Đơn Vị Thời Gian

Huy Lâm

Ngày, tháng và năm là những đơn vị thời gian giúp ta có được khái niệm về những thời điểm hiện hữu: xuân, hạ, thu, đông, ngày đầu và cuối một niên học, v.v… Đây là những đơn vị thời gian mang ít nhiều ý nghĩa bởi vì ít ra chúng tương ứng với các vòng quay của trái đất, mặt trăng và mặt trời – một sự tuần hoàn gần như nhịp nhàng.

Tuy nhiên, tuần lại là một đơn vị thời gian khá kỳ cục và có phần nào vụng về khi người ta đưa nó vào trong các cuốn lịch. Cái khoảng thời gian bảy ngày đó không phù hợp với bất kỳ chu kỳ tự nhiên nào hoặc hoàn toàn ăn khớp với tháng hoặc năm. Mặc dù tuần đóng một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt của những người theo Do thái giáo, Ki tô giáo và Hồi giáo trong nhiều thế kỷ qua, người dân ở nhiều nơi khác trên thế giới vẫn sống vui vẻ hồn nhiên mà không cần có nó, hoặc bất kỳ chu kỳ nào khác có độ dài tương tự, cho đến khoảng 150 năm trước khi nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu áp dụng tiêu chu tuần bảy ngày vào trong các sinh hoạt xã hội của họ.

Nay tuần bảy ngày đã là một tiêu chuẩn toàn cầu và có thể nói đang thống trị sự nhận thức và khái niệm về vị trí của mỗi chúng ta trong dòng chảy thời gian.

Tuần như chúng ta biết – là một chu kỳ lặp đi lặp lại với bảy ngày khác nhau và chia ra thành những ngày làm việc và ngày nghỉ – đã xuất hiện từ khoảng 2,000 năm trước, kể từ thời cổ La Mã. Mà ngay chính đơn vị tuần của người La Mã sử dụng cũng có sự pha trộn giữa hai hình thái riêng biệt: Một là có ngày Sabbath của tín đồ Do thái giáo (và sau này người Ki tô giáo cũng áp dụng) xảy ra cứ bảy ngày một lần. Còn hình thái kia là sự luân chuyển của bảy ngày được theo dõi vào giám sát bởi những vị quan coi giữ thời gian ở vùng Địa Trung Hải; mỗi ngày trong tuần được liên hệ với một trong bảy thiên thể (mặt trời, mặt trăng và năm hành tinh khác).

Đến khi người Anh bắt đầu sử dụng lịch Gregory vào cuối thế kỷ 18 với tuần bảy ngày thì họ chỉ giữ tên của những ngày thuộc sao Thổ, mặt trời và mặt trăng (Saturday, Sunday và Monday), những ngày khác thì đổi theo ý họ. Đến khi qua tới Việt Nam thì người Việt mình còn đơn giản hoá hơn nữa thành các ngày theo số thứ tự trong tuần với Chủ nhật là ngày khởi đầu của một tuần.

Kể từ thời La Mã đến nay tuần vẫn giữ nguyên hình thái bảy ngày không hề thay đổi và ngày càng thông dụng và trở thành một công cụ để điều phối các hoạt động xã hội và công việc làm ăn buôn bán với các vòng kết nối ngày càng mở rộng giữa những người quen biết nhau và giữa những người lạ.

Tuần lại còn trở nên quan trọng nhiều hơn nữa đối với những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, và không chỉ dừng lại ở những thắc mắc thông thường như liệu ngày Chủ nhật có phải là ngày nghỉ ngơi hay không, hoặc nó là ngày đầu tuần hay cuối tuần. Nói cách khác, tuần đã trở thành đơn vị ổn định nhất trong cuốn lịch mà chúng ta có: Là vì khi ta nghĩ rằng đó là ngày Thứ Ba mà hoá ra lại là ngày Thứ Tư thì bỗng dưng ta có cảm giác hụt hẫng, mất phương hướng giống như người lạc đường chứ không như trường hợp khi ta nghĩ đó là ngày 26 trong tháng mà hoá ra là ngày 27 thì chỉ cảm thấy đó là chuyện bình thường, suy nghĩ bị trật đi một chút thôi chứ không có gì. Điều này có nghĩa là đơn vị tuần đã bám chặt vào cái ý thức thời gian của chúng ta mất rồi.

Một trong những lý do tuần ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với cuộc sống của người ta có lẽ là do đô thị hoá. Đây thật sự là một hiện tượng xã hội, là vì sống trong thời hiện đại này ai cũng cần có một cuốn lịch sinh hoạt riêng để biết ngày hôm nay hẹn với ai, ngày mai cần phải làm những gì v.v… Trước đây khi hầu hết mọi người còn sống ở vùng nông thôn hay làng mạc, họ đâu cần phải sắp xếp lịch trình sinh hoạt với người này người kia, muốn gặp ai thì cứ đến gặp ngay, muốn nói chuyện với ai thì cứ tới nói chuyện bất cứ lúc nào.

Cuộc sống thời hiện đại đòi hỏi người ta phải biết rõ hôm nay là ngày thứ mấy trong tuần và điều này ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, giữa một ngày trong tuần và ngày hôm sau là biết bao nhiêu những hoạt động cần phải nắm vững – giải trí, học đàn, thu xếp việc trông nom con cái hoặc bất kỳ thứ gì trong số hàng triệu thứ mà chúng ta đưa vào trong cái chu kỳ sinh hoạt của bảy ngày kia.

Những sinh hoạt liên tục đó khiến cho thời gian cảm thấy như khác đi. Và khi chúng ta hài lòng hơn với chu kỳ bảy ngày, vì nó ngắn hơn so với một tháng, nên chúng ta có cảm giác thời gian dường như trôi nhanh hơn, và qua đó, cuộc sống cũng dường như bận rộn hơn. Khi mà ngày Thứ Hai khác với ngày Thứ Ba và Thứ Tư, thì nó mang đến cho người ta cái cảm giác thời gian như trôi vùn vụt, quay đi quay lại chưa kịp hưởng ngày cuối tuần thì Thứ Hai lại xộc tới ngay sau lưng.

Đã có một số cuộc vận động muốn thay đổi hình thức của tuần để nó dễ hiểu hơn bởi vì cho tới nay nó là đơn vị thời gian kỳ cục và duy nhất không phù hợp với bất kỳ đơn vị thời gian nào. Nó gây khó hiểu và có thể đưa tới hiểu lầm. Và người ta muốn thay đổi hình thức cuốn lịch sao cho dễ nhớ, chẳng hạn ngày 1 tháng 1 năm 2021 rơi vào ngày Thứ Sáu thì ngày 1 tháng 1 năm 2022 cũng rơi vào ngày Thứ Sáu. Đề nghị được nhiều người ủng hộ nhất là trong năm bao gồm 364 ngày luôn có cùng một ngày trong tuần và sau đó có một hoặc hai “ngày trống” dôi ra vào cuối năm không được tính là một phần của bất kỳ tuần bảy ngày nào.

Tuy nhiên, những cuộc vận động thay đổi cách tính lịch như nói ở trên luôn gặp phải thất bại mà lý do có thể là vì tôn giáo. Các tín đồ Ki tô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo đã quen với cách đếm ngày trong tuần như lịch hiện nay, không bị nhảy ngày nào, vào cứ đến Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật thì người ta biết đó là ngày nghỉ ngơi và cầu nguyện. Khi người ta đã quen với cùng một sinh hoạt đó trong khoảng thời gian kéo dài hàng nhiều thế kỷ thì khó mà có thể thay đổi được thói quen đó. Tâm lý chung là người ta thường do dự khi phải quyết định vất bỏ đi một quan niệm cũ đã ăn sâu vào trong tiềm thức.

Thêm một cách giải thích khác dựa theo khoa thần kinh học vì sao đơn vị tuần với bảy ngày mặc dù bị cho là không thích hợp nhưng cho tới nay vẫn còn tồn tại – là bởi vì con người rất giỏi ghi nhớ tất cả mọi thứ lên đến con số bảy. Và vì vậy, tuần bảy ngày có thể là một cách chia thời gian phù hợp về mặt nhận thức của con người.

Nhưng đã nói thì cũng nói cho rốt ráo. Theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 8601, ngày Thứ Hai là ngày đầu của một tuần, sau đó được tiếp nối bằng tất cả những ngày còn lại, và Chủ Nhật là ngày thứ bảy và là ngày cuối cùng của một tuần.

Mặc dù đã có tiểu chuẩn quốc tế, rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Canada, lại coi ngày Chủ Nhật như là ngày bắt đầu của một tuần. Người Việt mình có lẽ cũng có cùng quan niệm như vậy nên mới có ngày Thứ Hai mà không có ngày Thứ Nhất.

Quan niệm về ngày đầu tuần đã có nhiều khác biệt trong các nền văn hoá khác nhau thì ngày cuối tuần cũng vậy. Tín đồ Ki tô giáo nói riêng và thế giới phương Tây nói chung lấy ngày Chủ Nhật như là ngày nghỉ ngơi và thờ phương, trong khi tín đồ Hồi giáo lại coi ngày Thứ Sáu như là ngày nghỉ ngơi và cầu nguyện của họ. Riêng lịch của Do thái giáo thì tính ngày Thứ Bảy – ngày Sabbath – như là ngày nghỉ ngơi và thờ phượng đấng chí tôn.

Và mặc dù đã quen sử dụng lịch Gregory nhưng ngay chính cuốn lịch này cũng có thiếu sót của nó. Như chúng ta biết một năm có 365 ngày và cứ bốn năm thì có một năm nhuận thêm một ngày thành 366 ngày. Vậy có thể nói trung bình mỗi năm hiện nay có 365.25 ngày, nhưng trên thực tế, con số chính xác là 365.24219 ngày. Và dù người ta có vò đầu suy nghĩ nát óc tới cỡ nào thì vẫn cứ dư ra chút số lẻ, không nhiều nhưng đủ để cho tới năm 4909 nhân loại sẽ có thêm một ngày nữa để sống, và điều này cũng đủ để gây phiền phức cho các vị làm lịch.

Nhưng nói gì thì nói, tuần bảy ngày sẽ còn tồn tại lâu nữa và không biết bao giờ mới hết. Nhìn lại những gì xảy ra trong khoảng thời gian đầu của đại dịch thì chắc nhiều người còn nhớ: Người ta bỗng dưng có cảm giác bị hụt hẫng, mất phương hướng chỉ vì họ phải ở trong nhà quá lâu và không ý thức được hôm đó là ngày nào trong tuần, và trải nghiệm đó có thể được xem như là biểu tượng cho sự bất biến của thời gian.

Huy Lâm

Related posts