Các khoản nợ của chính phủ địa phương Trung Quốc chạm mức cao kỷ lục, tương đương 52% GDP

Alex Wu

Một người đi bộ đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của Trung Quốc, ở Bắc Kinh, trong bức ảnh không ghi ngày tháng này. (Ảnh: Teh Eng Koon/AFP qua Getty Images) Trung Quốc

Bộ Tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố số dư nợ và trái phiếu của chính phủ địa phương của năm nay trên trang web của bộ này hôm 23/11. Tính đến cuối tháng Mười, số dư nợ của chính phủ địa phương là 4.64 ngàn tỷ USD.

Truyền thông Trung Quốc đại lục Securities Times và Tencent Finance cùng công bố “Xếp hạng tỷ lệ nợ các thành phố Trung Quốc”, cho thấy hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc có tỷ lệ nợ vượt quá 200% và tỷ lệ nợ của một số thành phố ở các khu vực kém phát triển đặc biệt cao. Năm 2020, 85 thành phố có tỷ lệ nợ vượt quá 100%. Bắc Kinh và Quảng Châu có tỷ lệ nợ vượt quá 200%. Tỷ lệ nợ của Quý Dương cao tới 929%, khiến nó trở thành thành phố mắc nợ nhiều nhất ở Trung Quốc đại lục.

Theo Wall Street, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đưa ra một báo cáo hôm 29/10 cho thấy tổng số nợ của các công cụ do chính phủ địa phương tài trợ (LGFV) đã tăng từ 2.5 ngàn tỷ USD vào năm 2013 lên 8.3 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2020. Theo báo cáo của Bloomberg, con số này tương đương với 52% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và cao hơn tổng số nợ chính thức của Trung Quốc.

Báo cáo của Goldman Sachs cũng chỉ ra rằng khoảng 60% các nền tảng tài chính của chính phủ địa phương Trung Quốc phát hành trái phiếu để gây quỹ đã sử dụng tiền để trả nợ từ năm 2020 đến năm 2021, thay vì để đầu tư mới.

Chuyên gia kinh tế Đài Loan Huang Shicong nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng nhiều khoản nợ của chính phủ địa phương ở Trung Quốc đại lục gắn liền với địa ốc. Địa ốc phát triển nhanh chóng trong những năm qua do chính phủ địa phương duy trì và đẩy giá địa ốc và nhà ở lên cao. Nhiều nguồn tài chính của chính phủ địa phương đến từ việc bán đất và đi vay. Một số chính phủ địa phương thậm chí còn đầu tư vào địa ốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến áp lực suy giảm mới đối với nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc họp tại Thượng Hải hôm 22/11. Lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng.

Ông Huang cho rằng một khi toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và địa ốc giảm giá, thì cái gọi là phương thức vay vốn mở rộng nhu cầu để trả các khoản nợ cũ sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng nợ Evergrande, đã kích nổ toàn bộ ngành địa ốc ở Trung Quốc, không chỉ tác động đến thị trường nhà ở, mà còn ảnh hưởng đến tài chính của các chính phủ địa phương.

Ông Frank Tian Xie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times tiếng Trung rằng nợ địa phương đang vượt quá tầm kiểm soát. “Bây giờ các địa phương thâm hụt, trung ương không giúp được gì. Chính phủ địa phương vay nợ trên diện rộng là tắc trách, và chính phủ trung ương không có cách nào để kiềm chế.”

Ông Xie chỉ ra rằng khi một chính phủ bình thường có thâm hụt tài khóa lớn như vậy, thì chính phủ đó nên cắt giảm các dự án và nhân viên, đồng thời tìm cách khắc phục khó khăn. “Trung Cộng không quan tâm chút nào và tiếp tục duy trì một cơ sở to lớn. ĐCSTQ cầm quyền không có tài chính thực sự độc lập. Mặc dù bây giờ nó được hạch toán độc lập, tài chính trên thực tế là ‘thống nhất’, có nghĩa là chính phủ các cấp đang làm việc cùng nhau để cướp bóc tài sản của người dân Trung Quốc.”

Li Xin’an và Li Jing đã đóng góp vào báo cáo.

Ông Alex Wu viết bài cho The Epoch Times tại Hoa Kỳ, tập trung vào xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và quan hệ quốc tế.

Lưu Đức biên dịch

Related posts