Nam Hàn dùng khoáng sản của Úc để vượt qua Trung Quốc với tư cách là vua pin

Daniel Khmelev

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và Thủ tướng Úc Scott Morrison chứng kiến một buổi lễ ký kết tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc hôm 13/12/2021. (Ảnh: Lukas Coch – Pool/Getty Images) Đông Dương

Nam Hàn đang hướng thẳng đến các mỏ khoáng sản quan trọng rộng lớn của Úc trong một nỗ lực giành lại ngôi vị nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.

Với việc Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Úc kể từ khi nước này mở cửa biên giới trở lại, hai quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng song phương – trong đó có một hợp đồng quốc phòng lịch sử trị giá một tỷ dollar cho quân đội Úc.

Nhưng Nam Hàn cũng đã nói rõ rằng Úc sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc giúp quốc gia Á Châu này vươn lên dẫn đầu thị trường pin trị giá hàng tỷ dollar sau khi Trung Quốc lấy mất vị trí này vào năm 2021. Úc hiện chiếm 40% sản lượng nhập cảng các khoáng sản quan trọng của Nam Hàn.

“Úc, quốc gia giàu có nhất thế giới về các tài nguyên khoáng sản và Nam Hàn, nhà sản xuất pin và xe điện lớn, đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Moon nói hôm 13/12.

Nam Hàn
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói trong một cuộc họp báo trực tuyến mừng năm mới với các ký giả trong và ngoài nước tại Thanh Ngõa Đài Phủ Tổng thống ở Seoul, Nam Hàn, hôm 18/01/2021. (Ảnh: Jeon Heon-kyun/Pool Photo/AP)

Theo công ty theo dõi thị trường SNE Research có trụ sở tại Nam Hàn, các nhà sản xuất pin của Nam Hàn đã thống lĩnh thị phần toàn cầu hồi năm 2020 với 38%, còn Trung Quốc chiếm 24%. Tuy nhiên, trong bốn tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tăng lên 43% trong khi Nam Hàn giảm xuống còn 31%.

Để giải quyết vấn đề này, Nam Hàn đã cùng với Úc ký một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng hôm 13/12, đồng thời Úc tự hào là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn nhất về đất hiếm, lithium, graphite, coban và niken — các thành phần quan trọng trong sản xuất pin.

Úc hiện nắm giữ hơn 25% lượng lithium được biết đến trên thế giới, và hơn 20% trữ lượng cả coban và niken của thế giới.

Ông Moon nói: “Hai nước chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng việc thiết lập một chuỗi cung ứng khoáng sản ổn định là điều quan trọng không chỉ đối với hai quốc gia mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu.”

Đầu năm nay, ông Moon đã vạch ra rằng Nam Hàn sẽ phấn đấu trở thành một cường quốc sản xuất pin toàn cầu vào năm 2030, một phần trong kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời vượt qua nguồn cung của Trung Quốc.

“Pin là xương sống của các ngành công nghiệp Nam Hàn vốn nắm giữ tương lai của đất nước,” ông Moon cho biết hồi tháng 07/2021, theo The Korea Economic Daily. “Chúng ta cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình để vượt qua các đối thủ lớn hơn và mở rộng hơn nữa khoảng cách với những quốc gia theo sau chúng ta.”

Samsung SDI
Một nhân viên cầm pin của Samsung SDI tại gian hàng của công ty trong triển lãm InterBattery 2021 tại COEX ở Seoul, Nam Hàn hôm 11/06/2021. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP/Getty Images

Chính phủ Nam Hàn đã hứa hẹn các ưu đãi và giảm thuế cho ngành sản xuất pin trong nước, thúc đẩy khoản đầu tư 35.4 tỷ USD từ ba đại tập đoàn của đất nước: LG Energy Solution Ltd., Samsung SDI Co., và SK Innovation Co.

Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison đã nhân cơ hội này nhấn mạnh cam kết của Úc trong việc đạt tới mức phát thải ròng bằng không thông qua một phương pháp tiếp cận “công nghệ, chứ không phải thuế,” từ đó đã hình thành một trong những cuộc đối thoại đầu tiên trong quan hệ đối tác công nghệ phát thải thấp Úc-Nam Hàn được công bố hồi tháng 11/2021.

Ông Morrison cho hay, “Úc và Nam Hàn chia sẻ cam kết chung về hành động đầy tham vọng nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris, và bảo đảm rằng chúng tôi tận dụng tối đa các công nghệ mới giúp giảm phát thải đồng thời tăng trưởng nền kinh tế và tạo công ăn việc làm.”

Các trọng tâm công nghệ ban đầu khác sẽ bao gồm hydro xanh – được tạo ra bằng cách truyền điện làm từ năng lượng tái tạo qua nước – cùng với quặng sắt và thép phát thải thấp, cũng như việc thu và lưu trữ carbon.

Ông Daniel Khmelev là một phóng viên người Úc tại Perth đưa tin về năng lượng, công nghệ và chính trị. Ông có bằng cử nhân toán, vật lý và khoa học máy tính. Liên hệ với ông tại daniel.khmelev@epochtimes.com.au.

An Nhiên biên dịch

Related posts