Chi Anh
Ở Nam Á, đối thủ chính của Trung Quốc là Ấn Độ. Do vậy mà Bắc Kinh luôn tìm cách hạ thấp vị thế của New Delhi trong khu vực. Các động thái địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại đây trong nhiều năm qua có mục đích cô lập Ấn Độ; giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt được các mục tiêu mở rộng lãnh thổ dọc khu vực biên giới Trung – Ấn đang tranh chấp; đồng thời làm suy yếu vai trò của Mỹ.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra một số cuộc giao tranh quân sự. Năm 1962, hai nước này từng có cuộc chiến biên giới trên lãnh thổ tranh chấp ở Dãy núi Himalaya và 7 bang ở đông bắc Ấn Độ (Arunachal Pradesh, Assam, Meghalaya, Manipur, Mizoram, Nagaland, và Tripura).
Một khu vực ít được thế giới biết đến là Hành lang Siliguri (biệt danh “cổ gà”). Nơi này kết nối 7 bang đông bắc bị cô lập với phần còn lại của Ấn Độ thông qua một tuyến đường sắt duy nhất. Bảy bang đông bắc Ấn Độ có 3,5 trên 4 mặt tiếp giáp với Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Bhutan, và Nepal; trong đó Bhutan và Nepal là 2 quốc gia sau chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ở phía biên giới của Trung Quốc, Thung lũng Chumbi trên lãnh thổ Trung Quốc là lợi thế hàng đầu của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu chống lại quân đội Ấn Độ. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình rất muốn chiếm được 7 bang đông bắc Ấn Độ, từ đó xây dựng thêm một con đường thương mại lớn khác từ Vịnh Bengal đến Ấn Độ Dương. Đây là nguyên nhân chính của tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Các cuộc đàm phán quân sự gần đây giữa hai bên đã kết thúc trong bế tắc; và cả hai nước đang chờ đợi một mùa đông căng thẳng sắp đến. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times gần đây đã ca ngợi về công tác chuẩn bị hậu cần xuất sắc của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong khu vực.
Nằm trong chiến lược bao vây và cô lập Ấn Độ, Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả về kinh tế và địa chính trị. Trung Quốc đang tìm cách phát triển một thị trường kinh tế tích hợp bao gồm “tất cả các quốc gia Á-Âu”, với trọng tâm là Nam và Trung Á. Nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải (hub & spoke), Trung Quốc đang phát triển một loạt các hành lang trên bộ; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại đường bộ. Ví dụ gồm có: Hành lang Trung Quốc – Trung Á – Tây Á (chạy từ phía tây Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ); và tuyến đường bộ xuyên Pakistan đến Vịnh Oman.
Trung Quốc đã thiết lập được mối quan hệ lâu dài với Pakistan. Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỷ USD cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Dự án này bao gồm đường cao tốc, đường sắt, và đường ống vận chuyển dầu và khí đốt từ Cảng Gwadar trên Ấn Độ Dương đến Tân Cương. Hành lang này sẽ dẫn dầu từ Trung Đông, bao gồm cả dầu từ Iran, đến Trung Quốc. Theo The Epoch Times, Trung Quốc cũng đang “xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng cho Pakistan ở trên khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, nằm trong vùng đất Kashmir do Pakistan kiểm soát”.
Một mục tiêu địa chính trị – quân sự quan trọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là mở rộng các căn cứ của PLA và của Hải quân PLA. Điều này là để đối phó với sự thống trị địa chính trị lâu năm của Mỹ tại khu vực này. Trung Quốc sử dụng các căn cứ PLA để thuyết phục và đe dọa các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương trong việc đưa ra quan điểm trung lập hơn (nếu không nói là hoàn toàn ngả về phía Trung Quốc) trong các vấn đề địa chính trị. Chiến lược này đã hoạt động hiệu quả với đồng minh chủ chốt của Trung Quốc là Pakistan.
Chiến lược này cũng được Trung Quốc sử dụng ở những quốc gia khác trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, “PLA đã thực hiện những bước tiến nghiêm túc trong việc thiết lập căn cứ mới ở Campuchia, Tanzania, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… Việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng căn cứ ở Kiribati gợi nhớ đến những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên (và duy nhất cho đến hiện nay) ở Djibouti vào năm 2017”. Bắc Kinh không chỉ tìm cách đe dọa các quốc gia nhỏ bé hơn, mà còn nhắm đến kẻ thù chính của họ – Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
ĐCSTQ đã tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với Iran kể từ những năm 1960. Các phương pháp mà Bắc Kinh sử dụng bao gồm ngoại giao, hối lộ, và đầu tư chiến lược. Sự kiên nhẫn của ĐCSTQ đã được đền đáp xứng đáng khi 2 quốc gia này đang phát triển mối quan hệ chiến lược. Bắc Kinh và Tehran gần đây đã ký một thỏa thuận liên quan đến “khoản đầu tư 400 tỷ USD của Trung Quốc vào Iran trong thời gian 25 năm để đổi lại mức giá nhập khẩu xăng dầu thấp hơn từ Iran”, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Có một yếu tố quân sự nằm trong thỏa thuận đó. Khi các nước trao đổi quân nhân, Trung Quốc sẽ được phép triển khai/đồn trú 5.000 sĩ quan PLA ở Iran. Hợp tác hàng hải giữa hai nước cũng sẽ được tăng cường. Cuối cùng, thỏa thuận cung cấp cho Hải quân PLA quyền tiếp cận cảng Chabahar của Iran. Đây là đường tiếp cận vào Vịnh Oman thay thế cho Cảng Gwadar.
Sự gia tăng ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Iran có thể tạo nên tác động lớn đến các hoạt động của Iran trên khắp Trung Đông. Iran đã tài trợ rất nhiều cho Hezbollah, Hamas, và Thánh chiến Hồi giáo. Iran cũng cung cấp các nguồn lực quân sự lấy từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho các đồng minh của mình như một cách để phá hoại và thống trị các quốc gia Ả Rập nhỏ hơn ở Trung Đông. Việc Trung Quốc mua dầu của Iran đã tài trợ cho tất cả các hoạt động kể trên. Ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Tehran có thể khiến cán cân quyền lực ở Trung Đông rời xa Mỹ và lệch về Trung Quốc.
Các diễn biến kể trên là một số trong nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang gây dựng một liên minh 3 bên với Iran và Pakistan để kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các vấn đề ở Tây Nam Á và Nam Á.
Hãy bàn về Afghanistan. ĐCSTQ đã đạt được một thắng lợi lớn về địa chính trị khi Mỹ ‘trao’ Afghanistan cho Taliban vào hồi tháng 8. Khi làm như vậy, Mỹ đã ‘hai tay dâng’ các mỏ khoáng sản giàu đồng, vàng, bôxit, chì, kẽm, than, quặng sắt, và các nguyên tố đất hiếm của Afghanistan cho ĐCSTQ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực để đẩy mạnh ‘làm ăn’ tại Afghanistan. Nhiều người không biết rằng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Afghanistan trước cả khi chính quyền Biden rời vùng đất này. ĐCSTQ có hợp đồng thuê trị giá 3 tỷ USD trong 30 năm đối với mỏ đồng Aynak. Hiện tại, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu khai thác lithium. Lithium được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion, một thành phần chính phục vụ sản xuất công nghệ xanh đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc vào đường bộ và đường sắt sẽ hoàn tất việc điền tên Afghanistan vào mạng lưới vận tải (hub & spoke) của Trung Quốc, như một phần mở rộng cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan.
ĐCSTQ cũng đang nhắm đến Sri Lanka với các khoản đầu tư BRI tại Cảng Container Quốc tế Colombo (CICT) và cảng phía nam Hambantota. Chính sách ngoại giao bẫy nợ của ĐCSTQ có thể sẽ rất hiệu quả ở Sri Lanka; vì nước này duy trì mức nợ cao và có cán cân thương mại kém. Do vậy, Sri Lanka khó mà trả được các khoản vay từ Trung Quốc. Thêm vào đó, ĐCSTQ kiên quyết đưa lao động Trung Quốc vào Sri Lanka trên danh nghĩa “tạo điều kiện” hoàn thành các dự án. Điều này đã khiến lao động địa phương mất việc làm. Người ta suy đoán rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ giành được một số quyền kiểm soát đối với Hambantota để cho phép các tàu Hải quân PLA tiếp cận cảng.
Các động thái địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở Nam Á rõ ràng là để làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực này; đồng thời giúp ĐCSTQ đạt được các mục tiêu mở rộng lãnh thổ dọc theo khu vực biên giới Trung – Ấn đang tranh chấp. Mạng lưới của ĐCSTQ đang tiếp tục mở rộng và thu hút các quốc gia gần Ấn Độ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tìm cách làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông. Như vậy, Ấn Độ và Mỹ tự nhiên trở thành đồng minh bởi họ có chung kẻ thù là ĐCSTQ.
Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do – điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.
Chi Anh
Theo The Epoch Times