Ở các bài phát biểu của hầu hết các lãnh đạo Việt Nam vào các dịp lễ, Tết… các dịp quan trọng tại Việt Nam, cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” luôn được nhắc tới. Vậy, “bản sắc dân tộc” của Việt Nam là gì? “Đậm đà” tới đâu?
Vì, các bạn trẻ xứ ta đâu có “mặc đồ gần như hở cả trên dưới để ra đường” riêng gì mùa Halloween đâu. Noel họ cũng cởi, Tết Trung Thu họ cũng cởi, Tết thiếu nhi họ cũng thích quấn tã như trẻ sơ sinh ra đường… Thậm chí đội Việt Nam đá banh thắng/thua họ cũng không thích mặc đồ – nhiều người rủ nhau ra giữa đường xé phăng áo ngực chọi nhau. Tóm lại là buồn cũng cởi mà vui cũng cởi… Ở các tỉnh hiện nay có nhiều nơi dành riêng cho giới trẻ tụ tập buổi tối rảnh rỗi, dịp cuối tuần, các dịp lễ hội… Nhiều chỗ được gọi là “phố đi bộ”. Tối nào buồn buồn, hãy ra đó ngồi, bạn sẽ tha hồ nhìn những cô gái lẫn người có giới tính thứ 3, thậm chí có cả các chàng trai hở hang hết cỡ, tạo sự chú ý. Ai phê phán sẽ bị cho là “cổ lỗ sĩ”, da người ta thì người ta khoe, mắc gì lên án… Lâu lâu, hên lắm mới có người bị phạt tiền vì “vi phạm thuần phong mỹ tục” do cởi đồ giữa chốn ba quân, dân tình lên án quá. Nhưng số người bị phạt (lẫn chấp nhận bị phạt để được hở hang, được chú ý) quá ít so với số người sợ bị phạt, sợ bị xã hội lên án. Nên việc này dần trở thành chuyện cơm bữa. “Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Mà con đường này có lẽ là đường đất đỏ, không phải đường nhựa, đường bê tông. Vì đi tới đâu, lấm lem tới đó…
Dầu có rất nhiều người bị phạt với nguyên nhân “vi phạm thuần phong mỹ tục” như: Cửa hàng/siêu thị bị phạt vì cho các nhân viên mặc đồ thừa da ít vải đứng quảng cáo sản phẩm, các diễn viên/người mẫu/ca sĩ… bị cấm diễn/phạt tiền vì diện đồ hở hang dự các sự kiện truyền thông, nhiều cuốn sách bị cấm lưu hành/tịch thu không có lý do rõ ràng, quy định đặt tên doanh nghiệp không được gây hiểu lầm, bảng quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của Coca Cola bị phạt 25 triệu đồng – bởi ai đó cho rằng từ “lon” có thể “vi phạm thuần phong mỹ tục” nếu người nào buồn thêm dấu vào…. Nhưng “thuần phong mỹ tục” là gì vẫn chưa ai giải thích được. Nếu là không được dùng từ “dễ gây hiểu lầm” cho các vị mang sứ mệnh kiểm duyệt (mà thích tự bỏ dấu bậy bạ xong đổ thừa người dân – như vụ “mở lon Việt Nam). Thì chắc phải mướn người trong “Bộ văn hóa VN” sáng tạo các khẩu hiệu quảng cáo, tên công ty, chấp bút cho các cuốn sách… mới “an toàn”. Trong Luật quảng cáo và văn bản hướng dẫn thi hành Luật quảng cáo cũng không ghi rõ “thuần phong mỹ tục” là gì. Bởi vì không rõ ràng, không được giải thích tường tận, người ta quy chung mọi hành động theo “chuẩn mực xã hội” mà tính toán. Ai sai “chuẩn mực xã hội”, thì người đó “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Mà “chuẩn mực xã hội” cũng mơ hồ như thế, mỗi người một chuẩn mực riêng. Người thì tôn sùng “tiên học lễ, hậu học văn”, người lại thích “tiên học phí, hậu học thêm”. Người thì thấy “mở lon Việt Nam”, đơn giản là mở cái lon thôi. Kẻ lại thấy nên cho dấu vào cái lon rồi mở…
Còn “bản sắc dân tộc” Việt đang đi lạc ở đâu? Khi đa số thứ hiện diện xung quanh người dân và quen thuộc với giới trẻ đều là copy, thậm chí là ăn trộm hoặc giành giựt từ các nước khác, nhất là văn hóa/nghệ thuật – thứ đánh dấu cho từng thời đại của nhân loài. Giờ bắt cái ghế ngồi ngay ngã tư từ sáng tới chiều, tìm đỏ con mắt chắc không thấy được nổi thứ nhìn vào là biết của Việt Nam liền. Phim/nhạc thì sao chép một ít của Mỹ, một ít của Tàu, các nước xung quanh. Hình tượng diễn viên/ca sĩ thì rập khuôn Hàn, Thái, Mỹ… Tác phẩm/nhân vật nổi bật, có thể làm đại diện để chống cổ dải đất hình chữ S ngẩng cao đầu với thế giới, hơn 40 năm qua hầu như không có. Nhưng những bê bối, sự kiện xấu xí thì hơi nhiều… Luật lệ được các đại biểu đề nghị trên chính trường những năm gần đây cũng đều có bóng dáng sao chép từ các nước khác. Giới trẻ thì quen với Halloween, Noel, lễ Thất Tịch (của Tàu), lễ độc thân, Valentine (+ Valentine trắng), ngày cá tháng 4 (ngày nói dối)… cùng 7×7=49 cái lễ khác, không “khai sanh” tại Việt Nam. Và vì không khai sanh tại Việt Nam, nên sự “ăn ké” của giới trẻ Việt không hề đúng với ý nghĩa của ngày lễ tại nước người ta. Người đáng ra được “chơi lễ” lại ở nhà. Người không liên quan lại ra đường gây kẹt xe…
Như Halloween, ở nước ngoài thì người lớn trang trí nhà cửa/chuẩn bị bánh bí đỏ, bánh mì táo, rượu vang… cùng ngồi với nhau ăn uống chúc phúc, còn trẻ em thì hóa trang đi gõ cửa nhà người lớn xin kẹo. Ở Việt Nam, thì người ta nghĩ rằng phải trang điểm/hóa trang càng ghê rợn, càng xấu xí càng tốt… Sau đó đi nhậu, đi bar, chơi bời thác loạn, một số ít thì ra chỗ đông người khoe thân, tạo sự chú ý… Dầu làm gì thì trẻ em ở Việt Nam đều không được tham dự, tất cả đều là trò của người lớn. Liên quan đến trẻ em chắc chỉ có một hành động là tạo ra chúng sau mỗi cuộc vui mà thôi…
Thứ chi xịn nhất/mắc nhất được thế giới phát minh ra, Việt Nam đều có người mua được. Trừ nhân quyền và sự tự do ngôn luận còn hạn chế ra, dân Việt có hết mọi thứ còn lại nếu có tiền mua, có kiến thức dùng. Nhưng có bao giờ bạn hỏi, tại sao Việt Nam mình có rất nhiều ngày dành cho phụ nữ, từ Việt tới Tây rồi Tàu như: Ngày Phụ nữ xã hội chủ nghĩa (8-3), Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn (15-10), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (25-11), Ngày của Mẹ v.v. nhưng phụ nữ vẫn bị bạo hành, phân biệt đối xử. Chúng ta có internet nhưng con người ta vẫn không thể văn minh, cập nhật điều hay kịp thời… Bắt chước thiên hạ nhưng toàn không tới chốn. Chúng ta có đủ mọi loại Tết như: Tết Tây, Tết Ta, Tết Trung Thu, Tết Ðoan Ngọ… nhưng không có cái Tết nào trọn vẹn chữ Tết. Mỗi cái Tết đều có những bận rộn, tính toán riêng. Nhiều khi người ta còn trông cho đừng tới Tết Ta, tại sao? Có phải vì “bản sắc dân tộc” không đủ “đậm đà”? Hay do “thuần phong mỹ tục” đã vơi đi ít nhiều?
Ðể trả lời câu hỏi này, chắc phải mời những người bỏ dấu cho «cái lon» trả lời.