Hoa Kỳ cần phải cho Trung Quốc, Nga và Iran thấy được ý chí chính trị của mình

Conrad Black

Xe quân sự chở hỏa tiễn DF-17 siêu thanh (hypersonic) di chuyển qua Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc diễn hành quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Jason Lee/Reuters)

Như cố Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill đã có một câu nói nổi tiếng về Đệ nhị Thế chiến rằng, “Không có cuộc chiến nào dễ ngăn chặn hơn cuộc chiến này.” 

Không ai dự đoán một cách nghiêm trọng về cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hoặc Nga theo kiểu một cuộc chiến được tuyên bố và diễn ra cho đến khi một bên đầu hàng, nhưng tình trạng xấu đi trong mối quan hệ giữa các quốc gia này có thể được ngăn chặn. 

Do vô số những hành động xấu xa và hiếu chiến của Hitler cũng như sự tàn bạo trong cuộc tấn công lén lút của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng và trên khắp khu vực Thái Bình Dương nên đã dẫn đến một cuộc chiến toàn thắng, ít nhất là về phía phe Đồng minh. 

Sự thật là Stalin đã tạo ra một khoảng không hòa bình riêng với Hitler, và không tin nổi là đã phục hồi hiệp ước Xô – Đức mà sau đó chính Hitler đã vi phạm bằng cách bất ngờ đưa 200 sư đoàn tấn công Nga mà không hề cảnh báo hay có hành động khiêu khích nào trước đó. Nhưng Stalin chỉ làm vậy khi ông ta kết luận rằng các đồng minh phương Tây đã không nghiêm túc trong việc mở mặt trận thứ hai và bảo đảm việc đánh bại hoàn toàn phát xít Đức. Ông ta không định tiến hành cuộc chiến tổng lực với Đức để làm hài lòng Anh-Mỹ.

Những gì chúng ta đang có ngày nay với Trung Quốc và Nga hoàn toàn khác biệt khi các quốc gia đang ráo riết tìm kiếm sự ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới và đặc biệt là ngay tại các khu vực biên giới của họ, và dần dần phô trương sức mạnh của mình trong khi tìm cách tránh làm kích động tới Hoa Kỳ và các liên minh của Hoa Kỳ dẫn đến một phản ứng đối đầu. 

Trung Quốc là một thách thức lớn hơn nhiều so với Nga. Họ đã đạt được kỳ tích vĩ đại nhất trong việc làm thăng hoa nền kinh tế so với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Tất nhiên, thành tích đó rất không đồng đều. Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây cho biết 600 triệu người Trung Quốc sống với mức thu nhập dưới 1,000 nhân dân tệ (157 USD) một tháng. Đồng thời, khối tài sản kếch xù tập trung vào tay những đảng viên có địa vị tốt. Tăng trưởng kinh tế phải trả giá bằng suy thoái môi trường nghiêm trọng, và đi kèm với việc vi phạm nhân quyền trên diện rộng và việc thành lập một nhà nước cảnh sát toàn diện nhất mà người ta có thể hình dung cho tới nay. 

Trung Quốc là quốc gia duy nhất có những thời điểm trong quá khứ từng là một trong những quốc gia vĩ đại nhất thế giới và rơi vào tình trạng hỗn loạn, yếu ớt, bị ngoại bang coi thường và đã hồi sinh từ tình trạng khủng hoảng như vậy để trở thành một cường quốc trên thế giới lần nữa. 

“Chính sách mở cửa” của Hoa Kỳ, vốn luôn được khoa trương đối với Trung Quốc cách đây 125 năm, thực sự chỉ là một cánh cửa rộng mở cho phép Hoa Kỳ cùng với Nhật bản và các cường quốc Âu Châu khai thác một Trung Quốc suy nhược. 

Khi Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến năm 1949 và chiếm đóng Bắc Kinh, ông ta đã thốt lên một câu nói nổi tiếng “Trung Quốc đã đứng lên.” Đúng vậy, nhưng cũng đúng như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng “Trung Quốc không cao tới 10 feet”.

Trung Quốc hoàn toàn không phải là một quốc gia mạnh như Hoa Kỳ và việc giới hạn hoặc thậm chí loại bỏ sức mạnh cũng như ảnh hưởng vượt trội của Hoa Kỳ hiện nay khi Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu và vượt qua Hoa Kỳ đều phụ thuộc vào sự khác biệt của giới lãnh đạo và sự gắn kết trong chính phủ Hoa Kỳ.

Vì sự ám ảnh tới mức cuồng tín của giới chính trị lưỡng đảng cố hữu tại Hoa Kỳ nhằm đánh bại và trục xuất ông Donald Trump cùng những người thân cận và các chính sách của ông, một liên minh đã được thành lập vì mục đích này. Liên minh này còn mở rộng đến mức nó bao gồm cả những phần tử cực đoan bài xích Mỹ thường tụ tập lại dưới cái mác “sự thức tỉnh,” và đặc biệt bao gồm những phần tử cực đoan người Mỹ gốc Phi đang tìm kiếm sự đền bù lớn cho điều mà cố Tổng thống Lincoln gọi là “250 năm cực nhọc không công của những người nông nô,” một di sản của chế độ nô lệ.

Những phần tử này đã có hành động đe dọa một cách rõ ràng, “sẽ có các cuộc bạo loạn, sẽ có tiếng súng nổ, và sẽ có đổ máu” nếu họ không có được những gì họ muốn, (theo những lời gần đây của lãnh đạo phong trào Black Lives Matters tại New York, Hawk Newsome). Họ cực đoan đến độ khi bị từ chối bất kỳ điều gì thì phản ứng tức thì [của họ] là buộc cho [người khác] tội danh “phân biệt chủng tộc.”

Liên minh chống Trump này đã gặp phải nhiều khó khăn khi cố gắng kết nối với những người theo chủ trương ôn hòa truyền thống Bush-McCain-Romney và những người của Đảng Cộng Hòa chống Trump cho đến một loạt giới truyền thông, giới học viện, giới thể thao quyền lực, và Hollywood là những người công khai bài Mỹ và từ đó trở đi hình thành một nhóm thiểu số đáng kể người Mỹ gốc Phi thù ghét người da trắng. 

Liên minh lãnh đạo này rối rắm đến nỗi họ rất khó khăn để đạt được một sự đồng thuận về bất kỳ điều gì, tình trạng này còn trở nên tệ hơn do quyền lực tập trung của Tổng thống Biden rõ ràng đang suy giảm. Ông Biden chỉ được các vị trưởng lão của Đảng Dân Chủ chọn sau khi đảng này bị suy yếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đó, để thay thế một ứng cử viên rõ ràng không thể chiến thắng là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người vốn theo phe xã hội chủ nghĩa hoàn toàn. 

Ông Biden có một lịch sử lâu đời là người thân Trung Quốc và đó là còn chưa kể đến các khoản tiền hào phóng và bất minh mà gia đình Biden đã nhận từ Trung Quốc cho những sự vụ chưa được xác thực. 

Đây hoàn toàn là những tình huống tạm thời nhưng chúng đã khuyến khích Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về Hồng Kông mà họ đã ký kết với Anh Quốc, một trong những quốc gia được tôn trọng nhất thế giới. Và họ cũng không cho thấy bất kỳ một chiều hướng suy giảm nào về một tội ác diệt chủng kéo dài đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, và liên tục đàn áp tất cả các tôn giáo, hay tham gia vào các cuộc giao tranh quân sự gây hấn với Ấn Độ trên dãy Himalaya, đưa ra những tuyên bố vô lý rằng Biển Đông là vùng lãnh hải của mình, và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại Thượng Hải năm 1972 với tổng thống Nixon. Thỏa thuận đó đã khẳng định nguyên tắc một Trung Quốc thống nhất bao gồm cả Đài Loan, nhưng bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không cố gắng thống nhất một cách cưỡng bức, và Hoa Kỳ sẽ không khuyến khích tách hoàn toàn Đài Loan ra khỏi Trung Quốc. 

Sự thật vẫn là so với Hoa Kỳ, thì Trung Quốc là nước nghèo tài nguyên, tình trạng dân số già kinh niên (vì chính sách một con điên rồ của họ), không có thể chế chính trị nào hoạt động tốt và có uy tín cả trong và ngoài nước, và không có một tuyên bố hay con số nào do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố là đáng tin cậy. Họ đã phát triển mạnh mẽ để trở thành một chế độ toàn trị về công nghệ lớn nhất trong lịch sử, với khả năng xác định vị trí của từng người dân trên đất nước chỉ trong vài phút. 

Đó vẫn là một chế độ hủ bại đi kèm với tất cả những bất ổn cố hữu của các chế độ độc tài, và còn được làm cho phức tạp hơn trên thực tế khi họ tuyên bố trở thành một xã hội cộng sản trong quá trình thúc đẩy chủ nghĩa nhà nước tư bản độc quyền. 

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Austin tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không bị đe dọa bởi những hành động hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan là một điều đáng khích lệ. Hoa Kỳ dường như tụt hậu so với Trung Quốc và Nga về hỏa tiễn siêu thanh và không tạo ra được khả năng phòng thủ đầy đủ cho các hàng không mẫu hạm của mình, nhưng những khiếm khuyết này có thể bù đắp nhanh chóng và có thể được thay thế bởi các lĩnh vực khác mà Hoa Kỳ vượt trội hơn. 

Như ngài Churchill đã nói trong Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả những gì cần làm là thuyết phục người Trung Quốc rằng việc cố gắng cưỡng ép Đài Loan sáp nhập sẽ dẫn đến những hậu quả đắt giá, kể cả một cuộc tấn công vào một lực lượng xâm lược rất yếu ớt và lê bước chậm chạp trên khắp 130 dặm vùng nước ngoài khơi. 

Với Nga lại là một vấn đề khác và đơn giản hơn nhiều, quốc gia này có GDP thấp hơn Canada và không thể thực hiện một cuộc tổng tấn công ở Ukraine trước sự phản đối gay gắt trong một thời gian dài. Cũng giống như Trung Quốc với Đài Loan, có chút sự thật nào đó trong việc Nga tuyên bố Ukraine không thực sự là một quốc gia độc lập: Đất nước này từng là một phần của Nga trong khoảng 200 năm và dân tộc này không phải là một quần thể hoàn toàn bị đồng hóa bởi những ảnh hưởng ngoại lai.

Có thể có tới 10 triệu người Ukraine muốn là người Nga hơn, và nếu đúng như vậy, thì vấn đề này nên được giải quyết bằng một cuộc trưng cầu dân ý đích thực. Vì hầu hết người Nga ở Ukraine sống ở biên giới với Nga, nên giải pháp thuận tự nhiên sẽ là cho phép người Ukraine gốc Nga sáp nhập vào nước Nga và phần còn lại của Ukraine gia nhập NATO và Liên minh Âu Châu, và rồi Ukraine phải chấp nhận và hoàn thành các nghĩa vụ sau đó để hành xử như một quốc gia dân chủ phương Tây thực thụ và có trách nhiệm, điều mà Ukraine chưa từng tiếp cận.

Để đạt được một thỏa hiệp như vậy đòi hỏi một giới lãnh đạo nhanh nhạy và dứt khoát hơn so với chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn hiện nay, đồng thời cũng đòi hỏi sự hồi sinh của nước Đức từ tình trạng hiện tại, mà theo cách nói của cố Tổng thống Nixon là “một người khổng lồ bất lực đáng thương” của toàn Âu Châu. 

Tất cả những gì cần là một chút cứng rắn, đây không phải là điểm mạnh của chính phủ tê liệt của ông Biden. Điều này đòi hỏi phải tăng cường cung cấp và trang bị vũ khí tinh vi cho Ukraine và Đài Loan. Và bởi vì việc đàm phán với Iran dường như đã đi vào ngõ cụt, có lẽ cũng cần phải ngăn chặn việc Iran ngấm ngầm theo đuổi các vũ khí hạt nhân bằng một cuộc tấn công quân sự bình thường để phá hủy chương trình hạt nhân của họ. Những biện pháp này sẽ đủ sức mạnh để giữ vững nền hòa bình hiện tại trên thế giới bằng sức mạnh quân sự cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo bầu ra một chính phủ kiên cường hơn. 

Thuần Thanh biên dịch

Related posts