Suy nghĩ từ hai chiếc quan tài của hai vị tu hành

Mạc Văn Trang

6-1-2022

Quan tài của Tổng Giám Mục Tutu. Ảnh trên mạng

Ngắm nhìn chiếc quan tài của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (CHXHCNVN) và chiếc quan tài của Tổng Giám Mục Desmond Tutu (CH Nam Phi) ai là người có não đều phải suy nghĩ: Hai vị đều Đạo cao, Đức trọng, giữ vị trí cao trong Giáo hội. Nhưng sao Lễ tang và 2 chiếc quan tài lại khác nhau đến thế? Do đâu?

1. Theo NLĐO- “Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đại lão Hoà thượng không chỉ là một vị cao tăng đức trí vẹn toàn mà còn là một nông dân thực sự.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12-4-1917, tại thôn Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và xuất gia năm 1923 tại chùa Quán (Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, thụ Sa di giới, 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ kheo và Bồ tát giới tại Đại giới Đàn chùa Bút tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 1937.

Quan tài của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: VNExpress

Từ tháng 12-2007 đến nay, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị pháp chủ thứ 3 của Giáo hội.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đối với người dân trong vùng, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ.

Trong suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Đại lão Hòa thượng luôn cùng môn đệ cần cù cày cấy đến tận năm 80 tuổi. Khi tuổi sao sức yếu, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, hàng ngày Đại lão Hòa thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị như vậy, sao khi Ngài viên tịch, lại có chiếc quan tài khủng như vua chúa, là sao?

2. Tổng Giám Mục Desmond Tutu là nhân vật lẫy lừng và tên tuổi vang danh toàn cầu. Ngài Desmond Tutu qua đời ngày 26 Tháng Mười Hai 2021 ở tuổi 90. Ngài là người đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ phân biệt chủng tộc, chống chia rẽ các sắc tộc, chống tội ác đàn áp, đòi dân chủ, bình đẳng cho các tầng lớp bị áp bức. Ngài là biểu tượng của tinh thần đấu tranh phi bạo lực và tấm gương về đạo đức của người dân Nam Phi.

Desmond Tutu đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1984, Giải Albert Schweitzer cho chủ nghĩa nhân đạo năm 1986, Giải Pacem in Terris năm 1987, Giải Hòa bình Sydney năm 1999, Giải Hòa bình Gandhi năm 2005,[1] và Huân chương Tự do Tổng thống năm 2009.

Lễ tang của Đức Tổng Giám Mục Tutu diễn ra vào ngày 01.01.2022 trong một nhà thờ tại Cape Town, nơi được trang hoàng với bức hình của Ngài và chỉ với một vòng hoa cẩm chướng từ gia đình, như Ngài mong muốn.

Quan tài của Ngài chỉ là một chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền với những đoạn dây thừng đơn sơ (để nhấc lên, di chuyển).

Một câu hỏi: Vì sao Đại Lão hòa thượng lại bị rơi vào “hội chứng” của một thứ văn hoá kệch cỡm xa lạ với tinh tuý văn hoá Phật giáo dân tộc và những giá trị Chân, Thiện, Mỹ phổ quát của nhân loại.

Related posts