Ngoại trưởng Đức không tham dự Olympic Bắc Kinh, kêu gọi EU cấm sản phẩm lao động nô lệ

Minh Anh

Ngoại trưởng Đức không tham dự Olympic Bắc Kinh, kêu gọi EU cấm sản phẩm lao động nô lệ
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Tobias Schwarz / AFP qua Getty)

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố rằng bà sẽ không tham dự Olympic Bắc Kinh 2022, đồng thời kêu gọi cấm nhập khẩu các sản phẩm lao động nô lệ trong Liên minh Châu Âu (EU).

Hãng thông tấn Đức DPA đăng một bài bình luận hôm 29/12, nói rằng bà Baerbock tuyên bố không tham dự Olympic Bắc Kinh là quyết định cá nhân của bà, không phải phương hướng chính thức của chính phủ Đức.

Tháng 12 năm nay, bà Baerbock và Đảng Xanh đã gia nhập chính phủ mới của Đức và thành lập liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Olaf Scholz. Chính phủ mới có lập trường chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Tuy nhiên, tờ Politico đưa tin rằng, vẫn chưa chắc liệu ông Scholz có ủng hộ lập trường chỉ trích này đối với Bắc Kinh hay không, vì thủ tướng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước rằng muốn làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Baerbock nói rằng bà ủng hộ nghị quyết của Nghị viện Châu Âu (EP) về việc cấm tất cả các sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức vào thị trường EU. 

Nhiều bằng chứng và các cuộc điều tra cho thấy, ĐCSTQ cưỡng bức lao động đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các nhà máy ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn bác bỏ những cáo buộc này.

Theo dữ liệu năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn nhập khẩu chính của EU.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật cấm nhập khẩu các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng, những chính sách và phương thức thực thi của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tháng 9/2021 rằng, bà hy vọng sẽ áp đặt lệnh cấm EU nhập khẩu các sản phẩm lao động cưỡng bức, nhưng biện pháp này vẫn đang được thảo luận.

Trước đó EP tuyên bố rằng, cơ quan này đã nhất trí tạm dừng phê chuẩn Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc, sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. 

Ngày 17/3 năm nay, các đại sứ của 27 nước EU đã nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc ĐCSTQ. Trong đó bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 4 quan chức ĐCSTQ và một thực thể Trung Quốc. 

Đây là lần đầu tiên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh kể từ sau thảm sát ở Quảng trường Thiên Môn năm 1989.

Trả đũa động thái của EU, ĐCSTQ đã tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với 10 chính trị gia và các nhà học giả, cơ quan ngoại giao EU.

Ngoài ra, nối gót Mỹ, Úc, Canada, Anh, v.v. đã tiến hành tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh 2022.

Ngoại trưởng Đức Baerbock nói rằng: “Tôi là một người hâm mộ thể thao, nhưng tôi chắc chắn sẽ không tham dự Olympic vào thời điểm này. Điều này cũng không thường thấy với các ngoại trưởng trong quá khứ”.

Bà nói thêm rằng EU vẫn đang thảo luận về việc có nên cùng tham gia vào hoạt động tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh hay không.

Minh Anh 

Theo The Epoch Times

Related posts