Tin thế giới sáng thứ Bảy

Pháp: Khuyến cáo chích ngừa Covid-19 ba tháng một lần

Thanh Hà

Tiêm vac-xin, vũ khí duy nhất khả thi để chống dịch Covid-19 của chính phủ Pháp. Ảnh minh họa. AP – Michel Euler

Vào lúc Pháp ghi nhận thêm hơn 90.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày trong tâm bão đợt dịch thứ 5 với biến thể Omicron có sức lây lan rất mạnh, ngày 24/12/2021, Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế khuyến cáo chính phủ cho chích ngừa ba tháng một lần.

Hiện tại Pháp đã rút ngắn thời gian để tiêm mũi nhắc lại đang từ 6 xuống còn 5 tháng. Bộ Y Tế cho biết đang nghiên cứu khả năng thu ngắn thêm thời gian giữa hai mũi tiêm xuống còn 4 tháng.

Theo giải thích của Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế, mỗi mũi vac-xin có hiệu quả 80 % trong vòng hai tháng đầu và tỷ lệ đó rơi xuống còn 34 % kể từ tháng thứ tư trở đi. Do vậy khoảng cách 3 tháng giữa hai đợt tiêm là « thích hợp ». Vẫn cơ quan này trong thông cáo hôm nay cho biết, nhờ mũi tiêm thứ ba, tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron giảm 15 % tại Pháp.

Pháp đang lo ngại dịch bùng phát rất mạnh vào những ngày sắp tới và hệ quả kèm theo là ngay trong những ngày đầu năm 2022 sẽ có nhiều nhân viên phải nghỉ việc, vì bị nhiễm Covid-19. Đây là nguyên nhân có thể gây nhiều xáo trộn trong các sinh hoạt thường ngày tại các công sở, đặc biệt là trong ngành vận tải, giáo dục … Tuy nhiên trước mắt chính phủ trấn an công luận là các lĩnh vực « thiết yếu » vẫn phải được bảo đảm hoạt động bình thường.

Một năm sau kể từ khi có thuốc chủng ngừa Covid-19, châu Âu vẫn bị virus corona đe dọa. Anh Quốc ghi nhận thêm hơn 120.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ý và Tây Ban Nha bắt buộc đeo khẩu trang trở lại ngoài đường phố. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter nhìn nhận sai lầm là đã « khởi động quá trễ chiến dịch tiêm chủng ». Hoa Kỳ cũng đang lo ngại không kém, do vào dịp này có hơn 109 triệu người dân Mỹ di chuyển từ nơi này sang nơi khác để về đón Noel và các ngày lễ cuối năm với gia đình.

Việt Nam muốn hoàn tất tiêm mũi thứ ba vào cuối tháng 3/2022

Về tình hình Việt Nam cho đến hôm 23/12/2021, các thống kê chính thức cho biết vẫn có thêm hơn 16.000 bệnh nhân Covid-19. Trong bối cảnh đó, hôm nay bộ Y Tế nhìn nhận « tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây ». Reuters nhắc lại trước mắt Việt Nam chưa phát hiện biến thể Omicron. Dù vậy chính quyền Hà Nội đề ra mục tiêu tiêm mũi nhắc lại cho toàn bộ dân số trưởng thành trước cuối tháng 3/2022. Hiện tại hơn 62 % dân số Việt Nam đã được chích đủ hai liều.

Mỹ – Nhật lập kế hoạch chung can thiệp khẩn cấp nếu Đài Loan bị tấn công

Thanh Hà

Hải quân Mỹ, Anh, Nhật Bản diễn tập trong vùng Biển Đông ngày 03/10/2021, sau khi Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự đe dọa Đài Loan. Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp. AP – Michael Jarmiolowski

Trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng, hãng tin Kyodo ngày 23/12/2021 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết lực lượng quân sự Mỹ và Nhật Bản đang chuẩn bị một kế hoạch chung để can thiệp trong trường hợp « khẩn cấp ».

Kyodo trích lời nhiều quan chức trong chính quyền Nhật cho biết kế hoạch chung với Hải Quân Hoa Kỳ dự trù tạm thời nâng cấp các căn cứ quân sự thuộc chuỗi đảo Nansei, đi từ Kyushu, một trong bốn đảo chính của Nhật Bản, đến tận Đài Loan.

Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Đài Loan về mặt hậu cần từ việc cung cấp đạn dược đến tiếp tế xăng dầu. Vẫn theo các nguồn tin trên, kế hoạch can thiệp hỗ trợ Đài Loan này có nhiều khả năng được ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản và Mỹ đề cập đến trong khuôn khổ đối thoại 2+2 diễn ra vào đầu năm tới.

Trước mắt, bộ Quốc Phòng Nhật từ chối bình luận về tin trên. Tuy nhiên Kyodo nhắc lại Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo sẽ không « khoanh tay đứng nhìn » trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc thôn tính. Tokyo cũng đã từng mạnh mẽ lên án Bắc Kinh uy hiếp Đài Loan.

Về phía Hoa Kỳ, có nhiều tin Washington ngầm huấn luyện cho quân đội Đài Loan để nâng cao khả năng tác chiến trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Tuy nhiên, trong thông cáo chung sau cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Biden với thủ tướng Nhật Suga hồi tháng 3/2021, hai lãnh đạo đã nhấn mạnh « cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ».

Mỹ đặt điều kiện đối thoại với Nga trên hồ sơ Ukraina

Thanh Hà

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden ( P) và tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào hội đàm tại Villa la Grange, Genève, Thụy Sĩ, hôm 16/06/2021. AP – Alexander Zemlianichenko

Một quan chức của Nhà Trắng hôm 23/12/2021 cho biết Washington « sẵn sàng mở đối thoại ngoại giao với Matxcơva ngay từ đầu tháng 1/2022 », nhưng với một số « điều kiện ». Trước đó vài giờ, tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm đánh giá « tích cực » thông báo Nga – Mỹ chuẩn bị đối thoại làm hạ nhiệt tình hình Ukraina.

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn lời một quan chức cao cấp Hoa Kỳ cho rằng đối thoại sắp tới đây với Matxcơva có thể là một cuộc trao đổi « song phương hoặc đa phương », dựa trên nguyên tắc « có qua có lại ». Vẫn theo nguồn tin này, hiện tại, một số đề xuất của Nga « có thể chấp nhận được và phía Matxcơva biết rằng, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một số đòi hỏi khác ». Nhà Trắng tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình tại biên giới Nga – Ukraina, Washington và các đồng minh đang chuẩn bị một loạt các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Nga tấn công Ukraina.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg trong thông cáo chung hôm 23/12/2021 nhấn mạnh NATO sẵn sàng đối thoại « một cách xây dựng với Nga ».

Về phía Matxcơva, tổng thống Putin trong cuộc họp báo hôm qua khẳng địhh thông báo về việc mở đàm phán tại Genève, Thụy Sĩ, vào tháng Giêng tới đâylà« phản ứng đầu tiên mang tính tích cực từ phía Hoa Kỳ ».

AFP ghi nhận, khác với thông lệ, nguyên thủ quốc gia Nga đã tiết lộ hai bản dự thảo thỏa thuận sẽ được đem ra đàm phán với Hoa Kỳ : một liên quan đến việc loại trừ mọi khả năng NATO mở rộng sang phía đông, cụ thể hơn là kết nạp Ukraina vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, và dự thảo thứ nhì nhằm chấm dứt mọi hoạt động quân sự của phương Tây sát cạnh biên giới của Nga.

Hai nhà đàm phán Iouri Ouchakov và Jake Sullivan
Vào lúc Nhà Trắng chưa thông báo về địa điểm đối thoại Nga Mỹ sắp mở ra vào đầu tháng Giêng năm tới thì truyền thông quốc tế đưa tin phái đoàn Mỹ sẽ do cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dẫn đầu. Về phía Nga, trưởng đoàn đàm phán sẽ là Iouri Ouchakov, cố vấn ngoại giao của tổng thống Putin từ 2012.

Jake Sullivan, 45 tuổi, xuất thân là một luật sư, bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị từ 2008,  thời điểm mà Iouri Ouchakov, 74 tuổi, mãn nhiệm kỳ đại sứ Nga tại Washington.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng từng là cộng tác viên hàng đầu của ngoại trưởng Hillary Clinton, cố vấn ngoại giao trong giai đoạn bà ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoài ra, dưới chính quyền Obaman, Jake Sullivan từng theo dõi hồ sơ hạt nhân Iran. Trong những tuần qua, hai ông Sullivan và Ouchakov đã nhiều lần trao đổi qua điện thoại nhằm làm dịu căng thẳng, tránh để xảy ra nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang.

Công nghệ bán dẫn : Nhật Bản – Đài Loan cam kết hợp tác “toàn diện”

Thanh Hà

Trụ sở chính của tập đoàn TSMC, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan,tại Tân Trúc (Hsinchu), Đài Loan. AP – Chiang Ying-ying

Đại diện của hai đảng cầm quyền tại Nhật Bản và Đài Loan trong cuộc họp trực tuyến ngày 24/12/2021 thông báo vì lý do an ninh, sẽ « hợp tác toàn diện và đối thoại thường xuyên », nhằm đẩy mạnh các hoạt động trong ngành công nghệ bán dẫn. Theo giới quan sát, tuyên bố này được coi như một cam kết chính thức giữa chính quyền Tokyo và Đài Bắc.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại, cuộc họp trực tuyến lần này là bước kế tiếp sau nhiều trao đổi từ tháng 8/2021 giữa đảng Dân Tiến Đài Loan và đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản. Tham dự cuộc họp hôm nay có đại biểu thuộc đa số đang cầm quyền tại Đài Bắc và Tokyo. Về mặt chính thức, Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng đôi bên cùng « chia sẻ một mối lo ngại chung » trước sức mạnh của Bắc Kinh, như ghi nhận của một nhà quan sát.

Công nghiệp Nhật Bản lệ thuộc nhiều vào chip điện tử và linh kiện bán dẫn của Đài Loan. Ngoài ra, trả lời báo chí, dân biểu Đài Loan Khâu Chí Vĩ (Chiu Chih Wei) nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vừa mang tầm mức quan trọng về kinh tế và công nghiệp, vừa là một vấn đề liên quan đến « an ninh quốc gia » trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Theo ông, trong cuộc họp hôm nay, « đôi bên đồng ý thắt chặt hợp tác trong tương lai giữa các dây chuyền cung ứng, để tiến tới một hình thức hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và nhiều ngành công nghiệp khác quan trọng đối với cả hai quốc gia ».

Về phía Tokyo, đại diện của đảng cầm quyền, dân biểu Akimasa Ishikawa cho rằng « bằng mọi giá phải đối phó với tình trạng khan hiến linh kiện bán dẫn hiện thời » và hợp tác song phương sẽ giúp giải tỏa được những khó khăn đó. Ông nói thêm, Nhật Bản, Đài Loan cùng với Hoa Kỳ « đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn » và một trong những thách thức đối với các bên sẽ là làm thế nào để tìm ra một giải pháp « trước những khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao ».

Hàn Quốc : Cựu tổng thống Park Geun Hye được đặc xá

Thu Hằng

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin cựu tổng thống Park Geun Hye (trên màn hình) sắp được đặc xá nhân dịp năm mới 2022, Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/12/2021. AP – Ahn Young-joon

Vài tháng trước khi hết nhiệm kỳ, ngày 24/12/2021, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ký lệnh đặc xá cho cựu tổng thống Park Guen Hye để “củng cố đoàn kết dân tộc”. Bà Park Guen Hye, hiện 69 tuổi, nằm trong danh sách 3.094 tù nhân sẽ được trả tự do trước năm mới. Tháng 03/2017, bà Park Guen Hye bị kết án 22 năm tù sau khi bị truất chức tổng thống vì tham nhũng và hối mại quyền thế

Thông tín viên Nicolas Rocca tường trình từ Seoul:

Lẽ ra bà Park Geun Hye phải ngồi tù 22 năm kể từ khi bị bắt giam vào tháng 03/2017, nhưng cuối cùng bà chỉ phải thi hành án chưa đầy 5 năm. Thông báo của tổng thống về việc đặc xá cựu lãnh đạo bảo thủ gây ngạc nhiên, bởi vì bà Park Guen Hye là biểu tượng cho vấn nạn tham nhũng cố hữu ở Hàn Quốc, cũng như cho những mối liên hệ mờ ám giữa chính quyền và các đại tập đoàn.

Việc phế truất bà Park Geun Hye, sự kiện đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, là nhờ vào “cuộc cách mạng nến” với những cuộc tuần hành khổng lồ huy động đến vài triệu người dân xuống đường, tất cả đều bị bất ngờ vì quy mô của vụ tai tiếng tham nhũng mà cựu tổng thống bị cáo buộc.

Năm 2018, bà Park và người bạn thân Choi Soon Sil, cùng với nhiều người khác, đã bị kết tội buộc các đại tập đoàn Hàn Quốc chuyển cho họ nhiều triệu đô la và đã lập rất nhiều danh sách đen tên tuổi của những nghệ sĩ phản đối phe bảo thủ.

Có lẽ tình trạng sức khỏe kém của con gái nhà cựu độc tài Park Chung Hee cũng tác động đến quyết định đặc xá, vì bà đã phải nhập viện ba lần từ khi bị giam. Sau khi nhắc lại rằng sẽ không tha thứ cho các cựu nguyên thủ quốc gia bị kết án, cuối cùng chính quyền trong tay phe dân chủ đã phải nhân nhượng phần nào, khi đến gần kỳ bầu cử tổng thống vào tháng Ba năm tới ”.


Theo Yonhap, cựu tổng thống Lee Myung Bak, bị kết án 17 năm tù vì biển thủ công quỹ và tham nhũng, không nằm trong danh sách được đặc xá. 

Cựu quan chức Trung Quốc nhận tội rửa tiền ở Los Angeles

Một cuộc triển lãm về rửa tiền được trưng bày tại Target America: Những kẻ Buôn bán ma túy, Những kẻ Khủng bố và Bạn, một cuộc triển lãm du lịch của Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA), trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images) Hoa Kỳ

LOS ANGELES — Một cựu quan chức Trung Quốc đã lẩn trốn hơn 5 năm được dự kiến sẽ nhận tội hôm 20/12 với một cáo buộc âm mưu phạm tội liên bang. Ông bị cáo buộc đã rửa hàng triệu dollar và sử dụng một khoản tiền đánh cắp để mua bất động sản ở thành phố Monterey Park.

Ông Kiều Kiến Quân (Jianjun Qiao), 58 tuổi, bị dẫn độ từ Thụy Điển đến Los Angeles hồi năm ngoái để đối mặt với các cáo buộc ban đầu được đệ trình cách đây 7 năm.

Hồi tháng 07/2014, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã kết tội ông Kiều và vợ cũ của ông, cáo buộc hai âm mưu riêng biệt. Một bản cáo trạng mở rộng chống lại ông Kiều đã được trả lại hồi tháng 12/2018 cáo buộc ông ta âm mưu phạm tội gian lận nhập cư và vận chuyển quốc tế tiền bị đánh cắp, âm mưu phạm tội rửa tiền, và ba tội danh do thực hiện các giao dịch tài chính đối với một bất động sản có nguồn gốc tội phạm.

Các công tố viên cáo buộc rằng với tư cách là giám đốc một kho dự trữ ngũ cốc ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, từ năm 1998 đến năm 2011, ông Kiều đã rửa hàng triệu dollar tiền thu được liên quan đến các giao dịch gian lận thông qua các ngân hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Singapore. Cáo trạng này còn cáo buộc rằng ông Kiều sau đó đã sử dụng số tiền đánh cắp được để mua bất động sản ở thành phố Monterey Park.

Vợ cũ của ông Kiều, bà Triệu Thế Lan (Shilan Zhao), 58 tuổi, ở Newcastle, Hoa Thịnh Đốn, đã nhận tội vào tháng 01/2017 khi âm mưu với chồng cũ của mình nhằm thể hiện giả dối là họ vẫn còn kết hôn và khai man về nguồn vốn đầu tư ngoại quốc của ông Triệu, vốn được yêu cầu theo chương trình nhà đầu tư nhập cư EB-5 để có được thị thực nhập cư Hoa Kỳ. Dự kiến bà sẽ bị kết án vào tháng Ba tới.

Thanh Tâm biên dịch

Nam Hàn tổ chức đàm phán với Trung Quốc sau khi hủy bỏ lời mời Đài Loan

Aldgra Fredly

Một bức ảnh tư liệu của Thứ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Choi Jong-kun trong một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao ở Seoul, Nam Hàn hôm 09/12/2020. (Ảnh: Jang Dong-Gyu-Korea Pool/Getty Images) Đông Dương

Hôm thứ Năm (23/12), Nam Hàn đã tổ chức các cuộc đàm phán chiến lược với Trung Quốc để thảo luận về mối bang giao song phương của hai nước sau khi Seoul từ chối lời mời một bộ trưởng Đài Loan tham gia hội họp vào tuần trước viện lý do “các vấn đề xuyên eo biển”.

Thông qua Twitter, Thứ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Choi Jong-kun cho biết ông đã thảo luận trực tuyến với người đồng cấp phía Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) về mối bang giao song phương của hai nước, sự ổn định trong khu vực, và các nỗ lực hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Ông nói: “Vào năm 2022, hai quốc gia của chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm ngày bình thường hóa ngoại giao.”

Hai bộ trưởng cũng nói chuyện về việc Bắc Kinh chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022, trong đó ông Choi bày tỏ Seoul hy vọng Bắc Kinh sẽ tổ chức thành công sự kiện này nhưng không đề cập đến việc phái đoàn của Nam Hàn đến tham dự sự kiện, hãng truyền thông nhà nước Yonhap đưa tin.

Thế vận hội Mùa đông 2022 đã vấp phải các cuộc tẩy chay ngoại giao từ một số quốc gia phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Anh Quốc, Canada, Lithuania, và New Zealand, nhằm phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Tân Cương. Tất cả các quốc gia tham gia vào cuộc tẩy chay [ngoại giao] này vẫn sẽ cho phép các vận động viên của họ thi đấu tại thế vận hội.

Hôm 13/12, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng Nam Hàn sẽ không tham gia vào cuộc tẩy chay ngoại giao đối với thế vận hội, với lý do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để “khởi động việc phi hạt nhân hóa” của Bắc Hàn trên bán đảo này.

Cả ông Choi và ông Lạc đều đồng tình về sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định trong khu vực và hướng tới các cuộc thảo luận cởi mở với Bắc Hàn về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Bắc Hàn diễn ra ngay sau khi Đài Loan phản đối việc Nam Hàn hủy bỏ lời mời Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Đường Phượng (Audrey Tang) tham gia diễn thuyết trực tuyến tại một hội nghị hồi tuần trước ở Seoul.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou tuyên bố rằng Seoul đã hủy bỏ lời mời được gửi hồi tháng Chín của mình chỉ vài giờ trước khi sự kiện đó diễn ra do “những khía cạnh khác nhau của các vấn đề xuyên eo biển,” Thời báo Đài Bắc đưa tin.

Bộ Ngoại giao Đài Loan gọi hành động hủy bỏ vào phút chót này của Nam Hàn là “thô lỗ” và đã triệu tập quyền đại diện của Nam Hàn đến Đài Bắc để truyền đạt việc Đài Loan rất không hài lòng [với hành động đó].

Đáp lại, một quan chức chính phủ Nam Hàn giải thích việc hủy bỏ này được đưa ra tuân theo các nguyên tắc ngoại giao của nước này “thay vì đặc biệt để tâm đến Trung Quốc,” hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

“Lời mời Bộ trưởng Đường bị hủy bỏ đã được quyết định sau khi xem xét toàn diện các tình huống liên quan,” vị quan chức này nói với các phóng viên, mà không giải thích thêm về những lý do phía sau quyết định đó.

Đài Loan đã đang tự quản kể từ năm 1949, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo được cai quản dân chủ này là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ đưa hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của mình bằng vũ lực nếu cần thiết.

Cẩm An biên dịch


Related posts