‘Quay lén’ đã trở thành một ngành kinh doanh ngầm ở mọi ngóc ngách của Trung Quốc

Shawn Lin

Cô Tang, một phụ nữ Trung Quốc, đã phát hiện những camera thu nhỏ được giấu trong nhiều căn phòng trong thời gian lưu trú tại khách sạn Linwu International ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hôm 07/10/2021. (Ảnh minh họa của The Epoch Times)

Vào lúc 2 giờ sáng, một người phụ nữ bước vào phòng tắm để tắm mà không biết rằng có một chiếc camera quay trộm đã được giấu trong lỗ thông gió trên trần nhà tắm. Một phóng viên ngầm của kênh thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng anh đã xem đoạn phim quay lén này trong một nhóm trò chuyện trực tuyến có thu phí và có hàng trăm người đang theo dõi.

Theo một bài báo hôm 22/12 trên kênh thông tấn chính thức “Legal Daily”, hoạt động kinh doanh quay trộm ở Trung Quốc đã trở nên hầu như phổ biến đối với mọi thành phần trong xã hội, từ đó mà quyền riêng tư của người dân được bán với giá rất rẻ.

Ngành công nghiệp “quay trộm” ngầm đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều năm. Người phóng viên trên đã tham gia vào nhiều nhóm trò chuyện và phát hiện rằng hoạt động kinh doanh bán hình ảnh từ camera quay trộm hiện nay ngày càng trở nên “chuyên biệt”; một số có camera quay trộm trong nhà vệ sinh và khách sạn, trong khi những người khác cung cấp các chương trình phát sóng quay trộm trực tiếp. Thậm chí, có người còn quay phim những phụ nữ nào mặc váy để chộp được khoảnh khắc vô tình váy bị vén lên. Ngoài ra, ngành kinh doanh này thậm chí còn phân nhánh xuống các ngành nghề: tiếp viên hàng không và sinh viên là hai trong số những nhóm nạn nhân chính.

Người phóng viên đã tìm thấy nhiều cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử bán các sản phẩm như máy quay trộm, nhưng các cửa hàng đó không nói rõ tính năng quay trộm trong phần mô tả sản phẩm của họ. Những sản phẩm này là những vật dụng cần thiết hàng ngày được chế biến thành máy quay trộm, chẳng hạn như bật lửa, USB, chìa khóa ô tô với tầm nhìn ban đêm, kính gắn camera, pin sạc và thậm chí cả sữa rửa mặt, chuông báo động điện tử, dao cạo râu, và loa Bluetooth. Người bán hàng cho biết đó là những camera có thời gian chờ siêu dài, đồng thời có khả năng giám sát từ xa, với giá từ vài trăm nhân dân tệ đến 2,000 nhân dân tệ (khoảng 310 USD).

Ngoài ra còn có những chiếc điện thoại đã được tùy chỉnh, trong đó có lắp thêm camera quay lén được giấu rất kỹ. Một người bán các loại camera cho điện thoại di động cho biết, những chiếc điện thoại được tùy chỉnh này trông không khác gì những chiếc điện thoại thông thường. Camera quay lén nằm ở cạnh bên của chiếc điện thoại, nên nếu người ta đặt nó nằm trên mặt bàn, thì nó có thể quay phim những vật dụng hoặc người ở bên cạnh nó. Loại điện thoại này có giá 1,000 hoặc 2,000 nhân dân tệ (157 USD đến 314 USD). Nếu người mua tự vận chuyển điện thoại của mình, thì họ sẽ chỉ mất 120 nhân dân tệ (19 USD) tiền phí chỉnh sửa.

Ngoài những trường hợp cố tình quay trộm nói trên, ngày nay có nhiều người lắp đặt camera giám sát trong nhà để bảo đảm an toàn và an ninh. Nhưng một số người lợi dụng thị trường này bằng cách sử dụng công nghệ của tin tặc để bẻ khóa và kiểm soát các camera gia đình, biến chúng thành các camera gián điệp nhắm vào chủ nhà.

Nhiều camera giám sát tại nhà sử dụng tên người dùng và mật khẩu mặc định, và những kẻ phạm tội đã lợi dụng điều đó, sử dụng phần mềm tấn công để quét các thiết bị nhằm tìm ra mật khẩu yếu, sau đó đột nhập vào các camera. Sau đó, họ sử dụng chương trình Trojan Horse để truy cập vào camera, để điều khiển từ xa camera giám sát, nhằm đạt được chức năng xem trực tuyến và phát lại video theo dõi.

Bên cạnh nhiều loại camera quay lén, có một số ứng dụng điện thoại di động cho phép điện thoại chụp ảnh hoặc quay phim khi màn hình bị khóa, cũng như các chức năng chụp hậu trường và hỗ trợ chụp ảnh im lặng.

Nguồn lợi nhuận khổng lồ

Các hình ảnh và video quay lén đã được rao bán với một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Trong một số cuộc trò chuyện nhóm, hàng trăm đến hàng ngàn bức ảnh hoặc video – được đặt tên là “tác phẩm” – được định giá từ vài nhân dân tệ đến vài trăm nhân dân tệ để được xem. Một số nhóm đã đưa ra mức phí thành viên một lần, chẳng hạn như 88 nhân dân tệ hoặc 128 nhân dân tệ (tương đương 14 USD hoặc 20 USD), để được tham gia nhóm và xem nội dung, vốn có thể được cập nhật trong tương lai. Chủ nhóm khuyến khích nhiều người tham gia hơn bằng cách nói nếu họ mang đến “các tác phẩm gốc” của chính mình, họ có thể tham gia miễn phí.

Cũng có những người bán các ID camera được giải mã – vài trăm nhân dân tệ có thể mua được hàng trăm ID.

Trong một cuộc trò chuyện nhóm, một số người rao bán tuyên bố rằng 220 nhân dân tệ (35 USD) có thể xem được hình ảnh từ 30 camera của nhà vệ sinh gia đình, phòng ngủ riêng, tiệm massage spa, phòng thay đồ, và khách sạn; trong khi 320 nhân dân tệ (55 USD) có thể xem được hình ảnh của 60 máy ảnh và 420 nhân dân tệ (65 USD) có thể mua quyền truy cập vào 100 máy ảnh. Ngoài ra, giá càng cao, thì vị trí đặt camera càng riêng tư.

Những kẻ chuyên quay trộm camera kiếm lời vì tất cả đều có thể được bán đi bán lại mà không phải trả thêm phí cho người bán. Theo một vụ việc được công bố trên trang web tòa án chính thức của Trung Quốc hồi tháng Sáu (2021), mỗi camera có thể tạo ra 100 mã mời cho 100 người xem trực tuyến cùng một lúc.

Ngoài việc bán các bức ảnh, một số người bán còn sử dụng cách tiếp cận nhanh hơn – tống tiền nạn nhân. Theo một bài báo phân tích của hãng thông tấn chính thức Pengpai.com vào tháng Ba (2021), gần 30% người bán đã áp dụng phương pháp này.

Các biện pháp ngăn chặn và trừng phạt hời hợt

Hầu hết mọi thành phố lớn ở Trung Quốc đều có báo cáo về các camera quay trộm trong các khách sạn, từ ký túc xá đến khách sạn 5 sao, và trong những năm gần đây ngày càng có nhiều những báo cáo như vậy.

Một bài báo từ trang Sohu.com vào năm 2019 đã dẫn lời một chủ khách sạn với thâm niên 10 năm hoạt động cho biết, về mặt pháp lý, thì khách sạn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm liên đới nào trong trường hợp bị quay trộm. Các khách sạn không có động lực để làm tốt hơn công việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng và chi trả cho các cuộc kiểm tra phức tạp và tốn kém liên quan đến việc kiểm tra camera quay trộm.

Mặc dù rõ ràng ĐCSTQ đã thẳng tay đàn áp vấn nạn quay trộm, nhưng các hình phạt đối với người vi phạm vẫn rất nhẹ.

Theo Điều 42 của Luật Trừng phạt Quản lý An ninh Công cộng của ĐCSTQ, bất kỳ ai nhìn trộm, quay phim bí mật, nghe trộm hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người khác sẽ bị giam giữ không quá năm ngày hoặc bị phạt không quá 500 nhân dân tệ (78 USD). Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, họ sẽ bị giam giữ từ 5 đến 10 ngày và bị phạt không quá 500 nhân dân tệ.

Vào tháng Ba, anh Chu (Zhou) ở thành phố Hạ Môn đã bị kết án sáu tháng tù giam và bị phạt 3,000 nhân dân tệ (470 USD) vì “kiểm soát bất hợp pháp một hệ thống máy tính” sau khi bẻ khóa trái phép 235 camera trên 43 thiết bị.

Ông Lại Nhất Minh (Lai Yiming), một nhân vật truyền thông ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng bản chất của chế độ Trung Cộng khiến cảnh sát không quan tâm đến việc truy quét tội phạm quay trộm.

Ông nói, “Công việc chính của cảnh sát ĐCSTQ là duy trì sự ổn định của chế độ ĐCSTQ, và những người dân thường là mục tiêu theo dõi và trấn áp của cảnh sát, vậy làm sao mà họ có thể chăm sóc và quan tâm tử tế đối với những người nằm dưới sự kiểm soát của họ đây?”

Huệ Giao biên dịch

Related posts