukraina, hôm qua, 22/11/2021, Cục Tình báo đối ngoại liên bang Nga (SVR) đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga có kế hoạch tấn công Ukraina.
Trong thông cáo báo chí, Cục tình báo đối ngoại liên bang Nga tố cáo “Hoa Kỳ đã vẽ lên một bức tranh kinh hoàng với các xe tăng của Nga chuẩn bị nghiền nát các thành phố của Ukraina, và họ bảo đảm rằng có thông tin đáng tin cậy về những ý định của Nga”.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, cũng nhấn mạnh, hôm thứ Hai, rằng tất cả các hoạt động quân sự diễn ra trong lãnh thổ Nga, “không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, và không ai phải lo lắng về điều này”.
Theo AFP, những tuyên bố “bất thường” này được đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Matxcơva và các các nước phương Tây về việc Nga điều động binh lính tới vùng biên giới chung với Ukraina. Hoa Kỳ, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc vào tuần trước về hành động này, trong khi Ukraina đã trở thành chiến trường cho xung đột giữa Kiev và phe ly khai thân Nga từ năm 2014, làm hơn 13 ngàn người thiệt mạng.
Lời cải chính, trấn an của Cục tình báo đối ngoại liên bang Nga được đưa ra trong bối cảnh chính cơ quan này đã so sánh tình hình chiến sự ở Ukraina có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh ở Gruzia vào năm 2008. Vào thời điểm đó, Nga đã can thiệp quân sự vào Gruzia để ủng hộ phe ly khai tại khu tự trị Nam Ossetia của nước này. Quân đội Nga đã giành được chiến thắng chỉ trong vài ngày và đã duy trì các trại lính trên khoảng 20% lãnh thổ Gruzia.
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol giữa lúc căng thẳng với các nước thành viên
Chi Phương
Tổ chức Cảnh Sát hình sự quốc tế Interpol họp Đại Hội Đồng từ ngày 23 đến 25/11/2021, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để bầu ra người lãnh đạo tổ chức. Đây là lần thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol nhưng lần này, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Interpol và chính quyền Ankara.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer tường trình:
“Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Đại Hội Đồng Interpol lần thứ 89, trong bối cảnh nước này tăng cường tầm quan trọng của mình trong tổ chức và nhất là việc đưa người di cư bất hợp pháp sang châu Âu gia tăng cùng với nạn buôn người. Tuy nhiên, người ta có thể thấy rõ sự bất bình ở Ankara.
Nguyên do là vấn đề ban hành thông báo đỏ, những cảnh báo quốc tế được ban hành theo yêu cầu của các nước thành viên nhằm tạo thuận lợi cho việc bắt giữ và dẫn độ các cá nhân mà các nước này truy nã. Thế nhưng, trong những năm gần đây, Interpol đã thường xuyên từ chối chấp nhận yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhật báo trực tuyến T24, hơn 1 nghìn người bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã dường như đã không được Interpol chấp nhận ban hành thông báo đỏ, cho dù đã có yêu cầu. Đại đa số, khoảng 780 người, là đối tượng truy nã trong nước vì có liên hệ với mạng lưới của Fethullal Gulen, người được cho là đã chỉ đạo cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 07/2016.
Interpol biện minh cho các lần từ chối khi viện dẫn điều 3 trong quy chế của tổ chức, ngăn cấm « mọi can thiệp vào các vấn đề hoặc vụ việc có tính chất chính trị”. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp Đại Hội Đồng”.
Thứ Năm 25/11, Đại Hội Đồng Interpol sẽ bầu ra chủ tịch mới, đứng đầu tổ chức có 194 quốc gia thành viên, nhưng một số ứng viên bị coi là có « vấn đề ». Theo nhật báo Pháp Libération, trừ khi có điều bất ngờ xảy ra, chủ tịch mới của Interpol sẽ là một kẻ « tra tấn khét tiếng »: tướng Ahmed Nasser al-Raisin, tổng thanh tra bộ Nội Vụ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhân vật này bị cáo buộc đã tiến hành các cuộc đàn áp khốc liệt đối với các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan ngại về việc này.
Trung Quốc, Nga và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất được xem là những nước lạm dụng nhiều nhất các thông báo đỏ của Interpol để phục vụ mục đích chính trị.
Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, công nghệ Mỹ – Nga chưa có
Thùy Dương
Hồi mùa hè năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng phóng đầu đạn, một công nghệ mà cả Mỹ và Nga, hai cường quốc về tên lửa, cho đến nay vẫn chưa đạt được.
Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 22/11/2021, xác nhận thông tin mà báo Anh Financial Times công bố hôm Chủ Nhật 20/11, theo đó vào hồi tháng 7/2021, Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử liên quan đến một “hoạt động tinh vi trong đó một đầu đạn được bắn ra từ một tên lửa siêu thanh đang bay”.
The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh nhận định vụ thử nghiệm này cho thấy năng lực chế tạo tên lửa siêu thanh của Trung Quốc tốt hơn những gì được biết đến từ trước đến nay.
Còn theo Financial Times, “các chuyên gia của DARPA, Cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc, không biết nhờ cách nào Trung Quốc đã bắn thành công được một đầu đạn từ một thiết bị bay ở tốc độ siêu thanh”, tức là với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia có quyền truy cập thông tin từ các cơ quan tình báo Anh cũng không biết đầu đạn rơi xuống biển thuộc loại nào. Một số chuyên gia cho rằng đó là tên lửa không đối không, một số khác lại nghĩ rằng đó là loại pháo mồi được bắn ra để bảo vệ tên lửa siêu thanh trong trường hợp tên lửa này bị nhắm bắn.
AFP nhắc lại là vào tháng 10/2021, Financial Times loan tin hồi tháng 8, Bắc Kinh đã phóng một tên lửa siêu thanh bay quanh quỹ đạo Trái đất trước khi tên lửa lao xuống mục tiêu, nhưng bị chệch vài km. Bắc Kinh khi đó phủ nhận vụ phóng thử tên lửa, khẳng định đó chỉ là thử nghiệm công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.
Tuy nhiên, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley, vài ngày sau đó đã nói về một “vụ thử nghiệm rất quan trọng về một hệ thống vũ khí siêu thanh“, nhưng không nêu rõ ngày tháng. Tướng Mark Milley so sánh vụ thử nghiệm đó với vụ phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô hồi tháng 10/1957, khiến nước Mỹ bị bất ngờ và phải phát động cuộc chạy đua chinh phục không gian.
Thủ tướng Hungary: ‘Tiêm vắc-xin hay là chết’
Tờ Hungarian Today đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã khuyến khích “mọi người nên đi tiêm phòng” và chỉ trích những người chưa tiêm chủng.
Ông nói: “Cuối cùng thì chúng tôi không thể tránh khỏi [thực tế là] tất cả mọi người nên được chủng ngừa. Cuối cùng, ngay cả những người chống vắc-xin cũng sẽ nhận ra rằng, họ [phải chọn giữa] tiêm chủng hay là cái chết”.
Thủ tướng cũng tuyên bố rằng, những người từ chối tiêm vắc xin COVID “gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân họ mà còn cho tất cả những người khác”. Ông đổ lỗi việc một số người chần chừ tiêm vắc xin là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trong số ca nhiễm ở quốc gia này.
Ông Viktor Orbán nói: “Nếu tất cả mọi người đều được tiêm chủng, sẽ không có đợt dịch thứ tư hoặc nó chỉ là một đợt dịch nhỏ.
Mặc dù khoảng 59% người Hungary được “tiêm phòng đầy đủ” và 62% đã từng tiêm ít nhất một mũi, nhưng Hungary đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 so với cùng thời điểm năm ngoái, trước khi việc triển khai tiêm vắc-xin bắt đầu.
Vào thứ Bảy, chính phủ của Tổng thống Viktor Orbán đã áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc tại các không gian kín, ngoại trừ các nhà thi đấu và văn phòng thể thao. Các biện pháp khác bao gồm hộ chiếu sức khỏe khi tham dự các sự kiện công cộng, và tất cả nhân viên y tế phải tiêm mũi tăng cường bắt buộc. Hungary có tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 3,3%, theo phân tích tỷ lệ tử vong của Đại học Johns Hopkins.
Theo ông Viktor Orbán, việc đeo khẩu trang và tự cách ly không bảo vệ người dân, mà cần tiêm vắc-xin”. Tuy nhiên ông cho biết thêm: “Và chúng ta cũng đang thấy, ít nhất là các chuyên gia nhất trí khi nói rằng, từ 4 đến 6 tháng sau liều tiêm chủng thứ hai, khả năng bảo vệ của vắc-xin sẽ yếu đi. Vì vậy, việc tiêm chủng lần thứ ba là hợp lý”.
Theo tờ báo Svenska Dagbladet, đầu tháng 10, Cơ quan Y tế Công cộng của Thụy Điển báo cáo rằng, 70% trường hợp tử vong do COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 24 / 9 ở quốc gia này xảy ra ở người đã “tiêm phòng đầy đủ”. Thụy Điển đã ghi nhận khoảng 130 trường hợp tử vong do COVID trong khoảng thời gian đó. Vào cùng thời điểm, gần 75% người Thụy Điển trên 16 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ.
Một báo cáo của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố ngày 7 tháng 10 lưu ý rằng, hầu hết các trường hợp tử vong và nhập viện do COVID-19 ở Anh vào tháng 9 đều nằm trong số những người được tiêm chủng đầy đủ. Vương quốc Anh có tỷ lệ tiêm chủng gần giống với của Thụy Điển.
Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, từ ngày 6 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10, 70% trường hợp tử vong do COVID-19 xảy ra ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Với gần 2.300 trường hợp tử vong xảy ra ở những người “được tiêm chủng đầy đủ” và hơn 600 trường hợp tử vong ở những người không tiêm chủng.
Một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng này trên tạp chí Khoa học cho thấy, hiệu quả của cả ba mũi tiêm được chấp thuận sử dụng ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể từ tháng Hai, hiệu quả chống nhiễm COVID-19 của Pfizer-BioNTech giảm từ 86% xuống 43%.
Hungary đã triển khai các mũi vắc-xin của Pfizer, Moderna, và AstraZeneca.
Thủ tướng Viktor Orbán được biết đến với vai trò bảo vệ quyền tự do tôn giáo, cuộc sống và gia đình. Vào đầu năm nay, một đạo luật chống ấu dâm sâu rộng do liên minh cầm quyền của ông Orbán ban hành đã cấm nội dung khiêu dâm và mô tả về đồng tính và chuyển giới đối với trẻ em dưới 18 tuổi.
Dân biểu Mỹ cáo buộc Trung Quốc có thâm niên thủ tiêu người bất đồng chính kiến
Dân biểu Cộng hòa Michael Waltz chia sẻ với đài Newsmax về mối lo ngại của ông về việc thiếu trách nhiệm giải trình trong vụ việc của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái và sự can dự của Ủy ban Olympic Quốc tế liên quan đến vấn đề này.
Dân biểu Michael nói, “Ở đây chúng ta có một tình huống – điều này tương tự như [các nữ vận động viên quần vợt người Mỹ] Serena Williams hoặc Chris Evert [nói rằng]… phó tổng thống Hoa Kỳ đã lạm dụng tình dục cô ấy. Đây là những gì mà Bánh Soái nói đã xảy ra. Và, tất nhiên, cô ấy đã biến mất trong 3 tuần qua. Và bây giờ, tình huống cô ấy xuất hiện trở lại là vô cùng sơ sài. Tôi không tin điều này”.
Dân biểu nói thêm rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc có tiền sử về việc thủ tiêu bất kỳ ai dám chỉ trích hoặc không đồng ý với nó. Ý tôi là, chúng ta đang nói về những trường hợp lặp đi lặp lại của các nhà báo, bất kỳ bác sĩ nào đã lên tiếng cảnh báo về [dịch bệnh ở] Vũ Hán, các vận động viên khác … Thậm chí, doanh nhân tỷ phú Jack Ma, người được ví như Jeff Bezos của Trung Quốc, đã biến mất khi ông ta dám chỉ trích chế độ”.
Theo tờ Thời báo Phố Wall, vào Chủ nhật, Bành Soái đã tham gia một cuộc gọi video với người đứng đầu Ủy ban Olympic Quốc tế và các quan chức khác. Những người này sau đó nói rằng, Bành Soái đang an toàn ở nhà và yêu cầu sự riêng tư.
Vụ việc về Bành Soát đã gây ra những lời chỉ trích liên quan đến việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Trước khi biến mất, nữ vận động viên Trung Quốc đã tố cáo ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng ĐCSTQ tấn công tình dục cô.
Dân biểu Mai-kồ tiếp tục tuyên bố, “những gì chúng ta thực sự cần là” một cuộc tẩy chay đối với Olympics Bắc Kinh 2022. Đồng thời, ông lên án nhiều nhà tài trợ Olympic như Coca-Cola, Nike, Procter & Gamble và những nhà tài trợ khác đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm nhân quyền, sự xây dựng quân đội và mối đe dọa mà Trung Quốc đang thực hiện.
80% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Tiểu Mai
Epoch Times đưa tin, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã ban hành các quy định về quản lý nước ngầm, làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm nước ngầm ở Trung Quốc. Trước đây, một cuộc khảo sát chính thức cho biết hơn 80% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đại lục đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đại lục là kết quả của các chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là thảm họa do con người gây ra.
Vào ngày 22 tháng 11, tại một cuộc họp giao ban chính sách do Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, Bộ Tài nguyên nước và Bộ Tư pháp đã giới thiệu Quy chế quản lý nước ngầm, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1 tháng 12 năm nay. Bộ Tài nguyên nước thừa nhận rằng “quá trình tái tạo nước ngầm diễn ra chậm chạp, khai thác quá mức và các vấn đề ô nhiễm là rất khó quản lý và khắc phục”.
Các quan chức TQ đã tiết lộ tại cuộc họp rằng nguồn tài nguyên nước ngầm của Trung Quốc đã lên tới hơn 855 tỷ mét khối vào năm 2020.
Các nguồn tin cho biết: Tổng diện tích khai thác quá mức nước ngầm ở TQ là 280.000 km vuông, với mức khai thác quá mức trung bình hàng năm là 15,8 tỷ mét khối. Tình trạng khai thác nước ngầm nghiêm trọng nhất là ở miền Bắc TQ.
Việc khai thác quá mức nước ngầm đã dẫn đến sự suy giảm mực nước ngầm, rút cạn tầng chứa nước, khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt, gây sụt lún mặt đất, thu hẹp sông hồ, nước biển xâm thực, suy thoái sinh thái và các vấn đề khác.
Các quan chức cũng nói rằng vấn đề ô nhiễm nước ngầm cũng rất đáng lưu tâm. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước ngầm chủ yếu là do nước thải từ các khu công nghiệp và nước thải sinh hoạt ở các khu đô thị
Hiện nước ngầm ở “Đồng bằng sông Châu Giang” của Quảng Đông chứa asen gấp 15 lần giới hạn cho phép .
Asen là một chất giống như kim loại với độc tính mạnh gấp 4 lần thủy ngân. Asen dễ dàng hòa tan trong nước để tạo thành các dung dịch có tính axit. Việc hấp thụ lượng lớn asen trong một thời gian dài có thể dẫn tới ngộ độc. Asen nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất do vậy thường xuất hiện trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt. Ngoài ra, Asen xuất hiện trong nước ngầm cũng có thể là hậu quả của ô nhiễm nguồn nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với East.com, giáo sư John A. Cherry, nhà địa chất thủy văn nổi tiếng người Canada nói rằng nước ngầm ở nhiều vùng nông thôn ở Trung Quốc đại lục hiện đang bị ô nhiễm và có tới 80% nguồn nước ở một số vùng nông thôn có vấn đề.
Ngay từ năm 2012, ông Cherry cùng với các chuyên gia từ Hồng Kông và đại lục đã đến khu vực đồng bằng sông Châu Giang để khai thác nước ngầm mang về phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác kiểm tra. Sau khi kiểm tra phát hiện ra rằng nguồn nước địa phương này chứa tới 161 microgram asen / lít, vượt qua tiêu chuẩn an toàn của WHO gấp 15 lần. Nếu uống nước có chứa trên 50 microgam asen / lít , về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ; còn nếu trực tiếp khai thác để dùng cho việc canh tác, nhất định sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khiến cây trồng mang độc tố.
Toà Bạch Ốc xác nhận ông Biden vẫn muốn làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo
Trả lời truyền thông hôm 22/11, khi được hỏi, ông Biden có ý định tái tranh cử vào năm 2024 hay không, người phát ngôn Toà Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Đúng. Đó là ý định của Tổng thống”, theo Straitstimes.
Xác nhận trên được đưa ra trong bối cảnh, hãng tin Washington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết, hồi đầu tháng này, ông Biden được cho là đã thông báo với các đồng minh ý định tái tranh cử vào năm 2024, bất chấp những ý kiến lo ngại về tuổi tác.
Ông Joe Biden, 79 tuổi, là tổng thống đương nhiệm nhiều tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Ý định tái chạy đua vào Toà Bạch Ốc năm 2024, đồng nghĩa với việc ông Biden muốn tái tranh cử ở tuổi 82.
Cuối tuần trước, ông Biden đã thực hiện đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1.
Kết quả đánh giá của bác sĩ Kevin O’Connor cho thấy, ông Biden vẫn đủ sức khỏe để hoàn thành các nhiệm vụ của tổng thống. Bác sĩ O’Connor cho biết, chủ nhân Toà Bạch Ốc tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng lưu ý rằng ông Biden thường ho nhiều hơn khi phát biểu trong vài tháng trở lại đây, và nguyên nhân là do trào ngược dạ dày. Ngoài ra, dáng đi của ông Biden cũng kém uyển chuyển hơn trước.
Kết quả kiểm tra thần kinh của ông Biden cho thấy, không phát hiện bất cứ rối loạn thần kinh trung ương nào, cũng như không phát hiện nguy cơ đột quỵ, đa xơ cứng, hay Parkinson. Về kết quả nội soi đại tràng, bác sĩ O’Connor cho biết ông Biden không gặp vấn đề gì lo ngại.