TT Biden ký dự luật cấm hàng nhập cảng Trung Quốc do lao động cưỡng bức sản xuất

Nick Ciolino

Tổng thống Joe Biden trình bày về việc ứng phó và chích vaccine ngừa COVID-19, hôm thứ Ba, ngày 21/12/2021, tại Phòng Quốc Yến ở Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: AP Photo/Patrick Semansky) Hoa Kỳ

Hôm thứ Năm (23/12), Tòa Bạch Ốc thông báo Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một dự luật cấm hàng hóa nhập cảng từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về nạn lao động cưỡng bức.

Dự luật này thể hiện một bước đi nữa trong việc Hoa Kỳ phản đối cách đối xử của Bắc Kinh với cộng đồng người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Chính phủ TT Biden đã chính thức lên án việc Trung Quốc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng trong một báo cáo được công bố hồi tháng Ba.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ được ký hôm 23/12 đã thông qua việc cấm hàng hóa nhập cảng từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân ngoại quốc chịu trách nhiệm về lao động cưỡng bức trong khu vực này.

“Chúng tôi tin rằng khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế nên phản đối việc CHND Trung Hoa vũ khí hóa các thị trường của mình để kìm hãm sự ủng hộ đối với nhân quyền,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (23/12). “Chúng tôi cũng nghĩ rằng các công ty Mỹ không bao giờ nên cảm thấy cần phải xin lỗi vì đã đứng lên bảo vệ các quyền căn bản của con người hoặc phản đối sự đàn áp.”

Bà nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các ngành công nghiệp phải bảo đảm rằng họ không được tìm nguồn cung ứng các sản phẩm có liên quan đến nạn lao động cưỡng bức, kể cả lao động cưỡng bức từ vùng Tân Cương.”

Dự luật này, do Dân biểu James McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) bảo trợ, đặt trách nhiệm cho Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) xác định xem hàng hóa từ Tân Cương có phải do lao động cưỡng bức sản xuất hay không. Dự luật này cũng cho rằng hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương, nơi Trung Quốc đã thành lập các trại lao động người Duy Ngô Nhĩ do lao động cưỡng bức thực hiện trừ khi được chứng minh theo cách khác.

Dự luật này cũng đề cập đến bông, cà chua, và các tấm polysilicon được sử dụng cho các tấm pin mặt trời như các lĩnh vực “ưu tiên hàng đầu.”

CBP ước tính khoảng 9 tỷ USD các sản phẩm bông và 10 triệu USD các sản phẩm cà chua đã được nhập cảng từ Trung Quốc trong năm vừa qua.

Trong những ngày cuối cùng của tháng Một, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã công bố lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua của Tân Cương.

Ông McGovern cho biết: “Đây là một dự luật lưỡng đảng mạnh mẽ với một mục đích đơn giản: ngăn chính phủ Trung Quốc bóc lột người Duy Ngô Nhĩ.”

Dự luật này cũng quy định rằng tổng thống sẽ báo cáo định kỳ với Quốc hội về danh sách các tổ chức ngoại quốc đang tạo điều kiện cho các nhóm thiểu số Hồi Giáo bị cưỡng bức lao động ở Tân Cương và áp đặt các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản đối với những tổ chức đó.

Việc ký dự luật này diễn ra vài tuần sau khi Tòa Bạch Ốc tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.

Tòa Bạch Ốc cho biết, hôm 15/11, TT Biden nói chuyện lần cuối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp trực tuyến, trong đó ông Biden nêu lên mối lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Ông Nick Ciolino chuyên đưa tin về Tòa Bạch Ốc.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts