Không còn vì lợi ích cổ đông, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ chỉ phục vụ ĐCSTQ

Lê Minh

Một người đàn ông đạp xe ngang qua bảng hiệu của Tencent, công ty mẹ của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat, bên ngoài trụ sở Tencent ở Bắc Kinh, hôm 07/08/2020. (Ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)

Bằng việc mua “cổ phần vàng”, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tăng cường thống trị lĩnh vực kinh tế tư nhân. Nhiều ông lớn công nghệ đã là nạn nhân của sự khống chế này. Từ đây trở về sau, các công ty tư nhân Trung Quốc sẽ hoạt động để phục vụ lợi ích của Đảng, chứ không còn phục vụ lợi ích của các cổ đông.

Các chuyên gia tài chính phương Tây từng phân định rằng ở Trung Quốc có 2 loại công ty: Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp Tư nhân (bao gồm cả công ty đại chúng).

Sự phân định đó đang ngày càng mất ý nghĩa. Chẳng bao lâu nữa, tất cả các công ty Trung Quốc đều có thể bị nhà nước kiểm soát.

Trung Quốc mở rộng thống trị đối với doanh nghiệp tư nhân

Theo những thông tin gần đây của Reuters, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mở rộng việc sử dụng cái gọi là “cổ phần vàng (golden shares)”. Cổ phần vàng là cổ phần sở hữu tài chính danh nghĩa trong một công ty tư nhân, chẳng hạn 1%; được bán cho một tổ chức thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Tổ chức mua cổ phần có thể là tổ chức chính phủ cấp địa phương, hoặc cấp tỉnh, hoặc tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu nhà nước. Bất chấp khoản đầu tư nhỏ, “cổ phần vàng” cho phép ĐCSTQ có một ghế trong hội đồng quản trị và quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp.

Sở hữu cổ phần vàng, ĐCSTQ trên thực tế có quyền kiểm soát đối với toàn bộ công ty. Mọi người có thể thắc mắc về những khó khăn khi ĐCSTQ phải quản lý quá nhiều công ty tư nhân. Đừng lo lắng! ĐCSTQ sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với tất cả vấn đề kinh doanh nếu họ muốn như vậy. Đảng này có thể quan tâm hoặc không quan tâm đến các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, nhưng sẽ có tiếng nói cuối cùng nếu họ muốn.

Điều này một lần nữa thay đổi tính toán của các nhà đầu tư Mỹ sở hữu cổ phiếu Trung Quốc. Các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng cổ phiếu Trung Quốc dưới một lăng kính khác với khi đánh giá cổ phiếu Mỹ. Cách thức quản lý quá mức này của ĐCSTQ đẩy chứng khoán Trung Quốc sâu hơn vào phân loại tài sản mang tính “đầu cơ”.

“Cổ phần vàng” lần đầu tiên được nhắc đến ở Trung Quốc khi ByteDance (công ty mẹ của TikTok) tiết lộ rằng họ đã bán số cổ phần như vậy cho một thực thể liên kết với ĐCSTQ. Thời điểm ByteDance công bố là hơn 1 năm rưỡi sau khi sự việc xảy ra.

Theo Reuters, công ty công nghệ vận tải đường bộ Trung Quốc Full Truck Alliance mới đây đã bán “cổ phần vàng” cho Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc – một doanh nghiệp được hỗ trợ bởi chính quyền Bắc Kinh. Công ty gọi xe DiDi và dịch vụ phát trực tuyến âm nhạc Ximalaya được cho là đang đàm phán về việc bán cổ phần “cổ phần vàng” cho các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước.

Cho đến nay, chỉ có một số công ty đã bán hoặc được báo cáo là đã bán ra “cổ phần vàng”. Hầu hết đều là các công ty công nghệ quản lý hàng tấn dữ liệu người dùng. Chúng ta có thể suy ra rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tất cả công ty công nghệ giàu dữ liệu nhận được điện thoại từ ĐCSTQ về vấn đề “cổ phiếu vàng”. Một phụ nữ đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, Bắc Kinh, ngày 16/9/2020. (Ảnh: Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Nhìn xa hơn, tất cả công ty hướng tới người tiêu dùng đều là những ‘cơ quan giúp việc’ tiềm năng của ĐCSTQ. Phạm vi các công ty bị kiểm soát sẽ chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của ĐCSTQ, khả năng thực thi, và các nguồn lực sẵn có của Đảng này.

Khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc có khả năng bị ĐCSTQ ‘xử lý’ trong thời điểm cần thiết. Trước đây, kế hoạch này vấp phải nhiều khó khăn, một phần đến từ việc bộ máy hành chính nhà nước Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc chính quyền nắm giữ “cổ phần vàng” trong mọi doanh nghiệp tư nhân đã đột nhiên giải quyết được nhiều thách thức.

Doanh nghiệp Trung Quốc chỉ được phục vụ lợi ích của ĐCSTQ

Tập đoàn công nghệ Tencent Holdings mới đây đã buộc phải bán 15% cổ phần của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com. Trong khi Tencent tuyên bố rằng việc mua bán là tự nguyện và các nhà phân tích phố Wall đã tự ‘uốn mình’ khi bình luận rằng đây là một “bước đi tốt” đối với các nhà đầu tư, thì trên thực tế, động thái này là một chỉ thị của Bắc Kinh.

Tencent nắm giữ cổ phần thiểu số trong nhiều công ty khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Meituan, Pinduoduo, Kuaishou, và nhiều công ty khác. Liệu Tencent có buộc phải bán các cổ phần đó của mình không? Thời gian sẽ trả lời.

Chúng ta không biết liệu có phải Tencent đã phát hành “cổ phần vàng” hay không, nhưng những gì diễn ra là khá giống với điều đó. Mục tiêu của ĐCSTQ là phong tỏa những công ty công nghệ khổng lồ để hạn chế quyền lực, ảnh hưởng, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của họ. Nếu các công ty trở nên quá quyền lực và độc lập, họ sẽ ít tôn trọng ĐCSTQ hơn và khó kiềm chế hơn (ví dụ như Alibaba và Jack Ma).

Ban lãnh đạo và các cổ đông của Tencent có lý do để giận dữ. Quyền sở hữu trong các công ty khởi nghiệp khác là một minh chứng cho thành công của Tencent. Sự tham dự của doanh nghiệp này vào các công ty tăng trưởng nhanh là đòn bẩy cho sự tăng trưởng trong tương lai. Nói theo cách khác, việc đầu tư như vậy là một thương vụ tốt.

Giờ đây, “cổ phần vàng” sẽ còng tay các công ty, khiến các công ty này không còn hoạt động vì lợi ích của họ hoặc lợi ích của các cổ đông. Câu thần chú “tối đa hóa giá trị cho cổ đông” không còn đúng nữa.

Trong tương lai, các công ty Trung Quốc sẽ tối đa hóa lợi ích của ĐCSTQ, bộ máy của Đảng, và cái gọi là an ninh quốc gia. Các cổ đông thực sự sẽ chỉ còn là những đối tác chỉ biết im lặng.

Từ trước đến nay câu chuyện vẫn luôn là như vậy; nhưng hiện nay, ý định kiểm soát của ĐCSTQ đã bộc lộ sáng tỏ như ban ngày.

Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – kinh tế và đã đóng góp các phân tích về kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Related posts