Câu chuyện thương tâm: Ông chủ nhà hàng tự tử trong tuyệt vọng, hàng triệu cư dân mạng rơi nước mắt

Quỳnh Chi

Cổ Tân Cách, chủ một nhà hàng ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã quay cảnh trống trải trong một nhà hàng đêm khuya vào giữa tháng 7 năm 2021. (Ảnh: tinhhoa)

Sau khi Cổ Tân Cách qua đời, câu chuyện thương tâm của anh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet, nhiều cư dân mạng đã bật khóc và để lại lời nhắn đầy xúc động: “Dịch bệnh có được xóa sổ, thì chúng ta cũng chẳng còn gì để ăn. Không có tiền còn khủng khiếp hơn dịch bệnh”.

Chủ một nhà hàng nhỏ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vốn rất siêng năng cần cù, không ngờ trong hai năm kể từ khi mở cửa hàng, anh đã gặp phải không ít khó khăn. Tắc đường, phong tỏa vì dịch bệnh, lũ lụt… hàng loạt những biến cố theo nhau kéo đến khiến công việc làm ăn của anh rơi vào khốn cảnh, cuối cùng anh lựa chọn tự kết liễu cuộc đời mình. Anh để lại 3 bức thư tuyệt mệnh khiến hàng triệu cư dân mạng rơi nước mắt. 

Câu chuyện buồn của ông chủ nhà hàng đã nhanh chóng trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên mạng Internet ở Đại lục. Một số cư dân mạng than thở rằng, đến chủ quán ăn cũng không cầm cự được, thì những người bình thường làm sao sống được trong hai năm này?

Theo truyền thông Đại lục, ông chủ nhà hàng nhỏ, người đã thu hút sự chú ý và cảm thông của đông đảo công chúng gần đây tên là Cổ Tân Cách (Gu Xinge). Cách đây 4 năm, anh và vợ ly hôn vì bất hòa trong cuộc sống hôn nhân. Một người bạn của anh kể lại: “Anh ấy yêu vợ, và người vợ cũng yêu anh ấy, nhưng tính cách của họ, không ai chịu thua nhau”. Khi hai người chia tay, tài sản cũng được thỏa thuận. Anh ấy được chia 600.000 nhân dân tệ (khoảng 2,1 tỷ VNĐ), nhưng anh để lại một nửa cho con gái vẫn đang học đại học, còn mình mang theo 300.000 nhân dân tệ bắt đầu lại công việc kinh doanh.

Cổ Tân Cách mở một nhà hàng tên là “Tụ Bằng Duyên” ở đường Nhữ Hà (Ruhe) gần đường vành đai 3 phía Tây Trịnh Châu. Giá thuê mặt bằng là 20.600 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 73 triệu VNĐ). Anh cũng thuê một căn nhà hai phòng ngủ một phòng khách ở phía đối diện cho đầu bếp (một cặp vợ chồng) và người phục vụ.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2019, Cổ Tân Cách đã đăng tải tác phẩm video Douyin đầu tiên của mình, đó là hình ảnh nội thất nhà hàng của anh. (Douyin là ứng dụng TikTok dành riêng cho người Trung Quốc). Trong nhà hàng có 10 bàn lớn, một gian phòng và một phòng bếp. Video phối nhạc “Cung hỉ phát tài” của Lưu Đức Hoa.

Lúc này, Cổ Tân Cách tràn đầy hy vọng, anh còn viết trên tài khoản WeChat của mình rằng Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”. Đây là một câu nói trong Kinh Dịch, ý rằng sự vận chuyển của trời đất không lúc nào ngưng nghỉ, người quân tử cũng theo trời mà tự cường không nghỉ vậy.

Trong cửa hàng, Cổ Tân Cách còn nuôi một con chim sáo mỏ ngà biết nói chuyện, có một bàn trà ở bên cạnh lối vào cửa hàng để anh hàng ngày một mình nhâm nhi rượu hoặc trà, bên cạnh còn có một con cá vàng được nuôi trong bể. Những điều này cho thấy anh quả là một người biết cách thưởng thức cuộc sống.

Cổ Tân Cách vào tháng 10/2020, cao 182cm, cạo tóc và đổi sang đầu trọc. (Ảnh: aboluowang)

Tuy nhiên, sau khi cửa hàng của anh mở cửa không lâu thì địa phương sửa chữa con đường phía trước, công trình này lại vô tình chặn hết lối vào nhà hàng của anh. Vào cuối năm 2019, dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, sau đó nhanh chóng lan sang Trịnh Châu. Sau Tết Nguyên Đán năm 2020, thành phố Trịnh Châu cưỡng chế đóng cửa các cửa hàng, và “Tụ Bằng Duyên” cũng buộc phải đóng cửa.

Cổ Tân Cách là người trượng nghĩa, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, anh đã từng kê 5 chiếc bàn bên ngoài cửa hàng với thịt hầm và các món ăn kèm, miễn phí cho mọi người, mỗi người được phép lấy một túi.

Sau khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống và lệnh cấm được dỡ bỏ, việc kinh doanh của “Tụ Bằng duyên” bắt đầu khá hơn, nhưng sau đó lại có nhiều đợt dịch bệnh ập đến, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng. Do đó, các chủ nhà hàng nhỏ như Cổ Tân Cách cũng chỉ có thể dựa vào việc đi giao đồ ăn ra bên ngoài để đủ sống. Vì công việc kinh doanh gặp khó khăn, anh buộc phải để người cha già phụ giúp cùng mình, còn vợ của người đầu bếp đảm nhận công việc vệ sinh trong cửa hàng bán thời gian.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, Trịnh Châu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trận lụt lớn. Giao lộ ở khu vực nhà hàng “Tụ Bằng Duyên” đã bị lũ lụt đánh sập, gây ra một vụ lở đất lớn. Cây cối trên đường phố đổ sập xuống hố, công việc kinh doanh của nhà hàng cũng vì vậy một lần nữa bị ảnh hưởng. Cuối cùng, sau khi đợi con đường sạt lở được sửa chữa xong, thì trớ trêu thay, dịch bệnh lại xuất hiện trở lại ở Trịnh Châu vào ngày 1 tháng 8…

Trong khoảng thời gian hơn hai năm ngắn ngủi, thiên tai nhân họa ập đến liên tiếp không ngừng, những video ngắn mà Cổ Tân Cách đăng tải trên Douyin cũng ngày càng bộc lộ nhiều cảm xúc  đau thương.

Vào ngày 26 tháng 6 năm 2021, anh đăng tải lên Douyin một bức ảnh chân dung kèm theo phần lồng tiếng từ một bộ phim truyền hình nào đó: “Bây giờ tôi rất nghèo, xin đừng liên lạc với tôi. Tôi sợ rằng tôi sẽ vay tiền của bạn, làm tổn thương tình cảm của nhau. Đợi một ngày nào đó tôi trả hết nợ, có thể ăn thịt và uống rượu ngon, sẽ lại trở về những tháng ngày như trước đây”.

Ngay trong phần nhắn tin của video Douyin này, lời nhắn đầu tiên là “Công việc kinh doanh thế nào hả anh?”. Anh ấy trả lời: “Tốt”. 

Trên thực tế, bản lồng tiếng này có khả năng là giọng thật của anh ấy. Một người bạn tốt của anh buồn bã nói: “Chúng tôi tập trung tại cửa hàng của anh ấy trước Tết Trung thu. Tôi thấy anh ấy gầy đi rõ ràng. Tôi hỏi anh ấy có vấn đề gì không. Anh ấy nói không sao cả. Tôi cứ nghĩ đúng là như vậy”

Nhưng trên thực tế, vào thời điểm này, Cổ Tân Cách đã tiêu hết tiền tiết kiệm của mình, thẻ tín dụng cũng nợ một số tiền, vốn xoay vòng để điều hành nhà hàng nhỏ của anh cũng không còn.

Ngày 8 tháng 7, anh đăng tải một video, đó là khung cảnh trống vắng của nhà hàng vào đêm khuya. Trong video, giọng anh trầm xuống như muốn bộc bạch: 

“Khi đau khổ không có ai ở bên, tôi học cách âm thầm nhẫn nại; Khi bận rộn không có ai giúp đỡ, tôi học cách gồng gánh khó khăn; Lúc mệt mỏi, tôi học cách tự mình mạnh mẽ”.

Vào ngày 10 tháng 8, Cổ Tân Cách đăng tải video cuối cùng. Cảnh quay vẫn là nhà hàng vào lúc nửa đêm, bắt đầu với con cá vàng mà anh nuôi trong nhà hàng đang bơi, sau đó là bàn ghế trong nhà hàng. Phụ đề của video là dòng chữ: “Cuộc sống quá mệt mỏi, mình còn phải sống”. Video không phối nhạc nhưng thu lại tiếng thở dài não nề của anh. Cảnh quay vẫn là nhà hàng vào lúc nửa đêm, bắt đầu với con cá vàng đang bơi lội. (Ảnh: aboluowang)

Vào trưa ngày 14 tháng 10, Cổ Tân Cách đích thân đi giao đồ ăn cho một chủ siêu thị, sau 5 giờ chiều, anh gọi cho một người bạn cũ mời đi “uống nước”, nhưng người bạn này nói rằng anh ấy không thể đến vì bận làm việc thêm giờ. 

Đêm hôm đó, anh trả hết các khoản phí trên WeChat, rồi chuyển số tiền 890 nhân dân tệ còn lại cho con gái đang học đại học. 

Lúc đó là 22:44, thời khắc cuối cùng anh liên lạc với thế giới bên ngoài.

Sáng hôm sau, người cha sống cùng cảm thấy kỳ lạ, vì Cổ Tân Cách bình thường 6 giờ 30 phút đã thức dậy bắt đầu công việc nhưng hôm nay đến 7 giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Ông mở cửa và thấy rằng đêm qua, cửa ra vào và cửa sổ bị dính băng keo, giữa phòng ngủ là chậu than đã cháy, và… Cổ Tân Cách đã kết liễu cuộc đời mình.

Có lẽ là cân nhắc đến việc sau khi chết cần nhờ vào việc chuyển nhượng cửa hàng để thanh toán một chút tiền nợ, anh đã cố tình đặt cái chậu inox dùng để đốt than củi cao hơn sàn nhà chừng hơn chục centimet, để không làm hỏng sàn gỗ.

Cổ Tân Cách đã để lại ba bức thư tuyệt mệnh: 

Một bức được để lại cho người chủ cho thuê cửa hàng, nói rằng tiền thuê nhà còn nợ là khoảng 10.000 nhân dân tệ, sẽ được trả từ phí chuyển nhượng của nhà hàng; 

Bức thứ thứ hai để lại cho vợ chồng người đầu bếp, bày tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của họ, nhắn rằng hơn 10.000 nhân dân tệ tiền lương còn nợ cũng sẽ được gửi trả sau khi chuyển nhượng nhà hàng; 

Bức di thư thứ ba được viết cho anh trai và chị dâu của anh ấy. tự trách mình thật có lỗi với cha mẹ, cũng nhờ anh chị đưa thi thể anh về quê an táng.

Trong các bức di thư không đề cập đến nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc tự sát, chỉ nói lời cảm ơn và xin lỗi bạn bè hoặc người thân. Trong thư anh cũng dặn dò rằng, tiền chuyển nhượng nhà hàng sẽ trả các chi phí còn nợ, số tiền thừa còn lại sẽ để lại cho cha mẹ của mình.

Trong những năm qua, Cổ Tân Cách đã toàn tâm toàn ý quản lý nhà hàng nhỏ của mình. Khi nhà hàng rơi vào cảnh tứ bề vây khốn, anh cũng một mình âm thầm gánh chịu và nhẫn nhịn, chưa từng muốn làm phiền người thân, bạn bè, luôn chôn giấu chặt nỗi khổ trong lòng. Sau khi anh qua đời, người vợ cũ của anh đã đặt một bó hoa trước cửa nhà hàng để bày tỏ sự chia buồn với anh.

Sau khi Cổ Tân Cách qua đời, câu chuyện thương tâm của anh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet, nhiều cư dân mạng đã bật khóc và để lại lời nhắn đầy xúc động: 

“Dịch bệnh có được xóa sổ, thì chúng ta cũng chẳng còn gì để ăn. Không có tiền còn khủng khiếp hơn dịch bệnh”; 

“Đến thương gia còn không sống nổi! Nếu tiếp tục như vậy, dân chúng bình thường phải sống thế nào đây!”.

***

Mỗi người đều thể diện của của riêng mình. Có lẽ chúng ta có thể cảm nhận được cảm giác như thế nào khi một người đàn ông trung niên từng dõng dạc tự lực tự cường làm chủ, bỗng trở nên không một xu dính túi. Chúng ta có thể đoán được Cổ Tân Cách đã phải vượt qua rào cản tâm lý như thế nào khi cuối cùng phải thốt ra.

Trong hai video cuối cùng về cuộc đời của anh, cá đã xuất hiện. Tiếng chim hót khiến mọi người yêu thích, nhưng cá tổn thương thì không có người hỏi. Hầu hết mọi người đều giống “cá” hơn là “chim”, im lặng, không nói nên lời, âm thầm chịu đựng.

Đúng vậy, hầu hết mọi người khi gặp phải khó khăn thường quen với việc âm thầm chịu đựng chúng, ngay cả khi đối mặt với những người bạn thân nhất. Bởi vì ai cũng không muốn làm phiền người khác. Loại tâm lý này rất khó nói là không tốt, vì nó đã hòa vào văn hóa của nhân loại, nhưng cũng rất khó nói nó tốt, vì nó luôn ẩn chứa nỗi đau.

“Sau cơn mưa trời sẽ sáng”. Cầu mong thế giới sớm ngày trở về trạng thái bình thường. Cầu mong mỗi người sẽ không phải trở thành một hòn “đảo hoang”. Cầu mong những con cá yếu ớt đau khổ kia được nhìn thấy và nghe thấy.

Quỳnh Chi
Theo NTDTV – Aboluowang

Related posts