Antonio Graceffo
Tổng thống Joe Biden gần đây đã chủ động liên hệ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đề nghị ông ấy bắt tay với các đồng minh của Hoa Kỳ trong việc xuất kho dự trữ dầu mỏ, nhằm bù đắp sự thiếu hụt, hạ giá thành, và thách thức sự ảnh hưởng của OPEC đối với nền kinh tế toàn cầu. Cho đến nay, ông Tập vẫn từ chối.
Nhu cầu về dầu đã sụt giảm trong các đợt phong tỏa năm 2020, nhưng đã tăng trở lại trong năm nay. Tuy nhiên, hiện OPEC (Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ) không sản xuất đủ lượng dầu, gây ra tình trạng thiếu hụt và đẩy giá thành lên cao. Giá dầu thô tăng 50% so với năm ngoái. Tại các trạm xăng ở Hoa Kỳ, giá tăng 60% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong vòng bảy năm qua. Và lạm phát đang có xu hướng tăng đều đặn, bởi giá của gần như toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ đều phụ thuộc vào giá nhiên liệu. Tại Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đang khiến hoạt động sản xuất giảm đi, kéo theo tăng trưởng GDP giảm, và làm dấy lên nỗi lo về mùa đông sắp tới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc gộp lại tiêu thụ khoảng một phần ba lượng dầu bán ra trên toàn cầu. Trung Quốc là nhà nhập cảng dầu lớn nhất thế giới, trong khi đó Hoa Kỳ đứng vị trí thứ hai. Trung Quốc thu được 58% lượng dầu của mình từ năm quốc gia: Saudi Arabia (Ả Rập Xê-út), Nga, Iraq, Angola, và Brazil. Phần còn lại chủ yếu đến từ chín quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia và Egypt (Ai Cập). Hoa Kỳ đang phụ thuộc ít hơn vào OPEC so với những thập niên trước, và nhập cảng khoảng 19% lượng dầu của khối này, hơn một nửa trong số đó là từ Canada.
Các thành viên OPEC bao gồm Algeria, Angola, Equatorial Guinea, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Cộng hòa Congo, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Venezuela. Một số thành viên OPEC là các đồng minh của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Saudi Arabia, nhưng số khác thì không, trong đó có cả Nga và Venezuela. Các quốc gia đó đã phớt lờ yêu cầu của Hoa Kỳ rằng phải tăng đáng kể nguồn cung dầu.
OPEC đã đồng ý tăng sản lượng, nhưng các quốc gia tiêu thụ dầu đã phàn nàn rằng mức sản lượng sẽ không đủ cao để đáp ứng nhu cầu. Cơ quan giám sát có trụ sở tại Paris, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đã khẳng định rằng một số nhà sản xuất dầu mỏ đã và đang siết chặt nguồn cung một cách giả tạo. Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, nhận định rằng ông mong muốn OPEC sẽ giải quyết “khoảng trống nguồn cung do con người tạo ra” và hạ giá thành.
Hoa Kỳ, cùng với một số quốc gia đồng minh như Ấn Độ, Nhật Bản, Anh Quốc, và Nam Hàn đã đồng ý khai thác nguồn dự trữ dầu của họ để hạ giá thành. Trung Quốc đã không cam kết tham gia việc này. Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cho biết họ sẽ xuất dầu theo nhu cầu nội địa của mình.
Việc phối hợp xuất kho dự trữ dầu này nhằm đánh động các thành viên OPEC rằng họ cần tăng sản lượng và hạ giá xuống. Đáp lại, các thành viên OPEC cho biết họ sẽ đưa ra quyết định tại một cuộc họp hôm 02/12.
Hoa Kỳ đã đồng ý xuất kho 50 triệu thùng từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để đáp ứng doanh số bán ra đã được chấp thuận từ trước. Hoa Kỳ cũng đã cam kết mở rộng các khoản vay cho các quốc gia tiêu dùng khác. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã gọi hành động này của Hoa Kỳ như “muối bỏ bể,” vì 50 triệu thùng [chỉ] tương đương với nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ trong hai ngày rưỡi. Sau thông báo đó của Hoa Kỳ, giá dầu vẫn ở mức cao, 80 USD/thùng.
Thực sự thì Hoa Kỳ có khả năng tự đáp ứng nhu cầu dầu của mình mà không cần nhập cảng. Trên thực tế, Hoa Kỳ không chỉ là nhà nhập cảng lớn thứ hai thế giới mà còn là nước xuất cảng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này phần lớn là do sản lượng đá phiến tăng đột biến và các chính sách thời cựu Tổng thống (TT) Trump nhằm thúc đẩy độc lập về dầu mỏ. Đáng tiếc thay, chính phủ TT Biden có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị của Hoa Kỳ với tư cách là nhà xuất cảng dầu mỏ đứng đầu.
Giữa lúc OPEC đang đổ lỗi lên việc tăng giá xăng dầu ở Hoa Kỳ, thì một nguyên nhân quan trọng khác khiến giá xăng tăng cao là do sản lượng của Hoa Kỳ giảm xuống. Gần như ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã cho hủy bỏ đường ống Keystone XL. Mới đây, ông tuyên bố rằng đang xem xét hủy bỏ một đường ống dẫn dầu nữa ở Michigan.
Trớ trêu thay, hầu hết lượng dầu lấy ra từ kho dự trữ của Hoa Kỳ sẽ được đem xuất cảng, mà hai điểm đến lớn nhất sẽ là Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này là do dầu mà Hoa Kỳ đang xuất kho là dầu thô chua, một loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao và rất tốn kém để chế biến. Các nhà lọc dầu Hoa Kỳ tránh xa dầu thô chua, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc thì sẵn lòng dùng loại dầu này. Hai nước này đã mua dầu thô chua, từ dự trữ SPR của Hoa Kỳ trong một thời gian.
Bắc Kinh đã đồng ý làm việc với chính phủ TT Biden về các vấn đề khí hậu, nhưng vẫn còn phải xem liệu Trung Cộng có thất hứa hay không. Ông Tập cũng từng đồng ý đáp ứng các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một của chính phủ cựu TT Trump, nhưng rồi đã không tuân thủ các thỏa thuận này. Phối hợp cùng xuất kho dầu dự trữ, nhằm đối kháng với OPEC, sẽ là một cách để Bắc Kinh chung tay với Hoa Thịnh Đốn và giảm căng thẳng giữa cả hai nước. Thay vào đó, ông Tập đã quyết định không tham gia cùng cộng đồng thế giới về vấn đề này.
Trung Quốc chịu lệ thuộc vào nhập cảng năng lượng và đang nhập cảng ngày càng nhiều dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ. Một cách để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ là Trung Quốc tăng phần trăm năng lượng mà họ mua từ Hoa Kỳ. Cho đến nay, Trung Cộng dường như đang không theo cách này, điều đó cho thấy rằng họ thà để người dân Trung Quốc chịu cảnh thiếu thốn năng lượng và giá cả đắt đỏ, còn hơn là tuân thủ lời hứa với Hoa Kỳ.
Sau cùng, OPEC đã đáp lại sức ép từ Hoa Kỳ. Sau cuộc họp hôm 02/12, tổ chức này đã thông báo rằng các thành viên và các đồng minh sản xuất dầu mỏ sẽ tăng sản lượng dầu lên 400,000 thùng mỗi ngày vào tháng Một [năm 2022]. Điều này làm rõ một số điểm. Thứ nhất, bất chấp những tuyên bố của Trung Cộng rằng Mỹ là một cường quốc thất bại, các sáng kiến toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn dắt vẫn có tầm ảnh hưởng quan trọng và họ đã thành công. Thứ hai, nhà cầm quyền Trung Cộng không phải là một đối tác đáng tin cậy. Hơn thế nữa, trước tất cả các phát ngôn của ông Tập về “sự thịnh vượng chung” và hợp tác quốc tế, ông Tập đã chứng tỏ rằng ông ta không thực sự quan tâm đến việc tham gia vào và giúp đỡ cộng đồng thế giới.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).
Hạo Văn biên dịch