Nắng nóng tấn công Hoa Kỳ, cháy rừng ở châu Âu, đường băng ở Anh nóng chảy

Thứ Tư (20/7), hơn 100 triệu người Mỹ đã phải hứng chịu nắng nóng đến mức nguy hiểm, khi đợt nắng nóng quét qua phần lớn miền trung nam Hoa Kỳ và một số khu vực phía tây và đông bắc. Ngoài ra, hiện tượng say nắng cũng xảy ra ở châu Âu, cháy rừng lan rộng ở Tây Ba Nha, Pháp, đường băng tại các sân bay ở Anh nóng chảy.

Nắng nóng tấn công Hoa Kỳ

Đợt nắng nóng quét qua Thành phố New York và phần lớn Bờ biển phía Đông, với nhiệt độ cao từ 90 – 100°F (khoảng 32-38°C). (Ảnh: Spencer Platt / Getty)

Theo Dịch Vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ (NWS), các bang Texas, New Mexico, Oklahoma và Arkansas dự kiến ​​sẽ có nhiệt độ cao vượt quá 100°F (38°C), và vài ngày tới sẽ phá hàng chục kỷ lục về nắng nóng.

Các nhà dự báo thời tiết cho biết, thời tiết quá nóng có thể khiến mọi người phát triển các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao. Vì vậy họ nên có các biện pháp phòng ngừa thích hợp, như uống nhiều nước và tránh xa ánh nắng mặt trời.

“Nếu bạn làm việc hoặc giết thời gian ở ngoài trời, hãy đề phòng thêm. Nếu có thể, hãy dời các hoạt động mạnh vào sáng sớm hoặc đầu giờ tối”, Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ cho biết trong một dự báo tại thành phố Dallas, Texas – nơi nhiệt độ cao dự kiến ​​có thể lên tới 112°F (44°C).

Nhà khí tượng học Cody Snell thuộc Dịch vụ Thời tiết Quốc gia cho biết: “Nắng nóng gay gắt sẽ vẫn là thời tiết chủ yếu trong ít nhất vài ngày tới.”

Thứ Tư (20/7), các vùng rộng lớn của Hoa Kỳ, gồm miền trung California, tây nam Hoa Kỳ, đồng bằng và khu vực đông bắc, đều được cảnh báo quá nóng và nhiệt độ rất cao.

Ngoại trừ đồng bằng trung tâm và phía bắc Hoa Kỳ, nhiệt độ vùng đông bắc và giữa Đại Tây Dương dự kiến ​​sẽ đạt trên 90°F (32°C).

Trước thứ Năm (21/7), quan chức Boston đã ban bố tình trạng khẩn cấp về nhiệt độ cao, và cho biết thành phố sẽ mở nhiều trung tâm làm mát.

Tại New York, Thống đốc Kathy Hochul cảnh báo người dân nên ở trong nhà cho đến thứ Năm do nắng nóng và ẩm thấp.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân không có điều hòa, thành phố New York đã mở các trung tâm làm mát trong thư viện, trung tâm cộng đồng và các tòa nhà khác của thành phố, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng các hồ bơi công cộng. Vào thứ Tư, nhiệt độ cao ở thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ dự kiến ​​lên tới 99°F (37°C).

Nhiệt độ ở miền bắc Texas sẽ đạt ít nhất 105°F (40°C), Dịch vụ Thời tiết Quốc gia tại thành phố Fort Worth, Texas, cho biết. Vào chiều thứ Ba (19/7), nhiệt độ tại thành phố Dallas đạt 109°F (42,7°C), phá kỷ lục năm 2018 là 108°F (42,2°C).

Trung tâm Dự báo Thời tiết Quốc gia thuộc Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ viết trong dự báo vào sáng thứ Tư, rằng dự kiến các khu vực của miền trung và phía tây phần lớn ​​sẽ tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Ngược lại, những khu vực lạnh giá ở các vùng Michigan và Ohio có thể sẽ có bão, kèm mưa đá và lốc xoáy.

Trong tuần này, một đợt nắng nóng kỷ lục cũng lan rộng khắp châu Âu, khiến hàng trăm người trên khắp lục địa tử vong. Nắng nóng và hạn hán đã làm bùng phát các đám cháy rừng trên khắp các vùng đất ở Nam Âu, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán khỏi nhà của họ.

Trong những ngày gần đây, châu Âu, nơi luôn có mùa hè mát mẻ, cũng đã trải qua đợt nhiệt độ cao hiếm thấy. Các quốc gia như Vương quốc Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã đo được nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Vương quốc Anh bước vào tình trạng “khẩn cấp quốc gia” do nhiệt độ quá cao, đường băng của sân bay thủ đô nóng đến mức “nóng chảy”, nhiệt độ ở Pháp tăng vọt lên 42°C. Đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha dẫn đến 38 vụ cháy rừng trên cả nước.

Vương quốc Anh đạt mức nhiệt độ cao kỷ lục, đường băng sân bay nóng chảy

Ngày 18/7, cục khí tượng của Anh dự đoán, nhiệt độ cao kỷ lục 43°C có thể xảy ra ở Anh trong tuần này, cảnh báo đỏ về nhiệt độ quá cao đã được ban hành cho một số khu vực của Anh, gồm cả London.

Trước tình hình nhiệt độ cao có thể gây khó chịu cho hành khách và dẫn đến các nguy cơ như biến dạng đường ray và dây cáp, gần đây các hệ thống giao thông công cộng như tàu hỏa, tàu điện ngầm và xe buýt đã khuyến cáo người dân tránh đi lại không cần thiết trong 2 ngày qua và hủy một số chuyến bay.

Bề mặt đường băng tại sân bay Luton của London có nơi cũng bị nóng chảy, gây ra sự chậm trễ, thậm chí buộc các chuyến bay phải cất cánh và hạ cánh ở các sân bay khác.

Căn cứ Brize Norton không quân Hoàng Gia quy mô lớn nhất Vương quốc Anh cũng báo cáo sự cố “nóng chảy” đường băng vào ngày 18/7. Lực lượng Không quân cho biết, các địa điểm bay khác đã được sử dụng theo một kế hoạch dự phòng được thiết lập trước, vì vậy các dịch vụ không bị ảnh hưởng.

Kỷ lục trước đó về nhiệt độ cao nhất ở Anh là 38,7°C vào năm 2019, nhưng nó đã tăng vọt lên 40°C vào ngày 19/7 năm nay.

38 vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha

38 vụ cháy rừng trên khắp Tây Ban Nha. (Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez / AFP qua Getty Images)

Ngày 18/7, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhiệt độ đã lên tới 46°C.

Theo tờ El Pais, Tây Ba Nha đã xảy ra 38 vụ cháy rừng trên cả nước, và 18 vụ tiếp tục cháy cho đến trưa ngày 19/7 theo giờ Tây Ban Nha.

Mặc dù không có một điểm nào đạt mức độ nguy hiểm cấp 3 nghiêm trọng nhất, nhưng vẫn có 6 điểm có mức độ nguy hiểm cấp độ 2, nghĩa là các cơ quan chức năng phải cảnh giác, và cần thực hiện các biện pháp ứng cứu khẩn cấp nếu cháy rừng lan sang các thị trấn lân cận.

Trận cháy rừng tồi tệ nhất xảy ra tại tỉnh Zamora thuộc vùng Castilla-La Mancha, đã phá hủy hơn 30.000 ha và cướp đi sinh mạng của 2 người. Trong đó, 1 người chăn cừu và 1 lính cứu hỏa đều thiệt mạng trong trận cháy rừng.

Tại Tây Ban Nha, các tuyến đường sắt cũng bị đình chỉ do cháy rừng đến gần đường ray. Để bảo vệ nhà cửa, một số người dân đã đào hào để ngăn cháy rừng lan rộng. Bất ngờ, chiếc máy xúc bị ngọn lửa nuốt chửng, tài xế đành hốt hoảng chạy thoát thân.

Ngày 19/7, hãng tin AP và The Guardian đưa tin, vào khoảng 9:30 sáng ngày 18/7, đoàn tàu đang chạy từ thủ đô Madrid đến thành phố biển Ferrol ở phía tây bắc nước này đã bị đình chỉ tại vùng nông thôn tỉnh Zamora. Hành khách nhìn thấy đám cháy bên ngoài cửa sổ từ 2 phía và ngọn lửa đang lan về phía họ.

Hành khách Francisco Seoane, người chụp được bức ảnh lúc đó, nói với AP rằng tốc độ lan truyền của ngọn lửa thực sự kinh hoàng, “Trong nháy mắt, từng bụi cây bắt đầu bốc cháy. Chỉ trong vài giây, đột nhiên khắp nơi đều biến thành bóng tối, thậm chí chúng tôi có thể ngửi được mùi khói trong toa tàu.”

Liên minh các nhân viên cứu hỏa rừng ở vùng Castile-La Mancha đã bày tỏ sự tức giận trên Twitter vào ngày 19/7, rằng “Chúng tôi đang kiệt sức và thiếu nhân lực”, đồng thời “cầu xin chính quyền khu vực nâng mức độ nguy hiểm lên cấp độ 3, chúng tôi cần hỗ trợ ngay lập tức, mức độ nghiêm trọng của đám cháy vượt xa khả năng của cấp khu vực. “

42°C ở Pháp

Nhiệt độ cao 42°C xảy ra ở miền Tây nước Pháp ngày 18/7, đạt mức cao kỷ lục trong 73 năm qua. Cháy rừng hoành hành ở phía tây nam cũng khiến nhiều cư dân và động vật phải sơ tán.

Pháp đã hứng chịu đợt nắng nóng trong những ngày gần đây. Cơ quan Khí tượng Pháp đã ban bố mức báo động đỏ cao nhất cho 15 khu vực.

Ngày 18/7, nhiệt độ cao 39,3°C đã xảy ra tại thành phố Brest, vùng tây bắc của nước này, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao là 35,1°C vào năm 2002. Tại thành phố Nantes, miền tây, nhiệt độ cao 42°C đã phá vỡ kỷ lục tại địa phương là 40,3°C năm 1949.

Ngoài đợt nắng nóng, thời gian gần đây tại Pháp cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gồm nhiều khu vực như Gironde ở phía tây nam và Bretagne ở phía bắc, với hơn 150 ha của Bretagne đã bị thiêu rụi.

Tại tỉnh Gironde, hơn 15.000 ha rừng đã bị thiêu rụi, khiến 1.700 lính cứu hỏa kiệt sức. Chỉ riêng trong ngày 18/7, 16.000 cư dân xung quanh tỉnh Gironde đã buộc phải sơ tán.

Trước ảnh hưởng của đám cháy, nhà chức trách cũng thông báo sơ tán trường đua ngựa xung quanh và vườn thú Le zoo du Bassin d’Arcachon. Rất đông bác sĩ thú y và nhân viên chăm sóc từ khắp nơi đến để giúp đỡ hàng ngàn động vật thoát ra ngoài.

Bình Minh

Related posts