Chính quyền Trung Quốc bất ngờ phá dỡ nhà máy: Doanh nhân Đài Loan kiên quyết đòi bồi thường

Xuân Hoa

Thành phố Hạ Môn của Trung Quốc ở phía xa và quần đảo Kim Môn của Đài Loan ở phía trước, khi nhìn từ vùng trời phía trên Kim Môn, Đài Loan, vào ngày 2/2/ 2021. (Ảnh: An Rong Xu / Getty Images)

Những khó khăn mà các doanh nghiệp Đài Loan đang phải đối mặt tại Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Vào ngày 5/12/2021, khi Phó tổng thống Đài Loan, ông Lại Thanh Đức, đến thăm quần đảo Kim Môn, ông đã gặp gỡ một doanh nhân Đài Loan họ Vương, người từng kinh doanh ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Kim Môn là một nhóm các đảo do Đài Loan quản lý và là tiền tuyến đối diện với Hạ Môn thuộc Trung Quốc. Ông Lại Thanh Đức đến Kim Môn vào tháng 12 để giải thích các chính sách của chính phủ Đài Loan trước cuộc trưng cầu dân ý về 4 vấn đề chính trị và xã hội.

Ông Vương đã nói với đại điện chính phủ Đài Loan rằng nhà máy công nghệ môi trường của ông ở Tân Cương, Trung Quốc, đã bất ngờ bị chính quyền Trung Quốc phá bỏ vào cuối tháng 11 mà không hề báo trước. Ông hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ Đài Loan để có được công lý. Sau đó, ông Vương cho biết, chính phủ Đài Loan đã hứa sẽ giúp ông.

Ông Vương nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng ông tạm thời về Kim Môn vào năm 2019 để đưa con nhập trường; nhưng sau đó đã không thể quay lại Trung Quốc do đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn này, ông làm việc từ xa để giải quyết chuyện kinh doanh của nhà máy ở Tân Cương, giữ liên lạc với các nhân viên Trung Quốc, và duy trì hoạt động của nhà máy. Mọi thứ vẫn bình thường và ông không nhận thấy điều gì bất thường.

Nhưng vào tháng 11/2021, các nhân viên nói với ông rằng, chính quyền Trung Quốc đã cử người đến phá dỡ nhà máy mà không hề báo trước. Toàn bộ nhà máy bị phá hủy rất nhanh chóng. Ông Vương nói rằng một số thiết bị trong nhà máy được sử dụng để xử lý dầu khử nước (hay dầu mất nước) – mỗi thiết bị trị giá hơn 500.000 CNY (79.000 USD) – đã biến mất. Ông ước tính, thiệt hại chung lên tới hàng chục triệu CNY (hàng triệu USD). Ông cũng cho biết sau khi sự việc xảy ra, ông đã lập tức liên hệ với cơ quan chức năng Trung Quốc, tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Sau khi ông Vương kiến ​​nghị với Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã giải quyết vụ việc này vào ngày 15/12. Văn phòng này tuyên bố, theo thỏa thuận, miếng đất của ông Vương ở Tân Cương không được sử dụng để trồng trọt và chăn nuôi; và công ty của ông đã vi phạm các quy định. Quan chức Trung Quốc khẳng định họ đã nhiều lần liên lạc với doanh nhân Đài Loan họ Vương nhưng không nhận được hồi đáp.

“Những gì Văn phòng các vấn đề Đài Loan nói là hoàn toàn vô lý”, ông Vương cho biết. “Tôi đã mua quyền sử dụng đất bằng tiền của mình”. Năm 2007, do chính quyền địa phương cấm chăn nuôi nên ông đã làm hồ sơ xin chính quyền địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Vương giải thích. Cục Đất đai và Tài nguyên địa phương đã đến khu đất để khảo sát. Các cơ quan có liên quan đã chấp thuận việc chuyển đổi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương mới đây lại trực tiếp đến phá dỡ nhà máy của ông mà không hề thông báo.

Ông Vương cho biết ông đang đòi khoản bồi thường hơn 40 triệu CNY (6,3 triệu USD) từ Trung Quốc, bao gồm bồi thường cho việc thu hồi đất bắt buộc và việc mất nhà máy và thiết bị. “Tôi hy vọng nhận được một lời giải thích hợp lý và công bằng”, ông Vương nói.

Ông Vương cho rằng ông đã thật may mắn khi kiến ​​nghị với chính phủ Đài Loan. Các bộ phận liên quan đang tích cực liên hệ với chính quyền Trung Quốc để giải quyết vấn đề của ông.

“Tôi đã từng rất ủng hộ Trung Quốc; và bây giờ tôi cuối cùng đã biết lý do tại sao mọi người đều muốn chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Vương chia sẻ. Ông giải thích thêm, sự thay đổi trong suy nghĩ của ông đến từ sự cố này; và ông đã nhận ra bản chất của ĐCSTQ. Họ không quan tâm đến nhân quyền và các nguyên tắc. Họ chỉ bắt bớ người dân theo cách họ muốn. “Tôi bây giờ sẽ chống lại ĐCSTQ”. Doanh nhân họ Vương so sánh Trung Quốc với Đài Loan, “ở đây [Đài Loan] chúng tôi coi trọng luật pháp và dân chủ, và chúng tôi luôn chú trọng bảo vệ tài sản tư nhân. Tôi cảm thấy rằng Đài Loan thật tốt, và tôi phải trân trọng đất nước này”.

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times

Related posts