Năm 2021, năm căng thẳng nhất tại eo biển Đài Loan
Minh Anh
Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực quân sự với Đài Bắc. Trong tháng 11/2021, Trung Quốc đã tiến hành 159 vụ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
AFP hôm 01/12/2021, cho biết, đây là tháng thứ ba liên tiếp Trung Quốc cho điều hơn 100 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ đời mới H6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi vào vùng không phận nhạy cảm này. Tuy số vụ xâm nhập quy mô lớn có ít hơn, nhưng máy bay quân sự Trung Quốc hầu như đổ vào mỗi ngày, ngoại trừ ba ngày trong tháng.
Theo dữ liệu của AFP, kể từ khi bộ Quốc Phòng Đài Loan hồi tháng 9/2020 quyết định cho công bố các vụ xâm nhập của chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong vòng 14 tháng gần đây nhất, Bắc Kinh không ngừng gia tăng dọa dẫm Đài Bắc. Số chiến đấu cơ bay vào vùng ADIZ của Đài Loan mỗi lúc nhiều hơn với tần số dày đặc hơn.
Thứ Hai, 29/11, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính tố cáo Trung Quốc tiến hành một « cuộc chiến tiêu hao » nhắm vào Đài Loan. Ông cho rằng « tình hình đặc biệt đen tối với những cuộc xâm nhập hầu như không dứt ». Bình luận này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc lại cho 27 chiếc máy bay quân sự đi vào ADIZ của Đài Loan, một kỷ lục trong tháng 11 và vụ xâm nhập thường nhật thứ năm quan trọng nhất được ghi nhận.
AFP nhắc lại, tháng 10/2021 vừa qua là tháng « nóng bỏng » nhất với khoảng 196 vụ xâm nhập, trong đó có 149 vụ được thực hiện chỉ trong vòng có 4 ngày liên tiếp vào thời điểm Bắc Kinh và Đài Bắc chuẩn bị mừng Quốc Khánh. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có gần 900 vụ xâm nhập.
Hành động leo thang căng thẳng này của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan khiến các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản lo ngại Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan, mà Bắc Kinh xem như một tỉnh « nổi loạn ».
Trong bối cảnh này, thứ Ba, 30/11, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự tại đảo Guam và Úc để đối phó với Trung Quốc.
Mỹ tố Trung Quốc tiến hành « chiến tranh kinh tế » chống Úc
Thanh Phương
Hôm 30/11/2021, đặc phái viên của tổng thống Mỹ Joe Biden tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tố cáo Trung Quốc muốn « đánh gục » nước Úc bằng việc ban hành một loạt trừng phạt mà theo ông giống như một cuộc « chiến tranh kinh tế ».
Theo hãng tin AFP, ông Kurt Campbel, điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhà Trắng, đã đưa ra lời tố cáo nói trên trong một bài phát biểu tại Viện Lowy, ở Sydney, Úc.
Mô tả Trung Quốc như một quốc gia ngày càng hiếu chiến và nhất quyết áp đặt ý muốn của mình đối với các nước khác, ông Campbell khẳng định Bắc Kinh đã lao vào một cuộc chiến tranh kinh tế chống nước Úc.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều mặt hàng của Úc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Thiên An Môn.
Trong số những hành động của Úc khiến Bắc Kinh muốn đánh gục nước này, có việc Canberra ban hành luật nhằm chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, ngăn cản tập đoàn viễn thông Hoa Vi tham gia các hợp đồng phát triển mạng 5G ở Úc, và yêu cầu quốc tế mở điều tra độc lập về nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19.
Theo ông Campbell, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình tỏ ra kiên quyết hơn trong việc thi hành các biện pháp mà các nước khác xem là mang tính cưỡng ép.
Chính quyền tổng thống Joe Biden hiện thi hành chính sách gọi là « cạnh tranh chiến lược » với Trung Quốc, nhìn nhận đang có sự đối địch giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh để tránh nguy cơ xảy ra xung đột không kiểm soát được.
Tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã thiết lập liên minh quân sự với Úc và Anh Quốc, gọi tắt là AUKUS, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ liên minh này, Washington sẽ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Canberra để tăng cường khả năng quân sự của nước Úc. Hôm qua, ông Campbell tiết lộ là những đồng minh khác của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng có thể sẽ tham gia liên minh AUKUS.
Trung Quốc phản đối Indonesia khoan dầu, tập trận quân sự
Chính quyền Jakarta nhấn mạnh, vùng biển cực nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và đã đặt tên khu vực này là biển Bắc Natuna vào năm 2017.
Trung Quốc phản đối việc đổi tên và khẳng định tuyến hàng hải đi qua vùng biển đang có tranh chấp này nằm trong phạm vi đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền. Xin nhắc lại là năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc và khẳng định những tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, ông Farhan nói rằng Trung Quốc, trong một bức thư khác, cũng phản đối các cuộc tập trận thường niên “Lá chắn Garuda” với sự tham gia của 4.500 binh lính Hoa Kỳ và Indonesia hồi tháng 8 vừa qua. Trong thư, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về sự ổn định về an ninh trong khu vực.
Việt Nam-Nga tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Thanh Phương
Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Matxcơva hôm 30/11/2021, trong khuôn khổ chuyến viến thăm chính thức nước Nga, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Vladimir Putin đã ra một tuyên bố chung về « Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga đến năm 2030 ».
Hà Nội và Matxcơva đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2012. Bản tuyên bố chung được công bố và đăng trên cổng thông tin điện tử chính phủ Việt Nam, sau cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vladimir Putin khẳng định, Việt Nam và Nga « có cách tiếp cận gần gũi và tương đồng » trên hầu hết các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong tuyên bố chung, đặc biệt lãnh đạo hai nước nhấn mạnh Nga và Việt Nam sẽ « không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau ». Đặc biệt hai nước sẽ « phối hợp chặt chẽ » nhằm ngăn chận việc « lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia ».
Riêng về Biển Đông, bản tuyên bố chung của chủ tịch nước Việt Nam và tổng thống Nga cho biết hai nước ủng hộ việc thực hiện « đầy đủ và hiệu quả » Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 ( DOC ) và « hoan nghênh » các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC ).
Việt Nam và Nga cũng sẽ « phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở », chủ trương « không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực » và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, như Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Về kinh tế, hai vị lãnh đạo Việt Nam Nga tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hợp tác được xem là « trụ cột quan trọng hàng đầu » của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.