Úc thông qua ‘Luật Magnitsky’: Vá lỗ hổng cuối cùng trong ‘thiên la địa võng’ vây bắt ĐCSTQ

Thủ tướng Úc Morison và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

ĐCSTQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Úc vào năm 2020, sau đó cấm nhập khẩu thịt bò Úc, than đá, quặng sắt v.v. với hy vọng phá vỡ nền kinh tế của Úc.

Úc không bán cho Trung Quốc thì bán cho các nước khác, nhưng Trung Quốc buộc phải nhập khẩu các mặt hàng của Úc như quặng sắt với cái giá không hề dễ chịu. Trong vòng 1 năm từ năm 2020, giá quặng sắt của Úc đã tăng hơn 3 lần, từ 60 đô-la Mỹ lên đến 200 đô-la Mỹ. ĐCSTQ bắt nạt Úc nhưng lại dính đòn ‘hồi mã thương‘.

Ngày 15/9, Mỹ, Anh, Úc đã thành lập một ‘Liên minh An toàn mới’ tên là AUKUS. Ba quốc gia này đã đạt được thoả thuận lịch sử là giúp Úc có được công nghệ sản xuất tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Ban đầu Úc không có mối đe doạ nào đối với ĐCSTQ vì khoảng cách xa, nhưng nếu có tàu ngầm hạt nhân, Úc có thể áp sát cửa nhà của ĐCSTQ mà không bị phát hiện.

Đến ngày 2/12, Úc một lần nữa lại ‘gieo sầu’ cho ĐCSTQ bằng việc nhanh chóng thông qua ‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’. 

Là một chuyên gia phân tích các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 3/12 đã nhận định rằng: ‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’ này đã vá lỗ hổng cuối cùng trong ‘thiên la địa võng’ vây bắt ĐCSTQ, đồng thời đưa ra một số phân tích và đánh giá để chứng minh luận điểm của mình như sau.

‘Đạo luật Magnitsky toàn cầu’ và câu chuyện ‘Hiệp định Đầu tư Trung – Âu’

Nói một cách đơn giản, Đạo luật Magnitsky là các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với những người xâm phạm nhân quyền và những người thân trong gia đình của họ.

Ví như lãnh đạo cấp Phó Nhà nước, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư ĐCSTQ ở Tân Cương là Trần Toàn Quốc, ông đã xâm hại nhân quyền ở Tân Cương rồi bị trừng phạt. Bản thân ông ta và thân thích đều không thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nếu ông ta có tài sản thì cũng bị đóng băng, còn nếu có thân thích ở Mỹ thì có thể bị trục xuất.

Do đó đối với những người giẫm đạp nhân quyền, thì Đạo luật Magnitsky khởi tác dụng rất mạnh mẽ.

Vốn dĩ các quan chức ĐCSTQ nghĩ rằng sẽ an toàn nếu trốn ở nước ngoài, có thể hoang phí số tiền mà họ mạo hiểm tham ô cả đời mới có được. Nếu không chạy sang Mỹ được thì chạy sang Anh, chạy sang Anh không được thì chạy sang Úc. Nhưng họ lại không thể nghĩ rằng, đến một ngày xã hội tự do liên kết lại để trừng phạt các quan chức chà đạp nhân quyền như Trần Toàn Quốc.

Trước Úc, Liên minh châu Âu – EU đã thông qua ‘Đạo luật Magnitsky toàn cầu’ vào ngày 7/12/2020, theo báo cáo của tờ Atlantic Council.

Trong đó đề cập rằng: “Sau nhiều năm tranh luận, đến ngày 7/12/2020, Liên minh châu Âu – EU cuối cùng đã thông qua Đạo luật Magnitsky phiên bản châu Âu. Những kẻ chà đạp nhân quyền bất cứ họ ở nơi đâu, đều phải chịu các biện pháp trừng phạt như: đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh vào châu Âu. ‘EU’ cùng Mỹ, Anh và Canada cũng thông qua Đạo luật Magnitsky này”.

Sau khi thông qua vào 7/12/2020, Đạo luật Magnitsky phiên bản châu Âu đã được EU áp dụng vào tháng 3 năm nay, để trừng phạt hành vi tội ác của một số quan chức ĐCSTQ bức hại nhân quyền ở Tân Cương.

ĐCSTQ rất tức giận, sau đó tiến hành ‘chống trừng phạt’ bằng cách trừng phạt một số Nghị sĩ của Liên minh châu Âu. Nghị sĩ của Liên minh châu Âu tức giận, đến ngày 20/5 đóng băng ‘Hiệp định Đầu tư Trung – Âu’. 

ĐCSTQ đã mất đi miếng mồi kinh tế bởi vì để có được Hiệp định này, nó đã trải 30 vòng đàm phán trong 7 năm, nếu thông qua thì EU sẽ đầu tư vào Trung Quốc 100 tỷ euro mỗi năm (khoảng 2,5 triệu tỷ đồng).

Hiện nay thấy rằng: Mỹ, EU, Anh, Canada đều thông qua Đạo luật Magnitsky. Các nước phát triển còn lại chưa có Đạo luật này là Nhật Bản và Úc. Nhưng bản thân Nhật Bản không phải là quốc gia nhập cư, cho nên rất ít tham quan ĐCSTQ chạy sang đó, do đó Úc là lỗ hổng cuối cùng của Đạo luật Magnitsky này. Nhưng bây giờ lỗ hổng đó đã được vá lại.

‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’ và những đối tượng trong tầm ngắm

Bộ trưởng Ngoại giao Úc là bà Marise Payne đã từng hứa rằng vào tháng 8 sẽ chế định ‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’. Nó được gọi là ‘Tu chính án Trừng phạt độc lập’ (Autonomous Sanctions Amendment), đây được xem là sự công nhận đối với Đạo luật Magnitsky. Bà Marise Payne tiết lộ rằng Đạo luật này nhận được sự đồng thuận rộng rãi của Lưỡng đảng. 

Ngày 2/12 giờ địa phương, Lưỡng viện đã nhanh chóng hoàn toàn quá trình lập pháp, uỷ quyền cho chính phủ Úc trừng phạt các quan chức vi phạm nhân quyền.

Liên minh châu Âu thông qua Đạo luật Magnitsky vào ngày 7/12/2020, đến tháng 3/2021 thì chính thức trừng phạt các quan chức ĐCSTQ bức hại nhân quyền ở Tân Cương. Úc thông qua ‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’ vào ngày 2/12 năm nay, do đó Giáo sư Chương dự đoán vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau 2022 sẽ thấy ai là mục tiêu của làn sóng trừng phạt đầu tiên. 

Ngoại giới nhìn nhận có 2 dạng mục tiêu, một là các quan chức ĐCSTQ chà đạp nhân quyền ở Tân Cương, hai là các quan chức vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. 

Người thúc đẩy Đạo luật này là Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Úc – James Paterson khi phát biểu đã nói rằng, lúc ông ấy đề xuất Đạo luật này vài năm trước hầu như không có ai ủng hộ, rất ‘cô thế’, nhưng hiện nay hoàn cảnh chính trị đã thay đổi, lúc này Đạo luật Magnitsky lại trở thành chủ đề nóng bỏng toàn cầu. 

Giáo sư Chương nhìn nhận, thời điểm cách đây mấy năm, nếu Đạo luật này được thông qua thì nó có thể trừng phạt các quan chức Iran, Nga… lúc đó mối quan hệ giữa Úc và ĐCSTQ còn rất tốt. Đến năm 2020, khi đại dịch bùng phát, đột nhiên mọi người mới nhận thức rõ hơn về bộ mặt thật của ĐCSTQ, đồng thời những hành động coi thường quy tắc quốc tế, không giữ lời hứa trong Tuyên bố chung Trung – Anh đã khiến xã hội quốc tế phẫn nộ.

Xã hội quốc tế muốn đối phó với ĐCSTQ họ cần có công cụ. Chúng ta biết rằng, các quốc gia phương tây là quốc gia ‘pháp trị’ (1), muốn có công cụ trừng phạt họ cần thông qua một Dự luật như vậy. 

Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Úc – James Paterson còn nói thêm rằng, Úc trang bị một công cụ như vậy là để chống lại chủ nghĩa cực quyền đang trỗi dậy. Ông không điểm tên quốc gia nào nhưng nhắc đến ‘chủ nghĩa cực quyền đang trỗi dậy’ người ta ngầm hiểu đó là ĐCSTQ. 

Giờ đây toàn thể xã hội quốc tế đã giăng ‘thiên la địa võng’ để vây bắt ĐCSTQ. Nếu các quan chức ĐCSTQ bỏ chạy đến New Zealand, Nam Mỹ, Đông Nam Á hay… quốc gia châu Phi thì không có ý nghĩa gì. Do đó các quan chức ĐCSTQ sẽ mất ăn mất ngủ khi nghe tin Úc thông qua ‘Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc’. Giống như con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ có quốc tịch Úc, chính phủ Úc có thể đóng băng tài sản hoặc trục xuất anh ta.

ĐCSTQ sẽ co cụm nếu các quốc gia kiên cường với ý chí của mình

Hiện nay cảm nhận của Úc về ĐCSTQ đặc biệt xấu bởi vì ĐCSTQ rất cứng rắn với xứ sở chuột túi này. ĐCSTQ từng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Úc vào năm 2020 như: cấm nhập khẩu thịt bò Úc, than đá, quặng sắt v.v. với hy vọng phá vỡ nền kinh tế Úc, bức ép nước này đầu hàng Bắc Kinh.

Kết quả Úc không khuất phục ‘kẻ bắt nạt’ mà còn thể hiện khả năng đề kháng và ý chí phi thường. Kỳ lạ thay, tuy bị ĐCSTQ cấm vận một số mặt hàng nhưng hàng hoá của Úc vẫn ùn ùn kéo vào thị trường Trung Quốc. Còn Trung Quốc vẫn tiếp tục tự đả thương chính mình khi ngoảnh mặt với than đá Úc, và chấp nhận trả gấp đôi để mua than từ Nga hoặc mua than giá rẻ chất lượng kém từ Indonesia. 

Trung Quốc có thể cấm thịt, rượu và than của Úc nhưng có một thứ họ không thể nào chế tài được đó là: quặng sắt. Và điều làm Trung Quốc ‘khổ không nói nên lời’ chính là: chỉ trong vòng 1 năm, giá quặng sắt Úc đã tăng hơn gấp 3 lần, từ 60 đô-la Mỹ lên đến 200 đô-la Mỹ / tấn.

Vẫn chưa hết, trên thực tế, Thủ tướng Úc Morison đặc biệt khó chịu với ĐCSTQ. Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Anh từ 11-13/6, Thủ tướng Úc Morrison có mang theo một tài liệu bí mật đến hội nghị. Tập tài liệu này có từ tháng 10/2020, do Đại sứ quán của ĐCSTQ tại Úc đưa cho ‘Kênh tin thứ chín’ ở Úc. Trong đó liệt kê 14 điều ĐCSTQ không hài lòng với Úc, bao gồm thái độ của Úc đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, gồm cả việc cấm Huawei… Điều này đồng nghĩa ĐCSTQ muốn Úc đáp ứng những yêu cầu này. 

Đại sứ quán của ĐCSTQ còn dùng lời lẽ cực kỳ đe doạ với chính phủ Úc: “ĐCSTQ rất tức giận! Nếu các bạn coi ĐCSTQ là kẻ địch, chúng tôi sẽ coi bạn là kẻ thù”. Đây là sự uy hiếp trần trụi không che đậy.

Kết quả toàn bộ Liên minh châu Âu và Mỹ đều bị sốc, họ phát hiện ĐCSTQ quá xấu xa. Sau đó vào ngày 15/9, Mỹ, Anh, Úc đã thành lập một ‘Liên minh An toàn mới’ tên là AUKUS, tiếp đó là giúp Úc có được công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân v.v. 

Những điều trên đều phản ánh một điều chính là: những phiền phức hay đòn ‘hồi mã thương’ ĐCSTQ dính phải đều là do tổ chức này tự tìm lấy. Đòn phản công của các quốc gia dân chủ thực sự khiến ĐCSTQ thấm đòn, cho nên Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ là Kurt Cambell đã chỉ ra cách đối phó với ĐCSTQ chính là: nếu bạn có ý chí kiên cường và thực lực mạnh mẽ, ĐCSTQ sẽ lùi bước co cụm.

Mạn Vũ

Chú thích: 

(1) Pháp trị: Trong Trung Hoa văn minh sử tập 38, Giáo sư Chương Thiên Lượng có đề cập đến 2 khái niệm rất quan trọng về pháp luật:

+ Rule by law: Pháp trị, tức mọi người tuân thủ và bình đẳng trước pháp luật.

+ Rule by law: Pháp chế, tức chính quyền độc tài chế định pháp luật để ‘chỉnh trị’ người dân.

Related posts