Viện trợ phát triển: Liên Âu dự trù 300 tỷ euro làm đối trọng với Trung Quốc
Trung Quốc dùng dự án Một Vành Đai Một Con Đường để mở rộng ảnh hưởng với thế giới, Liên Hiệp Châu Âu thông báo ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng 300 tỷ euro cho 6 năm sắp tới trong khuôn khổ chương trình mang tên Global Gateway. Khoản tiền này nhằm trợ giúp các nền kinh tế đang phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Sau dự án BBBW – Xây Dựng Lại Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn của Hoa Kỳ, hôm 01/12/2021 đến lượt Liên Hiệp Châu Âu thông báo dự án Global Gateway – Cổng Vào Toàn Cầu, để làm đối trọng với Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Bruxelles huy động các nguồn lực tài chính của 27 nước thành viên tập trung vào các mảng xây dựng mạng cáp quang, cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng và nghiên cứu.
Ngân sách 300 tỷ euro nói trên được dự trù nhắm tới các nước đang phát triển. Tuy nhiên khác Trung Quốc, Liên Âu đòi hỏi các quốc gia được trợ giúp phải minh bạch trong các dự án, tôn trọng các chuẩn mực về môi trường và nhân quyền.
Năm 2013 Bắc Kinh khởi động dự án mang tên Một Vành Đai, Một Con Đường kết nối Trung Quốc với toàn thế giới trên bộ và trên biển. Tới nay Trung Quốc đã đầu tư gần 140 tỷ đô la (124 tỷ euro) vào các công trình từ châu Á đến châu Phi và cả châu Âu. Cộng đồng quốc tế coi đây là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng cả về mặt chiến lược lẫn địa chính trị.
Nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta đánh giá sáng kiến Global Gateway của Bruxelles là một « tín hiệu mới cho thấy Liên Âu khẳng định vị trí trên trường quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và trong tương lai là cả về mặt quân sự ».
Một số tiếng nói cho rằng số tiền 300 tỷ euro của châu Âu quá khiêm tốn, trong lúc mà Bắc Kinh cam kết rất nhiều và trên thực tế đã chi ra 124 tỷ euro. Tuy nhiên, Bruxelles cho rằng, đây là thời cơ để tung ra một chiến thuật mới cho phép cộng đồng quốc tế « có một sự chọn lựa khác » giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc và là « bước kế tiếp » sau sáng kiến Build Back Better World từng được tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đề xướng nhân thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2021 tại Anh Quốc.
Thanh Hà
Liên Hiệp Quốc kêu gọi 41 tỷ đô la viện trợ khẩn cấp cho 183 triệu người
Phan Minh
Liên Hiệp Quốc ngày 02/12/2021 cho biết: Sẽ cần một số tiền kỷ lục – 41 tỷ đô la (36 tỷ euro) để cung cấp viện trợ khẩn cấp vào năm tới cho 183 triệu người trên toàn thế giới.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được Reuters trích dẫn, nạn đói vẫn đang hoành hành ở 43 quốc gia, vì các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã làm giảm mức dự trữ lương thực của những nước này.
Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia và Sudan là 5 quốc gia đang bị khủng hoảng lớn và cần được hỗ trợ nhất.
Riêng Afghanistan đang yêu cầu 4,5 tỷ đô la. Tại đây, hơn 24 triệu người cần được viện trợ. Số người cần cứu trợ đã gia tăng đáng kể do những bất ổn về chính trị, khủng hoảng về kinh tế và sản lượng lương thực sụt giảm do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 27 năm trở lại đây.
Còn tại Ethiopia, có 26 triệu người cần được giúp đỡ và hơn thế nữa, 9 triệu người phụ thuộc vào trợ cấp lương thực, trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nước này ngày càng tăng. Ethiopia có lẽ là quốc gia có tình trạng báo động nhất về nhu cầu cần hỗ trợ.
Ngoài ra cũng theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2022 sẽ có khoảng 274 triệu người trên thế giới cần được hỗ trợ nhân đạo.
Covid-19: Chuyên gia Pháp báo động biến thể Omicron sẽ chiếm đa số các ca nhiễm
Thanh Hà| Phan Minh
Trong một vài tuần lễ nữa, có nguy cơ đa số các ca nhiễm Covid-19 tại Pháp là do biến thể Omicron gây nên. Biến thể mới này xuất phát từ Nam Phi. Đó là lời cảnh báo của giới chuyên gia Pháp.
Trả lời trên đài truyền hình tư nhân BFM sáng ngày 02/12/2021, chủ tịch Hội Đồng Khoa Học, cố vấn cho chính phủ, giáo sư y khoa Jean-François Delfraissy cảnh báo: “Omicron là biến thể mà chúng tôi đang lo ngại” và từ nay đến cuối tháng 01/2022 đa số bệnh nhân Covid-19 tại Pháp có thể do biến thể Omicron gây nên.
Tuyên bố này được đưa ra vào lúc Pháp phát hiện thêm một ca dương tính với biến thể mới của virus corona. Bệnh nhân từ Nigeria trở về. Ngoài ra có thêm 13 người đang đợi kết quả xét nghiệm xem có nhiễm Omicron hay không. Giới y khoa đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về mức độ lây lan và nguy hiểm của biến thể mới và quan trọng hơn nữa là các loại vac-xin hiện tại có đủ sức khống trị Omicron hay không.
Trong khi chờ đợi để ngăn ngừa đà lây nhiễm, nhiều nước đã gia tăng các biện pháp hạn chế nhắm vào nhiều nước châu Phi. Do vậy, sau Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đến lượt tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Châu Phi (UA), Moussa Faki Mahamat đều lên tiếng, xem việc phong tỏa nhiều nước châu Phi là một biện pháp “bất công” và mang tính “phân biệt đối xử”.
Thông tín viên đài RFI từ New York Carrie Nooten cho biết thêm :
Rốt cuộc thời sự đã chiếm vị trí then chốt trong đối thoại hàng năm giữa hai tổ chức Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Phi. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, Moussa Faki Mahamat lấy làm tiếc trước những “biện pháp trừng phạt” nhắm vào nhiều nước trong khu vực nam Phi viện lẽ biến thể Omicron. Nhất là các biện pháp phong tỏa nói trên được đưa ra vào lúc nam bán cầu đang trong giai đoạn mùa hè. Đây là mùa cao điểm của ngành du lịch và đối với nhiều lĩnh vực kinh tế.
Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh bất công lại càng lớn khi mà Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Cơ Quan Dịch Tễ Châu Phi đã làm tất cả để cộng đồng quốc tế hiểu rằng về mặt khoa học, các biện pháp phong tỏa là không có cơ sở. Ông Moussa Faki Mahamat giải thích: “Dường như biến thể mới đã được phát hiện tại một vài nước ở châu Âu trước khi xuất hiện tại Nam Phi, như vậy không thể biện minh cho các biện pháp hạn chế. Chúng tôi đã làm hết sức mình để các nước khác hiểu được sự cần thiết bãi bỏ các biện pháp hạn chế bất công này”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoàn toàn đồng ý với sự bất bình của lãnh đạo Liên Hiệp Châu Phi. Ông nói cần báo động, đây là một sự bất công thậm chí là “vô đạo đức” trong cách cộng đồng quốc tế đối xử với châu Phi.
Tình hình tại Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản
Hôm 01/12/2021, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron – Covid-19 ở nước này tại bang California. Bệnh nhân này trở về Mỹ từ Nam Phi hôm 22/11 và có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron 1 tuần sau đó.
Còn theo Reuters, Việt Nam sẽ tạm hủy các chuyến bay đi và đến từ 7 quốc gia châu Phi do lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron. Trong ngày 01/12, Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm Covid.
Tại Nhật Bản, do có 2 bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, nhà chức trách đã ra quyết định cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài, gồm cả những người có visa dài hạn từ 02/12. Với gần 80% dân số đã tiêm vac-xin chống Covid, Nhật là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Trung Quốc phản đối phát biểu của cựu thủ tướng Nhật về Đài Loan
Thanh Hà
Tuyên bố của cựu thủ tướng Nhật rằng Tokyo và Washington không để yên cho Trung Quốc xâm lấn Đài Loan gây sóng gió trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tối 01/12/2021 bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh lên để phản đối phát biểu của ông Shinzo Abe.
Hãng tin Pháp AFP cho biết : Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc “họp khẩn” với đại sứ Nhật tại Bắc Kinh ông Hideo Tarumi, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Bắc Kinh “cực lực phản đối” việc Nhật Bản “can thiệp trắng trợn” vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh dấy lên sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe phát biểu qua cầu truyền hình việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan đe dọa đến an ninh Nhật Bản. Do vậy, Tokyo cũng như Washington sẽ không khoanh tay đứng nhìn Đài Loan bị thôn tính. Cựu thủ tướng Shinzo Abe nói thêm Hoa lục và nhất là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “không nên quên điều đó”.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xem lời lẽ của ông Abe là hoàn toàn “sai lệch” và “vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc then chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản“. Vẫn theo bà Hoa Xuân Oánh, lập trường của cựu thủ tướng Abe “công khai gây tổn hại cho chủ quyền của Trung Quốc và hưởng ứng một cách bỉ ổi phe đòi độc lập cho Đài Loan”.
Hãng tin Anh Reuters cho biết Bắc Kinh nói rõ với đại sứ Nhật Bản rằng “không có quyền và không tư cách nào để đưa ra những lập luận vô trách nhiệm như trên về Đài Loan”.
Về phản ứng của Tokyo, Reuters cho biết chánh văn phòng của phủ thủ tướng Nhật, ông Hirokazu Matsuno không tán đồng phản ứng của Bắc Kinh bởi vì cựu thủ tướng Abe không còn là thành viên chính phủ.
Tuy nhiên đại sứ Nhật tại Trung Quốc giải thích, Hoa lục cần biết rằng tại Nhật Bản, “mọi người được quyền có những ý kiến khác nhau và Nhật Bản không thể chấp nhận quan điểm một chiều của Trung Quốc”.
Theo giới quan sát, Trung Quốc càng lúc càng khó chịu về quan điểm của Nhật ủng hộ Đài Loan. Hơn thế nữa trong tuần, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch nâng cấp và mở rộng một số căn cứ quân sự trên đảo Guam và tại Úc.