Dân cựu trào cỡ U70 có lẽ đều biết thứ âm thanh tên là “kích động nhạc”, nổi lên đầu thập niên 60. Nhưng các bạn có biết ngôi sao nhạc rock đầu tiên của ta là ai không?
Vào cái thời xa lắc xa lơ đó, người Việt đa phần thích nghe nhạc nhẹ nhàng, êm dịu, trữ tình như Ðoàn Chuẩn – Từ Linh v.v. Nhưng lúc bấy giờ người ta bỗng thấy xuất hiện tại các phòng trà và nightclub ở Sài-Gòn một hiện tượng mới, một loại nhạc khiêu vũ với nhịp điệu mạnh mẽ, dồn dập đến từ Mỹ gọi là twist, surf và rock’n’roll. Cùng xuất hiện với nó là một nữ ca sĩ với chất giọng hơi khàn nhưng phong cách trình diễn trẻ trung tên Phương Tâm. Năm 1962 (trước cả khi ban The Beatles được thế giới biết đến), nhà văn Mai Thảo đã có nhận xét về cô như sau:
“Ðứng cùng một dòng với Linh Ða, Marie Linh, điều khác biệt ở Phương Tâm là Phương Tâm không chỉ ‘đợt sóng mới’ ở điệu bộ và phục sức (Phương Tâm mặc rất giản dị quê mùa, thường là một chiếc áo dài Việt đen hoặc nâu), mà còn cả ở trong giọng hát và lối hát nữa. Ðó là cái giọng cổ họng khàn khàn đặc biệt ít thấy ở một thiếu nữ, rất thích hợp cho một số bài hát thuộc loại nhạc jazz hiện nay, thứ nhạc jazz của những nhạc sĩ da đen Hoa Kỳ. Ðó là một thứ hát dữ dằn, ngỗ ngược [sic], mạnh mẽ, mà muốn thể hiện được chu đáo, người hát trước hết phải có một sức khoẻ đầy đủ, một thứ tuổi trẻ nào đó của âm thanh.”
Sau khi dẫn ra những điểm còn yếu trong cách hát và diễn xuất của Phương Tâm, Mai Thảo kết luận:
“… dù Phương Tâm chưa khắc phục được nhược điểm này cũng như Phương Tâm còn rất nhiều điểm cần được chỉ bảo, sửa chữa về lề lối trình diễn, về y phục, về điệu bộ… điều không ai có thể phủ nhận được là Phương Tâm xứng đáng được xem như là một trong số rất ít những nữ ca sĩ trẻ tuổi có triển vọng hiện nay.”
Phương Tâm tên thật là Nguyễn thị Tâm, sanh năm 1945 tại Quảng Bình, trong một căn nhà ở giữa vườn mía. Gia đình kể ông thầy bói nói với ba mẹ cô là đứa bé này về sau sẽ nổi tiếng. Năm Ất Dậu bị nạn đói, gia đình cô di cư vô Sài-Gòn lập nghiệp ở Hóc-Môn. Là người con thứ hai trong một gia đình sáu đứa con, Phương Tâm lớn lên trong thập niên 1950 như bao nhiêu trẻ con nhà nghèo khác trong xóm. Nhà chỉ có một chiếc radio ba cô dùng để nghe tin tức đài BBC. Nhưng từ radio nhà hàng xóm cô được nghe đủ thứ, từ cải lương cho tới tân nhạc. Trong xóm còn có một căn nhà thường chơi nhạc jazz, blues và rock’n’roll; thế là một chân trời âm thanh mới mở ra cho Phương Tâm, cô bắt đầu mê hát. Năm 1961, khi mới 16 tuổi, Phương Tâm dự một cuộc thi và được nhận vào Biệt Ðoàn Văn Nghệ thuộc Ban Quân Vận của Bộ Quốc Phòng. Nơi đây cô được đào tạo và huấn luyện để trở thành ca sĩ, giúp vui cho các chiến sĩ VNCH.Xem thêm: Lòng biết ơn
Theo lời kể của Hannah Hà, con gái của Phương Tâm, thời bấy giờ ban ngày cô luyện tập với Ban Quân Vận, ban đêm cô hát tại các quán nhạc và vũ trường ở Sài-Gòn. Ngày làm việc của cô thường bắt đầu tại Trại Không-Quân Tân-Sơn-Nhứt, sau đó ba cô chở cô sang Câu lạc bộ An-Ðông riêng dành cho giới sĩ quan, nơi cô hay hát những bản nhạc nhẹ điệu blues hay jazz. Kế tiếp là phòng trà Capiccio, chỗ tụ tập của các nhân viên dân sự Mỹ. Và cuối cùng là vũ trường Olympia nơi cô diễn các bản nhạc sôi động hơn. Lương tháng của cô lúc bấy giờ là 3,000 đồng (khoảng 260 đô-la), tức bằng nửa mức lương trung bình của bác sĩ.
Trong khoảng thời gian 1964-1966,Phương Tâm thường xuyên hát với ban nhạc của Khánh Băng và được Khánh Băng viết nhạc và thâu đĩa cho mình. Chỉ trong vòng 2 năm, Phương Tâm thâu được gần 30 bài, trong đó có nhiều nhạc phẩm về sau được nhiều ca sĩ khác hát lại rất thành công và trở nên bất hủ. Như bài “60 Năm”, “20-40”, “Ðêm Huyền Diệu” của Y Vân. Hay “Phút Say Mơ” của Hoàng Quí, “Tình Mơ” của Khánh Băng. Có thể nói đây là những bản nhạc đầu tiên của Việt Nam được viết theo dòng nhạc twist, surf và rock của Anh Mỹ thời cuối thập niên ’50, đầu ’60. Nó là nhạc mới hoàn toàn chứ không phải nhạc ngoại quốc lời Việt. Và Phương Tâm là ca sĩ đã thể hiện chúng thành công nhất.
Thế rồi vào năm 1963, khi sự nghiệp ca hát của mình đang lên và sắp sửa cất cánh thì Phương Tâm phải lòng Trung uý Bác sĩ Hà Xuân Du. Hai người kết hôn, và khi BS Du phải thuyên chuyển ra Ðà-Nẵng năm 1966 thì Phương Tâm quyết định bỏ nghề ca hát để theo chồng, lo cho gia đình và con cái. Cô chấm dứt sự nghiệp ca hát từ đó, và các đĩa nhạc của cô cũng chìm vào lãng quên.
Tháng Tư năm 75 Phương Tâm cùng chồng con di tản sang Mỹ, bỏ lại sau lưng tất cả những gì liên quan đến nghề ca hát. Tại miền Nam nhà cầm quyền ra lệnh cấm và đốt các văn hoá phẩm trong đó có các dĩa nhạc. Chỉ có vài người chịu khó cất giữ, chôn giấu một số ít. Cách đây hai năm, Hannah Hà tình cờ được nghe bài “Ðêm Huyền Dịu” trong phim “Mắt Biếc” và nghe nói là do ca sĩ Phương Tâm hát khiến cô lấy làm tò mò, vì từ nhỏ tới lớn mẹ cô không bao giờ nói gì về quá khứ làm ca sĩ của mình. Hannah chỉ biết ở nhà ba mẹ cô thích mở tiệc karaoke và mẹ mình luôn là người hát hay nhứt và điệu nghệ nhứt, thế thôi.
Sau khi lục tìm trên Internet và làm việc với nhà nghiên cứu Mark Gergis, tác giả bộ sưu tập “Saigon Rock and Soul” (2010), Hannah và Mark đã về Việt Nam và lùng được các dĩa nhạc cũ của Phương Tâm còn sống sót. Từ đó họ đã đúc kết lại được toàn bộ các nhạc phẩm Phương Tâm thâu trong thời điểm 1964-1966. Sau khi phục hồi và chỉnh sửa âm thanh, các bản nhạc này được chuyển sang dạng digital và phát hành ra công chúng hồi tháng trước.
Nghe qua các bài này ta nhận thấy một điều: Tuy kỹ thuật thu thanh ngày xưa còn thô sơ, nhưng cách hoà âm phối khí của các ban nhạc của Y Vân, Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9 đã đạt đến mức thượng thừa. Những màn guitar solo thuở ấy không thua gì ngày nay, nhiều đoạn còn hay hơn. Ðã tai nhứt là các màn ca bè, ca chõi nhịp, ca đối đáp vô cùng sáng tạo và tinh tế. Chẳng hạn như bài “Anh Ðâu Em Ðó” của Y Vân hay “Nhịp Ðàn Vui” của Trường Hải. Sau hơn nửa thế kỷ, thật không ngờ ta có thể nghe lại những bản nhạc hết sức độc đáo này. Hy vọng rồi đây nó sẽ tái xuất giang hồ tại các buổi tiệc karaoke của người Việt.