Thố Cháo Đắng…

Phan

Ông bạn làm chung. Mọi người cứ gọi là ông nẩu khi nói tới ông chứ không gọi tên cúng cơm của ông. Tôi hiểu ý họ muốn nói về tính tình và sự khó chịu của ông chứ ông vào sinh sống ở Sài gòn từ nhỏ nên giọng nói của ông nhạt màu quê ông lắm rồi. Riêng tôi nhớ về ông lại là cái tên tôi đặt cho ông: ông Toang. Toang Cả Rồi! Chuyện từ một hôm ông tìm tôi trong hãng để nhờ sửa cái máy xén cỏ của nhà ông không nổ máy. Tôi trả lời không biết sửa máy nổ thì ông càm ràm là tôi sửa được đủ thứ cho mọi người nhờ, nhưng kỳ thị ông. Tôi hoảng quá nên hỏi bệnh tình cái máy ông nhờ sửa, đoán ra được cái bình xăng con của máy bị nghẹt rồi, chỉ có cách dùng dây đàn nhỏ nhất để thông nghẹt vì đường dẫn xăng trong bình xăng con rất nhỏ, chỉ vừa sợi dây đàn cũng nhỏ nhưng nhờ cứng nên có thể soi thông. Nhưng được hay không là chuyện hên xui với cái máy cũ vì ngoài bệnh còn tật nữa, khó nói lắm. Ông hỏi mua cái bình xăng con mới thì chừng bao nhiêu tiền? Tôi trả lời khoảng nửa tiền mua máy mới và cũng là chuyện hên xui vì chưa chắc có, bởi máy đã cũ tới nghẹt bình xăng con, chết phao xăng thì loại máy ấy cũng đã hết bán trên thị trường rồi.

Ông thôi càm ràm, cảm ơn tử tế rồi rời đi trong áy náy lòng tôi. Biết mình sửa được nhưng không nhận lời giúp vì với ai nếu không được thì thôi nhưng với ông mà không được thì mình gặp rắc rối lớn nên không nhận lời, đành lòng áy náy.

Cuối tuần ấy đến, ông đã làm gì với cái máy xén cỏ ở nhà ông thì tôi không rõ. Nhưng chiều thứ bảy, ông gọi xin số nhà tôi từ một người bạn cũng làm chung nhưng đã từng đến nhà tôi chơi nên có địa chỉ. Rồi ông đột ngột đến nhà tôi không báo trước để mắng vốn vì tôi chỉ dại chứ không phải chỉ dạy nên cái bình xăng con của máy xén cỏ nhà ông bị vỡ toang. Tôi làm “toang cả rồi!” Tôi biết chuyến này mình toang thật với ông khó chịu, đổ lỗi bậc thầy, nhưng trong bụng lại thấy vui với cách lý luận của ông. Ông quy trách nhiệm cho tôi là chỉ ông dùng dây đàn để thông đường ống nhỏ nhưng không chỉ ông cách tháo cái bình xăng con bằng nhôm mỏng mảnh, ốc vít thì hoen rỉ nên mới vỡ toang…

Tánh tôi ham vui nên cũng ưa ghẹo người. Tôi hỏi lý lịch trích ngang của cái máy cũ xì, sứt càng gãy gọng thì biết ông mua

Tôi lấy cái máy xén cỏ của nhà tôi trên vách

Ông nhảy vô miệng tôi đang nói, “Anh cho tôi à?”

Tôi thích nói chuyện với ông này vì ông có những ý tưởng khó ai lường được. Tôi bắt đầu cà khịa với ông cho vui, “Ông muốn xem giấy khai sanh của tôi thì tôi vào nhà lấy cho ông xem. Trong giấy khai sanh của tôi chỉ có tên cha mẹ tôi và tên tôi thôi, không có tên ông đâu cha nội…”

“Thì điền thêm vào…”

Ông ấy làm tôi cười chảy nước mắt, nên nhớ hoài gương mặt ông pha trộn niềm vui, hy vọng với âu lo rất độc đáo khi ông nghĩ là tôi cho ông cái máy xén cỏ còn mới toanh. Lúc ấy gương mặt ông như người chơi lô tô đang chờ kinh, bỗng nghe đọc đúng con số của người bên cạnh cũng đang chờ thắng chứ không phải mình.

Tôi không biết tâm trạng của ông lúc ra về có biến tấu gì mới hơn người chơi lô tô đang chờ kinh, rồi bị người bên cạnh kinh trước. Hồi nhỏ tôi ưa đánh lộn vụ đó vì cái thằng kinh trước mình, nó không an ủi bạn mà chọc quê thì sao không thuận tay cho nó một chưởng. Nhưng sáng thứ hai vào hãng, ông lại tìm tôi để khen quá lời cho cái máy xén cỏ của tôi. Tôi cũng lờ mờ hiểu những lời khen quá sự thật của ông là có âm mưu khác vì ở Mỹ thì tiền nào của nấy, giá tiền quyết định phẩm chất hàng hoá nên máy xén cỏ từ giá một trăm tới giá một ngàn cũng có, máy ba trăm đồng chỉ ở mức xài được, không như ông khen. Ông đang giở chiêu trò gì với tôi đây? Nên tôi ra cảnh báo là cho mượn thêm một lần cắt cỏ nữa rồi đi mua mà xài.

Song, hai tuần nữa trôi qua hồi nào để hai tuần nữa lại trôi qua, trôi qua đến mấy lần hai tuần cắt cỏ một lần tôi không còn nhớ vì không dùng đến nên không nhớ đến cái máy xén cỏ cho mượn.

Bỗng một hôm ông đến báo tin vui. “Cái máy xén cỏ của anh tốt thật, vừa sắc bén lại mạnh mẽ. Tôi rất ưng ý. Nếu anh không dùng đến nữa thì bán rẻ lại cho tôi được không?’

Tôi thấy ông nói có lý nên trả lời cũng có tình. “Tôi mua cái máy xén cỏ đó hết ba trăm, cộng thuế nữa là ba trăm hai mươi đồng. Về xài đúng ba lần cắt cỏ thì bác sĩ phát hiện ra tôi bị dị ứng cỏ, dù trước đó tôi chưa từng bị nên mới tự cắt cỏ nhà mình. Lần đầu mới mua về, sau cắt cỏ tôi bị nổi ngứa cùng mình, rất khó chịu hết mấy ngày. Lần thứ hai ngứa hơn nữa, chảy nước mắt sống như người bị đau mắt nên phải đi mua thuốc về uống. Nhưng lần thứ ba thì thuốc chợ hết tác dụng, tôi phải đi bác sĩ lấy toa mua thuốc đặc trị mới hết. Nên tôi không tự cắt cỏ nhà nữa mà phải thuê người cắt. Bây giờ ông đồng ý thì tôi bán cho ông nửa giá tôi mua là một trăm năm mươi đồng, miễn thuế cho ông.”

Ông than vắn thở dài một hồi, trả giá một trăm thì tôi không bán vì máy mua ba trăm mới xài có ba lần. Ông bảo để ông suy nghĩ tới cuối giờ làm sẽ cho tôi hay. Ông đi rồi, anh Hùng là người làm chung với tôi đã nghe hết chuyện nên nói với tôi, “bán cho ai thì bán, không bán thì cho nhà thờ, cho chùa hay hơn dính vô cha nội này giai như giẻ rách.”

Cuối ngày làm không gặp, mà tôi cũng không nhớ hẹn nên quên luôn đến hôm ông lại đến báo tin vui… Tôi đến báo với anh là tôi đồng ý mua cái máy xén cỏ của anh một trăm năm mươi đồng, nhưng đến lương tôi mới có tiền để trả anh, được không?

“Dĩ nhiên là được. Mình là chỗ anh em mà. Bồ cũ chết chìm của tôi cũng là người cùng quê với ông, nên nghe giọng sông Hương của ông làm tôi thương về kỷ niệm…”

“Thật à? Cô ấy cũng người Huế à? Mà sao lại chết thương tâm vậy?”

“Tôi chịu không nổi càm ràm nên lỡ tay…”

“Đến khổ cho người Huế của tôi.”

“Tôi không có nói là người Huế. Tôi chỉ nói bồ cũ của tôi cùng quê với ông. Cô ấy người xứ không có người thường, chỉ có người điên với nha sĩ thôi!”

Anh Hùng ôm bụng cười càng làm ông bức xúc. Ông ép tôi giải thích thì cũng dễ thôi: “Ở xứ đó toàn người điên vì là đất thần kinh. Không điên thì làm nha sĩ hết vì hỏi làm gì, làm nghề gì thì ai cũng nói là làm răng, làm răng. Đúng là xứ của người điên với nha sĩ mà…”

Ông dứ nắm tay vào mặt tôi hù dọa, “liệu hồn anh đấy!” rồi bỏ đi, nhưng đi vài bước thì quay lại hỏi nhỏ, “Anh có tiền trong túi không, cho tôi mượn năm chục được không? Tôi có việc cần tiền chiều nay nhưng chưa tới lương, coi như tôi thiếu anh hai trăm chẵn. Đến lương tôi đưa đủ.”

Anh Hùng đúng là người lớn tuổi, từng trải. Tôi đúng là con nít sống lâu năm nên nghe rõ nhưng không hiểu cái đằng hắng không quay đầu lại của anh. Tôi cho ông thần kinh mượn năm chục nên ông đã thiếu tôi hai trăm chẵn cũng vừa tròn hai năm như Covid mới đó đã hai mùa lạnh về. Tôi bị anh chị em trong hãng chọc hoài tới giờ dù ông đã bị thôi việc vào đầu mùa dịch, nhưng anh chị em thấy tôi có cái nón mới, cái áo lạnh mới đều hỏi mua chứ không xin như xưa chưa dịch. Bây giờ hãng tôi mắc dịch hết rồi nên tôi nói giá cái nón, cái áo lạnh xong thì họ lại đòi mượn thêm để nợ chẵn hai trăm… rồi hè nhau cười chọc quê gã giang hồ từ nam ra bắc nhưng không có đường vòng qua xứ thần kinh nên tức chết mà không biết… làm răng.

Nhiều người xui tôi ghé nhà ông đòi nợ chứ cư xử gì kỳ. Nhưng tôi nghĩ ông ta đang thất nghiệp thì mình cũng không nên làm như vậy, đâu có ai quên mình có nợ, nhưng lúc khó quá thì tránh mặt tạm thời. Thế là tôi nhớ ông Toang Cả Rồi như một kỷ niệm vui. Lúc suy tư khi nhìn sang chỗ ông làm chỉ còn chiếc ghế bánh xe quen thuộc của ông, tôi lại nghĩ đến toang cũng có cái toang vui để nhớ trong nhiều cái toang buồn muốn quên không được, nên toang chưa hẳn là toang. Biết đâu hãng sẽ gọi ông trở lại làm sau dịch là khả thi vì ông thạo việc. Tôi đến ngồi xuống cái ghế của ông vì nhớ ông. Bàn làm việc của ông còn nguyên những dụng cụ ông thường xài, cả tấm hình Đức Mẹ nhỏ xíu nhưng ông dán trước mặt ông rất trang nghiêm… tôi vái Đức Mẹ ba vái xin cho ông được trở lại làm sau mùa dịch.

Chắc tại vái Đức Mẹ vì ưa nhầm với Phật Bà nên Mẹ cho dương tính với Covid. Nằm nhà, sống không ra sống mà chết cũng chưa tới phiên. Anh chị em trong hãng gọi hỏi thăm cũng kiệm lời để tôi nghỉ ngơi vì thật sự tôi nói không ra tiếng. Nhưng tuyệt nhiên không ai có nhã ý đến thăm tôi. Dù có tôi cũng không nhận lời vì ai đang cách ly lại muốn bằng hữu tới thăm cho chết chùm. Nhưng người duy nhất hiểu lòng tôi lại là ông. Ông gọi thăm tôi ngay sau khi hay tin tôi bị dương tính. Ông nói câu giảm sốt hiệu nghiệm hơn thuốc tiên, “hay tin anh không may, tôi bỏ đũa đang ăn cơm anh ạ! Tôi đọc kinh suốt để cầu nguyện cho anh tai qua nạn khỏi…” Thế rồi ông khóc bạn như tôi đã chết rồi. Tôi có thấy trong người vơi sốt với giọt thuốc thần là tưởng tượng ông đang rơi lệ. Ông càng nói, những con vi khuẩn corona trong tôi càng bỏ chạy. Ông ôn tồn nói, “tôi không nói nữa để anh nghỉ ngơi. Nhưng từ bây giờ tôi giữ cái điện thoại trong người 24/24. Bất cứ lúc nào anh cần giúp đỡ thì gọi ngay cho tôi. Tôi đến ngay, tôi không sợ Covid đâu! Tôi không yên tâm anh ở nhà một mình nhưng anh lại không cho tôi tới thăm nom anh…” Nghe ông sụt sùi làm tim tôi thắt lại rồi tan chảy vào cơn sốt tiếp theo dìm tôi vào hôn mê. Đến khi thức dậy như người về từ cõi chết vì đã hết phân biệt được ngày hay đêm, vì tối từ trong mắt tối ra thì đêm cũng như ngày. Vội tìm cái điện thoại để biết mình còn sống. Điện thoại có vài cuộc gọi lỡ của bạn hữu hỏi thăm, nổi bật cái tin nhắn của ông, “Anh không cho tôi đến thăm anh cũng phải, sau khi tôi nghe vợ tôi lý giải cho nghe. Nhưng nhà tôi có nấu thố cháo tôm, bảo tôi đem đến để ở của nhà anh, rồi nhắn tin cho anh ra lấy vào ăn vào ăn chứ đừng gọi vì nhỡ anh đang ngủ. Khi nào anh thức thì ra lấy vào ăn nhé, anh cố ăn để chống chọi anh nhé. Tôi đã gọi nhiều bạn hữu để cùng cầu nguyện cho anh…”

Thố cháo đắng nhất đời mà tôi từng ăn với cái vòm miệng, cổ họng sưng đỏ đến phát sợ, lưỡi vô vị với tất cả mùi hương nhưng tôi cố ăn trong niềm tin cháo đắng giã tật thay thuốc đắng nên tôi lách qua được lưỡi hái tử thần sau ba ngày đê mê…

Nhưng không ai tin tôi đi làm lại được là nhờ thố cháo đắng của ông toang. Anh chị em chỉ thấy thố cháo đắng cũng đáng giá hai trăm bạc thì coi thường tình nghĩa với nhau quá! Hết dịch bác ấy sẽ đi làm lại, sẽ có tiền trả nợ tôi thôi. Bằng chứng là hôm tôi gọi cảm ơn bác gái, cảm ơn thố cháo cứu mạng thì bác trai có nhắc tới món nợ hai trăm, xin khất nợ thêm thời gian vì đúng là bác đang túng thiếu do hết tiền thất nghiệp mà cũng chưa xin được việc làm vì bác xin trở lại hãng, làm việc cũ chứ không đi hãng mới nên thất nghiệp không cho tiền nữa.

Tôi lại nghĩ ngợi nhiều về người miền trung quê tôi, “quê em nghèo lắm anh ơi/ mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn.” Chẳng thấy ai sung sướng với gió lào trên dãy Trường sơn đổ xuống nóng điên người. Ngoài biển mẹ thì bão về hằng năm tan cửa nát nhà, làm sao sống hệch hạc, sung túc được như người trong nam được thiên nhiên ưu đãi. Người trung cũng không quá khách sáo như người ngoài bắc để giao tiếp với họ không thoải mái. Nhưng người trung tình nghĩa đậm đà, hết mình với bạn. Tôi quyết định, hôm nào ông toang được trở lại làm, có tiền trả nợ thì tôi dẫn ông đi nhậu toang hết hai trăm để trả ơn thố cháo ân tình; trả ơn người bạn làm phiền tôi nhất nhưng đúng là một người bạn khi hữu sự mới biết ai là bạn…

Phan

Related posts