Đông Phương
Chủ tịch tổ chức “Phóng viên không biên giới” Pierre Haski cho biết trong một cuộc phỏng vấn, những kẻ cản trở chế độ Trung Quốc ‘bị mất tích’ là thủ đoạn quen thuộc, và Bành Soái là ví dụ điển hình. Trước làn sóng “Bành Soái ở đâu” (WhereIsPengShuai), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến những trường hợp nhân quyền khác ít được truyền thông dòng chính nhắc tới.
Đầu tháng 11, tay vợt nữ Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) đã tố cáo ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, tấn công tình dục cô. Hiện vẫn chưa rõ tình hình của cô Bành. Cùng lúc đó, giới thể thao quốc tế và các nước khác đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải thích về tình trạng của tay vợt. Sau đó, Bắc Kinh liên tiếp bố trí cho Bành Soái “xuất hiện” để ám chỉ rằng “tôi an toàn”, đồng thời sắp xếp để Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach có một cuộc gọi video với cô. Tuy vậy, vẫn không giải quyết được những nghi ngờ của thế giới về sự an toàn của cô Bành.
Tuy nhiên, bên cạnh vụ việc của Bành Soái thì cũng còn rất nhiều những cái tên khác đang là nạn nhân của chế độ Trung Quốc nhưng lại hiếm khi được truyền thông đưa tin.
Còn ai nhắc tới Hoàng Chi Phong?
Liberty Times của Đài Loan đưa tin, ông Vương Đan (Wang Dan), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc tại Mỹ, một trong những nhà lãnh đạo sinh viên nổi bật nhất trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đã bày tỏ ý kiến trên Facebook cá nhân. Ông viết, trong khi Bành Soái đang là tâm điểm chú ý của thế giới, thì Chung Hàn Lâm (Zhong Hanlin), một thanh niên Hong Kong 20 tuổi, đã bị kết án 3 năm 7 tháng tù vì ủng hộ Hong Kong độc lập, nhưng “tần suất xuất hiện trên truyền thông của tin tức này kém xa so với vụ Bành Soái”.
Bản thân ông Vương đã bị kết án 4 năm tù khi đang ở độ tuổi 20. Ông nói, “Tôi biết cái giá của việc mất tự do ở tuổi đó lớn như thế nào. Vì vậy, khi nhìn thấy Chung Hàn Lâm và Hoàng Chi Phong phải một mình đối mặt với những tăm tối trong tù ngục khi họ đang trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, tôi thật không đành lòng”.
Lãnh đạo phong trào xã hội Hong Kong, cựu Tổng thư ký Đảng Demosisto Hong Kong – Hoàng Chi Phong (Joshua Wong Chi-fung) vừa trải qua sinh nhật thứ 25 trong tù vào tháng 10. Anh bị kết án 27 tháng rưỡi tù vì 3 vụ án gồm bao vây trụ sở cảnh sát, tuần hành phản đối lệnh chống mặt nạ (Anti-mask law) và tụ họp ngày Thảm sát Thiên An Môn mùng 4/6 mà không được phê chuẩn. Ngoài ra, Hoàng còn bị buộc tội “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước” vì tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của phe dân chủ, và sẽ bị đưa ra xét hỏi vào cuối tháng 11.
Vương Đan nói rằng, mỗi khi ông nhìn thấy La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung) – cựu Chủ tịch Đảng Demosisto, hiện đang sống lưu vong ở Anh – trả lời phỏng vấn, ông không thể không nghĩ đến Hoàng Chi Phong. “Nhưng, bây giờ còn có bao nhiêu người nhắc đến Hoàng Chi Phong?”.
Ngoài ra, còn có nhiều người đang bị chế độ Bắc Kinh bức hại nhân quyền và đang thụ án trong tù như ông Hà Tuấn Nhân (Albert Ho Chun-yan) – cựu Chủ tịch của “Liên minh Hong Kong ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Hoa”; ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) – cựu nghị viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong; và ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) – ông chủ tờ báo nổi tiếng Apple Daily, v.v.
Vì vậy, ông Vương Đan kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên những cái tên đã trở nên nguội lạnh trên các mặt báo.
Nhà báo công dân Trương Triển
Khi bình luận về vụ việc Bành Soái, ông Trình Tường (Ching Cheong), một nhà bình luận thời sự và làm truyền thông thâm niên đang sống ở Hoa Kỳ, cũng nhắc tới vụ cô Trương Triển (Zhang Zhan). Cô là nhà báo công dân đã mất tự do, bị giam giữ bất hợp pháp và bị Trung Quốc kết án 4 năm vì điều tra sự thật về đại dịch ở Vũ Hán vào năm 2019. Nhưng bất kể các nước phương Tây đưa ra yêu cầu gì, ví như để Trương Triển xuất hiện hay trả tự do cho cô, thì Bắc Kinh cũng đều phớt lờ.
Theo ông Trình, hiện nay Bắc Kinh cho Bành Soái lộ diện, cũng chỉ vì không muốn làm ảnh hưởng đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, họ sợ các vận động viên thể thao tẩy chay hoạt động này.
Cô Trương Triển đã bị Tòa án Phố Đông Thượng Hải kết án 4 năm tù vào tháng 12/2020 với tội danh “cố tình gây sự và kích động rắc rối”. Cô cao 1m77 và do kháng nghị thời gian dài bằng cách tuyệt thực, gần đây cân nặng của cô giảm xuống dưới 40 kg, người nhà cho biết cô đang gặp nguy hiểm đến tính mạng và cần được tại ngoại điều trị y tế khẩn cấp.
Tuần này, các chuyên gia nhân quyền độc lập từ Liên minh Châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh trả tự do và điều trị cho cô Trương Triển ngay lập tức. EU tiết lộ rằng, họ đã nhiều lần đưa ra các yêu cầu liên quan tới vụ Trương Triển nhưng chưa bao giờ nhận được hồi đáp từ các nhà chức trách Trung Quốc.
Đông Phương
Theo Vision Tímes