Tin thế giới sáng thứ tư

Mỹ tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh vì nhân quyền

image.png
Một cảnh sát đứng gần áp phích môn thể thao trượt tuyết, tại một nhà ga xe lửa ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 26/11/2021. AP – Mark Schiefelbein

Nhà Trắng tuyên bố hôm thứ Hai, 06/12/2021, không cử đại diện ngoại giao đến tham dự Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, vì các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của chính quyền Tập Cận Bình.

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình :

« Việc tẩy chay đã được nhen nhóm từ nhiều tuần nay, và cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Joe Biden và Tập Cận Bình không đủ để làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Như vậy, các quan chức Hoa Kỳ sẽ ngồi ở nhà để cổ vũ các vận động viên Mỹ tham gia Thế Vận Hội. Dĩ nhiên, các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn có mặt để bảo đảm an toàn cho phái đoàn Hoa Kỳ.

Về phía chính quyền Mỹ, thật khó để làm như không có chuyện gì xảy ra, trong khi nhân quyền thường xuyên bị chà đạp tại Trung Quốc, nhất là ở Tân Cương. Riêng trong trường hợp này, người phát ngôn của Nhà Trắng thậm chí còn sử dụng từ « diệt chủng » nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Các tổ chức phi chính phủ khẳng định có hơn một triệu người thuộc cộng đồng thiểu số Hồi Giáo này đang bị giam giữ tại các khu trại.

Trước đó, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, họ sẽ thực hiện các biện pháp « đáp trả » nếu Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc tẩy chay như vậy, Bắc Kinh gọi đây chỉ là hành động « khoác lác ».

Ủy ban Olympic Quốc tế vui mừng vì quyết định của Hoa Kỳ chỉ giới hạn ở trong khuôn khổ chính trị, các vận động viên Mỹ vẫn có thể tham gia thi đấu. Trước kia, Ủy ban Olympic Hoa Kỳ đã phản đối việc tẩy chay hoàn toàn và giải thích rằng các lần tẩy chay Thế Vận Hội, ở Matxcơva vào năm 1980, và ở Los Angeles vào năm 1984, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đã cho thấy việc sử dụng những sự kiện thể thao như thế này vào mục đích chính trị là một sai lầm. »

Theo Reuters, cũng trong ngày hôm qua, vài giờ sau tuyên bố của Nhà Trắng, phó thủ tướng New Zealand cho biết sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng tới Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh, viện dẫn lý do dịch Covid-19, và khẳng định rằng động thái này không liên quan đến quyết định của Hoa Kỳ.

Về phía Nhật Bản, thủ tướng Fumio Kishida hôm nay cho biết Tokyo chưa đưa ra quyết định, vì cần phải đánh giá lợi ích quốc gia và cân nhắc đến tầm quan trọng của Thế Vận Hội trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Nikkei Asia nhắc lại rằng, năm 1980, giữa lúc chiến tranh lạnh vẫn căng thẳng, các nước như Mỹ, Nhật Bản đã tẩy chay hoàn toàn Thế Vận Hội mùa đông ở Matxcơva, tức là không có cả vận động viên đến tham dự. Khi đó, chính quyền của tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã phản đối cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan một năm trước đó.

Chi Phương

Trung Quốc dọa Mỹ phải “trả giá” vì tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022

Logo Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/11/2021. REUTERS – THOMAS PETER

Thùy Dương
Hôm 07/12/2021, Trung Quốc đe dọa Mỹ « sẽ phải trả giá » cho quyết định tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh được tổ chức vào tháng Hai 2022. Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tố cáo Washington đã vi phạm nguyên tắc trung lập chính trị trong thể thao.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh « việc Hoa Kỳ tìm cách phá rối Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, dựa trên những định kiến về ý thức hệ, sự dối trá và các tin đồn » sẽ chỉ « phơi bày những mưu đồ xấu xa » của Washington.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng đáp trả của Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên không cho biết chi tiết. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài tường trình :

« Liệu Trung Quốc có tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 2028 hay không ? Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tạm thời chưa cho biết chi tiết về các « biện pháp đáp trả kiên quyết » mà ông thông báo. Tuy nhiên, các nhà tổ chức những sự kiện thể thao trong tương lai sẽ phải chú ý tới lời đe dọa này.

Đương nhiên là chúng ta nghĩ đến Thế Vận Hội Paris 2024. Pháp đã cử bộ trưởng Thể Thao đến Bắc Kinh, cho dù hiện giờ Paris vẫn chưa quyết định liệu quan chức này có mặt tại khán đài dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh vào ngày 04/02/2022 hay không. Đa phần các nước châu Âu đều có chung thái độ thận trọng, do dự và kín đáo như vậy. Cho đến nay, mới chỉ có tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Albert của Mocaco dường như đã đặt vé bay sang Bắc Kinh.

Vụ tẩy chay ngoại giao này không liên quan đến các vận động viên, và từ vài tuần nay bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã chuẩn bị câu trả lời. Do việc mời các quan chức nước ngoài được thực hiện thông qua Ủy ban Olympic của các nước, Bắc Kinh đã cho các nước thấy rằng dù gì đi chăng nữa thì những quốc gia tẩy chay Thế Vận Hội đều không được mời. Một điều hài hước khác là một số cây bút có tư tưởng dân tộc cũng cố tìm cách xóa đòn đau mới nhắm vào « quyền lực mềm » của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của Nhân Dân Nhật Báo, viết trên mạng xã hội Twitter : « Thành thật mà nói, Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm, an tâm khi biết tin (về vụ tẩy chay này), bởi càng ít quan chức Mỹ đến thì càng ít virus ».

Đức: Thỏa thuận lập liên minh được thông qua, Olaf Scholz trở thành thủ tướng

Ông Olaf Scholz, người được chỉ định làm thủ tướng Đức (G), bộ trưởng Tài Chính được chỉ định Christian Lindner (T) và bộ trưởng Kinh Tế và Khí hậu Robert Habeck (P) trong một cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận lập chính phủ của liên minh ba đảng, Berlin, Đức, ngày 7/12/2021. REUTERS – FABRIZIO BENSCH

Chi Phương
Tại Đức, cả ba đảng, đảng Xã Hội – Dân Chủ, đảng Xanh và đảng Dân Chủ – Tự Do, đã thông qua thỏa thuận liên minh, cho phép lập chính phủ mới. Ngày mai, 08/12/2021, Nghị Viện Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu –  mà thực ra chỉ là một thủ tục – để bầu ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Xã hội – Dân chủ làm thủ tướng mới, kết thúc 16 năm lãnh đạo của bà Angela Merkel.  

Từ Berlin, thông tín viên RFI, Pascal Thibault giải thích thêm :  

« Lãnh đạo của ba đảng có thể chuẩn bị cây bút đẹp nhất của họ. Kể từ giờ, họ được phép ký thỏa thuận dài 177 trang được đưa ra cách nay gần 2 tuần. Việc phê duyệt gần như là chắc chắn, nhưng vẫn phải làm vì đó là một phần không thể thiếu của quá trình đầy nghi thức. Không có gì ngạc nhiên, khi đảng Xã Hội – Dân Chủ (SPD) ủng hộ thỏa thuận này, với 98,8 % phiếu bầu trong cuộc bầu cử được tổ chức vào thứ Bẩy.

Đảng SPD lên lãnh đạo chính phủ, do Olaf Scholz đứng đầu, 16 năm sau khi ông Gerhard Schroder của đảng này rời chính quyền. Đây là một thành công ngoài mong đợi, bởi vì cách nay 6 tháng, đảng SPD xếp cuối cùng trong các kết quả thăm dò. Đảng SPD cũng đã lãnh đạo cùng với bà Angela Merkel trong vòng 12 năm, nhưng đã phải chấp nhận là đối tác thấp bé, do tỉ lệ phiếu bầu suy giảm.  

Đảng Dân Chủ – Tự Do cũng đã chấp thuận thỏa thuận với số phiếu áp đảo 92 %, trong đại hội của họ. Đảng này cũng rất hài lòng về thỏa thuận liên minh lập chính phủ, vì đã giành được bộ Tài Chính, một vị trí bộ trưởng quan trọng. Chức vụ này do ông Christian Lindner, chủ tịch đảng nắm giữ.  

Đảng Xanh cũng tham khảo ý kiến 125 000 thành viên. Một số thành viên bày tỏ sự thất vọng về thỏa thuận liên minh trong một đảng vốn có truyền thống tranh luận nội bộ sôi động. Cuối cùng, 86 % số thành viên tham gia bỏ phiếu đã thông qua thỏa thuận liên minh. Đối với các thành viên của đảng, điều này được xem là một kết quả mỹ mãn.  

Ông Olaf Scholz và hai phó thủ tướng thuộc đảng Xanh và đảng Dân Chủ – Tự Do họp báo vào sáng hôm nay, thứ Ba, 7/12/2021, trước cuộc bầu cử thủ tướng mới và việc bổ nhiệm chính phủ vào thứ Tư. »

Mỹ khuyến nghị công dân không đi du lịch Pháp và một số nước khác

Du khách đeo khẩu trang phòng ngừa Covid -19 trên đại lộ Champs Elysées, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 06/12/2021. REUTERS – GONZALO FUENTES

Thùy Dương
Trung tâm phòng chống dịch bệnh CDC của Mỹ ngày 06/12/2021 đã khuyến nghị công dân không đến Pháp, Bồ Đào Nha, Jordani, Tanzania và một số nước dịch Covid-19 đang lây lan mạnh. Thông điệp của Mỹ đưa ra rất rõ ràng « Không đến Pháp », nước bị Mỹ xếp vào danh sách « cấp độ 4 », tức là mức độ cảnh báo y tế cao nhất vì nguy cơ lây nhiễm cao kể cả với những người đã tiêm ngừa Covid-19.

Tại Pháp, quả thực, trong những ngày gần đây, làn sóng Covid-19 thứ 5 đang lây lan với tốc độ rất nhanh. Hôm qua 06/12, sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng y tế vào buổi trưa, thủ tướng Jean Castex và bộ trưởng Y Tế Olivier Véran vào lúc 19 giờ đã có cuộc họp báo ở phủ thủ tướng, thông báo hàng loạt biện pháp tăng cường chống dịch.

Chính quyền Pháp thắt chặt các biện pháp hạn chế ở trường cấp 1 và ra lệnh đóng cửa sàn nhẩy trong vòng 4 tuần, kể từ thứ Sáu 10/12. Người dân được kêu gọi hạn chế các cuộc tụ tập ăn uống. Phương thức làm việc việc từ xa được kêu gọi tăng lên thành 3 ngày/tuần đối với các cơ quan Nhà nước, 2-3 ngày/tuần nếu có thể tại các công sở khác…

Chính quyền quyết định không tái phong tỏa đất nước, cũng không triển khai trở lại biện pháp giới nghiêm. Theo thủ tướng Jean Castex, chính nhờ « lá chắn vac-xin » mà nước Pháp tránh được các biện pháp « quá khắc nghiệt » khi chỉ còn có 3 tuần là đến dịp lễ Tết cuối năm.

Về tiêm chủng, để đẩy nhanh tốc độ tiêm ngừa cho những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất, chính phủ cho phép, kể từ hôm 07/12, những ai trên 65 tuổi đều được ưu tiên chích mũi tăng cường mà không phải đặt hẹn trước.

Riêng đối với trẻ em, hiện nay trẻ nhỏ dưới 12 tuổi là nhóm đối tượng có tỉ lệ lây nhiễm tăng mạnh, vì thế nhà chức trách Pháp thắt chặt các biện pháp dịch tễ tại trường tiểu học : kể từ thứ Năm 09/12, họ sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang trong giờ ra chơi và hoạt động thể thao tập thể bị hạn chế từ thứ Hai tuần tới, việc tổ chức bữa ăn trưa của học sinh ở cantine cũng phải được xắp xếp lại … Chính phủ hy vọng từ nay đến cuối năm có thể triển khai tiêm phòng cho trẻ 5-11 tuổi, nhưng trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc. Những trẻ có nhiều nguy cơ sẽ được tiêm ngừa từ giữa tháng 12.Miến Điện:

Tập đoàn quân sự giảm 2 năm tù cho bà Aung San Suu Kyi

image.png
Sau khi phán quyết phát tù bà Aung San Suu Kyi, nhiều người Miến Điện đã xuống đường biểu tình tại Rangoon, ngày 06/12/2021. via REUTERS – SOCIAL MEDIA

Chi Phương
Vài giờ sau các phản ứng mạnh mẽ về bản án nhắm vào cựu lãnh đạo dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, tập đoàn quân sự, hôm qua, ngày 6/12/2021, đã quyết định giảm án tù từ bốn năm xuống còn hai năm. Giải Noble Hòa Bình bị kết tội xúi giục gây rối trật tự công cộng và vi phạm luật về thiên tai. Đối với người Miến Điện, điều này không có gì ngạc nhiên, và sự tức giận hòa lẫn với sự bất lực.

Từ Rangoon, thông tín viên RFI, Juliette Verlin gửi về bài tường trình :

« Đối với May, một nhân viên trẻ làm việc cho một công ty quốc tế và Aung nhân viên một tổ chức địa phương, bản án nhắm vào lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ được thông báo ngày hôm qua không mang lại điềm lành cho tương lai.

May nói : ‘Tôi vừa tức giận vừa thất vọng. Nhưng tôi biết quân đội có thể làm mọi chuyện. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên cả. Như bà Aung San Suu Kyi đã từng nói vậy ở một trong những phiên tòa, tất cả đều phi lý. Chúng tôi biết rằng những hành vi phạm tội là không có thực, những lời buộc tội là giả.

Nhưng chúng tôi cảm thấy bất lực, chúng tôi không thể ngăn cản họ lại. Chúng tôi không thể can thiệp. Tối hôm qua, khi tôi biết tin bản án của bà được giảm xuống từ bốn năm còn hai năm, tôi đã cười, bởi vì điều này thật nực cười. Họ đùa giỡn với luật pháp. Họ thay đổi bản án chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Tâm trạng tôi còn không thay đổi nhanh đến thế.’

‘Họ giảm án như là cử chỉ độ lượng, hay là một hành động hòa giải dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi đã bị buộc nhiều tội danh, như tham nhũng, gian lận bầu cử, vi phạm luật thiên tai hay về truyền thông. Các tội danh tiếp theo sẽ được thực hiện theo các trình tự tương tự, như đối với hai tội danh hiện nay. Chúng ta sẽ sớm biết thôi. Hiện giờ, chúng ta không thể biết chính xác trò chơi chính trị giữa quân đội Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi.

Không ai đứng trên luật pháp cả. Quân đội chính là luật pháp. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.’  – May tóm lại.

Trong những ngày tới, sẽ có những phán quyết khác cho các tội danh sắp tới ».

Theo AFP, bà Aung San Suu Kyi vẫn còn phải ra tòa với các tội danh khác nữa, và việc xét xử bà có thể kéo dài trong nhiều tháng. Từ hôm qua, ngay sau khi chính quyền quân sự Miến Điện tuyên án, nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng bày tỏ bất bình. Hoa Kỳ cho rằng việc kết án như vậy là « không công bằng » và việc bà Aung San Suu Kyi phải vào tù là một sự  « xúc phạm đến nền dân chủ và công lý ở Miến Điện ».  

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borelle, đã mạnh mẽ lên án phán quyết của tòa và cho rằng đây là một « nỗ lực nhằm loại trừ các nhà lãnh đạo dân chủ ra khỏi quá trình đối thoại toàn diện ».

Related posts