Cao Dương
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường khả năng thám hiểm không gian của mình với tốc độ gấp đôi Mỹ. Chương trình không gian của Trung Quốc là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc dự kiến tiếp tục nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc đua vào không gian mới xuyên suốt năm 2022. Cho đến nay, Bắc Kinh đang trên đà đạt được ít nhất 40 lần phóng vào không gian trong năm, gồm các nhiệm vụ hoàn thành trạm vũ trụ, phát triển căn cứ mặt trăng, và thực địa vệ tinh mới.
Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), một nhà thầu do nhà nước sở hữu, chịu trách nhiệm cho hầu hết các vụ phóng vào không gian của Trung Quốc, cho biết họ sẽ hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào năm 2022.
Việc hoàn thành trạm này sẽ cần thêm hai chuyến bay có người lái vào không gian, nằm trong số các lần phóng được lên kế hoạch cho năm 2022.
Các vụ phóng có thể giúp chính quyền Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực nhằm vượt qua Mỹ trong lĩnh vực phát triển không gian. Trong năm 2021, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thực hiện 48 vụ phóng thành công, đóng vai trò quan trọng giúp Trung Quốc đánh bại Mỹ trong hầu hết các vụ phóng trong năm.
Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện 55 vụ phóng vào không gian trong năm 2021; Mỹ có 51 vụ, còn tất cả các quốc gia khác trên thế giới có tổng cộng 40 vụ.
Ngoài ra, còn có các báo cáo rằng “Bắc Kinh-3”, một vệ tinh quang học của Trung Quốc được phóng vào tháng 06/2021, đã chụp ảnh khoảng 1.470 dặm vuông khu vực Vịnh San Francisco chỉ trong 42 giây. Các bức ảnh có độ chi tiết đủ lớn để nhận dạng từng chiếc xe. Hình ảnh không sắc nét như ảnh chụp với công nghệ hàng đầu của Mỹ, nhưng vệ tinh có thể di chuyển nhanh hơn gấp ba lần.
Chính quyền Trung Quốc cũng đang sẵn sàng tiếp tục sứ mệnh phát triển căn cứ trên Mặt trăng – Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế – cùng với Nga.
Nỗ lực thiết lập căn cứ trên Mặt trăng của Trung Quốc có liên quan đến tham vọng lớn hơn của nước này trong việc tái cơ cấu hệ thống cai trị toàn cầu theo thể chế hiện tại của Bắc Kinh. Nỗ lực này được so sánh với nỗ lực của Trung Quốc ở Biển Đông, một tuyến đường thủy nằm trong tranh chấp khi mà Bắc Kinh liên tục cố gắng mở rộng lãnh thổ bằng việc tạo ra các hòn đảo nhân tạo.
Chỉ huy trưởng chương trình thăm dò mặt trăng của Trung Quốc Diệp Bồi Kiến đã so sánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập sự hiện diện của con người trên mặt trăng, với những nỗ lực của nước này nhằm đòi quyền nắm giữ các vùng biển quốc tế.
Ông Diệp phát biểu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc: “Nếu chúng ta có thể đi ngay bây giờ nhưng lại không đi [chiếm giữ], thì về vấn đề không gian, con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự cái chúng ta đang gặp phải trong chuyện biển cả”. “Để bảo vệ quyền trong không gian của chúng ta, chúng ta phải đi”.
Sau đó, ông Diệp so sánh mặt trăng và sao Hỏa với các chuỗi đảo tranh chấp gần Nhật Bản và Philippines, cho rằng nếu Trung Quốc không có được sự hiện diện trên mặt trăng và sao Hỏa ngay lập tức, họ sẽ mất cơ hội.
Mỹ và các đồng minh nghi ngờ Trung Quốc có động cơ khác tiềm ẩn
Chính quyền Trung Quốc đã tập trung nguồn lực khổng lồ vào việc thống trị các vấn đề không gian trong những năm gần đây, và không gian ngoài thiên thể ngày càng được nhìn nhận là một lĩnh vực chiến lược đang có tranh đấu.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, chương trình không gian của Trung Quốc là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Mỹ, và hơn nữa là đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ dẫn đầu.
Về vấn đề này, một vị tướng hàng đầu của Lực lượng Không gian Mỹ đã nói trong một cuộc thảo luận hồi tháng trước rằng, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường khả năng thám hiểm không gian của mình với tốc độ gấp đôi Mỹ, và sẽ vượt qua vị trí của Mỹ vào năm 2030, nếu không có thay đổi nào được thực hiện trong nỗ lực phát triển các công nghệ từ không gian.
Một nỗi lo khác là sự phụ thuộc của Mỹ vào vệ tinh, thứ mà nước này sử dụng cho mọi thứ, từ GPS đến thông tin liên lạc cho đến tài chính — khiến nó trở thành một điểm dễ bị tấn công.
Do đó, quân đội Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc chiến mô phỏng vào tháng 12, để kiểm tra sức chịu đựng của kiến trúc vệ tinh trước các cuộc tấn công từ Trung Quốc và Nga.
Tương tự như vậy, các chuyên gia pháp lý và các nhà phân tích an ninh đã cảnh báo rằng, trong màn đầu tiên của bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ nhắm vào sự phụ thuộc gần như hoàn toàn của Mỹ vào các công nghệ từ không gian.
Paul Crespo, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ, chia sẻ với tờ Epoch Times vào tháng trước: “Không gian là tài sản lớn nhất và cũng là lỗ hổng lớn nhất của Mỹ”. “Người Trung Quốc và người Nga coi đó là gót chân Achilles của chúng ta”.
Cao Dương
Theo The Epoch Times