Trung Quốc vũ trang cho cuộc chiến điện tử ở Biển Đông
Thu Hằng
Dựa theo hình ảnh chụp từ vệ tinh, trên Twitter ngày 21/12/2021, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington cho biết Trung Quốc đã cải thiện rất nhiều năng lực chiến tranh điện tử, truyền thông và thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông.
Theo CSIS, việc mở rộng nhiều thiết bị gần Mộc Miên (Mumian), trên đảo Hải Nam, bắt đầu vào khoảng năm 2018, dường như đã hoàn thành phần lớn vào ngày 21/11/2021. Hiện giờ, cơ sở Mộc Miên được trang bị nhiều ăng-ten chảo lớn để theo dõi và thông tin qua vệ tinh (SATCOM) cũng như thu thập thông tin tình báo (COMINT). Nhiều tòa nhà lớn cũng được xây để làm tổng hành dinh cho toàn khu vực, làm trụ sở hành chính cho khu phức hợp SATCOM/COMINT mới và làm khu bảo trì thiết bị.
Khu Mộc Miên nằm trong mạng lưới căn cứ quân sự thuộc Chiến Khu Nam Bộ, nơi có hải cảng neo đậu của hai tầu ngầm và nhiều chiến hạm Trung Quốc. Theo CSIS, việc mở rộng khu Mộc Miên, cũng như việc triển khai những hệ thống điện tử mới, nằm trong khuôn nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, giúp nâng cao khả năng theo dõi, chống lại các lực lượng nước ngoài hoạt động trong vùng và trên không. Nhiều thiết bị có thể được huy động trong chiến tranh điên tử.
Còn tại Biển Đông, Trung Quốc cũng triển khai nhiều hệ thống thông tin và thu thập thông tin quan trọng trên các đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa, như trên đá Subi, đá Chữ Thập. Quanh đảo Hải Nam và tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng triển khai một mạng lưới máy tiếp nhận thông tin nổi và cố định.
Trang News.com của Úc ngày 21/12 nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị « khả năng tinh vi » cho « cuộc chiến tương lai ». Rừng ăng-ten ở Biển Đông còn cho thấy Bắc Kinh quyết tâm khống chế tuyến đường hàng hải quốc tế chiến lược với tham vọng biến khu vực này thành « vùng chết » về truyền thông và lưu thông. Trong một báo cáo gần đây, Viện Brookings nhận định « chiến tranh trong tương lai không chỉ có những vụ nổ, mà còn là làm tê liệt những hệ thống giúp quân đội vận hành ».
Trước đó, có nhiều khả năng chiến đấu cơ Hoa Kỳ đã trở thành nạn nhân của những thiết bị tối tân của Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc cho biết một chiến đấu cơ Mỹ đã « mất kiểm soát » khi bay trên Biển Đông. Năm 2018, một chiến đấu cơ khác thuộc nhóm tác chiến tầu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng bị làm nhiễu sóng.
Đức dự kiến đẩy mạnh triển khai chiến hạm đến châu Á
Thu Hằng
Chiến hạm Đức Bayern cập cảng quân sự Changi của Singapore ngày 20/12/2021 bắt đầu chuyến thăm hai tuần. Singapore là một chặng dừng trong chuyến hải hành 6 tháng của chiến hạm Đức, lần đầu tiên được điều đến châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 19 năm qua. Berlin dự kiến đẩy mạnh hoạt động này để bảo vệ tự do hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tìm cách kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Theo trang mang báo Singapore The Straits Times, phát biểu trong lễ tiếp đón chiến hạm và thủy thủ đoàn ngày 21/12, đại sứ Đức tại Singapore khẳng định « điểm dừng ở Singapore mang ý nghĩa quan trọng căn cứ vào những điểm chung của hai nước ». Ông Norbert Riedel, cũng nhấn mạnh « chuyến thăm của tầu Bayern còn chứng minh cho sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng ».
Có thể thấy rõ điểm này dựa vào chuyến thăm Singapore của tham mưu trưởng Hải Quân Đức, phó đô đốc Kay-Achim Schonbach, từ ngày 19 đến 22/12. Phát biểu tại lễ đón tầu Bayern, ông tuyên bố việc chiến hạm Bayern được điều đến Biển Đông là một « tín hiệu » gửi đến Bắc Kinh.
Không nêu đích danh Trung Quốc với « các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và cực đoan ở Biển Đông », nhưng Đức khẳng định bảo vệ lợi ích của nước này ở Biển Đông bằng cách duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Do đó, Đức dự kiến « từng bước » tăng cường các đợt triển khai quân sự ở châu Á, theo thông tín của báo mạng Hồng Kông South China Morning Post.
Với 200 người thuộc thủy thủ đoàn, chiến hạm Bayern của Đức khởi hành đến châu Á vào tháng 08 và cập cảng nhiều nước trong vùng, Pakistan, Úc, đảo Guam của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trước khi đi qua Biển Đông để đến Singapore. Theo dự kiến, tầu Bayern sẽ đến Việt Nam, Sri Lanka và Ấn Độ trước khi về cảng neo đậu Wilhelmshaven.
Chile: Tổng thống tân cử ủng hộ Quốc Hội Lập Hiến
Thu Hằng
Tổng thống tân cử Chilê Gabriel Boric sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 11/03/2022 nhưng ông đã có nhiều hoạt động biểu tượng đánh dấu nhiệm kỳ mới trong tuần này.
Một ngày sau khi được tổng thống sắp mãn nhiệm Sebastian Piñera tiếp tại điện Moneda, ông Gabriel Boric đã đến Quốc Hội Lập Hiến ngày 21/12, nơi đang soạn thảo Hiến Pháp mới, có thể hoàn thành vào tháng 07/2022 để thay thế văn kiện hiện hành có từ thời nhà độc tài Pinochet.
Tổng thống tân cử ủng hộ các nghị sĩ trong bối cảnh mối quan hệ giữa Quốc Hội Lập Hiến và chính phủ mãn nhiệm Piñera không suôn sẻ.
Từ Santiago, thông tín viên RFI Justine Fontaine giải thích:
“Trong cuộc gặp chính thức thứ hai, ông Gabriel Boric đến Quốc Hội Lập Hiến, trước cả buổi gặp với các nghị sĩ ở Thượng Viện và Hạ Viện. Ông phát biểu : « Việc lần đầu tiên trong Lịch sử nền Cộng Hòa, chúng ta đang viết lại Hiến Pháp theo dân chủ, bình đẳng nam-nữ cùng với sự tham gia của các tộc người bản xứ là niềm tự hào lớn. Chúng ta ủng hộ các nghị sĩ ở Quốc Hội Lập Hiến bởi vì nếu Hiến Pháp tiến hành tốt, nước Chilê cũng sẽ như vậy ».
Với tư cách là dân biểu, ông Gabriel Boric là một trong những người đúc kết thỏa thuận chính trị dẫn đến việc bầu ra một Quốc Hội Lập Hiến, trong đó cánh tả chiếm đa số.
Bà Tiare Aguilera Hey được bầu đại diện cho dân tộc Rapa Nui, người bản xứ ở đảo Phục Sinh và là một trong những phó chủ tịch Hội Nghị Lập Hiến (tên chính thức của Quốc Hội Lập Hiến). Đối với bà, thật nhẹ nhõm khi ông Gabriel Boric được bầu làm tân tổng thống vì mối quan hệ với chính phủ sắp mãn nhiệm rất khó khăn.
Bà nói : « Chúng tôi chưa bao giờ họp chính thức với tổng thống hiện nay, trong khi việc ông Gabriel Boric đích thân đến tận đây sau cuộc bầu cử cho thấy cam kết của tổng thống tân cử đối với thành công của tiến trình lịch sử này ».
Hiến Pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022. Về phía tổng thống tân cử 35 tuổi, ông cam kết thành lập tân nội các bình đẳng và sẽ tôn trọng cân đối ngân sách của Nhà nước”.
Covid : Thủ tướng Nhật Bản thông báo tiếp tục đóng cửa biên giới
Phan Minh
Trong thông điệp gửi tới quốc dân, sau khi kết thúc phiên họp Quốc Hội cuối năm, hôm qua, 21/12/2021, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hạn chế ở biên giới để chống lại biến thể Omicron của Covid-19.
Thủ tuớng Kishida còn nhấn mạnh : “Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn biến thể Omicron. Những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm Covid sẽ phải cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong vòng 14 ngày, thay vì tự cách ly tại nhà.”
Các biện pháp thắt chặt hạn chế, phòng chống dịch bệnh này được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng liều nhắc lại vẫn chưa bắt đầu, điều này khiến người dân Nhật Bản lo lắng và bất bình.
Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval cho biết thêm:
Chiến dịch tiêm chủng liều nhắc lại khó có thể bắt đầu trước tháng 3 đối với đa số dân Nhật Bản do việc lãnh đạo nước này ra quyết định chậm chạp cộng thêm các vấn đề về nguồn cung ứng.
Điều này khiến người dân Tokyo khó chịu và sợ hãi :
Một phụ nữ cho biết : “Biến thể Omicron đang lan truyền với tốc độ đáng sợ trên khắp thế giới và như thường lệ, Nhật Bản đang phản ứng rất chậm trong việc tiêm chủng. Tôi thật sự không yên tâm.”
Một phụ nữ khác đồng tình : “Chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không thể tiếp tục thế này được nữa, mọi người đang rất lo sợ. Đối với tôi, biến thể mới này rất đáng lo ngại.”
Một người đàn ông nói: “Sự chậm chạp của chính phủ sẽ làm hỏng đêm giao thừa của tôi. Tôi đã phải từ bỏ ý định đón giao thừa với ông bà của tôi vì không muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tôi chỉ mong được tiêm mũi thứ ba để mọi người có thể gặp lại nhau.”
Và thậm chí mọi người không chắc chắn rằng một khi chiến dịch này bắt đầu, mọi việc sẽ suôn sẻ.
Một người đàn ông lo ngại : “Hệ thống đăng ký ngày giờ tiêm sẽ lại gặp sự cố. Và khi đó, rất dễ có nhầm lẫn : đáng lẽ phải tiêm Moderna thay vì Pfizer hoặc ngược lại. Nói tóm lại sẽ giống như lần trước, sẽ rất hỗn độn.”
Một người đàn ông khác nói : “Chúng tôi sẽ được tiêm mũi thứ ba 8 tháng sau mũi thứ hai. Ở các nước khác là 5 hoặc 6 tháng, các bạn tự hiểu rồi đấy!”
Các nhà dịch tễ học thì không yên tâm : họ nhấn mạnh rằng mức độ kháng thể và khả năng đề kháng miễn dịch giảm nhanh hơn ở những người cao tuổi. Và 29% người Nhật trên 65 tuổi.
Áo tuyển nhân viên “săn tìm” và phạt tiền người không tiêm vắc-xin COVID-19
Minh Anh
Theo mô tả được nêu trong quảng cáo tuyển dụng, các ứng viên được tuyển sẽ có nhiệm vụ phạt tiền, xử lý đơn khiếu nại và áp dụng các biện pháp với những người không nộp phạt do chưa tiêm vắc-xin. Thông tin tuyển dụng cho biết rằng công việc này sẽ phù hợp với những người “ưa thích làm việc liên quan luật pháp và thủ tục hành chính”.
Lương của những người này sẽ được trả hàng tháng, với mức bắt đầu từ 3.126 USD. Điều kiện để tuyển nhân viên là cá nhân đó phải có quốc tịch Áo, tốt nghiệp trung học cơ sở, nhiệt tình và sẵn sàng làm việc quá thời gian, không có tiền án tiền sự và phải có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ hoặc chứng nhận vừa khỏi bệnh COVID-19. Phụ nữ sẽ được ưu tiên hơn khi ứng tuyển vị trí công việc trên dù họ có tiêu chuẩn tương đương nam giới.
Hồi đầu tháng 12, Áo đã đồng ý áp dụng quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 trước ngày 1/2/2022 cho tất cả người dân, trừ những người dưới 14 tuổi hoặc những người được miễn trừ vì lý do y tế. Những người không muốn tiêm chủng có thể bị phạt nặng cứ 3 tháng một lần. Nếu một cá nhân nhất quyết không tiêm vắc-xin trong suốt 1 năm, họ có thể phải trả tiền phạt tổng cộng là 3.600 EUR trong 12 tháng.
Áo là quốc gia đầu tiên ở châu Âu công bố quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 trên diện rộng cho tất cả công dân. Đây cũng là nước đầu tiên trên thế giới siết chặt quy định phòng dịch trên toàn quốc, đặc biệt đối với những người chưa tiêm chủng vào tháng 11 vừa qua. Sau đó vài tuần, quy định trên được mở rộng cho cả những công dân đã tiêm vắc-xin. Lệnh phong tỏa sẽ kết thúc vào ngày 12/12, nhưng những người Áo chưa tiêm chủng vẫn bị cấm ra ngoài với lý do không cần thiết.
Ông Tập muốn củng cố quan hệ Trung – Đức trong cuộc điện đàm đầu tiên với Olaf Scholz
Xuân Lan
“Trung Quốc và Đức nên tiếp tục coi nhau là đối tác,” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc điện đàm đầu tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và EU đang tiếp tục gia tăng.
“Trung Quốc và châu Âu là hai siêu cường toàn cầu độc lập và tự chủ, cùng chia sẻ sự đồng thuận cao trong chiến lược và các lợi ích chung”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm đầu tiên với Scholz kể từ khi ông tiếp quản vị trí của bà Angela Merkel hai tuần trước.
Theo hãng tin nhà nước Tân Hoa xã, ông Tập coi quan hệ của Trung Quốc với Đức là cốt lõi trong việc điều hướng sự hợp tác tổng thể của Trung Quốc với châu Âu.
Hôm 21/12, ông Tập đã thúc giục Berlin “đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu”.
Ông Tập nhắc nhở ông Scholz rằng Trung Quốc từng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 5 năm qua và hai nước được hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển kinh tế của nhau. Ông nói thêm rằng hai bên có thể hợp tác với nhau trong các lĩnh vực mới nổi, bao gồm năng lượng mới, nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Ông Tập cũng nói Trung Quốc và Đức nên hợp tác hơn nữa trong các vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc chiến chống đại dịch, phân phối công bằng vắc-xin COVID-19, cũng như khôi phục kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
“Chúng ta nên kiên quyết giải quyết các điểm nóng trong khu vực thông qua đối thoại, tuân theo và… kiên quyết phản đối mọi hình thức thực hành bá quyền và tâm lý chiến tranh lạnh”, ông Tập nói mà không đề cập đến Mỹ.
Theo bài báo của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ông Scholz đáp lại bằng cách nói rằng Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về thương mại, biến đổi khí hậu và sẽ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc về các vấn đề như Afghanistan và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Scholz cũng nói với ông Tập rằng đất nước của ông sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ EU – Trung Quốc theo hướng “xây dựng” và cũng bày tỏ hy vọng sớm triển khai thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, vốn từng bị Nghị viện châu Âu hủy bỏ.
Cuộc nói chuyện diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang tiếp tục xấu đi, xuất phát từ cuộc trao đổi về các biện pháp trừng phạt giữa hai bên về nhân quyền ở Tân Cương.
Hôm thứ Hai, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hợp Quốc Josep Borrell đã cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm G7 đưa ra một tuyên bố về “mối quan ngại nghiêm trọng” của họ đối với kết quả của cuộc bầu cử hội đồng lập pháp của Hồng Kông.
Trong khi đó, căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Litva sau khi Vilnius tuyên bố thành lập đại sứ quán trên thực tế ở Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình.
Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva, trong khi vào tuần trước, Vilnius cho biết họ đã đóng cửa Đại sứ quán ở Bắc Kinh và rút tất cả các nhà ngoại giao của về nước. Điều này đã gây thêm áp lực khiến EU phải cân nhắc xem có nên đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc hay không.
Bắc Kinh ngày càng lo lắng về một sự thay đổi có thể xảy ra ở Berlin so với chính sách thân thiện của cựu Thủ tướng Angela Merkel đối với Bắc Kinh.
Chỉ 10 phút sau khi ông Scholz chính thức được xác nhận sẽ kế vị bà Merkel, Bắc Kinh đã cho thấy họ sốt sắng tạo dựng mối quan hệ với Đức như thế nào khi ông Tập đã gửi ngay điện mừng tới ông Scholz.
Để so sánh, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập đã gửi một bức thư tới Tổng thống Joe Biden muộn tới hơn hai tuần sau khi bà Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson làm như vậy.
Xuân Lan (theo SCMP)