Daniel Khmelev
Úc đang củng cố tham vọng trở thành cường quốc hydro của thế giới, thiết lập một hiệp định thương mại mới với Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng sản xuất và xuất cảng hydro của Úc.
Chính phủ này coi hydro là một lợi ích tiềm năng cho nền kinh tế quốc gia, với ước tính rằng ngành công nghiệp này có thể tạo ra hơn 50 tỷ AUD (35.8 tỷ USD) trong GDP và 16,000 việc làm trực tiếp vào năm 2050.
Chương trình Thương mại Hydro Sạch (ACHTP) mới của Úc trị giá 150 triệu USD sẽ tài trợ cho các dự án chuỗi cung ứng hydro đặt tại Úc, miễn là các dự án đó cũng có năng lực thu hút các khoản đầu tư quốc tế.
Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu thứ nhất của đợt xuất cảng đầu tiên, theo khuôn khổ “Đối tác Nhật-Úc về Khử cacbon bằng Công nghệ” – một hiệp ước chung hiện hành tập trung vào phát triển công nghệ phát thải thấp.
Nhật Bản là một trọng tâm trong các mối liên kết hợp tác song phương gần đây của Úc, với việc hai quốc gia ký một hiệp ước quốc phòng lịch sử trong bối cảnh lo ngại về các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông tin rằng đây là bước đi mang tính quyết định trong việc thực hiện một kế hoạch dài hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide.
Ông Morrison cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế của mình, chẳng hạn như Nhật Bản để thực hiện các mục tiêu phát thải thấp của Úc.”
“Hydro sạch là trọng tâm trong các kế hoạch của Úc và Nhật Bản nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đồng thời phát triển các nền kinh tế và việc làm của chúng ta.”
Lộ trình Đầu tư Công nghệ năm 2021 của Úc đã nhắm đến hydro, và năm lĩnh vực ưu tiên khác, mà họ tin rằng sẽ cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bao gồm lưu trữ năng lượng, sản xuất thép và nhôm bằng công nghệ phát thải thấp, thu giữ và lưu trữ carbon, carbon trong đất, và năng lượng mặt trời với chi phí cực thấp.
Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ cao hydro của Úc, đã xây dựng hàng không mẫu hạm hóa lỏng đầu tiên trên thế giới mang tên Suiso Frontier, để vận chuyển hydro ở dạng lỏng bằng cách làm lạnh khí xuống dưới âm 253°C (âm 423°F).
Tham vọng về hydro hiện tại của Úc bao gồm các kế hoạch gần đây của hãng dầu khí Úc Woodside nhằm cung cấp năng lượng cho các thành phố của Nhật Bản bằng hydro Úc, cùng với các dự án xuất cảng hydro sang Nhật Bản ở Queensland và Victoria.
Ngành công nghiệp này cũng đã chứng kiến dòng vốn đầu tư tư nhân dẫn đầu bởi ông trùm khai thác mỏ Andrew Forrest, người đã kết hợp với chính phủ Queensland để tạo ra một trung tâm sản xuất hydro siêu lớn trên bờ biển miền trung của tiểu bang.
Những thắc mắc xung quanh hydro “sạch”
Tuy nhiên, ông Forrest, cùng với một số nhóm môi trường, đã nêu lên lo ngại rằng kế hoạch sản xuất “hydro sạch” của Úc liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, do đó phủ nhận những tác động tích cực của hydro như một loại nhiên liệu không chứa carbon dioxide.
Cụ thể, chính phủ có kế hoạch tạo ra một lượng “hydro sạch” thông qua “khí hóa” than nâu, một quá trình phản ứng than với oxy dưới áp suất và nhiệt độ cao thành khí hydro và carbon dioxide.
Để tránh việc sản xuất carbon dioxide, chính phủ có kế hoạch sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), bao gồm việc thu giữ khí thải và đưa chúng vào các hồ chứa lớn dưới lòng đất.
Nhưng các tổ chức truyền thông về biến đổi khí hậu do Hội đồng Khí hậu dẫn đầu trước đó đã không thừa nhận CCS, tuyên bố rằng công nghệ mới nổi này “chưa được chứng minh và đắt đỏ.”
“Bất chấp hàng tỷ dollar được chi ở đây và ở hải ngoại, không có dự án CCS nào thành công,” hội đồng này tuyên bố.
Thay vào đó, Hội đồng Khí hậu ủng hộ “hydro xanh” được tạo ra bằng điện phân, một quá trình liên quan đến việc truyền dòng điện (được tạo ra bởi năng lượng tái tạo) qua nước.
Tuy nhiên, trong khi các kế hoạch tương lai về hydro xanh đã được công bố, các dự án xuất cảng hydro hiện đang hoạt động đều sử dụng khí hóa than vì hydro được tạo ra thông qua quá trình điện phân vẫn chưa đạt được khả năng cạnh tranh về chi phí.
Cụ thể, chính phủ đã đặt mục tiêu rằng họ phải giảm chi phí hydro được tạo ra thông qua quá trình điện phân xuống còn dưới 2 USD/kg, một mục tiêu mà họ có kế hoạch đạt được vào năm 2030 sau khi phát triển năng lượng mặt trời cực rẻ.
Ông Daniel Khmelev là một phóng viên người Úc tại Perth chuyên đưa tin về năng lượng, công nghệ, và chính trị. Ông có bằng cử nhân toán, vật lý, và khoa học máy điện toán. Liên hệ với ông tại daniel.khmelev@epochtimes.com.au.
An Nhiên biên dịch