Bệnh Di Truyền… Lạ

Phan

image.png

Lúc này việc làm của tôi nhiều, bị áp lực công việc thì không nhưng cũng không thoải mái được với hoàn cảnh những người khác phải chờ mình. Bà sếp đến thương thảo với tôi phải nhận thêm người mới và chỉ dẫn họ làm phụ với tôi. Nhưng đó là chuyện tôi sợ nhất vì những người mình xin thường không được bởi họ cũng đang đầu tắt mặt tối như mình ở một xó khác, cái xó qủy tha ma bắt này cũng không ai muốn tới vì việc khó nên sai trật nhiều, trách nhiệm cũng nhiều mà lương cũng vậy. Chính vì lẽ đó mà tôi sợ một con gấu mẹ vĩ đại, hay một ông kẹ nào đó bị những nơi khác chờ dịp tống đi mà sếp đưa đến đây thì tôi chết chắc. Và bà sếp thì lúc nào cũng giỏi hơn những ông sếp trong cách dụng người. Vậy là từ đó, những người đang làm những việc làm khác mà rảnh tay là bị sếp điều đến giúp tôi, dù hết người này đến người khác đều không ai thích nên việc giữ hoà khí với đồng nghiệp, đồng hương càng khó cho tôi…

Hôm nay có hai người bạn làm chung được điều tới với tôi nguyên ngày. Ông bạn già thì cố gắng bằng thừa vì mắt kém, tay run. Người bạn trẻ lại quen làm việc nặng chứ không thích công việc đòi hỏi tỉ mỉ, một chút khéo tay và nhẹ nhàng…

Tôi nói hai người bạn, “hai ông cứ làm rể cho qua ngày, sếp mình là má vợ thì hai ông biết rồi, không bao giờ để cho ai được rảnh tay vì bà đã gả con gái thì nhà bà khỏi mua trâu…” Họ tán đồng ngay, anh em đều muốn làm việc chung với tôi cho vui, chỉ ngặt sếp ưa đì tôi làm việc khó nên họ ngại trách nhiệm. 

Thôi thì họ làm được gì làm, chỗ đồng nghiệp, đồng hương lại anh em cột chèo chung một mái nhà bà nhạc chằn ăn trăn quấn. Đến nửa ngày, hai người rách việc ngồi tán dóc. Tôi nghe người bạn trẻ nói với ông già, 

“Anh chị lớn tuổi rồi mà cãi nhau mỗi ngày như vậy thì làm sao sống nổi?”

Ông già thở dài, “Chứ anh hỏi em, tức ói máu mà không cãi thì anh ói ra lục phủ ngũ tạng anh luôn hả?”

“Cũng khổ cho anh, còn em khác. Em lấy vợ cũng lâu rồi, con em mười lăm tuổi rồi còn gì. Nhưng vợ em chưa bao giờ cãi em một tiếng…”

“Thiệt không vậy?” Ông già hỏi với cái nhướng mắt đầy nghi hoặc…

Người bạn trẻ trả lời chắc nịch, “Má vợ em có cãi, nhưng vợ em thì không bao giờ. Như cuối tuần nào đó, về nhà ngoại ăn hủ tiếu. Má vợ em nấu hủ tiếu Nam vang cho cả nhà ăn. Em khen, ‘má nấu hủ tiếu ngon quá, làm con nhớ hủ tiếu gõ ở Sài gòn…’ Má vợ em cãi liền, ‘cái anh này, má nấu hủ tiếu Nam vang đặc biệt cho cả nhà ăn, vậy mà nói giống hủ tiếu gõ được hà…’ Vợ em nói với má, ‘cứ ăn bằng tô, trong tô có sợi sợi và nước lèo nóng hổi thì ảnh gọi là hủ tiếu. Hơi đâu má cãi ảnh không biết phân biệt bún bò huế với bún mắm; bún riêu, bún mọc, bún nước lèo, mì quảng… ảnh gọi là hủ tiếu hết. Hủ tiếu gõ là ngon nhất đối với anh ấy…’

Anh thấy không, má vợ em không hiểu ý em nên mới cãi, chứ vợ em đi guốc trong bụng em rồi nên đâu có gì để cãi nữa.”

“Anh không tin đâu! Đàn ông còn nhịn vợ chứ đàn bà không bao giờ nhịn chồng.”

“Anh nói cũng đúng, vì em cũng thấy nhiều rồi. Hình như vợ chồng nào cũng cãi nhau thì mới ăn cơm được, nhưng vợ em chưa hề cãi em một tiếng? Sống với nhau mười mấy năm rồi, tính luôn mấy năm quen biết là có hai mươi năm hơn, vợ em chỉ biết ‘dạ’…”

Ông già thêm kinh ngạc nên phiền đến tôi, “Anh có tin nổi không?”

“Tin chứ sao không!” Tôi trả lời rồi nói tiếp, “… thấy vợ định làm bất cứ chuyện gì thì chồng cũng đều nói: Em để đó anh. Việc đó cực lắm, để anh làm cho…” Hay nói với vợ, “em thích ăn tôm hùm hả, ăn hết hai con luôn đi. Anh ăn mì gói, anh không thích tôm hùm lắm…” Thì vợ nào chẳng ‘dạ’; ‘dạ anh’ ngọt như Điêu Thuyền ‘dạ’ Lữ Bố thì Đổng Trác mới chết. Ngọt mật chết ruồi, giơ cao đánh khẽ… đều là đàn bà cả.”

Ông già tâm đắc với câu trả lời của tôi, nhưng vẫn hoài nghi anh bạn trẻ nên anh ta đưa ra dẫn chứng nhằm thuyết phục ông già…

“Như em đi làm về, em thường la lối om sòm, ‘em dọn dẹp hết mớ giày dép của hai má con chỗ máy giặt dùm anh, không là anh vụt hết vô thùng rác đó…’ Vợ em ‘dạ’ liền. Em chưa hết bực mình nên nẹt thêm, ‘có cần phải mua giày dép cả đống như vậy không, vừa hoang phí vừa chật chội, bừa bộn cả nhà…’ Vợ em ‘dạ’ lần nữa, ‘để em dọn liền’.

Nhưng em đi ra đi vô, ở nhà em lại thường đi chân không cho mát nên giẫm đạp lên mấy đôi giày cao gót làm mình đau chân muốn chết. Bực quá, em ngồi xuống, xếp hết giày dép lên kệ để giày dép cho thật ngay ngắn, ngăn nắp đúng ý em mới thôi.

Thường cuối tuần ở nhà, vợ nấu bữa ăn ngon cuối tuần là phải, nấu vài món cho tuần tới giở cơm đi làm là đúng quá rồi. Nhưng tuần nào cũng nấu chè, làm bánh… Lúc nào cái bồn rửa chén cũng tù lu tới em muốn rửa cái ly cà phê để uống trà cũng không được. Em la làng ỏm tỏi, “em rửa hết cho anh cái bồn rửa chén này liền lập tức. Cái gì mà tù lu tới anh muốn rửa cái ly cà phê để uống trà cũng không xoay được cái vòi nước qua bên nào hết.” Vợ em ‘dạ’ liền. ‘Dạ’ chắc như đinh đóng cột. Vậy mà em đi cắt cỏ vô, cái bồn rửa chén vẫn tù lu như cũ. Em la dữ hơn thì vợ em ‘dạ’ thêm lần nữa. Tới lần thứ ba thì em bực hết chịu nổi… em xắn tay áo.”

“Vậy là đầu hàng vô điều kiện rồi còn gì mà kể…” Ông già cười rất vui nhưng rõ là không vui kết luận.

Người bạn trẻ cũng không thua, “Em đâu có đầu hàng. Vì lúc mình giận thì la lối om sòm theo bản năng hay la, nhưng hồi bình tĩnh, ngẫm nghĩ mới thấy thương vợ. Vì không muốn con ăn chè, bánh bán ngoài chợ nên mới tự nấu ở nhà. Vì thương Phật bà, tổ tiên trên bàn thờ phải coi nhà cho vợ chồng đi làm, con đi học suốt cả tuần thì cuối tuần cũng nên mời Phật bà, mời tổ tiên ăn chén chè, miếng bánh bò nướng, miếng khoai lang chiên… Em cũng mặc cảm tội lỗi với bề trên lắm chứ. Hồi nhỏ thì muốn gì cũng nói với bà ngoại. Bây giờ ngoại ngồi trên bàn thờ thì thằng cháu cả năm không đốt được cây nhang. Em nói đúng không? Cả năm không đốt được cây nhang cho Phật bà, nhưng cứ hễ cáp độ cà na trong hãng với anh em là khấn Phật bà cho con thắng; dù chỉ cáp độ hộp bia, hay dĩa cánh gà cay đâu có bao nhiêu tiền…

Cứ như vậy, họ đã quên hẳn việc làm. Một già một trẻ chắc không nhớ cả hai đang còn trong hãng, đang giờ làm. Họ tiếp tục tâm sự râm ran…

“Anh biết không? Ăn cơm trưa xong là em nhắc, “giặt đồ đi em. Ngày mai đi làm rồi, anh hết vớ rồi đó.” Vợ em ‘dạ’. Nhưng chiều chủ nhật, mặt trời lặn tới mắt cá biển rồi, cũng không nghe tiếng máy giặt, máy sấy chạy gì hết. Em vô nhà tắm, thấy đống quần áo dơ như đồi thông hai mộ. Em bực quá… ôm hết đi giặt; cho vợ nấu mấy loại chè, làm mấy thứ bánh, cho Phật bà tiểu đường chơi, cho tổ tiên béo phì với nước cốt dừa thì chưa chắc nhưng ông ba má vợ ở gần nhà là có cơ hội hơn… ”

Ông già khoái chí, cười nắc nẻ. “Hay. Hay. Chiêu này hay. Anh học em đó. Từ nay vợ anh nói gì anh cũng ‘dạ’… rồi kệ mồ bả. Ba má vợ anh chết rồi chứ không anh cũng xúi vợ nấu chè, làm bánh nhiều nhiều vô vì má vợ anh người Quảng, ba vợ người Bình định thì em biết rồi…”

Đến anh bạn trẻ cười đồng tình vì trúng ý anh hay sao. Anh nói tiếp, “Hèn gì anh chị cãi lộn không biết mệt. Theo em thấy ‘cãi’ là bệnh di truyền, vì hầu hết anh chị em người Quảng trong hãng mình đều là thầy ‘cãi’. Em chỉ không ngờ ‘dạ’ cũng là bệnh di truyền. Để em kể cho anh nghe về một buổi trưa chủ nhật ở nhà em. Em đang coi trận banh cà na trên tivi thì nhỏ con gái em cứ gọi giật giọng mấy lần em cũng không rời mắt khỏi tivi vì đội nhà sắp ghi điểm, tới nó đến chỗ em đang ngồi, nắm tay em – dắt ba đi.

Hai cha con ra garage, nó kê sẵn cái ghế đẩu cao. Kéo, lược sắp sẵn. Nói, ‘ba cắt tóc giùm con. Con nực quá!” Em nói, ‘sao không nói mẹ, sao mẹ không cắt tóc cho con?’ Nó nhìn em thách thức thấy ghét, ‘vợ ba mà ba hỏi con! Con nói mẹ hai tuần rồi…’

Em cắt tóc cho con gái em xong. Em nói nó, ‘con quét dọn chỗ này rồi đi tắm gội. Nhắc mẹ trả tiền nhà cho ba, tới ngày rồi đó…” Nó ‘dạ’ rồi biến. Em quét dọn cho con mình thì có sao đâu, nhưng hồi em vô nhà thì thấy nó lên mạng, nó vô trang nhà của mortgage để trả tiền nhà, nhưng nó không biết password nên lúng túng. Em nói, ‘ba nói con nhắc mẹ trả tiền nhà chứ ba đâu có sai con làm.’ Nó ‘dạ’… rồi biến vô phòng. Bỏ cái laptop trên bàn ăn cho em.

Em ngồi xuống cái laptop, trả tiền nhà mà tức vợ vì em đã nói nhiều lần, ‘em phải biết hết mọi chuyện dính tới gia đình như tiền lương đi làm có vô chương mục nhà băng của mình đúng không? Rồi hằng tháng phải lên mạng trả tiền điện nước, tiền nhà ra làm sao, bao nhiêu, ngày nào là hạn chót trả tiền thẻ nhựa… Đâu phải cái gì cũng bỏ đó cho anh. Anh chết bất tử thì hai mẹ con ra chùa ở cho thầy lo hả?’ Nhưng cứ ‘dạ’ rồi đâu có làm. Nay truyền nhân đời thứ hai đã lộ diện, em nói con em là password trả tiền nhà, ba dán trên tủ lạnh cho mẹ con đó. Nó ‘dạ’ rồi biến vô phòng chứ đâu có làm. Càng giống mẹ hơn là con em cũng không bao giờ cãi, nói gì nó cũng ‘dạ’… nhưng không có làm. 

Tới hôm em giận quá, sáng nào vợ cũng đi làm trước, tới em rời nhà đi làm rồi con đi học sau. Hôm đó trời lạnh nên em nói con, ‘con nhớ mặc áo lạnh rồi mới ra xe buýt nha. Hôm nay càng về chiều trời càng lạnh đó. Nó ‘dạ’ nghe chắc nịch luôn. Nhưng em tin em hơn nên lấy cái áo lạnh của nó trùm lên cái ba lô đi học nó để trên sofa cho nó đừng quên. Chiều về, nó bị cảm vì không mặc áo lạnh. Em giận quá, ‘sao hồi sáng ba đã trùm cái áo lạnh lên ba lô của con rồi ba mới đi làm, sao không mặc?’ Nó… ‘dạ’. Em tức quá, ‘dạ cái gì mà dạ. Áo lạnh để sẵn cũng không mặc cho bị cảm rồi còn dạ dạ cái gì?’

Nó cười… ‘dạ con quên.’

Từ đó em tin, ‘dạ’ cũng di truyền như ‘cãi’ vậy anh ơi! Mình đừng để bụng thì không có chuyện gì xảy ra. Anh vô tới chỗ làm rồi còn tức chị nhà sáng nay cãi anh là anh tự hại anh làm việc thiếu tập trung vì phân tâm; chút nữa tới giờ nghỉ, uống ly cà phê cũng không ngon vì còn tức giận trong lòng…”

Ông già một chiều vì ông không biết mọi người cũng nghĩ về ông là một người hay cãi. Nhưng hôm nay ông thấm đòn, trúng quả anh bạn trẻ; ông tự nói tự nghe hơn là lẩm bẩm, ‘nhường nhịn cũng phải, nhưng sức người có hạn…’

Tôi vừa làm vừa hóng chuyện của hai người bạn, nhìn lên vách tường có đồng hồ, không ngờ đã tới giờ về. Thật cảm ơn họ đã giúp tôi một ngày làm qua mau, cảm ơn họ nhiều hơn về hiểu biết về những người hay cãi và cả những người không cãi nhưng họ đâu có làm. Hai căn bệnh lạ là bệnh ‘cãi’ và bệnh ‘dạ’ nhưng không làm có lẽ lạ với tôi vì mới biết…

Phan

Related posts