Omicron đang tiếp tục phá hủy nền kinh tế Trung Quốc

An Liên

Một khu dân cư bị phong tỏa để chống dịch ở Trung Quốc (ảnh: Từ video của BBC News)

Omicron đang kéo sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đi xuống. Tình hình hiện nay là số ca mắc bệnh không ngừng tăng lên, và vắc-xin của Trung Quốc đã được chứng minh là không hiệu quả.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo đuổi chính sách “Zero COVID”, nhưng kể từ khi bùng phát dịch bệnh Omicron, số ca mắc bệnh đã vượt xa con số 0. Mặc dù ít nhất 75% dân số đã được tiêm hai liều vắc-xin nhưng số người nhiễm Omicron vẫn tiếp tục tăng lên. Ngay cả liều thứ ba của vắc-xin Sinovac dường như cũng không có hiệu quả đối với Omicron. Do đó, Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào năm thứ ba thực hiện phong tỏa và thực hiện nhiều biện pháp hạn chế khác nhau, điều này cũng sẽ tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp kiểm soát xã hội. Vào ngày 28/12/2021, báo cáo của thành phố Tây An cho biết có 810 trường hợp COVID-19 có triệu chứng, khoảng 13 triệu cư dân đã bị phong toả trong thành phố. Tại Nội Mông, gần 10.000 du khách đã bị mắc kẹt do hàng chục trường hợp nhiễm COVID-19. Còn có khoảng 33.863 người bị mắc kẹt trong Disneyland Thượng Hải vì một trong số họ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hai chuyến tàu cao tốc đến Bắc Kinh đã bị hoãn, hàng trăm hành khách đã bị cách ly vì hai thành viên phi hành đoàn được phát hiện có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, một thành phố ở tỉnh Giang Tây đã tắt đèn giao thông để ngăn cản mọi người lái xe, sau khi một trường hợp được phát hiện.

Ngay cả những vật nuôi trong gia đình cũng bị như vậy. Ở Nội Mông, các nhân viên phòng chống COVID-19 thậm chí còn giết vật nuôi của những người bị cách ly khi họ đang khử trùng nhà cửa. Ở các thành phố như Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân và Vô Tích, mục đích duy nhất của chính quyền khi vào nhà những người bị cách ly là để giết vật nuôi của họ.

Các thành phố lớn vẫn bị phong toả, cảnh sát đã lập rào chắn, trường học bị đóng cửa, tàu hỏa bị hủy và hàng triệu cuộc kiểm tra COVID-19 đang được tiến hành. Nếu một ca bệnh được phát hiện tại địa phương, các quan chức địa phương sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt, vì vậy, nhiều quan chức đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh. Hắc Hà, một thành phố ở miền bắc Trung Quốc, tuyên bố phát động “chiến tranh nhân dân”, đưa ra phần thưởng lên tới 15.600 USD cho những cư dân báo cáo về những ai vi phạm các hạn chế.

Các hiệu thuốc bán thuốc hạ sốt phải đăng ký tên người mua trong cơ sở dữ liệu theo dõi virus, nếu không họ có thể đối mặt với nguy cơ bị mất giấy phép. Những công dân có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo với phòng khám cũng có thể bị khởi tố.

Các nhà chức trách ĐCSTQ không chỉ muốn cách ly những người tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh mà còn cách ly những người tiếp xúc gián tiếp với họ. Ứng dụng APP trên điện thoại di động được sử dụng để kiểm tra và cách ly những người đi qua các khu vực có khả năng bị nhiễm bệnh. Ở Thành Đô, 82.000 người được yêu cầu kiểm tra vì điện thoại di động của họ xuất hiện trong phạm vi 800 mét từ trường hợp nghi ngờ, và ở đó từ 10 phút trở lên.

Nỗ lực tiêu diệt virus của Bắc Kinh đã thất bại.

Hai năm sau, khi chúng ta xem xét tình hình dịch bệnh, chiến lược thích hợp nên là “quản lý” hơn là “tiêu diệt”. Các quốc gia như Úc và Singapore đã từ bỏ chính sách “Zero COVID” vì họ nhận ra rằng họ không thể ở trong tình trạng đóng cửa mãi mãi. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang tiếp tục phong tỏa thường xuyên và liên tục phá vỡ nền kinh tế; ĐCSTQ cũng đang cô lập mình với thế giới bằng cách hạn chế đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Vì sự thay đổi đột ngột của các quy tắc phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, một chuyến bay của Delta Air Line đã buộc phải quay lại nửa chừng giữa Seattle và Thượng Hải, điều này đã gây ra tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng khi máy bay hạ cánh xuống Hoa Kỳ. Do một số hành khách đã hết hạn thị thực và kiểm tra COVID, về mặt lý thuyết là không thể nhập cảnh lại Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã quyết định giữ số lượng các chuyến bay quốc tế đến ở mức 2,2%, và những người mới đến cũng phải cách ly 14 ngày. Ngay cả những công dân Trung Quốc về nước cũng phải hoàn thành rất nhiều thủ tục giấy tờ và nộp nhiều báo cáo xét nghiệm COVID-19. Đối với du lịch nước ngoài, chính phủ gần như đã ngừng hoàn toàn việc cấp hộ chiếu mới.

Cái giá phải trả của chính sách “Zero COVID” của ĐCSTQ là rất lớn.

Biên giới trên thực tế đã bị đóng cửa trong gần hai năm, và các quốc gia như Mông Cổ và Kazakhstan, những nước có nhiều giao thương với Trung Quốc, đã bị thiệt hại nặng nề. Năm 2019, Mông Cổ phụ thuộc vào Trung Quốc với 33% kim ngạch nhập khẩu, 89,1% kim ngạch xuất khẩu và 64,4% tổng kim ngạch thương mại. Vào thời điểm đóng cửa biên giới vào năm 2020, xuất khẩu của Mông Cổ sang Trung Quốc đã giảm xuống 68%, trong khi nhập khẩu vẫn ở mức 35,2%. Điều này là do xuất khẩu khoáng sản đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Kazakhstan, người dân cũng đang chịu thiệt hại kinh tế trong cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, trong khi hàng chục nghìn container rỗng nằm ngổn ngang ở biên giới. Trung Quốc thường xuyên đóng cửa các cảng biển của mình do một trường hợp lây nhiễm duy nhất, điều này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

ĐCSTQ đang thực hiện một cuộc đàn áp công nghệ, trong khi đất nước đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất động sản. Tốc độ xây dựng mới ở Chiết Giang và những nơi khác đã chậm lại do các chính sách phong toả lặp đi lặp lại. Đồng thời, do nền kinh tế trì trệ, giá nhà đất liên tục giảm.

Tăng trưởng của ngành bán lẻ cũng đang chậm lại, thậm chí thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu của Bắc Kinh. Tỷ lệ thất nghiệp cao tới 5%, chưa kể hàng triệu công nhân nhập cư có thể bị mất việc làm trong các nhà máy. Các nhà phân tích dự đoán rằng nền kinh tế yếu kém sẽ tiếp tục bước sang năm mới, đặc biệt nếu ĐCSTQ tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”. Tuy nhiên, để giảm bớt cú đánh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang có kế hoạch giải phóng thanh khoản 188 tỷ USD cho hệ thống ngân hàng, một động thái sẽ làm trầm trọng thêm nợ của Trung Quốc, vốn ước tính sơ bộ đã lên tới hơn 300% GDP.

Năm 2019, du lịch chiếm gần 12% tổng GDP của Trung Quốc. Chỉ riêng ngành du lịch trong nước đã trị giá 942 tỷ USD và cung cấp sinh kế cho khoảng 30 triệu người. Nhưng đến năm 2020, ngành du lịch đã giảm khoảng 60%. Do các hạn chế tiếp tục, không có kỳ vọng rằng sẽ phục hồi vào năm 2022.

Mặc dù ĐCSTQ đang áp dụng chính sách “Zero COVID”, ĐCSTQ vẫn có kế hoạch thúc đẩy Thế vận hội mùa đông năm nay. Các nhà chức trách trung ương đã ra lệnh cho chính quyền các thành phố xây dựng các cơ sở cách ly quy mô lớn cho hàng nghìn người nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm dịch và thử nghiệm này không có khả năng kích thích sự phục hồi của ngành du lịch.

Related posts