Vào đầu tháng 12, New York Times và hãng thông tấn điều tra phi lợi nhuận ProPublica, đã phối hợp đưa ra một báo cáo điều tra về vụ ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái. Báo cáo phát hiện rằng, ở trong nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xóa các tin tức về Bành Soái; ở nước ngoài, ĐCSTQ sử dụng Twitter và người nước ngoài để tuyên truyền thay cho họ. Báo cáo cũng phát hiện gần 100 tài khoản Twitter giả mạo giúp ĐCSTQ tẩy trắng vụ Bành Soái.
Báo cáo cáo buộc rằng, hệ thống chính trị mờ ám của ĐCSTQ đã đạt đến đỉnh điểm. Các quan chức đã sử dụng những kịch bản được lên kế hoạch tỉ mỉ để loại bỏ các cáo buộc và cố gắng bóp méo vụ Bành Soái.
Những chiến lược này đã giúp ĐCSTQ tồn tại sau một loạt khủng hoảng chính trị trong nước, bao gồm các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong năm 2019 và phong tỏa dư luận trước và sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát.
Theo báo cáo, chưa đầy 20 phút sau khi ngôi sao quần vợt Bành Soái cáo buộc ông Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng ĐCSTQ tấn công tình dục trên Weibo, bài viết của cô đã bị nhân viên kiểm duyệt của Weibo xóa và không thể trực tiếp tìm thấy tài khoản của cô.
Thậm chí, Weibo còn chặn các từ khóa như Trương Cao Lệ, Bành Soái hoặc những từ tương tự trên nền tảng.
Ông Tiêu Cường (Xiao Qiang), nhà nghiên cứu tự do internet của Đại học California-Berkeley, nói với New York Times và cơ quan điều tra rằng, ĐCSTQ đã cấm tổng cộng hàng trăm từ khóa, nhắm vào các chủ đề nhạy cảm cao, ví dụ như Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989).
Mặc dù kiểm duyệt viên của ĐCSTQ mạnh tay đàn áp ngôn luận, nhưng họ vẫn khéo léo giữ lại tài khoản của cô trên Weibo và chỉ xóa nó khỏi kết quả tìm kiếm, khiến mọi người dường như không thể tìm thấy nó. Đồng thời, họ cũng chặn tất cả những bình luận dưới bài viết của Bành Soái và những bài viết cũ nhắc đến tên cô. Chiến lược này giúp ngăn chặn hiệu quả những người tò mò thảo luận về Bành Soái.
Cuối cùng, ông Tiêu nói rằng các quan chức ĐCSTQ cũng thường xóa tài khoản của những nhân vật nổi tiếng, ngôi sao thể thao và phần tử tri thức – những người có xung đột với ĐCSTQ. Nhưng vụ của Bành Soái có chút khác biệt. Cáo buộc của cô đã nhận được sự chú ý rộng rãi, bởi vì cô không trực tiếp phản đối ĐCSTQ, điều này khiến cho ĐCSTQ hoàn toàn cảm thấy có ác cảm với cô.
Phương thức tuyên truyền của ĐCSTQ ở nước ngoài
Tờ New York Times đưa tin rằng, chiến lược thông thường của ĐCSTQ đối với các vụ bê bối chính trị trong nước là giữ im lặng, hy vọng không thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Sau khi Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) và một số vận động viên quần vợt hàng đầu thế giới công khai bày tỏ quan ngại về sự an toàn của Bành Soái, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) – một công ty con của truyền thông ĐCSTQ, đã công bố một bức ảnh chụp màn hình email. Nội dung cho thấy Bành Soái phủ nhận việc cáo buộc tấn công tình dục trước đó và yêu cầu không nên quan tâm đến vấn đề này.
Nhưng ảnh chụp màn hình này đã phản tác dụng, nó càng khiến dư luận quốc tế quan tâm nhiều hơn. Ngoại giới chỉ ra rằng nội dung của email này có vấn đề, bởi vì trong đó có thể nhìn thấy con trỏ soạn thảo. Vậy rốt cuộc ai đã viết email này? Ảnh chụp màn hình Twitter.
ĐCSTQ còn sử dụng video cho thấy mọi thứ đều ổn của Bành Soái để phủ nhận việc cô đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, chiến lược này rất vụng về và càng khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ hơn.
Vào ngày 20/11, ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã đăng một video trên Twitter cá nhân. Đoạn video quay cảnh Bành Soái ăn tối với một nhóm người trong một nhà hàng ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiện tại ngoại giới vẫn chưa xác định được tính chân thực của video này.
Gần 100 tài khoản Twitter giả mạo giúp ĐCSTQ tẩy trắng
Báo cáo đề cập rằng, cuộc chiến thông tin của Bắc Kinh thường dựa vào những kênh truyền thông đảng được đăng ký hợp pháp ở nước ngoài và sử dụng chúng để tăng cường tuyên truyền thay cho ĐCSTQ.
Thông qua phân tích, so sánh một lượng lớn các tài khoản Twitter giả mạo ủng hộ ĐCSTQ, nhóm điều tra phát hiện có 97 tài khoản giả mạo đang tuyên truyền cho Hồ Tích Tiến, Thời báo Hoàn Cầu và các kênh truyền thông khác của ĐCSTQ những thông tin về Bành Soái.
Những tài khoản giả mạo này có điểm chung hầu như không theo dõi tài khoản khác và không có người theo dõi. Điều này cho thấy họ chỉ tạo tài khoản để giúp ĐCSTQ tuyên truyền những thông tin sai lệch.
Twitter nêu rõ trong một thông báo qua email rằng, công ty này đã xóa 97 tài khoản giả mạo được New York Times và ProPublica xác định trong quá trình điều tra. Những tài khoản này vi phạm chính sách spam và thao túng nền tảng Twitter.
Nhiều dấu hiệu rõ ràng khác cho thấy, những tài khoản này, cũng như hàng trăm tài khoản được phân tích khác, đều đang được sử dụng để định hình phong trào dư luận. Công việc hàng ngày của họ là đăng hầu hết các tweet trong khoảng từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối (theo giờ Bắc Kinh) và tạm dừng trong khoảng thời gian ăn trưa. Mô hình này giống với mô hình làm việc ở Trung Quốc.
Ngoài ra, những tài khoản này hầu như không được sử dụng trong quá khứ, và hơn một nửa trong số đó được sử dụng dưới ba tháng.
Khi hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ gặp phải thách thức, các nhân viên tuyên truyền của ĐCSTQ sẽ chuyển sang một chiến lược khác, đó là đặt câu hỏi về động cơ của những người chỉ trích ĐCSTQ.
Một số nhà báo của các kênh truyền thông ĐCSTQ bắt đầu tấn công dữ dội những người yêu cầu bằng chứng an toàn cá nhân của Bành Soái. Ví dụ, người dẫn chương trình của CGTN Lý Tinh Tinh ám chỉ rằng, phương Tây chỉ muốn lợi dụng Bành Soái để gây bất ổn cho Trung Quốc. Về việc này, Lý Tinh Tinh không trả lời yêu cầu bình luận của New York Times.
Ngày 1/12, sau khi WTA thông báo quyết định đình chỉ các trận đấu được tổ chức tại Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến cáo buộc tổ chức này ép Bành Soái giúp phương Tây tấn công ĐCSTQ, và nói rằng việc này đã tước đi “quyền tự do ngôn luận” của cô.
Minh Anh
Theo The Epoch Times