Nhìn lại 2021

Vũ Hiến

Sau một năm mất mát vì đại dịch, nhiều kỳ vọng hứa hẹn cho năm 2021: Thuốc chủng ngừa bắt đầu được phân phối rộng rãi, kinh tế được dự đoán khởi sắc trở lại và nước Mỹ có một tổng thống mới với lời hứa sẽ mang lại sự hoà giải trong dân chúng sau cuộc bầu cử đầy gay cấn và ồn ào. Nay nhìn lại một cách tổng quát ta thấy tình hình của năm 2021 cũng không sáng sủa hơn so với năm 2020, và ở một vài khía cạnh, tình hình có vẻ xấu đi.

Năm 2021 nhìn lại – nguồn USA Today

Nhiều nhà lãnh đạo chính trị đưa ra lời hứa là sẽ chấm dứt thảm hoạ Covid-19 để mọi người trở lại cuộc sống bình thường, nhưng điều thực tế là Covid cho đến nay vẫn còn và đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người và lây nhiễm cho hàng trăm triệu người khác trên thế giới. Khi một biến thể vừa mới phai mờ thì một biến thể khác lại xuất hiện khiến cho các chuyên gia về y tế lại một lần nữa phải thay đổi nhận định của họ về tình hình của đại dịch. Khởi đầu của năm 2021 với biến thể alpha, rồi sau đó là sự tàn phá của biến thể delta. Và mới đây nhất thế giới đang phải đối diện với đe doạ từ biến thể omicron.

Thị trường chứng khoán mặc dù có những chao đảo nhưng vẫn tiếp tục tăng mạnh, giá nhà lên cao ngất, và cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ đã cho mở lại các đường bay quốc tế cho phép khách du lịch được ra vào nước Mỹ, nhiều người thân trong gia đình có cơ hội gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách, đặc biệt là vào thời điểm của mùa lễ cuối năm.

Ðiểm nổi bật nhất trong năm có lẽ là cuộc tranh luận đúng sai giữa tiêm chủng và không tiêm chủng, cho dù lý do là vì vấn đề địa lý, tình trạng có thuốc hay không ở nơi đó, hoặc đơn giản chỉ là sự lựa chọn cá nhân. Một đợt lây nhiễm khác đang thành hình trong khi khu vực bắc bán cầu đang bước vào mùa Ðông. Trong lúc đó thì nhiều quốc gia nghèo trên thế giới hiện vẫn đang chờ đợi để được phân phát thuốc, thì Hoa Kỳ và châu Âu đang phải đối mặt với một thiểu số dân chúng cho đến nay vẫn nhất định khước từ tiêm chủng.Xem thêm:   Địa thuyền

Nhiều chính phủ trên thế giới đang ngày càng siết chặt kiểm soát hơn đối với nhóm thiểu số chống đối này. Các biện pháp mạnh được thực hiện gây ra những cuộc biểu tình lớn sau khi những người không chịu chích ngừa bị cấm đến ăn tại nhà hàng, hoặc đáng nói hơn, không được đi làm tại các hãng xưởng.

Chuyến bay lên không gian của phi thuyền SpaceShipTwo – nguồn Reuters

Do đại dịch mà nay người ta nhận thấy một số khuyết điểm của nền kinh tế toàn cầu hoá. Trong khi kinh tế khởi sắc trở lại, thì chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn do tình trạng thiếu hụt, có thể là vì thiếu hàng hoá hoặc vì thiếu người để vận chuyển. Sự thiếu hụt nhân lực trong thị trường lao động đã đẩy tiền lương lên cao, cùng với một vài chính sách kinh tế sai lầm khiến cho chi phí của mọi thứ mặt hàng, trong đó có những món thiết yếu trong cuộc sống thường ngày, từ thực phẩm cho đến hơi đốt để sưởi ấm trong mùa Ðông, tăng vọt khiến cho mức lạm phát của nước Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng hơn ba thập niên qua tạo thêm khó khăn kinh tế cho nhiều gia đình. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng lạm phát sẽ thay đổi trong những tháng tới.

Trong thế giới của địa chính trị, tình trạng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chủ đề được nói tới nhiều nhất và có khả năng sẽ còn tiếp tục như thế trong năm 2022. Tuy nhiên, một số điểm nóng khác trên thế giới ngay vào lúc này dường như có vẻ nguy hiểm hơn, trong đó ý đồ thôn tính Ukraine của Nga đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Năm 2021 cũng là năm mà sự lưu hành của nhiều loại tiền điện tử (crypto) đang đi vào dòng chính và đang trở thành một thứ tài sản mà thế giới tài chánh không thể chối bỏ như những năm trước đây nữa. Tuy nhiên, sự chia rẽ và khác biệt quan điểm giữa nhóm người ủng hộ và nhóm người hoài nghi về loại tiền điện tử có thể sẽ còn rộng lớn hơn và các cuộc tranh cãi sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Nhưng bên cạnh một số thất bại thì vẫn có những thành quả đạt được và đáng được ghi nhận. Trong số đó có nhiều thành quả mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa được nghe tới, và là những thành quả có tiềm năng góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.

Bản đồ Nam Đại Dương – nguồn Firstpost

Một trong những thành quả nên được nhắc tới trước hết là trong lãnh vực không gian. Trong một bước tiến quan trọng để biến ngành du lịch không gian trở thành hiện thực, nhà sáng lập công ty hàng không Virgin Galactic đã thắng cuộc chạy đua không gian giữa các nhà tỷ phú, phóng lên bầu trời vào tháng 7 chiếc SpaceShipTwo, là một phi thuyền có cánh được chế tạo bởi công ty hàng không nói trên. 9 ngày sau đó, Jeff Bezos, nhà sáng lập công ty Amazon và Blue Origin, tham gia vào câu lạc bộ không gian của các nhà tỷ phú trong chiếc phi thuyền có tên New Shepard của ông.

Trong khi đó phi thuyền Crew Dragon của công ty không gian tư nhân SpaceX đã đưa 4 hành khách lên không gian và bay vòng quanh trái đất trong 3 ngày mà không cần tới sự có mặt của bất cứ phi hành gia chuyên nghiệp nào trên chuyến bay. Chuyến đi lên không gian này được dẫn đầu bởi nhà tỷ phú Jared Isaacman và cũng là tổng giám đốc của công ty Shift4 Payments với sứ mạng có tên gọi là Inspiration4 để quyên tiền cho Bệnh viện St. Jude chuyên về nghiên cứu các căn bệnh của trẻ em.

Nhiều người trong chúng ta chắc còn nhớ cũng vào cuối tháng 7, cơ quan không gian NASA đã thực hiện thành công đưa được chiếc xe thám hiểm Perseverance đáp lên hoả tinh. Trên chiếc xe này có gắn một chiếc máy có tên là MOXIE và mới đây chiếc máy này đã chuyển đổi thành công một số khí, chủ yếu là khí carbon dioxide, trong bầu khí quyển của hoả tinh thành dưỡng khí oxygen. Mặc dù kỹ thuật này còn trong giai đoạn đầu, nhưng nó mang lại nhiều hy vọng là sẽ giúp thúc đẩy sứ mạng đưa người lên hoả tinh trong tương lai có thể thành hiện thực.

Ngôi trường đầu tiên được xây bằng kỹ thuật in 3 chiều – nguồn ZNews Pro

Một thành quả khác của năm 2021 là một trường học được xây bằng kỹ thuật in 3 chiều (3-D printing) đầu tiên trên thế giới đã được khánh thành vào tháng 7 tại Malawi, một trong những quốc gia nghèo nhất ở Phi châu. Trường học được xây dựng bởi dự án 14Trees, là một sự hợp tác giữa một công ty xây dựng của Anh Quốc và một công ty Thuỵ Sĩ chuyên về nguyên liệu xây dựng. Các nhà tổ chức dự án hy vọng kỹ thuật xây nhà nhanh và rẻ có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu trường học tại quốc gia nói trên.

Trong mấy năm qua, nền tự do báo chí đã bị đàn áp nặng nề tại nhiều nơi trên thế giới, điển hình như tại Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, công việc của các nhà báo tự do đã được ghi nhận sau khi giải Nobel Hoà bình được đồng trao cho nữ ký giả Maria Ressa của Phi Luật Tân nhờ những bài báo dũng cảm của bà vạch trần chiến thuật phản nhân quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy tại xứ này. Giải cũng được đồng trao cho ký giả người Nga Dmitry Muratov, chủ bút tờ báo tự do Novaya Gazeta, được nhiều người biết tới vì đã dám thẳng thắn chỉ trích những chính sách của điện Kremlin. Những ký giả tự do này đã can đảm viết lên sự thật mặc dù tính mạng của họ luôn bị đe doạ từ những thế lực đen tối.

Và cuối cùng không biết có nên gọi là một thành quả hay không nhưng là điều đáng được ghi nhận của năm 2021. Ngày Ðại dương Thế giới của Liên Hiệp Quốc năm nay rơi vào thứ Ba 8 tháng 6, và trong ngày này, tổ chức National Geographic Society đã chính thức công nhận một dòng nước chảy xiết bao quanh Nam Cực và được đặt tên là Nam Ðại Dương (Southern Ocean). Tổ chức nói trên, đã từng xuất bản nhiều loại bản đồ và địa dư thế giới kể từ năm 1915, gần đây đã vẽ một bản đồ mới ghi nhận vùng nước mới mà nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ năm qua đã phân định và tách rời nó với Ðại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương và Bắc Băng Dương. Nay Nam Ðại Dương chính thức trở thành đại dương thứ năm của thế giới. Câu “tứ hải giai huynh đệ” hay “bốn bể một nhà” có thể nói đã bị lỗi thời rồi.

Related posts