26-11-2021
Là người ưa chuộng hoạt động thảo luận trong xã hội, tôi theo dõi tham luận của giáo sư Trần Ngọc Thêm tại hội thảo “Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” với tinh thần lắng nghe, học hỏi. Bài viết này xin thảo luận với ông và với những người quan tâm về quan điểm của ông rằng khi học Lễ con người sẽ trở nên thụ động, mất tư duy phản biện.
Cũng như ông Trần Ngọc Thêm, tôi rất xem trọng tư duy phản biện vốn là một thuộc tính thường thấy của con người tự do, chủ động, sáng tạo. Bài viết này không đề cập tới việc giữ hay bỏ quan điểm “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”, mà chỉ bàn về mối quan hệ của quan điểm này với tư duy phản biện.
Học tiểu học, trung học tại Miền Nam (tức tương đương ba cấp phổ thông hiện nay), tôi quen thuộc với quan niệm Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn mà khẩu hiệu được khắc hay treo trang trọng tại trường học dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Hè năm lớp Mười, nhờ quen biết gia đình, được học thêm chữ Hán với giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Nghiêm Toản là bậc túc nho, về sau theo tân học. Trước năm 1945 Thầy giao thiệp gần gũi với các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê trong nhóm Thanh Nghị. Xin mở ngoặc rằng thầy dạy thêm vì muốn truyền dạy chữ, không phải vì thu học phí!
Thầy giảng cho nghe rằng:
“Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng”
“Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử”.
“Chúng ta ngày nay đã theo tân học, chữ Lễ cũng nên hiểu theo thời đại mới. Xã hội đã dân chủ, xã hội không thể không có lễ, nhưng là lễ giữa những người bình đẳng, tự do”
Bây giờ, trong giao tiếp với những người trong xã hội, nhất là với người đáng quý, đáng trọng, khi cùng nhau thảo luận, điều gì mà có ý kiến khác thì tôi không dám không nói ra. Ấy là bởi lời của Thầy năm xưa còn văng vẳng: “Lấy Lễ đãi nhau, không gì bằng lời nói thật. Câu quân tử chi giao đạm nhược thuỷ quý ở lòng chân thành”. Như vậy, với tôi, chữ Lễ không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!
Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, xin được gọi anh như vậy cho cuộc thảo luận này không có sự xa cách. Có đúng tinh thần của chữ Lễ trong thời cận đại và hiện đại là sự ràng buộc một chiều, chiều từ người dưới tôn trọng người trên không? Tôi không biết nên xin hỏi để lắng nghe anh.
Phần tôi, từ lúc bắt đầu đi học tới nay, tôi luôn nghe, hiểu Lễ có hai chiều. Ông Hoàng Xuân Hãn cho tới những năm tám mươi tuổi, khi tiếp ai vẫn mặc âu phục, khoác áo veste, cho rằng mình phải giữ lễ với người ta. Người ta đó có khi là con cháu ở quê nhà sang Pháp ghé thăm ông. Ông Hoàng Xuân Hãn lớn hơn tôi gần năm chục tuổi, tôi thường lui tới nhà ông học hỏi, rất thân thuộc, vậy mà khi có hẹn làm việc, luôn luôn ông ra bàn làm việc ngồi năm mười phút trước giờ hẹn, với đầy đủ tài liệu cần thiết đã được soạn sẵn. Ấy cũng là ông cụ muốn giữ Lễ.
Kẻ hậu sinh này chưa bao giờ không dám nói ra điều mình suy nghĩ khác với ý của ông, trái lại còn e không nói ra là mình thất Lễ. Chữ Lễ theo cách hiểu tích cực như vậy luôn đẩy mạnh trong tôi tinh thần phản biện. Đọc, hiểu thấu đáo và phản biện chân thành, với tôi, cũng liên quan tới Lễ của tôi đối với ông. Tôi nghĩ đây không là ý kiến chủ quan của riêng mình, đó là cách không ít người hiểu và diễn giảng từ Lễ, một từ mà ý nghĩa của nó tiến hoá và thích nghi với thời đại mới.
Đặt vấn đề xa hơn một chút, tôi thực lòng nghĩ tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên Học Lễ”. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội trong đó ngôn luận không được tự do và cả tư tưởng không được tự do. Khi không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.
Điều này được thể hiện ở mức hạ tầng hơn, trong trường học, qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Điều này cũng được thể hiện ở mức thượng tầng hơn, như quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia, như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không một tờ báo chính thống nào đăng tải! Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng tất nhiên trói buộc tư duy phản biện.
Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không? Và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như sự lo lắng của anh không?
Anh nghĩ sao về nhận xét rằng trong xã hội mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, mà cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, mà sự bình đẳng thiếu vắng thì chữ Lễ được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa? Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, mà tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ Lễ được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn ràng buộc cấp dưới sợ hãi, phục tùng cấp trên, không còn trói buộc tính chủ động, tính phản biện của cá nhân? Chữ Lễ đó có tác dụng nào tích cực không anh?